Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

NGŨ MINH TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

 

NGŨ MINH TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

          Đối với một vị hoằng pháp phải có đủ ngũ minh, thì sự nghiệp hoằng pháp mới thuận lợi thành công. Vậy ngũ minh là những gì : Nội minh, Y phương minh, Công xảo minh; Thanh minh và Nhân minh. 1/ Tức phải am tường hiểu biết giáo lý của đạo mình đang theo; 2/ phải biết về thuốc men để chữa trị cho mình và người khác; 3/ Phải biết kỹ thuật trong các ngành nghề khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, thương nghiệp v.v… để làm ra của cải vật chất ; 4/ Phải biết về ngôn ngữ, ngữ pháp, ngữ nghĩa, sinh ngữ của các nước khác; 5/ Phải biết lý luận, phân tích chứng minh để làm sáng tỏ các vấn đề sai trái, chánh tà v.v…

          Ngũ là năm, minh là sáng tỏ, hiểu biết trên hai phương diện ngôn ngữ và hành động của một sự việc.

          Ngũ minh không chỉ áp dụng cho người hoằng pháp mà còn ứng dụng cho tất cả người thế tục trong xã hội. Trong xã hội muốn phát triển sự nghiệp của mình được bền vững thì cần hiểu hết năm phần nầy trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mình.

1/ Nội minh :  Môn học chuyên nghiên cứu về giáo nghĩa của tự giáo. Như đối với Phật giáo, trước tiên người hoằng pháp cần phải có kiến thức về Phật pháp. Muốn hoằng pháp, nghĩa là muốn đem giáo pháp truyền  bá trong nhân gian, để mọi người đều được thấm nhuần Phật pháp, hưởng sự lợi ích, thì trước tiên tự mình phải hiểu rõ giáo lý của đạo Phật, nếu không hiểu giáo lý thì không thể thực hành đúng chánh pháp được. Không những chỉ tự thân không thể thực hành đúng chánh pháp, mà cũng không thể truyền đạt cho người khác hiểu biết rõ tôn chỉ của đạo Phật để họ áp dụng tu tập.

2/ Y Phương minh : Môn học chuyên nghiên cứu về bệnh lý của các chứng bệnh, về dược lý tức dược tính của các dược liệu và phương pháp bào chế thuốc men và về y lý tức phương pháp chữa trị các căn bệnh. Thế gian đầy dẫy những bệnh nhân đau khổ về vật chất lẫn tinh thần. Những phương thuốc chữa trị tâm bệnh rất cần thiết, nhưng những phương thuốc chữa trị thân bệnh cũng không phải là không quan trọng. Nếu có điều kiện và thời gian thì người làm công tác hoằng pháp nên học chuyên môn về y dược, để có thể cứu chữa cho người bệnh, đó là một công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi. Các bác sĩ, các lương y, nếu là Phật tử thì đã có trong tay một phương tiện hành đạo cứu khổ rất thuận lợi, đem lại sự an vui đến cho người bệnh.

3/ Công xảo minh :  Cũng gọi là công nghệ minh, là môn học chuyên nghiên cứu về các dịch vụ công nghiệp, thương mại, khoa học, kỹ thuật. Đối với người Phật tử, cuộc sống cần phải có đủ điều kiện kinh tế, mới có thể tổ chức cứu tế, giúp đỡ người nghèo đói, bệnh tật, thể hiện lòng từ bi, vị tha của Bồ tát. Công nghệ và kỹ thuật mỗi ngày mỗi tiến bộ theo đà phát triển của văn minh khoa học, do vậy người Phật tử cần phải học tập để có những phương tiện hành đạo có hiệu quả và rộng rãi trong phạm vi xã hội.

4/ Thanh minh : Môn học chuyên nghiến cứu về ngôn ngữ, ngữ pháp, ngữ nghĩa, như bộ môn ngôn ngữ học ngày nay. Đây là môn học không chỉ chú trọng về ngôn ngữ trong giao tiếp, mà còn đề cập đến vai trò của văn học trong việc chú thích, trước tác, phiên dịch, giảng giải kinh, luật, luận. Đặc biệt đối với Phật giáo trong thời đại hội nhập và phát triển ngày nay, việc trang bị cho mình những ngoại ngữ được xem là sinh ngữ là một nhu cầu cần thiết. Trên tinh thần đó, ngoài việc thông hiểu như cố ngữ Pali, Sankrit, Hán cổ…để giúp chúng ta hiểu rõ những lời dạy của chư Phật, chư Tổ, người hoằng pháp còn phải biết thêm  những sinh ngữ như Anh ngữ, Hoa ngữ…để hỗ trợ cho sự nghiệp hoằng pháp.

5- Nhân minh : Là một môn luận lý học của Phật giáo, chủ trương chứng minh lập thuyết bằng Nhân, nghĩa là đặt vấn đề và suy cứu đến lý do của vấn đề đó. Một lập luận đầy đủ theo luận thức nhân minh phải có đủ ba phần :  Tôn, Nhân, Dụ, gọi là tam chi tác pháp. Tôn là chủ trương. Nhân là lý do thành lập chủ trương ấy. Dụ là những sự kiện cụ thể đem ra để chứng minh. Môn học này có chức năng như môn Logic học phương Tây là trang bị cho người biện luận một phương pháp tư duy lý luận có tương quan nhân quả chặt chẽ và chính xác. Am tường giáo lý chưa đủ, muốn trình bày giáo lý ấy một cách rõ ràng, khúc chiết, muốn có lập thuyết vững vàng, người hoằng pháp cần phải dựa trên một phương pháp luận lý. Phương pháp luận lý ấy, trong Phật giáo gọi là Nhân minh luận thể hiện qua luận thức nhân minh. Ví dụ :

- Tôn : Mọi sự vật đều vô thường

- Nhân : Vì do duyên sanh,

- Dụ : Như bàn, ghế…

Như vậy, môn luận lý nhân minh có phần giống với luận lý học hình thức của Atistote, nhưng lại đầy đủ và sắc bén hơn, vì luận lý nhơn minh có đủ tính cách diễn dịch và quy nạp dựa trên căn bản mối liên quan mật thiết với nhau giữa ba phần : tôn, nhân, dụ của một luận thức.

          Như vậy ngũ minh là 5 phương thức làm phát huy kiến thức và phát triển vật chất trong đời sống sinh hoạt của một xã hội, và làm cho đạo pháp phát triển vững bền không bị các tư tưởng khác bác bẻ, xem thường. Sở dĩ đạo Phật được nhiều giới trí thức xưa nay chấp nhận, đồng thuận đều nhờ trên 5 phương pháp cùng nhau phối hợp giữa đạo và đời, làm cho đạo Phật ở đâu, thời nào cũng không bị lỗi thời trong nếp sống nhân gian, mặc dù khoa học có phát triển đến đâu, với 5 phương pháp ngũ minh đều được áp dụng và duy trì./.

( Trích phần ngũ minh trong tập : Tìm hiểu nhân minh- HT Thiện Toàn- 2019 )

{]{

NGŨ MINH TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét