Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

SANH RA TA LÀ CHA MẸ, THÀNH TA LÀ BẠN BÈ

 

 SANH RA TA LÀ CHA MẸ, THÀNH TA LÀ BẠN BÈ

Nhân cách đạo đức của một người được hình thành từ bốn  yếu tố :  Ý chí, lý trí, tình cảm và xã hội.  Tuy xã hội là yếu tố khách quan từ bên ngoài, nhưng là môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức con người, vì thế ngày xưa mẹ của Mạnh Tử đã ba lần thay đổi nơi cư trú để tìm môi trường xã hội có ảnh hưởng tốt đến giáo dục nhân cách cho Mạnh Tử, để sau này trở thành bậc hiền nhân. Tục ngữ Việt Nam có câu “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” cũng là nói về ý sống cần chọn nương gần bạn lành là vậy.

          Kinh Pháp cú :

          Nếu thấy bậc hiền trí

          Chỉ lỗi và khiển trách

          Như chỉ chỗ chôn vàng

          Hãy thân cận người trí

          Thân cận người như vậy

          Chỉ tốt hơn không xấu.

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói : “ Đại Bồ tát xem bạn ác đồng như voi ác không khác, vì cùng làm hại thân. Nhưng Bồ tát chẳng sợ voi ác bằng bạn ác, vì voi ác chỉ hại  thân không hại tâm. Còn bạn ác thì hại cả hai thân và tâm. Voi ác chỉ làm hại một thân, bạn ác có thể làm hại vô lượng thân, tâm lành. Voi ác chỉ có thể hại thân hôi nhơ, bạn ác có thể phá hoại thân, tâm thanh tịnh. Voi ác có thể làm hại nhục thân, bạn ác có thể làm hại đến pháp thân. Chết vì voi ác chẳng sanh vào ba đường ác, chết vì bạn ác  tất sa đoạ vào ba đường dữ, voi ác chỉ là kẻ oán của thân, bạn ác là kẻ thù oán của các pháp lành. Do đó, Bồ tát thường xa lánh bạn ác”.

          Thiền Lâm Bảo Huấn nói : Người tu học phải biết ở chọn nơi, chơi chọn bạn, mới có thể tránh được những điều tà vạy, gần được người đức hạnh và nghe được lời nói chân chánh, giúp chúng ta không rơi vào lỗi lầm sai quấy. Cổ nhân có bài thơ nói về chọn bạn như sau :

          Nhược nhơn thân cận ác tri thức

          Hiện thế bất  đắc hảo danh xưng

          Tất dĩ ác hữu tương thân cận

          Đương lai diệc đoạ A Tỳ

 Nghĩa :

          Nếu ai gần gũi những người ác

          Hiện đời sẽ mất hết danh thơm

          Do bởi thường thân cận bạn ác

          Đời sau đoạ địa ngục A Tỳ

          Lại trong kinh nói có bốn loại bạn : Bạn như cân, bạn như hoa, bạn như núi và bạn như đất . Bạn như cân là loại bạn tính toán so đo, hơn thua, được mất, có qua có lại. Khi mạnh, khi giàu xui theo, khi yếu khi nghèo bỏ lơ không ngó. Bạn như hoa là loại bạn, xuôi thời mẫn thế, như hoa sớm nở chiều tàn’ không bền lâu, như cây cỏ gió bên nào thì ngã xuôi theo bên đó. Có vui, có lợi thì xông xáo có mặt, khi khó khăn buồn khổ thì trốn mất tiêu.   Bạn như núi, là loại bạn trung thành, trước sau như một, chung thuỷ, dù bạn giàu có hay nghèo khổ vẫn đi sát bên nhau không hề thay đổi. Giống như núi gió hay bão, nắng hay mưa núi vẫn đứng im chịu đựng không hề thay đổi. dù cực dù vui, dù khổ dù nghèo  không bao giờ bỏ nhau, vững chãi như hòn núi.  Bạn như đất là loại bạn ra công ra sức, bỏ của bỏ công, chịu cực chịu khổ lo cho bạn mình, không hề than vãn kêu ca, giống như đất chịu đựng tất cả những gì người ta tác động đến đất, sạch nhơ, đào bới, đất không hề than hờn trách móc, bạn như vậy gọi là bạn như đất.

Muốn có một người bạn trung thành, người đó phải có cái tâm không chấp, không vì lợi vì danh. Người đó có tâm đức “ kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết, Ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa”   Nghĩa là :  Thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt, Gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá.  Mắt thấy sắc tai nghe tiếng mà tâm không dính mắc, tâm không dao động; Tai nghe tiếng mà không dính mắc vào âm thanh; đối với lợi và danh không màng coi nhẹ như lông hồng, không bị lợi danh trói buộc. Mắt thấy sắc tâm không chạy theo sắc, tai nghe tiếng tâm không chạy theo tiếng. Người tu giữ tâm được như thế thì khiến cho mắt được thanh tịnh, tai thanh tịnh, tức là làm cho tâm thanh tịnh.

          Đây là nói lợi ích của người tu cần phải gần gũi bạn lành, sẽ nghe những điều hay chưa nghe, thấy những điều chưa thấy, làm tăng trưởng cho thân tâm, thêm nhiều hiểu biết, gạn lọc thân tâm, xa bỏ những điều sai lầm, chấp trước, bỏ tà quy chánh, tiến trên con đường chánh đạo, giác ngộ giải thoát.

           Trong kinh Khổng Tước nêu một ví dụ : Trên một hòn đảo nhỏ, có một gốc cây khô có một lỗ bộng, cây bị gió thổi gãy ngã xuống nước, đang trôi nổi lênh đênh trên mặt đại dương. Dưới đáy đại dương ấy có một con rùa mù cả đôi mắt, 100 năm mới nổi lên mặt biển được một lần, khi nổi lên nó tìm được gốc cây gỗ để chui vào được cái bộng trong cây gỗ ấy với ý mong muốn bám lấy chỗ đó làm nơi trú ngụ kiếm sống, đó là một cơ hội vô cùng khó khăn. Đại dương mênh mông, cây theo gió trôi dạt, rùa lại mù mà cứ 100 năm mới có được một lần trồi đầu lên từ đáy biển, muốn cho gặp được cái bộng cây khô kia, đâu chẳng là quá khó sao ?  Thế nhưng việc hy hữu cũng có thể xảy ra đối với con rùa mù, còn đối với con người chúng ta, một khi mất thân người này rồi muốn được tái sinh trở lại làm người lại càng khó hơn.

          1/ Biển bao la : dụ cho sanh tử.  2/Hòn đảo nhỏ : dụ cho thân 5 uẩn .  3/ Cây khô nổi trên mặt nước : dụ cho thân tứ đại . 4/ Rùa mù : dụ cho chúng sanh. 5/  Gió : dụ cho nghiệp . 

          Là người mê muội như con rùa mù trong biển sanh tử mênh mông, muốn tìm được hòn đảo an toàn tránh được sóng gió dồi dập, nếu không có thiện tri thức hộ niệm, dắt dìu thì khó mà tu thành đạo nghiệp. Vì thế chúng ta cần phải nương nhờ hạnh nguyện và thần lực gia trì của Bồ tát Phổ Hiền để luôn nhớ đến chí hướng và sở nguyện của mình .

          Kiếp trần sa lại kiếp trần sa

          Kiếp kiếp trầm luân cõi Ta bà

          Mười nguyện Phổ Hiền tiêu tội chướng

          Gieo duyên giải thoát khắp muôn loài.

{]{

SANH RA TA LÀ CHA MẸ, THÀNH TA LÀ BẠN BÈ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét