Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

CÁC SỰ KHỔ CỦA GIÀ, BỊNH VÀ CHẾT CỦA CON NGƯỜI

 

CÁC SỰ KHỔ CỦA GIÀ, BỊNH VÀ CHẾT CỦA CON NGƯỜI

          Đạo Phật nói về cái khổ lớn của con người gồm có 4 loại : sanh, già, bệnh, chết. Ở đây nói sơ những nổi khổ của bệnh và chết của con người mà trong văn Cảnh Sách của Tổ Quy Sơn nói “ Chúng khổ oanh triền bức bách ”. Già và bệnh đến các khổ vây quanh bức bách. Khi bệnh nặng nằm trên giường chờ chết, thì có rất nhiều thứ khổ liên hệ đến bệnh khổ và tử khổ trong tám thứ khổ của Khổ đế trong Tứ Diệu Đế. Tuy chỉ nói đến bệnh khổ và tử khổ là hai trong tám khổ mà thôi, nhưng ở đây chỉ nói các khổ khi đau và gần sắp chết. Vì đối với bệnh khổ thì khi bệnh nặng nằm trên giường, thân tâm phải chịu rất nhiều nổi đau khổ, như khổ về thân thì thân thể đau đớn, không ngồi dậy được, ăn uống, vệ sinh, đi lại đều phải lệ thuộc người khác..về tâm lý thì buồn phiền, lo lắng, cô đơn, còn đối với tử khổ thì lo sợ lúc ra đi, luyến tiếc, mờ mịt, chưa biết về đâu…Cho nên nói các khổ vây quanh bức bách.

          Trong Khoá Hư Lục, vua Trần Thái Tông đã diễn tả nổi khổ của sinh, lão, bệnh, tử bằng hình ảnh của bốn núi rất sâu sắc và sống động với ngôn từ biểu cảm thống thiết, nay trích ra hai núi thứ ba và thứ tư nói về bệnh khổ và tử khổ để minh hoạ làm sáng tỏ ý nghĩa của “ Chúng khổ oanh triền bức bách ”.

Núi thứ ba là tướng bệnh :  “ Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang”, đoạn này diễn tả cảnh già rồi bệnh. Cao hoang là trong hông, trong lồng ngực của mình. Bệnh đến trong hông ngực là bệnh nan y khó trị. “ Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận”. Khi bệnh thì trong thân phần nào cũng chống trái nhau không an ổn điều hoà. “ Tan mất tánh chơn thường, sai lệch nguồn điều sướng”. Tâm tánh người bệnh rối loạn không còn bình thường nữa. Nguồn điều hoà trong cơ thể không còn thông suốt, mà sai lệch đi rồi. “ Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn”. Ngồi đứng đều thấy khó, co duỗi nghe đau đớn vì mang thân bệnh.  “ Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông”. Mạng sống lúc bệnh giống như ngọn đèn trước gió, một cơn gió mạnh thổ đến đèn tắt ngay ( chỉ cho đèn dầu ). Thân bệnh như hòn bọt nổi, chỉ cần một lượn sóng dập vào thì bể nát. Đoạn này diễn tả tướng bệnh của thân. Kế đến nói về tâm bệnh : “ Tâm sanh bóng quỷ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm.”. Khi bệnh trầm trọng thì tâm thấy những chuyện lăng xăng ma quái. Cho nên người già khi đau sắp chết, con cháu phải trông ngó chăm nom luôn luôn, nếu không thì nói nhảm, mắt thấy hoa đốm trong hư không. “ Hình hài gầy ốm, ai là Biển Thước thuốc thang; thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa”. Thân hình đã gầy yếu có thầy thuốc nào đại tài như Biển Thước để cứu trị hay không ? Theo sách Trung Hoa, Biển Thước là thầy thuốc giỏi nhất thời Chiến Quốc, tên là Tần Việt Nhân. Ông học được phương bí truyền của Trường Tang Quân, đem ứng dụng và hốt thuốc giỏi nhất vào thời đó, vì vậy nói đến thầy thuốc giỏi ở Trung Hoa ai cũng biết chỉ có Biển Thước. Lư Nhân tên khác của Biển Thước. “Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uống sức nâng đỡ”. Vì đau nặng nên bạn bè chống gậy đến thăm, anh em ra sức bồng đỡ. “ Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi”. Bệnh lâu ngày chưa lành, người bệnh nằm chờ chết, cảnh tượng rất là buồn ! “ Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Gặp khi  sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo”. Tướng bệnh giống như mùa thu trong năm. Thu đến sương lạnh rơi, cỏ cây bắt đầu héo vàng. “ Rừng rậm sum sê, một trận gió vàng đã lơ thơ, núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi ”. Mùa thu gió tây thổi, lá cây trong rừng đều rụng hết. Mới khi nào núi biếc non xanh, giờ đây sương móc vừa sa, lá cây rơi rụng cành cây chơ vơ, núi trở thành trơ trọi .

          Kệ rằng :

          Âm dương trái vận vốn xoay vần,

          Gieo rắc tai ương đến thế nhân,

          Đại để có thân thì có bệnh,

          Ví bằng không bệnh cũng không thân,

          Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật

          Lương dược khó mong được sống bền

          Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới

          Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân,

“ Âm dương trái vận vốn xoay vần ” Khi âm dương không đúng thời tiết nên khiến có sự xoay vần bất thường. “ Gieo rắc tai ương đến thế nhân ”. Vì âm dương không điều hoà nên con người phải bệnh hoạn. “ Đại để có thân thì có bệnh”. Tất cả người đời có thân thì đều có bệnh, chứ không riêng ai. “ Ví bằng không bệnh cũng không thân”. Chi bằng đừng có bệnh cũng đừng có thân, nghĩa là không có thân thì không có bệnh. Chỉ có thân không tướng tức là pháp thân mới không bệnh. Thế nên người tu muốn bỏ nhục thân để sống với pháp thân không tướng. “ Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật, lương dược  khó mong được sống bền”. Dù cho thuật trường sanh cũng không còn, dù có thuốc hay bao nhiêu cũng không sống mãi. Như các vị tiên ngày xưa luyện linh đơn và các thứ thuốc trường sanh, đâu có vị nào sống mãi đến ngày nay, sống dai lắm cũng chỉ vài trăm tuổi là nhiều . “ Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới”. Nếu biết không thoát được cái chết, thì mỗi người chúng ta phải sớm nguyện xa lìa cảnh giới ma, tức cảnh giới sáu trần đang lôi kéo chúng ta. “ Xoay tâm về đạo dưỡng thiên chân” là xoay tâm trở về với đạo để nuôi dưỡng thiên chân. Thiên chân là cái chân thật không còn sanh diệt, cái đó sẵn có muôn đời, không phải mới tạo nên. Nếu biết xoay tâm về đạo thì thiên chân hiện tiền.s

Núi thứ tư là tướng chết :  “ Bệnh càng trầm trọng sắp cáo chung. Tuổi thọ mong hưởng trăm năm, thân thể trở thành giấc mộng”. Bệnh trầm trọng đến giờ sắp ra đi. Khi còn mạnh ai cũng mong sống đến trăm tuổi, nên thường chúc nhau : Sống lâu trăm tuổi, nhưng làm sao được. Cơn chết sắp đến, ôn lại cuộc đời, giống như giấc mộng, tất cả những gì mình tạo dựng được, nay chỉ là một giấc mộng thôi. “ Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang. Sức mạnh oai hùng đâu chống được vô thường đã đến ”. Dù thông minh trí tuệ đến đâu, tới ngày chết cũng không ai tránh khỏi. Dù anh hùng võ tướng, khi vô thường đến cũng phải bó tay không làm gì hơn. “ Thiếp thuận vợ trinh trở thành đau thương đứt ruột; anh nhường em kính vội nên biệt ly suốt đời”. Ở thế gian có thê thiếp trinh thuận đến lúc ra đi lại càng đứt ruột, vì càng thương lại càng khổ. Nếu vợ chồng bất hoà lúc ra đi lại ít khổ hơn.Còn anh em thuận hoà kính yêu, khi sắp ra đi lại càng đau đớn vì ly biệt suốt đời. Người chết đi rồi, người sống ở lại thì sao ?   Vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời ." Tường hoa nhà rộng có làm chi, ngọc đụn vàng kho rồi cũng bỏ ”. Người ở lại thì than khóc, đau khổ vô cùng, không sao tả xiết. Người ra đi thì tường hoa nhà rộng, ngọc đụn vàng kho đều bỏ lại, đâu có mang theo vật gì ? “ Dạ đài mù tối, luống nghe gió bất vi vu, tuyền hộ then gài, chỉ thấy mây sầu ảm đạm”. Một mình ra đi vào chốn dạ đài, là nơi mù tối, gọi là âm ti, chỉ nghe gió bất lạnh lẽo thổi vi vu. Tuyền hộ then gài tức là cửa huỳnh tuyền then gài đóng chặt, không cho trở lên nữa, không ai bênh vực tiếp cứu. Lúc đó nhìn đâu cũng chỉ thấy mây sầu ảm đạm, buồn bã làm sao !  Vậy mà thế nhân không lo, chỉ nghỉ chuyện sống, không bao giờ nghĩ đến cái chết… “ Tướng chết của con người là mùa đông trong năm”. Tướng chết ví như mùa đông mây sầu ảm đạm. “Càn khôn ứng Thái Tuế tròn vòng”. Càn khôn vũ trụ ứng với sao Thái Tuế, đây chỉ là sao Mộc, xoay quanh mặt trời mười hai năm mới hết một vòng gọi là Thái Tuế. Cũng như con người sống mấy mươi năm rồi chết là một vòng, chết rồi lại sanh giống như sao đi một vòng rồi trở lại vậy. “ Nhật nguyệt hướng Huyền Hiều hội tụ” Huyền Hiều cũng gọi là sao Huyền Hào, ở phương bắc gồm một chòm sao như :sao Hư, sao Nguỵ, sao Nữ, sao Tú,  Sao Hư ở chính bắc, phương bắc màu huyền nên gọi là Huyền Hiều, hiều còn gọi là hào có nghĩa là hư hao, tức là nói ngôi sao xấu. Thế nên nói : Mặt trời mặt trăng ứng hiện,ngôi sao xấu Huyền Hiều trở nên chung hợp. Vì vậy :  Âm tinh cực thịnh, khắp trời mưa tuyết bời bời, dương khí tan dần, nước tám đức đóng băng càng lạnh buốt”. Nước tám đức là bát công đức thuỷ, tám đức gồm có : Một là đức trong sạch, hai là đức sanh mát, ba là đức ngọt ngào, bốn là đức mềm nhẹ, năm là đức thấm nhuần, sáu là đức an hoà, bảy là đức trừ đói khát, tám là đức nuôi lớn các căn. Câu này nói : Phần âm cực thịnh nên khắp trời mưa tuyết, khí dương tan dần nên nước tám đức bị đóng băng lạnh buốt.

          Kệ rằng

          Cào đất đùng đùng trận gió hanh

          Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành

          Bốn bề mù mịt mây sầm bóng

          Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh

          Theo lớp hạt mưa bay phấp phới

          Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành

          Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,

          Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh ?

          Vừa dông bão, vừa sấm sét, mưa ầm ì dồn dập tới, ngư ông chỉ có một mình trên chiếc thuyền con cảm nhận  bao nhiêu nổi kinh hoàng khủng khiếp. Đây mượn hình ảnh trận bão tố để diễn tả nổi đau khổ của người sắp chết, bao nhiêu thứ hiểm nguy sợ sệt dồn dập tới, con cháu bên ngoài chỉ biết khóc thôi ! Một mình mình chịu, không ai giúp được, không ai thế được cho mình ! Giống như lão ngư phủ một mình trên chiếc thuyền cong tròng trành sắp lật úp, mà không ai cứu giúp, cuối cùng thì :

                    Giây lâu tan bụi bên trời tạnh

                    Trăng lặng lòng sông, đêm mấy canh ?

          Khi trời tạnh nhìn lại chiếc thuyền ông câu đâu rồi ?  Nó chìm tận đáy sông, cũng như mặt trăng lặng xuống lòng sông. Hỏi chừng nào gặp lại ông câu ?  Đêm mấy canh ? Tức bao giờ mới gặp lại  ? Đây là câu hỏi làm cho mình đau đớn ! Khi tắt hơi thở để vào quan tài, khiêng ra đặt dưới mộ rồi, thì từ giã tất cả, không bao giờ gặp lại. Vì thế câu : “ trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh ?”  Làm cho chúng ta đau xót ngậm ngùi . Bài kệ này rất hay và rất thực, và tác giả dịch lại như sau :

          Bão táp cuồng phong đất bụi bay.

          Lão ngư say tít chiếc thuyền lay,

          Bốn bề mây phủ màu đen kịt

          Một dãy sóng gầm tiếng vang tai.

          Sầm sập trận mưa ào ạt đổ.

          Ì ầm xe sấm nổ vần xoay

          Tạm thời bụi lắng, chân trời sáng

          Trăng lặng lòng sông, canh mấy ai ?

Canh mấy rồi, hỏi thử xem ai có thể trả lời giùm

          Kết thúc lại, chúng ta thấy lối diễn tả bốn núi của ngài Trần Thái Tông rất hay, vừa khéo, vừa văn chương, người đọc không chán mà lại thấm nhuần được giáo lý vô thường, vô ngã của đạo Phật. Ngài là một ông vua cai trị muôn dân mà có thì giờ làm những bài thơ kệ nhắc nhở người sau, thật là một điều hiếm có, rất xứng đáng để mọi người cảm phục và noi theo.

          Qua cái nhìn của vua Trần Thái tông về cuộc đời, không bao giờ ngai vàng và tất cả sự giàu sang sung sướng quyến rũ được ngài. Nhìn lại chúng ta hiện giờ ở địa vì nghèo khó mà cái gì cũng không buông bỏ cho đành. Còn ngài ở ngai vàng mà không nhiễm, thật là hai bên khác biệt nhau ! Ngài là một con người  như chúng ta mà gan dạ, nhìn thấu lẽ sanh tử của cuộc đời. chúng ta cũng là người như ngài mà còn mê muội, không thấy thấu đáo như vậy. Thế nên chúng ta bắt chước ngài, để sửa đổi, để tu, là điều cần thiết nhất cho đời mình .

  ( HT Thích Thanh Từ dịch và giải thích ). Trích từ tập : Giảng giải văn Quy Sơn Cảnh sách : HT Thiện Toàn – 2019 )

{]{

HÃY BIẾT VUI,

VÌ CÒN NGHE ĐƯỢC CHA MẮNG

HÃY BIẾT MỪNG

VÌ CÒN ĐƯỢC MẸ NHẮC NHỞ

HÃY BIẾT ƠN

VÌ CHA MẸ VẪN CÒN SỐNG

{]{

           TIỀN KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG TÌNH NGHĨA

NHƯNG ĐÔI KHI BẠN SẼ NHẬN RA RẰNG :

NẾU KHÔNG CÓ TIỀN RỒI TÌNH NGHĨA CŨNG PHÔI PHA.

{]{

TRỜI NÀO PHỤ BẠC KẺ CÓ NHÂN

NGƯỜI NÀO CÓ ĐỨC, MUÔN PHẦN VINH HOA

NHỮNG NGƯỜI TÂM ĐỊA GIAN TÀ

CUỐI CÙNG CHỈ NHẬN TOÀN LÀ ĐAU THƯƠNG

                   {]{

DƯỠNG SINH TỐT NHẤT LÀ DƯỠNG TÂM

DƯỠNG TÂM TỐT NHỨT CHÍNH LÀ

THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT

          {]{

TRÊN ĐỜI NÀY KHOẢNG CÁCH XA NHẤT

KHÔNG PHẢI LÀ SỐNG VÀ CHẾT

MÀ LÀ GẦN NHAU NHƯNG KHÔNG HIỂU NỔI NHAU.

                   {]{

VẾT THƯƠNG NGOÀI DA LÂU NGÀY SẼ LÀNH

NHƯNG LỜI NÓI CAY ĐỘC, SUỐT ĐỜI VẪN CÒN ĐAU

                   {]{

KHÔNG PHẢI VẾT THƯƠNG NÀO CHẢY MÁU

CŨNG ĐỀU ĐAU

CÓ KHI VẾT THƯƠNG KHÔNG NHÌN THẤY MÁU

MỚI THỰC SỰ LÀ VẾT THƯƠNG ĐAU NHẤT

                   {]{

CÁC SỰ KHỔ CỦA GIÀ, BỊNH VÀ CHẾT CỦA CON NGƯỜI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét