Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

SỰ KHAI NGỘ CỦA THIỀN SƯ THẦN TÁN

 

SỰ KHAI NGỘ CỦA THIỀN SƯ THẦN TÁN

Thiền sư Thần Tán lúc còn nhỏ thường hay thân cận với Tổ sư Bách Trượng mà được khai ngộ. Về sau ngài về nối nghiệp Bổn sư. Bổn sư hỏi :

- Ông rời ta đi các nơi có thu được sự nghiệp gì không ?

Ngài đáp : Vẫn không được gì .

Bổn sư bèn sai Ngài hầu hạ như trước. Một hôm Bổn sư đang tắm, sai Ngài kỳ lưng, Thần Tán vỗ vào  lưng Thầy nói :

Phật đường đẹp quá mà Phật chẳng thiêng.

 Bổn sư không hiểu, quay đầu lại nhìn. Ngài nói tiếp :

Phật tuy chẳng thiêng, mà hay phóng quang.

Một hôm khác, Bổn sư đang ngồi bên cửa sổ xem kinh, có một con ong chui vào tờ giấy dán ở cửa sổ để tìm lối thoát ra ngoài. Thần Tán thấy vậy nói :

Thế giới rộng thênh thang chẳng chịu ra, cứ vùi đầu vào giấy cũ, biết bao năm mới thủng ?

Rồi Ngài đọc bài kệ :

Không môn bất khẳng xuất

Đầu song dã thái si

Bách niên tán cố chỉ

Hà nhật xuất đầu thời

 

Cửa không chẳng chịu chui ra

Lủi vào song cửa…thật là quá ngu !

Trăm năm dùi giấy mịt mù

Cứ làm kiểu ấy bao  giờ thoát ra ?

Bổn sư nghe nói, cho là mắng mình, bèn đặt Kinh xuống hỏi :

- Ông rời ta đi hành cước một thời gian, gặp ai, học những gì mà khi về ăn nói lạ lùng như vậy ?

Thần Tán Thưa :  Con từ khi rời Thầy đến hội của Ngài Bách Trượng nhờ Ngài chỉ dạy được chỗ thôi dứt. Vì nhớ Thầy tuổi đã già nên quay về để báo thâm ân.

Bổn sư bèn bảo đại chúng đến giờ cơm thỉnh Thần Tán thuyết Pháp. Thần Tán liền lên toà, đề cao phong môn của Tổ Bách Trượng nói :

Linh quang độc diệu

Quýnh thoát căn trần

Thể lộ chân thường

Bất câu văn tự

Tâm tánh vô nhiễm

Vốn tự viên thành

Đãn ly vọng duyên

Tức như như Phật.

 

Linh Quang riêng chiếu

Vượt khỏi căn trần

Hiển hiện chơn thường

Chẳng nệ văn tự

Tâm tánh không nhiễm

Vốn tự viên thành

Chỉ lìa vọng duyên

Tức như như Phật.

 Bổn sư liền cảm ngộ, nói :

Chưa bao giờ lão tăng được nghe việc rốt ráo như thế này.

Rồi đem việc chùa giao cho Thần Tán, lại đảnh lễ Thần Tán, và tôn làm Thầy.

Quý vị hãy xem việc ấy thật là dễ dàng, đâu cần gột  rửa gì ? Quý vị và tôi ngày hôm nay đả thất được hơn mười ngày rồi, vì sao lại không ngộ đạo ? Chỉ vì chúng ta không chịu dụng công đến chỗ chết tiệt cái tâm lăng xăng, hoặc chỉ xem như trò đùa của trẻ con, hoặc cho rằng dụng công tham thiền thì phải ngồi yên trong  Thiền Đường mới được. Kỳ thật điều đó chẳng đúng. Người chân thật dụng công thì chẳng còn phân chia động tĩnh…đầu đường xó chợ, bất cứ chỗ nào cũng dụng công được.

Thuở xưa, có Hoà thượng Đổ Tử đi du phương. Một hôm trên đường vào chợ đi ngang qua  cửa hàng bán thịt, thấy khách hàng đến mua tấp nập, ai cũng đòi chủ tiệm cắt thịt nạc cho mình. Người bán thịt nổi giận buông dao xuống hỏi : “ Có miếng thịt nào không phải nạc đâu nà ?” Hoà thượng Đổ Tử nghe nói, bỗng nhiên khai ngộ.

Đủ thấy sự dụng công của người xưa, chẳng phải chỉ hạn cuộc ở trong Thiền Đường. Hôm nay, các ông chẳng ai kể lại nhân duyên ngộ đạo của mình, thật là uổng phí thời giờ. Xin kính thỉnh Pháp sư Ứng Từ cùng các Đại Hoà thượng khảo sát lại xem .

MỘT SỐ BÀI KỆ THIỀN KHI ĐÃ NGỘ ĐẠO

Bàng Uẩn nghe danh Hoà thượng Thạch Đầu  bèn đến yết kiến hỏi rằng : “ Ai là người không cùng muôn pháp làm bạn ?”. Thạch đầu liền lấy tay bịt miệng ông, Bàng Uẩn ngay đó có chút tỉnh ngộ. Một hôm Hoà thượng Thạch Đầu hỏi: “ Ông từ khi gặp lão Tăng đến nay, hằng ngày làm việc gì ?”. Bàng Uẩn thưa : “ Nếu hỏi việc hằng ngày thì không có chỗ mở miệng”. Rồi trình bài kệ như như thế này :

Nhật dụng sự vô biệt

Duy ngô tự ngẫu hài

Đầu đầu phi thủ xả

Xứ xứ một trương quai

Chu tử thuỳ vi hiệu

Khưu sơn tuyệt điểm ai

Thần thông tình diệu dụng

Vận thuỷ cập ban sài

 

Hằng ngày không việc khác

Tôi chỉ sống tuỳ duyên

Mọi việc không thủ xả

Nên chẳng gặp phải phiền

Tía hồng mặc người gọi

Núi gò bặt bụi trần

Bửa củi là diệu dụng

Gánh nước là thần thông.

Thạch Đầu chấp nhận và hỏi :

-Ông muốn xuất gia hay tu cư sĩ ?

Bàng Uẩn nói : Xin cho con được giữ nguyện không xuất gia. Về sau Bàng Uẩn đến tham vấn hỏi Mã Tổ  :

-Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn ?

Mã Tổ đáp : Đợi ông uống một hớp cạn dòng Tây Giang, ta sẽ nói cho ông biết. Bàng Uẩn liền đốn ngộ huyền chỉ, ở lại tham học  với Mã Tổ hai năm.

Cư sĩ  Bàng Uẩn từ khi tham thấu được “ Bản lai nhân” về sau không làm gì nữa, từ sáng đến chiều chỉ chuyên đan sáo tre để mưu sinh, gia tài có đến muôn quan, tiền vàng tiền bạc, ông đem liệng hết xuống sông Tương. Một hôm hai vợ chồng cùng ngồi bàn luận về pháp vô sinh, ông bảo :

-Nan nan nan, thập thạch du ma thọ thượng than

(Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên đầu cây vuốt )

Bà vợ nói :

Dị dị dị, bách thảo đầu thượng Tổ sư ý

( Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư )

Con gái tên Linh Chiếu nghe cha mẹ bàn, cười nói :

Dã bất nan, dã bất dị,  cơ lại ngật phạn, khốn lai thuỳ.

( cũng không khó, cũng không dễ, đói ăn cơm, mệt ngủ khì )

Từ đó biện tài của ông càng sắc bén, tiếng đồn vang dội khắp nơi. Một hôm ông đến thăm Dược Sơn, lúc từ giã, Dược Sơn sai mười vị thiền khách tiễn ông ra cửa, ông chỉ tuyết lơ lửng giữa trời nói :

Tuyết đẹp ! Từng mảnh, từng mảnh không rơi vào chỗ khác.

Một Thiền khách tên Toàn hỏi : - Rơi ở đâu ?

Ông cho Toàn một bạt tai, Toàn nói :

-Cũng chẳng nên lếu láo.

Ông bảo :  Sao gọi là Thiền khách ? Lão Diêm la chưa tha cho ông đâu !.  Toàn nói :  Cư sĩ làm gì vậy ?  Ông lại tát tai nói :

- Có mắt như mù, có miệng như câm

Bàng Uẩn còn lui tới những chỗ giảng Kinh, Luật. Một hôm nghe pháp sư giảng Kinh Kim Cang, đến chỗ  “ không ngã không nhân”, liền hỏi “ Thưa toạ chủ, đã không ngã không nhân thì ai giảng ai nghe vậy ?”. Toạ chủ không đáp được. Ông bảo : “ Tôi tuy là người thế tục nhưng cũng biết được chút đỉnh”. Toạ chủ hỏi : “ Thưa ý cư sĩ thì thế nào”, ông dùng bài kệ đáp :

Vô ngã phục vô nhân

Tác ma hữu sơ thân

Khuyến quân hưu lịch toạ

Bất tợ trực cầu chân

Kim Cang Bát Nhã tánh

Ngoại tuyệt nhất tiêm trần

Ngã văn tịnh tín thọ

Tổng thị giả danh trần

 

Không ngã lại không nhân

Làm gì có sơ, thân

Khuyên thầy đừng ngồi mãi

Đâu bằng thẳng cầu chân

Tánh Kim Cang Bát Nhã

Chẳng dính một mảy trần

Tôi nghe và tin nhận

Thảy đều giả danh trần.

Toạ chủ nghe xong hoan hỷ khen ngợi.

Một hôm, cư sĩ hỏi Linh Chiếu :

-Người xưa nói :  “ Rõ ràng đầu trăm cỏ rõ ràng ý Tổ sư” con hiểu như thế nào ?

Linh Chiếu nói : Ông già đã lớn tuổi rồi mà còn nói như vậy.

Cư sĩ hỏi : Con thì sao ?

Linh Chiếu đáp : Rõ ràng đầu trăm cỏ, rõ ràng ý Tổ sư.

Long Uẩn cười.

Lúc Bàng Long Uẩn sắp tịch, ông bảo Linh Chiếu, Con ra xem mặt   trời đã đứng ngọ chưa ?

Linh Chiếu bước ra xem rồi quay vào nói :

-Trời đã đúng ngọ nhưng lại bị tuyệt thực, sao cha không ra xem thử ?

Cư sĩ tưởng là thật, rời toà ngồi ra cửa xem. Trong lúc ấy Linh Chiếu liền lên toà của cha ngồi kiết già chấp tay thị tịch. Cư sĩ vào thấy Linh Chiếu đã mất than rằng : “Con gái lanh lẹ quá, đi trước ta rồi”. Ông đành hoãn lại bảy ngày nữa.

Quan Châu Mục là Vu Công đến thăm bệnh ông. Cư sĩ bảo : “ Chỉ mong không các cái có, cẩn thận đừng cho những cái không là thật. Khéo sống giữa đời, tất cả như bóng vang”. Nói xong ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà hoá. Theo lời di chúc, người ta mang thi hài ông đem thiêu và đỗ tro xuống sông Tương. Bà vợ ông được tin liền báo cho con trai hay. Cậu con trai nghe nói đứng chống cuốc, tựa trán vào đó mà tịch. Bà mẹ thấy vậy cũng tự ẩn đi.

Các ông xem, cả nhà họ Bàng gồm bốn người đều có được thần thông diệu dụng như thế, đủ để các ông tin là làm cư sĩ cao quý biết bao ! Bây giờ, chớ nói là trong hàng cư sĩ các ông không có nhân tài giống vậy, mà cả hai chúng xuất gia, cũng chẳng khác gì Hư Vân này. Mong các ông hãy nỗ lực, tinh tấn .

Lúc ở Giang Tô Ngài Hư Vân  từng gặp một vị Tăng, rồi về sau không nghe tin tức gì, bèn sai vị Tăng đi mời Sư,  Đại Mai dùng bài kệ đáp :

Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm

Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm

Tiều khách ngộ chi du bất cố

Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm

Nhất trì hà diệp y vô tận

Sổ thọ tùng hoa thực hữu dư

Cương bị thế nhân trì trụ xứ

Hựu di mao xá nhập thâm cư

 

Cây khô gãy mục dựa rừng hoang

Mấy độ xuân về chẳng đổi tâm

Ông tiều gặp phải không thèm ngó

Dĩnh khách nhọc chi phải kiếm tầm ?

Lá sen vô tận may làm áo

Lót dạ hoa thông mãi vẫn thừa

Vừa bị người đời hay chỗ ở

Liền dời nhà ẩn tận non xanh.

Chuyện tu hành không có gì khác, chỉ cần phải rõ đầu đường : “Mục đích chính của chúng ta là thành Phật, là liễu sanh thoát tử”. Cho nên phải dụng công miên mật, đêm ngày sáu thời không gián đoạn, như dòng nước chảy không dừng, cần phải “ linh minh bất muội, liễu liễu thường tri”. Tất cả tình phàm vọng tưởng cần phải chặt dứt.

Người xưa nói :

Học đạo du như thủ cấm thành

Khẩn bả thành đầu chiến nhất trường

Bất thọ nhất phiên hàn triệt cốt

Chẫm đắc mai hoa phốc tỷ hương

 

Học đạo giống như giữ cấm thành

Đầu thành giữ chặt đánh tan xương

Chẳng trải một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

 

Ngài Hư Vân là một vị Tăng đã chứng ngộ được thiền cơ, sự hoằng pháp lợi sanh của ngài thật vô tận, không một việc gì không làm. Ngài lưu tâm xây dựng trùng tu nhiều chùa chiền, tự viện bị hư hoại bỏ hoang. Công cuộc trùng tu  và khôi phục lại nếp sống Tăng già của các tự viện bị bỏ hoang rất là cam go cực khổ, thế mà ngài vẫn làm xong. Sau đây là bài thơ nói lên nổi cơ cực trong thời gian trùng tu khôi phục lại các tự viện bỏ hoang :

Chùa xưa xây lại

Muôn vàn đắng cay

Hoạn nạn tuy nhiều

Thoát nhờ Tam bảo

Nguyện con kiên thường

Lời minh khắc rõ

Bao đời xưa nay

Thuỷ chung kiên cố

Các cảnh đan xen

Không trước không sau

Người đây thông suốt

Thấu rõ pháp thân

Trong kiếp vị lai

Gặp được tri âm

Lời này khắc tặng

Nối trước truyền sau

Nhân duyên chín muồi

Ưu Đàm nở hoa

( Ghi lại những bài thơ của Tỳ Kheo Hồng Đoạn )

Vân cư sáng lập đã ngàn năm.

Nền đổ lâu ngày cỏ phủ giăng

Phát tâm xây dựng đà không dễ

Dọn ngói tro tàn cũng khó khăn

Mong được người sau tu bổ hộ

Danh thơm vạn thuở tiếp Thánh nhân

Người mắt sáng hiểu nhân rõ quả..

Sau ắt sanh về cõi Lạc Bang.

                                                           Hồng Đoạn

Từ tôi xây dựng đã mười năm

Chết đi sống lại biết bao lần

Lê chân ngàn dặm xin tiền của

Đói khát đủ điều cũng một thân

Lắm điều kinh khủng, không nệ khổ

Sóng vờn thấm thía chiếc thuyền nan

Nếu người hậu lai huỷ, sẽ đoạ..

Địa ngục, tam đồ đoạ khổ vạn phần.

Cảm tác khi mới lên núi :

Lập chí Vân Cư, tuyển Phật trường

Lên đây mưa gió quá thê lương

Ban sơ khách đến chen không lọt

Nay chẳng một người viếng thượng phương

Cỏ hoang quấn quý văn bia đổ

Đường vắng chân người, rêu phủ xanh

Trăng soi dòng biếc, ai người tỏ

Cây lá thì thào đón tịch dương.

Ngỏ lòng :

Chặt gai phát cỏ dựng nhà Thiền

Trước sau tính lại quá mười niên

Xương đau, chống gậy lê muôn dặm

Mềm lòng nhà cất biết bao phen

Vạch mây trèo đá xuyên qua đỉnh

Chận sóng khơi dòng phá vách ngăn

Ba lần liều mạng nhưng chưa chết

Ai cần gởi lại bậc cao hiền.

                                                Hồng Đoạn

***

SỰ KHAI NGỘ CỦA THIỀN SƯ THẦN TÁN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét