Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH

 

TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH

          Có người quan niệm rằng việc tu tập chỉ dành riêng cho những người rảnh rang, nhàn hạ, những người dư của thừa tiền. Hay những người già cả, vì thế có câu nói “ trẻ vui nhà già vui chùa”. Câu nói này là một câu làm cho Phật giáo ngày xưa không có người trẻ tuổi đến chùa, toàn là những người già, cái tư tưởng hủ lậu đó ảnh hưởng đến ngày nay cũng chưa hết. Và câu hát cải lương làm mê mủi lòng người lại làm cho người trẻ tuổi không dám đi tu, gán cho người đi tu là chán đời thất tình của vở cải lương “ Lan và Điệp”. Nhưng thật sự ngược lại, người càng tất bật, tối tăm mặt mũi, hay chán đời hoặc thất nghiệp thất tình, tuổi già hay tuổi trẻ, thông minh hay đần độn, giàu hay nghèo đều có thể tu tập được hết. Dù bận rộn đến đâu hay thế nào đi nữa trong cuộc sống  lại càng phải ráo riết tu, để không tạo ra những nghiệp bất thiện do thân, khẩu, ý, vì những bon chen tranh chấp hằng ngày đưa đẩy con người rơi vào vô vàn những niệm suy nghĩ và hành động cả xấu lẫn tốt, mà trong cuộc sống cái xấu dễ nhiễm sâu hơn cái tốt vào trong tâm chúng ta. Trong cuộc sống có những cái bất ngờ khiến chúng ta lúng túng dễ rơi vào những cạm bẫy lọc lừa, hố thẳm sa đoạ nếu chúng ta không có một nền tảng đạo đức nhận thức chắc chắn, và nếu chúng ta không có bản lĩnh dễ sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với nghịch cảnh khi nghịch duyên xuất hiện.

          Hạn chế tâm niệm xấu khiến nó tiêu mòn, khơi dậy tâm niệm tốt khiến nó tăng trưởng, đây chính là việc làm của người tu. Đối với những ai bận rộn lo kinh tế, tất bật cả ngày mà bảo phải tụng kinh, niệm Phật, chắc chắn khó có thể làm được. Nhưng tu ở đây là chỉ cần bỏ ý nghĩ xấu, nuôi dưỡng ý nghĩ tốt, dừng những hành động ác, tạo những hành động thiện, thì chẳng mất thì giờ chút nào, mà vẫn tu được. Tu là thay đổi ý nghĩ và hành động từ tiêu cực sang tích cực, chuyển ác thành thiện vậy thôi, không ai là không làm được.

          Khi buôn bán, làm ăn nói những điều lành, có những hành động thiện càng được khách mến, việc làm ăn dễ dàng phát đạt. Đối với người nông dân thì cần mẫn chăm chỉ, giúp gia đạo tạo ra nông sản để cung cấp cho bà con đồng bào đó chính là ý nghĩa lành, đó là tu. Là học trò cố gắng học giỏi, dù học vừa vừa không giỏi lắm cũng không gian lận thi cử, không làm thầy cô buồn, không phụ thấy cô,để mai sau giúp cha mẹ, xây dựng đất nước giàu mạnh đó cũng là tu. Trong nghèo khó vất vả, bận rộn lo toan mà vẫn có tấm lòng, lời nói hiền hoà, hành động lương thiện, khiến mọi người thương mến thì sẽ an lạc hạnh phúc và sẽ được mọi người quan tâm giúp đỡ. Nếu bệnh hoạn mà cho rằng đó là chướng ngại tu hành, sanh tâm phiền não, thì quả là quan niệm sai lầm. Khi còn khoẻ mạnh chúng ta tu, để khi yếu bệnh có đủ đạo lực tu tiếp, càng gần tử thần càng phải quyết tâm tu quyết liệt, vì chặp tư tưởng cuối cùng quyết định trạng thái tái sanh; Nếu dừng ngang do bệnh hoạn thì việc tu tập đã trở thành hoài công vô ích. Cho nên khi nghiệp bệnh phát khởi, chúng ta phải dồn hết tâm lực tu tập, chuyên tâm không lơi niệm, để được gần Phật, gần Tăng, mới mong thoát khỏi luân hồi muôn kiếp.

          Tu chính là kiểm soát tâm của tự bản thân mình bất cứ lúc nào (trong từng sát na ), phát triển lòng từ bi, khai mở trí tuệ. Người tu là người biết phục thiện, mỗi khi có lỗi lầm biết sữa lỗi ngay. Không oán hờn trách móc, không đỗ lỗi người khác, do vậy mọi người có thể tu trong mọi hoàn cảnh. Không dao động vì bất cứ điều gì, nhận thức được thực chất của cuộc đời này là giả tạm, vạn vật đều biển đổi hư hoại theo thời gian, nhận ra chân tướng của từng sự việc nghịch ý xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng giải quyết ổn thoả những khó khăn vướng mắc đó, vượt qua nó mà vẫn giữ được tâm ý an lành, mặc cho ngoại cảnh thế nào đi nữa.

          Tất cả mọi sự vật, hiện tượng rồi sẽ tan biến như sóng biển dâng trào và lan toả, như âm thanh quấn quyện  cuốn hút và loãng dần, nhưng chân lý Phật pháp đã tồn tại hơn hai ngàn năm trăm năm đã rất thực tế khi được ứng dụng vào cuộc sống văn minh hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, trào lưu đẳng cấp của chúng ta. Nhân duyên rất lớn khi chúng ta sinh được làm thân người, lại được gặp Phật pháp, khi chúng ta có được nhân tố tốt, và chủng tử của Phật pháp. Sự tu tập theo giáo Pháp đức Phật của từng con người, từng cá nhân là đã nỗ lực góp sức lớn vào việc giữ gìn thế giới hiện tại, cải tạo thế giới trong tương lai để có những trào lưu đạo đức Phật giáo vững mạnh. Với căn bản đạo đức làm đẳng cấp chứ không còn lệ thuộc vào những phương tiện vật chất để thể hiện đẳng cấp của từng cá nhân hay cả nhân loại.  Người thực hành giáo lý của Phật trước tiên sẽ có lợi ích cho chính bản thân mình, thứ đến đem lại an lạc cho gia đình và xã hội, hiện đời và nhiều đời sau.

{]{

TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét