Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO

 

 TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO

          Theo tác giả Hoàng Thi Thơ: “Xuất thế là một xu hướng chung của nhiều tôn giáo đương thời, nhưng Đức Phật lại xây dựng một tôn giáo có tinh thần nhập thế, vì chủ trương bác bỏ vị trí thần thánh tối thượng của đẳng cấp Bà La Môn đương chính thống, chống lại tục sát sanh trong các tế lễ và luận chứng cho tính bình đẳng về niềm tin tôn giáo của mọi chúng sinh trong “ bể khổ”  cuộc đời…  Có thể khẳng định Đại thừa là sự tiếp tục tinh thần nhập thế của Phật giáo như một tôn giáo xuất thế ”.

          Thế nào là xuất thế, nhập thế ? Tất cả các tôn giáo chủ trương có một đấng Chúa tể hay Thượng đế, hoặc thần thánh, là những vị sáng tạo ra thế giới và loài người, chúng sanh. Các vị ấy có một thế giới riêng biệt với con người trần tục, có quyền năng thế lực siêu nhiên. Các vị thần linh ấy cai quản con người và bảo vệ con người. Vì thế con người phải tin tưởng vào các vị thần linh để được bảo vệ và che chở lúc còn sống, sau khi chết trở về với nước Chúa hoặc thiên đường. Nên gọi là tinh thần xuất thế, tức vượt ra khỏi cuộc đời trần tục thế gian này sau khi chết. Cõi trần gian là cõi tạm, cõi thiên đường là cõi vĩnh hằng vì thế mọi người tin theo tôn giáo đều có tâm hướng về cõi xuất thế. Tin theo Chúa thì hướng về nước Chúa, tin theo Phật thì hướng về cõi Phật, nên nói đến đạo là nói đến tinh thần xuất thế.

          Vậy tin theo Chúa hướng về nước Chúa, còn tin theo Phật hướng về cõi Phật, thì có khác nhau gì không ?  Tuy hai khuynh hướng xuất thế cùng nhau hướng về cõi vĩnh hằng, nhưng lại khác nhau rất xa. Đạo Chúa chỉ tin theo lời Chúa thì được phúc lạc đời đời và sau khi chết được lên nước Chúa, nếu ai không tin chúa thì không những bị Chúa trừng phạt mà còn không được lên thiên đàng.   Ngược lại Phật không bắt ai tin theo ngài, và ngài không hứa sẽ cứu rỗi ai hoặc trừng phạt ai nếu không tin theo ngài. Việc hướng về cõi Phật là sự tự nguyện chứ Phật không đưa ra điều kiện. Duy khác giữa đạo chúa và đạo Phật là có tin Chúa dù có làm ác cũng được chúa rước, còn tin theo Phật làm ác thì không bao giờ lên được cõi Phật. Phật nói gieo nhân ác thì hưởng quả xấu, gieo nhân lành hưởng quả tốt, do mỗi người chứ Phật không nắm cân công lý, nhân và quả của mỗi chúng sanh, chứ Phật không có hứa thưởng hoặc phạt .

          Còn nhập thế là gì ?  Nhập thế là đi vào cuộc đời. Mục đích của đạo Phật là tu tập để tiến đến giải thoát. Giải thoát của đạo Phật là giải thoát khổ đau, gần là các sự khổ ở ngay cuộc đời này, và xa nữa là giải thoát cái khổ của sanh tử, để đạt đến cõi Niết bàn. Nhưng cái giải thoát của đạo Phật không phải cầu xin mà có được, mà là sự chuyển hoá  ý niệm ác và hành động ác. Chuyển hoá từ ý niệm ác qua ý niệm lành, chuyển hoá từ hành động ác thành hành động lành, thì con người sẽ có sự bình an trong nội tâm và môi trường thanh tịnh.

          Phật giáo có hai khuynh hướng nhập thế và xuất thế, Phật giáo Nguyên thuỷ nghiêng về nhập thế nhiều hơn, nên gọi là  Phật giáo Tiểu thừa, tức chuyên tâm tu cho được giải thoát bản thân mình rồi sau mới ra hoá độ người khác. Ngược  lại Phật giáo Đại thừa hay gọi Phật giáo phát triển, thì vừa lo tu cho bản thân mình lại vừa đi hướng dẫn người khác tu theo như mình để được giải thoát. Vì thế có tư tưởng Bồ tát xuất thế, Bồ tát không phân biệt Tăng hay tục đều có hạnh nguyện giống nhau, đem Phật pháp vào đời sống nhân gian dưới mọi hình thức giúp cho chúng sanh thâm hiểu được Phật pháp để chuyển mê khai ngộ, bỏ ác làm lành. Cứu giúp chúng sanh, nghèo đói, bệnh tật, tranh đấu bất hoà … Bồ tát đều đáp ứng và hoá giải hết…chúng ta thấy hằng ngày Phật giáo từ Tăng Ni và Phật tử luôn luôn làm các công tác từ thiện : Phát thuốc, chữa bịnh, xây cầu làm đường, cứu trợ thiên tai lũ lụt v.v.. đó là tinh thần nhập thế của Đại thừa Phật giáo của tinh thần Bồ tát đạo.

          Giữa hai khuynh hướng nhập thế và xuất thế của đạo Phật làm cho đạo Phật không bị mai một mà còn phát triển thêm lên, vượt qua và nổi trội trên các tôn giáo khác và các tư tưởng của thế tục. Làm cho chúng sanh bớt khổ được vui, chiến tranh giảm bớt, mọi người gần nhau hơn, và thân thiện hơn, không còn cách biệt bởi màu da sắc tộc, tôn giáo v.v… làm cho thế giới hoà bình nhân sanh an lạc.

Theo Edward Conze  (2005) trong lược sử Phật giáo đã nêu nhận định về nhập thế của Đại thừa như một khuynh hướng chống lại kinh viện : “ …. Một bên là những người xem Phật pháp như phương tiện để tạo ra một số ít các vị A La Hán sống cách biệt trong các tự viện với sự nghiêm trì giới luật, và bên kia là những người muốn gia tăng khả năng mang lại sự giải thoát cho những người bình thường….”.

          Đây là tư tưởng tự do, không câu nệ kinh điển, giới luật mà chủ trọng giải thoát đối với số đông chúng sinh. Tư tưởng đó được gọi là Đại thừa.

          Theo nhiều nhà nghiên cứu, tư tưởng Bồ tát Đại thừa khi vào Trung Quốc đã có sự tiếp biến văn hoá với Nho giáo và học phái Lão – Trang đó,  học phái Lão- Trang là mảnh đất tốt cho hoa trái Thiền sinh sôi nẩy nở trên cơ sở lý luận Phật học về Tính Không của các pháp, về bản thể sự vật, phát huy trí tuệ  hay “ Bát Nhã”. Các vị Thiền sư có trí tuệ và đạo đức của Bồ tát, vừa cứu đời vừa tự tại, đạt tới giải thoát viên mãn. Như vậy, họ vẫn tiếp tục khuynh hướng nhập thế của Phật giáo. Đặc biệt, tư tưởng vô ngã của Phật giáo là cuộc cách mạng tôn giáo vĩ đại lúc đó. Được xây dựng trên cơ sở học thuyết Duyên khởi, Tam pháp ấn ( Vô thường, khổ và vô ngã ) là ba dấu ấn khả chứng của chánh pháp.

( Trích : Tinh thần Trúc Lâm trong dựng nước và giữ nước của Nguyên Cẩn  VHPG 15-12-2020 số : 358 )

{]{

TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét