Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

NGƯỜI TRƯỢNG PHU

 

NGƯỜI TRƯỢNG PHU

          Người tu hành chân chính, không bị lợi danh ràng buộc chi phối gọi là người trượng phu . Kinh Hoa Nghiêm nói : “ Tất cả nam, nữ nếu đủ bốn pháp thì gọi là người trượng phu: 1/ Gần gũi thiện tri thức 2/ Biết lắng nghe pháp 3/ Biết tư duy pháp 4/ Y pháp tu hành.

          Trượng phu là người có ý chí khí : “ Khí thắng chí là tiểu nhân; Chí thắng khí là đoan nhân chánh sĩ; Khí và chí ngang nhau là hiền nhân đắc đạo. Kẻ gọi là trượng phu thì chí khí điều hoà.

           Chẳng phải bay lên không trung

          Chẳng phải lặn xuống đáy biển

          Chẳng phải chui vào hang núi

          Dù tìm khắp thế gian này

          Chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã tạo.

         

          Giả sử bách thiên kiếp

          Sở tác nghiệp bất vong

          Nhân duyên hội ngộ thời

          Quả báo hoàn tự thọ

 

          Dù qua trăm kiếp ngàn đời

          Bao nhiêu nghiệp đã gieo rồi còn đây

          Nhân duyên hội ngộ đủ đầy

          Nghiệp kia đã tạo quả này phải mang.

 

          Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị

          Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị

          Muốn biết nhân đời trước, xem quả nhận đời nay

          Muốn biết quả đời sau, hãy xem nghiệp đời nay

 

          Trong các pháp tâm làm chủ

          Tâm dẫn đầu tạo đủ mọi duyên

          Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền

          Như xe lăn bánh khổ liền theo sau .

          Nếu tu hành không thành người trượng phu, thì người ấy sẽ bị nghiệp chi phối, ràng buộc, dắt dẫn. Một khi nghiệp đã tạo là những cái hành nghiệp đã tạo ra từ nhiều đời kiếp về trước do tham, sân, si làm động lực sinh ra từ thân, khẩu, ý. Nghiệp nhân đã gieo tạo rồi thì chắc chắn sẽ chẳng mất, dầu chỉ một hào một ly cũng không sai mất. Tất cả đều được huân tập và lưu giữ trong tàng thức, dưới dạng chủng tử. Những chúng tử của các nghiệp thiện hữu lậu và bất thiện này luôn luôn vận chuyển biến đổi để tồn tại và phát triển, chờ đến khi hội đủ nhân duyên thì hiện hành thành nghiệp quả. Lúc ấy hễ đã gieo nhân và thời kỳ trổ quả đã đến thì tất nhiên phải gặt quả lấy. Quả báo có tính chất ai làm nấy tự chịu, quả báo là để báo đền cho nhân, nhân quả tuần hoàn nhau, vay trả, trả vay không hề sai chạy, nghĩa là tự tác hoàn tự thọ, chứ người khác dầu là cha mẹ cũng không thay thế cho nhau được.

          Các bài kệ trong kinh Nhân quả đã nói, có nghĩa là khi đã tạo nghiệp, dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất, khi hội đủ nhân duyên thì quả báo sẽ đến và chúng ta phải nhận chịu. Đôi khi chúng ta  tưởng những việc chúng ta đã làm sẽ qua mất theo thời gian, nhưng thật sự nó không mất. Như tiếng nói phát ra chúng ta tưởng là mất, nhưng thật sự âm vang của nó còn lưu lại đâu đó trong không gian và thời gian.  Ví như âm thanh và hình ảnh được máy quay phim  ghi lại, Ba mươi năm sau hoặc lâu hơn nữa, mở phim ra những hình ảnh và âm thanh ngày xưa hiện ra không thêm không bớt còn nguyên vẹn như xưa. Hành động của chúng ta cũng thế. Đã rõ lý nhân quả thì chúng ta phải dè dặt từng hành động, từng lời nói là vậy.

***

NGƯỜI TRƯỢNG PHU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét