Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

QUY Y TAM BẢO

QUY Y TAM BẢO

  Tam bảo tuy gọi nhiều tên nhưng xuất phát từ một tâm- Vì tất cả do tâm tạo, Tâm nhiếp thọ tất cả, vốn viên mãn, đầy đủ giống như viên ngọc như ý. Vì vậy mới nói là  Tự quy y Phật, Tự quy y Pháp, Tự quy y Tăng, chứ không hề nói Quy y tha, là tựa nương bên ngoài.

Quy y có nghĩa là quay vào, là quay về nguồn cội. Sáu căn chúng ta phát xuất từ một tâm. Vì bỏ gốc chạy theo sáu trần nên phải thu nhiếp sáu căn quay về tâm, nên gọi là Quy mạng, vì vậy quy y cũng có nghĩa là Quy mạng.

Y là y theo, nương theo. Do chúng sanh chạy theo âm thanh sắc tướng nên bị trôi lăn trong biển khổ không chỗ nương tựa. Nay quy y Tam bảo thì thân có chỗ quay về, tâm có chỗ nương. Nhờ chọn Tam bảo làm Thầy nên có thể thoát u mê, phát tâm Bồ đề hành đạo tu giác, cho đến khi thành Phật.

Quy y Tam bảo xong thì phải y theo  pháp mà tu hành để thoát khỏi sanh tử, thoát khỏi phiền não trói buộc của thế gian.  Bước nhập môn đầu tiên ngoài năm giới cấm không còn phương pháp trợ giúp nào khác. Do vậy mới có câu “ Nếu không giữ năm giới thì đường sanh lên làm trời, người cũng bị cắt đứt”.

Do vậy mà giới là nền tảng quan trọng giúp tạo điều thiện, phế bỏ điều ác, là cội nguồn của đức hạnh, là phương cách giúp người ta siêu phàm nhập thánh. Nhân giới sanh Định, từ Định sanh Huệ, nhờ Giới, Định, Huệ mà thành chánh giác. Nên nói giới là cội gốc của đạo Bồ đề vô thượng.

Phật phương tiện khai mở pháp môn đầu tiên thuyết Tam quy y, tiếp đến dạy năm giới, chế ra giới Đại thừa, giới Tiểu thừa v.v…Do căn cơ và tâm tánh chúng sanh không đồng nên giới có từ cạn đến sâu từ thô đến tế, nhưng cứu cánh chỉ là một.

Năm giới không sát, đạo, dâm, vọng, không dùng các chất gây nghiện làm thần trí hôn mê. Năm giới này là điều căn bản, bắt buộc đệ tử phải học và tuân giữ khi nhập môn. Đây là cửa ngõ đưa đến thành tựu giải thoát và giác ngộ. Năm giới này là điều phải học phải truyền bá, nam nữ cư sĩ đều phải hành trì. Năm giới này tạo ra vô lượng công đức. Vì vậy bước đầu tiên người sơ cơ học Phật phải quy y, thọ trì năm giới, nền tảng này không thể thiếu.

Đạo Phật có 5 giới, bên Nho gia có Ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nghĩa là người nhân từ thì không giết hại, người nghĩa khí thì không trộm cắp, người có lễ nghĩa thì không tà dâm, người trí thì không dùng chất say gây nghiện, người Tín không nói dối, nói láo.

Người Phật tử nếu giữ được năm giới thì không muốn hoàn toàn cũng trở thành người hoàn toàn, không mong thành nhân đức cũng trở thành nhân đức, không cầu lễ nghĩa mà lễ nghĩa tự thành, tâm trí tự nhiên sáng suốt, sống có uy tín. Nhân phẩm trở nên tôn quý, được người trọng vọng ái kính.

Nhờ hồng ân Phật, mà được quy y Tam bảo, được thọ 5 giới cấm, giải khổ cho mình. Nếu một thôn làng có 100 gia đình mà có được 10 người quy y giữ 5 giới, thì 10 người này được an lạc. Có 100 người tu Thập thiện thì 100 người sống  tương kính vui hoà. Nếu nhà nhà y theo Phật pháp tu hành thì nhà nhà đều nhân từ, sống an vui hạnh phúc.

Làm được một việc lành là loại bỏ được việc ác,  tiêu được một hình phạt, giảm đi một kẻ thù. Cả nước thực hành điều lành thì cả nước được an. Được vậy thì vị nguyên thủ quốc gia không cần nhọc tâm trị nước mà vẫn có thể ngồi yên toại hưởng thái bình. Thế nên thọ trì 5 giới không những làm theo lời Phật dạy mà còn giúp ích cho đất nước mình, gia đình mình, làng xóm mình an vui hạnh phúc. Bản thân mình là một công dân tốt, không vi phạm pháp luật, mà còn đóng góp đức hạnh duy trì sự thạnh trị, bình an cho đất nước.

Đây là những điều kiện căn bản, bắt buộc người Phật tử phải tuân hành theo, kiên tâm hành trì, không những huân tập cho mình hạt giống tốt, khiến hạt giống Phật được trưởng dưỡng càng sâu. Khi hành giải tương ưng đầy đủ thì sẽ đến bờ giác.   Khi đã quy y tam bảo và thọ trì 5 giới rồi tức là chúng ta có chánh kiến, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh tư duy, luôn tinh tấn hành trì, không những tự mình tu mà còn khuyên bảo người khác tu để mình và người cùng dứt khổ. Được vậy thì ách nạn nào không tiêu. Thọ Tam quy trì 5 giới tức là không làm các việc ác, luôn làm các việc lành, khéo điều phục tâm ý. Được như vậy đã tạo công đức vô lượng, quả vị giải thoát nhất định có kỳ./.

( Trích  từ  tập : Thơm Ngát hơn lan : cuộc đời Ngài Hư Vân )

{]{ 

QUY Y TAM BẢO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét