Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

THIỀN CÓ KHẢ NĂNG TRỊ BỆNH

 

THIỀN CÓ KHẢ NĂNG TRỊ BỆNH

 Các nhà y học và khoa học phương Tây và phương Đông  trên thế giới nghiên cứu về thiền có khả năng trị liệu các chứng bệnh mà không cần dùng đến thuốc.  Các khoa học gia tân tiến đã thí nghiệm và cho thấy Thiền Phật giáo có thể  “ Làm cho con người trẻ đẹp hơn, thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, chống lại bệnh tật và tuổi thọ kéo dài hơn”.

Mỗi ngày chỉ cần ngồi yên tỉnh toạ hai lần, mỗi lần chừng 20 phút, thì có thể trị được bệnh và có những lợi ích khác. Không những giảm bệnh mà tánh tình cũng thay đổi, bớt nóng nảy,bớt lo âu, buồn, giận, hơn thua thị phi v.v…

Trước hơn hai ngàn sáu trăm năm, Đức Phật Thích Ca đã nói “Vạn pháp duy tâm tạo”. Vui hay buồn, an lạc hay khổ đau đều do tâm con người tạo. Mỗi khi tâm trong trạng thái căng thẳng ( stress) do tâm phát động thì làm cho chất hoá học cortisol xuất hiện, các tuyến nội tiết trong cơ thể sẽ tiết ra những kích thích tố để thay đổi môi trường và chức năng làm ảnh hưởng đến các bộ  phận trong cơ thể, vì vậy dẫn đến các bệnh như tim mạch, huyết áp và dạ dày và cùng một số bộ phận khác.

 Khi bị căng thẳng, hệ thần kinh giao cảm bị kích hoạt Chất Norepinephrine được tiết ra bởi các dây thần kinh, và chất Epinephrine được tháo tiết từ các tuyến thượng thận. Bằng cách kích hoạt các thụ thể trong các mạch máu và các cấu trúc khác, các chất này làm cho tim và các bắp thịt gia tăng hoạt động.

 Tâm cũng là nguyên nhân chính đem đến cho mỗi cá nhân niềm an lạc hạnh phúc. Và một người có nhiều hạnh phúc thì người đó ít bệnh tật. Vì thế Thiền đóng vai trò như là một thứ thuốc trị nhiều chứng bệnh mà khoa học đã khám phá ra.

Hạnh phúc là gì và ở đâu ?Hạnh phúc là niềm vui có được trong cuộc sống hằng ngày, ở đây và tại đây.

Nhiều cuộc nghiên cứu của khoa học cho thấy an lạc và khổ đau là hai hướng tác dụng đối nghịch. An lạc ( hạnh phúc ) làm cho con người gia tăng sức khoẻ và tuổi thọ, thấy đời đáng sống và đóng góp nhiều thành công cùng gia tăng hoạt động có ý nghĩa. Còn khổ đau thì ngược lại, gây nên bệnh tật, chán đời, thất bại…

 Hạnh phúc là điều mỗi cá nhân tự cảm nhận. Có ba loại chính :

a/ Cảm xúc tích cực như thương yêu . Phật giáo gọi là Tâm từ. “Từ nhãn thị chúng sanh”. Nghĩa là nhìn tất cả chúng sanh bằng con mắt thương yêu.

b/ Yêu đời, vui vẻ, thoả mãn với cuộc sống

c/ Ít lo, ít giận, ít buồn..

Các cảm xúc này chia thành sáu loại :

1/ Giận hờn, 2/ Ngạc nhiên, 3/ Khinh và ghê tởm, 4/ buồn rầu,

5/  An lạc, 6/ Sợ hãi, lo âu.

Qua đó, chia cảm xúc thành hai nhóm : Nhóm an lạc và nhóm khổ đau. Cảm xúc tiêu cực như giận hờn, ngạc nhiên, khinh khi, buồn chán và sợ hãi sẽ  góp phần  làm thương tổn sức khoẻ.

 Khoa học cho biết niềm an lạc nằm ở phía bên trái thuỳ não phía trước, và Thiền giúp cho vùng này được phát triển để gia tăng và làm cho sự an lạc được lâu bền. Ngược lại vùng tương ứng bên phải của não làm gia tăng hoạt động khổ đau như giận hờn, ghê tởm, buồn rầu.. Vùng não trước trán bên trái gia tăng hoạt động an lạc. Vùng não bên phải  gia tăng hoạt động khổ đau.

 Niềm an lạc  đến từ ba yếu tố :

1/Di truyền ( Genetics)  2/Tập luyện  3/ Môi trường sống

Người ta nghiên cứu hạnh phúc do di truyền 50%, sự cố gắng cá nhân ( tập luyện ) 40 % và hoàn cảnh ( môi trường ) chỉ chiếm 10 % mà thôi.

 Nếu muốn có hạnh phúc ngoài yếu tố di truyền, chúng ta nên nhìn đời bằng khía cạnh tích cực, luôn an lạc vui vẻ trong cuộc sống. Nói cách khác tâm luôn yêu đời, an vui tự tại, không dính mắc. Như bài thơ sau đây :

Sống không giận, không hờn, không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên, theo kịp ánh ban mai

Sống chan hoà với những người chung sống

Sống và động, nhưng lòng luôn bất động

Sống là thương, nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống yên vui, danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến, giữa dòng đời vạn biến.

 Người có tu tập thiền,thực tập thiền, khi làm các công việc nhanh hơn, hoàn thiện hơn, sáng tạo hơn và tạo ra nhiều mối quan hệ tốt hơn, một không khí thân thiện với những người xung quanh.

An lạc và khổ đau có thể từ di truyền, nên chúng ta có thể nói rằng, tánh tình và lối sống vui buồn của người mẹ, nhất là trong thời kỳ thai nghén rất ảnh hưởng đến cuộc đời em bé sau này, về nhan sắc, tính khí và thông minh của người con.

Ngày nay, các nhà thần kinh học đã tìm ra vùng làm phát sinh niềm an lạc trong bộ não cùng các mạch thần kinh chuyển vận niềm vui nầy. Do đó, sự thực hành làm phát sinh hỷ lạc trở thành dễ dàng hơn và cụ thể hơn để mang lại nhiều lợi ích cho người thực hành nhờ định tâm.

Theo bác sĩ Gregory Fricchione, M.D. Giám đốc trung tâm Y Khoa về Thân/Tâm, lúc hành thiền thì trạng thái tâm lý trong cơ thể được thay đổi, các gene sẽ hoạt động ngược lại chiều với sự căng thẳng. Do đó, bạch huyết cầu được gia tăng, hệ thống miễn nhiễm mạnh hơn và có khả năng chống lại các vi khuẩn và vi trùng làm hại cơ thể và làm cho bệnh tật thuyên giảm.

Y học cũng cho thấy, Thiền làm cho vùng não phía trước bên trái gia tăng niềm vui, tâm hồn mạnh mẽ. Lúc đạt được trạng thái này thì người đó sẽ có các hiện tượng tâm sinh lý như sau :

- Tăng hạnh phúc, tăng bạch huyết cầu, tăng hệ thống miễn nhiễm và sức khoẻ.

- Tánh tình tích cực, hoạt bát lanh lợi trong công việc giải quyết các khó khăn.

- Chất hoá học cortisol giảm, huyết áp thấp, nhịp đập của tim chậm

- Phục hồi nhanh sau những tai nạn, nếu có.

 Những cuộc nghiên cứu cho thấy gene quyết định sự di truyền nơi con người, nhưng con người có khả năng làm cho một số gene tăng hay giảm hoạt động theo chiều hướng tích cực mà chúng ta muốn. Và cuộc nghiên cứu cho thấy thực hành thiền làm cho sự biểu hiện của một số gene trở thành tốt hơn.

Ở đây chúng ta có thể hiểu qua Nghiệp trong đạo Phật. Tu là chuyển nghiệp. Nghiệp đồng nghĩa với di truyền hay còn gọi là gene. Đạo Phật gọi là Nghiệp khoa học, y học gọi là gene. Nghiệp thay đổi tức là gene thay đổi, gene thay đổi thì bịnh cũng thay đổi.

Chúng ta thấy rõ hơn, việc khám phá thiền làm thay đổi sự hoạt động của gene, gene là nền tảng căn bản của đời sống. Nếu gene phát triển tốt thì toàn thể sự sống của chúng ta, từ thể chất đến sự hoạt động của các tế bào và các cảm xúc của chúng ta, sẽ thay đổi theo chiều tích cực.

Kết quả, niềm an lạc sẽ gia tăng, bệnh hoạn sẽ giảm, khoẻ mạnh hơn, linh hoạt hơn, thông minh hơn, trí nhớ tốt hơn và tăng tuổi thọ v.v...   Các bác sĩ nghiên cứu cho rằng hơn 60 %  bệnh tật  là do căng thẳng thần kinh gây ra. Qua các cuộc nghiên cứu người ta kết luận rằng :

- Thiền giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng

- Mỗi cá nhân nên là một bác sĩ cho  chính mình.

Khi bệnh tật phát sinh thì khiến cho con người mau già, mau chết, sống không có hạnh phúc. Do đó, muốn có một đời sống an lạc hạnh phúc, trẻ hơn, thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, chống lại bệnh tật và tuổi thọ tăng lên,  nhiều nhà khoa học, y học khuyên mọi người nên thực tập thiền mỗi ngày đêm ( Thiền, Tịnh Hay Mật ) gì cũng được, mục tiêu chính là định tâm, mỗi ngày hai lần, mỗi lần 20 phút.

Tình trạng căng thẳng : Căng thẳng là gốc của bệnh tật, những dấu hiệu của sự căng thẳng :

- TÂM : Giận, buồn, cáu ghét, hoảng sợ, khó ngủ.

- THÂN : khó chịu bao tử, nhức đầu, mỏi mệt, bắp thịt căng thẳng, nghiến răng.

- ĂN : Ăn nhiều hơn, hoặc bỏ ăn, ưa uống rượu bia,.

          Nguồn gốc căng thẳng :

          Có hai nguồn : a/ Di truyền : Gene chứa các yếu tố di truyền. Nhạy cảm dễ mất ăn, mất ngủ. Số khác, ăn, ngủ dễ, Nhóm ba, giữa hai nhóm đó.

b/ Hoàn cảnh và môi trường :

          - Bị sách nhiễu tình dục lúc nhỏ.

- Nghề nghiệp   -  Làm việc nhiều -  Gánh nhiều bổn phận, như chăm sóc cha mẹ bệnh, con cái v.v-  Gia đình bất ổn  -  Đi đường kẹt xe -  môi trường ô nhiễm .

          Căng thẳng lâu sẽ thành kinh niên. Nếu trẻ em sẽ chậm lớn. Người lớn thì đời sống buồn chán, bệnh tật phát sinh như cao huyết áp, máu nhiều mỡ v.v…

- CÁCH  HÀNH THIỀN ĐỂ ĐỊNH TÂM

          Định nghĩa : Thiền hay Thiền định dịch từ Phạn ngữ là Samatha, có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng, và không cho suy nghĩ bất kỳ một thứ gì khác.

          Khi tập Thiền có thể ngồi trên ghế, trên tấm lót, trên nền xi mân, hay trên bực thềm nhà v.v… đều có thể được. Mục đích chính là giúp cho tâm được định trong thời gian hành thiền. Trong các thế ngồi, nếu ngồi được thế kiết già thì tốt nhất, hay bán già.

          Khi thực tập thiền, trước hết điều thân, sau điều tức,  tức chọn tư thế ngồi, bán già hay kiết già. Thế ngồi kiết già có nhiều lợi thế ưu việt hơn trong các thế ngồi. Vì khi ngồi thế kiết già khiến cho thân vững vàng hơn, các mạch lạc trong thân mở ra thông với nhau, dòng điện trong thân tiếp nối nhau hoàn hảo hơn. Nhờ thế thân an tâm định.

          Khi ngồi thế kiết già chân trái gài chồng chéo trên chân phải, hay chân phải gài chồng chéo trên chân trái tuỳ theo mỗi người, nhưng chân phải chồng trên chân trái thì tốt hơn. Thứ đến hai bàn tay để chồng lên nhau trước bụng ngang rún, lưng phải thẳng, làm thế nào sống mũi và rún nằm trên đường thẳng là lưng thẳng.

          a/ Thiền sổ tức hay thiền quán : tức thiền đếm hơi thở và thiền theo dõi hơi thở.

          Thứ đến điều hơi thở. Lúc đầu hít vào thật sâu và thở ra thật dài ba lần để tống khứ các trược khí trong thân và để cho buồng phổi được thay thế không khí mới.

           Sau đó hít vào thở ra đếm một, đếm từ 1 đến 3 rồi trở lại 1, hoặc đếm từ 1 đến 10, rồi  đếm từ 10 trở lại 1, tuỳ theo hơi của mỗi người dài hay ngắn. Thở đều đặn, thong thả, ý nghĩ theo dõi hơi thở vào thở ra, không nghĩ vấn đề nào khác. Nếu lúc nào định được tâm và cảm thấy không cần phải đếm 1,2,3...nữa, thì chỉ theo dõi hơi thở ra vào mà thôi. Lúc này có thể  tập trung tư tưởng vào một điểm phía trên và giữa hai chân mày và tiếp tục thở. Mỗi lần tâm định được tối thiểu 10 phút. Ngày hai lần, lúc nào thích hợp nhất.

          Nếu hít thở và đếm như thế mà tâm không được định, thì phối hợp với câu niệm Phật. Hít vào niệm Nam mô A Di Đà Phật ba lần, thở ra niệm Nam mô A Di Đà Phật ba lần. Hoặc thở ra niệm A Di Đà Phật, hít vào niệm A Di Đà Phật, hoặc niệm danh hiệu Quán Thế Âm, Hoặc trì chú. Vừa thở vừa niệm vừa theo dõi âm thanh câu Phật hiệu, nhờ câu danh hiệu Phật mà ta dễ cột tâm dễ dàng hơn. Niệm Phật nghe lại âm thanh mình đang niệm, dù niệm to, niệm nhỏ, niệm thầm mình đều để ý nghe hết. Cách này dễ trụ tâm hơn các phương pháp khác.

          Lúc xả thiền  : Hai lòng bàn tay xoa vào nhau nhiều lần để cho có nhiệt lượng. Rồi thoa toàn mặt và mí mắt để gia tăng sự mịn màng của làn da. Thoa sau ót cổ, thoa lưng, thoa chân để giảm bớt nhức mỏi, nếu có trong lúc hành thiền.

b/  Thiền : Thở bằng bụng  ( thở đan điền )

          Thở bằng bụng cũng có thể ngồi trên ghế, trên gối, trên thềm xi măng, có thể nằm. Thực hiện lúc nào mình muốn.

          Cách thở đan điền : Đan điền là huyệt đạo đan điền nằm dưới rún khoản lóng tay. Hít vào bằng mũi và bụng phồng ra, thở ra bằng mũi và bụng xẹp xuống.

          Hít vào và thở ra đều đặn, không nín để giữ hơi và không đầy hơi ở dưới bụng vì sẽ bị dễ mệt.

    ( Hít vào, bụng phồng   -  Thở ra, bụng xẹp )

c/ Tập thở theo thế  ( Chánh định )

          Thở bình thường và thực hành buông thả ( buông bỏ mọi suy nghĩ, thư giãn thân tâm )

          Bước 1 :  Đứng thẳng, hai chân giang ra ngang tầm bề rộng của hai vai. Hít vào bằng mũi, đưa hai tay lên cao, mắt nhắm  và hướng sự chú ý đến phần giữa trán.  Thở ra bằng mũi, hai tay hạ xuống, đưa vòng ra sau lưng. Hai bàn tay chụm lại nhau như hai búp sen, ngón trỏ và ngón cái  đụng vào nhau. Gót chân nhún lên cao một chút.

          Bước 2 : Hít vào bằng mũi, nhắm mắt lại đồng thời đưa hai bàn tay ra  hai bên hông, cùng lúc hạ hai gót chân xuống.. Khi nhắm mắt  hướng tâm về phía giữa trán ( như trong bước  1 ).

          Bước 3  : Thở ra, mở mắt đồng thời hai bàn tay đưa về phía trước bụng ngang rún giao nhau tạo thành  ( ấn tam muội ) như lúc ban đầu.

       Thực hành một trong ba phương pháp trên, có thể làm cho thân và tâm an lạc.  Và nên nhớ đây là cách thiền để trị bệnh, chứ không phải thiền giác ngộ nên không sợ tẩu hoả nhập ma.   Ngoài ra thực hành theo Pháp môn Tịnh độ hay Mật tông  cũng trị được bệnh  vì điểm then chốt là làm cho tâm được định. Do dó, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, lạy hồng danh v.v… đều rất tốt, có khả năng trị bệnh rất tốt. Ngoài ra chế độ ăn uống và tập thể dục cũng rất cần cho sức khoẻ.

          Ngoài ra thức ăn phần nhiều đưa đến bệnh tật, như ăn quá nhiều đường, muối, vị tinh,và dầu mỡ,  hoặc ăn thiếu chất bổ dưỡng để nuôi cơ thể. Và ít hoạt động, ít tập thể dục là những nguyên nhân đưa đến bệnh tật .

     ( Tài liệu tham khảo trích từ : Thiền trị được bệnh  của Hồng Quang )

{]{

THIỀN CÓ KHẢ NĂNG TRỊ BỆNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét