Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

HAI LOẠI VÔ MINH

 

HAI LOẠI VÔ MINH

Vô minh câu sinh và vô minh phân biệt.

Vô minh câu sinh : là vô minh có chủng tử được huân tập trong tạng thức từ vô thuỷ, khi ta sinh thì nó cũng liền sinh theo. Có thể xem vô minh câu sinh như là vô minh bản năng tiên nhiên, tự nhiên vốn có, không cần học tập. Nói cách khác, có sinh mạng thì tự nhiên có vô minh gọi là vô minh câu sinh.

Vô minh phân biệt : là loại tâm si mê do phân biệt không như lý sinh ra, như nói “ nhập gia tuỳ tục” nghĩa là sống trong xã hội thì phải theo phong tục, văn hoá của xã hội đó, dù đó là thiếu những tập tục nhân văn, phi đạo đức. Hành trạng của vô minh phân biệt dễ thấy, đó là những nhận thức sai lầm chỉ có tính cách nhứt thời. không căn bản, như nói : “ giận mất ngon”, đó là vô minh phân biệt, có thể điều chỉnh, sửa sai.

Vô minh chính là vọng tưởng điên đảo ( nhận biết sai, hiểu biết trái ngược ) nên khi hiện hành, vô minh sẽ tạo ra hai hậu quả tiêu cực cho nhận thức. Một là phán quyết sai lầm, sẽ dẫn đến hậu quả thất bại, nguy hiểm. Hai là do dự không quyết, sẽ đưa đến tâm trạng nửa tin nửa ngờ, chần chừ lưỡng lự, không hạ quyết tâm, đánh mất cơ hội, tâm nguyện không thành, kết quả không đạt. Nhìn từ phạm trù đối lập : Lý-Sự, vô minh được phân làm hai loại :

Lý vô minh : là si mê về mặt chân lý hay nguyên lý, nghĩa là không thấy được chân tâm thanh tịnh của mình và cũng không nhận chân được bản thể của vạn hữu trong pháp giới. Lý vô minh thường khiến hữu tình luôn vọng chấp ngã tướng và pháp tướng của vạn pháp là chân thật, rồi cứ mãi chạy theo bám lấy chúng một cách điên đảo không biết buông xả. Khi lý đã vô minh thì sự tất nhiên cũng vô minh. Như không thông hiểu nguyên tắc cơ bản của pháp môn thiền định mà cũng học đòi ngồi thiền nhập định, kết quả đắc định đã không thành, mà thậm chí còn có thể bị tẩu hoả nhập ma nữa. Tục ngữ có câu :“Đừng thấy kẻ khác ăn khoai mài mà mình cũng vát mai chạy quấy ”. Lý vô minh thuộc về loại căn bản vô minh.

 Sự vô minh :  là si mê về mặt sự tướng của vạn pháp, nghĩa là không hiểu rõ về sự vận động của những sự vật trong thế gian. Do không nắm bắt được quy luật vận động của các sự vật, hiện tượng, nên những hoạt động của ta phạm phải sai lầm. Người bị sự vô minh chi phối có thể là do không hiểu được lý vô minh, nhưng cũng có trường hợp là do người ấy “ năng thuyết bất năng hành”. Như trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã ân cần  khuyến cáo Tôn giả A Nan rằng : “ Ông tuy nhiều kiếp có trí nhớ siêu phàm, có thể ghi nhớ tất cả nghĩa lý thâm sâu  trong tam tạng kinh điển Như Lai đã giảng, nhưng như thế cũng không giúp ông giải thoát sanh tử, không bằng một ngày tu hạnh vô lậu” ( Nhữ tuy lịch kiếp ức trì Như Lai bí mật diệu nghiêm, bất như nhứt nhựt  tu vô lậu nghiệp ).

Kinh Lăng Nghiêm nói : “ Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn ”. Nghĩa là : Tri kiến mà chấp nơi tri kiến là gốc rễ của vô minh,  tri kiến mà không chấp nơi tri kiến ấy, đó mới gọi là Niết bàn . Do đó, vô minh là đầu mối của sanh tử khổ đau và luân hồi.

{]{

HAI LOẠI VÔ MINH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét