Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

PHẬT GIÁO BA THỪA

 

PHẬT GIÁO BA THỪA

Phần đông những người đến chùa, lạy Phật, tụng kinh, cúng dường làm phước, cầu cho gia đình được bình yên mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi, cầu cho con cháu thi đậu, thăng quan tiến chức, làm ăn hanh thông phát đạt v.v... Quan niệm đời thường của mọi người ấy đa phần xem Phật như một vị thần linh, có quyền năng ban phước trừ hoạ, linh thiêng che chở. Những người này khi khó khăn, hoạn nạn, buồn khổ thì đến khẩn cầu, nhưng khi khoẻ mạnh, yên vui, làm ăn hanh thông phát đạt thì quên mất, không một ngày lai vãng. Nhưng họ không hiểu rằng Phật pháp rất là thực tế, phát xuất từ con người, là sự tự giác của mỗi người, và không lệ thuộc vào bất cứ một quyền năng nào. Nếu không dùng trí tuệ để hiểu biết về Phật pháp mà chỉ đơn thuần dựa vào niềm tin và sự cầu nguyện, thì chúng ta ngộ nhận Phật giáo như các tập tục tín ngưỡng nhân gian, cầu thần khấn thánh mà thôi.

           Vì thế tin Phật mà không hiểu Phật là hành động huỷ báng Phật pháp, làm cho Phật pháp suy tàn. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người, mà là sự thiếu hiểu biết, thiếu khoan dung, độc tài, cuồng tín, tham đắm, hận thù, ích kỷ.  Đọc tụng kinh điển Phật mà hiểu được ý nghĩa của kinh thì  chúng ta mới thấy Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một hệ tư tưởng của triết lý sống, là lý tưởng sống, là nghệ thuật sống, nếu áp dụng có thể đem lại hạnh phúc và an lạc cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội.

          Phật giáo được ví như một cây đại thọ có ba phần gốc, thân và ngọn cành lá. Phần gốc là phần căn bản, được gọi là Phật giáo Nguyên thuỷ, phần thân được ví là Phật giáo Tiểu thừa hay Phật giáo bộ phái; phần ngọn được ví  là Phật giáo Đại thừa. Sự tồn tại của cây không thể thiếu cả ba phần. Phần gốc giữ cho cây đứng vũng, và chuyển sinh khí qua phần thân cây và ngọn cành. Phần thân cây nếu không có thì phần ngọn cành và lá không thể phát triển, sum xuê. Nếu cây không có sự phát triển của cành và lá thì cây trở nên trơ trụi. Ba phần sẽ bổ sung cho nhau, như ba thời kỳ Phật giáo trải qua nhiều thế hệ hỗ tương cho nhau. Như vậy Phật giáo chỉ có một, đó là một vị giải thoát. Nhưng muốn tu đạt giải thoát thì có nhiều phương pháp, dù là Nguyên thuỷ, Tiểu thừa hay Đại thừa, cũng đều nhắm đến mục đích là giải thoát giác ngộ như nhau.

          Phương pháp tu theo Phật dạy khác với các pháp tu ngoại đạo là không rơi vào hai cực đoan khổ hạnh và hưởng thụ, mà đi con đường trung đạo. Đức Phật nói rằng : Khổ hạnh không giúp cho con người thoát khổ đau, mà lại càng thêm khổ.  Còn sự hưởng thụ cũng không làm cho con người hết khổ, mà làm cho con người đắm chìm trong ích kỷ, tham lam.

          Có ba phương pháp cho người tu tập thông thường  là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Thiền là giáo lý cơ bản của Phật giáo, ngoài thiền tông còn có Tịnh độ tông và Mật tông. Do hoàn cảnh cuộc sống thay đổi theo từng thời đại, để thích nghi với cuộc sống, con người ngày càng bận rộn, trong Phật giáo chia ra có nhiều pháp môn để dễ tu tập. Nếu biết áp dụng đúng thời đúng nơi thì tất cả các pháp môn của Phật giáo đều mang lại lợi ích cho cuộc sống hiện tại của mỗi người.

          Trong một ngày bất kể khi nào, chúng ta có thể, tập trung niệm Phật, hay quán sát hơi thở, trong mọi cử chỉ hành động của ta, theo dõi tư tưởng và hành động của mình, một động tác cũng để ý biết mình đang làm gì, một ý niệm dù thoáng qua cũng biết mình đang nghĩ gì, và tự quản lý tư tưởng, không để miên man bung lung. Theo đạo Phật đó là chánh niệm, chánh niệm tức là thiền tập. Thực hành các pháp môn của Phật dạy, hằng ngày giúp cho đời sống hiện tại và tương lai của chúng ta, giảm bớt khổ đau, không lãng phí trí lực, sức lực, giảm bệnh lo âu phiền muộn, thư thái, an nhiên tự tại.

          Pháp môn niệm Phật là pháp môn tu tập để sau khi chết được vãng sanh về nước Tịnh độ của Phật A Di Đà, phương pháp chính là pháp tu niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm cho đến  “ nhất tâm bất loạn” thì sự chú tâm đó chính là định, cũng đồng như tu thiền đạt đến vô niệm nhất tâm, hai phương pháp khác nhau nhưng đồng một điểm.

          Pháp môn niệm Phật rất dễ thực hành và phù hợp cho mọi lứa tuổi mọi căn cơ, mọi hoàn cảnh, cho người Phật tử hay không Phật tử đều có thể thực hành được. Là phương pháp nhiếp tâm lại một chỗ dễ nhất, vì ngắn gọn trong sáu chữ hồng danh, tâm ta như con trâu tung tăng đây đó, sáu chữ hồng danh như sợi  dây cột thẹo mũi con trâu, có chạy cũng không chạy đâu xa được. Phật tử dù có bận rộn công việc hằng ngày cũng có thể tu được, vừa làm vừa niệm, vừa đi vừa niệm, đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm, không nhất thiết phải ngồi trước bàn Phật, hay nơi thanh vắng.

          Thiền có nhiều phương pháp, nhưng không ra ngoài hai thứ thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ là đình chỉ mọi suy nghĩ, để tâm vào một đối tượng duy nhất nào đó, không cho tâm rong chạy nơi khác. Thiền quán là quán sát theo dõi, để tâm quán sát theo dõi hơi thở vô, hơi thở ra. Hơi thở vô biết hơi thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài; hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn.Hay quán sát một đề tài nào đó v.v..Như vậy gọi là thiền quán, trong khi để tâm theo dõi một đối tượng nào đó, khiến tâm không chạy đi nơi khác tạo cho tâm ở yên nơi một đối tượng, đó là trạng thái định tâm. Khi có định tâm, tâm sẽ phát sanh trí tuệ, nhân giới sanh định, nhân định sanh tuệ là vậy.

          Thiền chỉ thì đình chỉ được phiền não, nhưng chưa chấm dứt hết phiền não vi tế trong tâm, còn thiền quán có khả năng cắt dứt phiền não và phát sanh trí tuệ, đạt đến giải thoát.  Đức Phật dùng thiền quán, quán 12 nhân duyên mà chứng ngộ thành bậc Chánh giác. Ví như một anh chàng thanh niên mê say một cô gái xinh đẹp, anh ta theo dõi và mong muốn cô gái xinh đẹp sẽ là vợ mình sau này. Nhưng bổng nghe cô gái này đang mang bịnh ung thư, thì bao nổi hy vọng mê say của anh ta không còn. Anh ta sẽ quán sát cô gái này sẽ tiều tuỵ xấu xí, đau đớn và sẽ chết một ngày không xa, như vậy bao ước mộng cô gái làm vợ trong tâm anh không còn một ý niệm nào nữa, chấm dứt hoàn toàn. Công năng của thiền quán cũng như vậy, có khả năng dập tắt phiền não  và phát sanh trí tuệ nhanh hơn và hiệu quả hơn,  nhưng thiền quán lại khó tu hơn thiền chỉ .

          Thông thường tu “ chỉ ” thuộc về tĩnh, tu “ quán ” thuộc về động. Pháp tu tập thiền của Phật giáo là một quá trình chuyển đổi tâm lý dựa trên nguyên tắc đối tượng, khi tâm lý thụ động hôn trầm thì hành giả  vận dụng thiền quán để đối trị. Khi tâm lý quá năng động, loạn động thì hành giả vận dụng thiền chỉ đối trị, sự đối trị giữ mức trung bình vừa phải và tuỳ theo căn trí của người tu tập.

          Như vậy thiền quán, thiền chỉ hay niệm Phật, trì chú là phương pháp chuyển hoá tâm niệm từ động qua tĩnh, loại bỏ ý niệm xấu thay vào ý niệm tốt để dập tắt ba nghiệp thân, khẩu, ý, dẫn đến thanh tịnh tâm, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, thì hành giả có ngay an lạc và giải thoát hiện đời, và lần lượt  tiến tu tâm ý sẽ phát triển lần theo công năng của mỗi người tuỳ theo mức độ chuyên hay chậm.

          Phật giáo không chủ trương con người lệ thuộc vào Thượng đế, thần linh của các tôn giáo hữu thần, mà Phật giáo vạch ra lộ trình giải thoát tự thân, khơi dậy tiềm năng giác ngộ tự thân không tìm cầu tha lực.  Đạo Phật từ chối sự hiện hữu của linh hồn bất diệt. Theo Phật giáo đời sống sinh mạng của một con người như làn sóng trên mặt nước, phần tử này dao động tác động đến sự chuyển động những phần tử xung quanh, các lực tương tác cứ thế mà tạo thành làn sóng lan ra xa. Một làn sóng là một đời sống và sự tiếp diễn của các đời sống được gọi là luân hồi.

          Một sinh vật khởi tâm tạo tác, phải chịu trách nhiệm về hành vi do thân, khẩu, ý của mình mà gây ra biệt nghiệp  ( hậu quả cá nhân ) hay cộng nghiệp ( hậu quả do tập thể ). Có những hành động gây báo ứng tức thời, có hành động gây báo ứng trong đời sống hiện tại, có hành động gây báo ứng trong đời sống kế tiếp, và có những hành động gây báo ứng trong các kiếp sau không xác định thời gian. Theo Duy thức học Phật giáo, những động lực tạo ra dòng vận động của duyên khởi chính là tâm thức. Tâm là điểm trọng yếu căn cơ của mọi hành động, được đặt vào kho tàng tâm thức theo luật duyên sanh. Tức là tàng thức, hay còn gọi là thức A Lại Da ( thức thứ 8 ). Từ trung tâm tích trữ tâm thức, kho chứa hạt giống của mọi hiện hữu tồn tại trong tàng thức này khi chúng tiềm ẩn được gọi là chủng tử, khi chúng hoạt động gọi là hiện hành. Những chủng tử cố hữu và hiện hành hỗ trợ nhau, phụ thuộc nhau tạo nên vòng tròn mãi mãi  tái diễn tiến trình của bánh xe sinh hoá, sinh tử luân hồi. Tàng thức lưu trữ những kết quả của quá khứ, để quyết định hình thái của đời sống kế tiếp, và như thế theo học thuyết của Phật giáo, tái sanh không phải là sự di chuyển của linh hồn mà là kết quả của các hành động đã được thi hành trong đời sống trước đó.

          Trọng tâm của Phật giáo vẫn là hành trì tu tập, khai mở tuệ giác, tự chủ trong nhận thức hiểu được rằng tất cả tri thức hay ngôn ngữ tất cả chỉ là giả tạm, chỉ là mặc định của xã hội. Chuyển “ mê” thành “ngộ” chính là chuyển hoá tâm cho đến khi  quay về bản tâm thanh tịnh, không để dòng thác tri thức khống chế mà rơi vào sai lầm chấp thủ tự ngã “ cái tôi” và cái “ của tôi” là trường tồn vĩnh viễn. Nếu con người thật sự có một tự ngã là “ cái tôi” trường tồn thì chúng ta đã có thể chủ động mà không bị sanh, lão, bệnh, tử đột ngột ngoài ý muốn.

          Lời dạy của Phật đã trải qua bao  thế hệ truyền thừa, nhưng có những ai có duyên tìm hiểu thì sẽ  thấy rằng, tất cả những triết lý và học thuyết  Phật giáo đều mang tính thiết thực, xuất phát từ tâm lý nhu cầu cuộc sống thực tế, bối cảnh xã hội dù có thay đổi nhưng những lời Phật dạy luôn luôn thích hợp  với sự chuyển biến của tư tưởng thời đại./.

{]{

PHẬT GIÁO BA THỪA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét