Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

SO SÁNH VỀ HẠNH ĐẦU ĐÀ XƯA VÀ NAY

 

SO SÁNH VỀ HẠNH ĐẦU ĐÀ XƯA VÀ NAY

Vừa qua xuất hiện sự đi khất thực của sư Minh Tuệ, cả cộng đồng xã hội trong nước cũng như ngoài nước, rộ lên cơn khẩu chiến giữa lập trường đúng và sai về hạnh đầu đà, về chơn tu giả tu. Sau đây tóm lược một số bình luận và nhận định về hạnh đầu đà.

Hạnh đầu đà là một hạnh tu khổ hạnh, ít người thực hiện được, bắt nguồn từ thời Phật tại thế có ngài Ma Ha Ca Diếp thực hiện, được Phật ca ngợi và tán thán nhưng Phật cũng không ép buộc. Tuy hạnh đầu đà có 13 hạnh nhưng ngài Ca Diếp cũng thực hiện một số điều chứ không thực hiện hết và cũng không thường xuyên. Vậy hạnh đầu đà là lối tu khắc khổ tự nguyện chứ Phật không bắt buộc.

 Hạnh đầu đà có mấy hạnh Phật không cho thực hiện, như luôn ở trong rừng. Vì trong rừng có nhiều nguy hiểm cho tính mạng, như thú dữ, giặc cướp, quân đội v.v… Phật khuyên không nên ở.

Hạnh ở nghĩa địa, đồng trống, gốc cây, hạnh này cũng không thường xuyên thực hiện được. Nếu như thời tiết mưa to gió lớn thì không thể ở những nơi này được. Hoặc lúc ốm đau bịnh tật cũng không thể ở ngoài trời lộ thiên được.

Hạnh đầu đà duy chỉ áp dụng cho Tỳ kheo tăng, chứ Tỳ kheo Ny thì không được, Phật cấm không cho, nếu có thì khu rừng ở trong khuôn viên gần chùa. Vì người nữ ở một mình, ở nơi hoang vắng rất nhiều nguy hiểm có hại cho thân mạng và sức khoẻ vì thế Phật không cho Tỳ kheo ni ở nơi rừng cây xa vắng xóm làng.

Sau khi Phật thành đạo, các vua quan, trưởng giả mến mộ Phật và chư Tăng nên phát tâm xây dựng Tịnh xá thỉnh Phật và chư Tăng trụ ở. Như Tinh xá Trúc Lâm của vua Bình Sa vương, Tinh xá Kỳ Hoàn của trưởng giả Cấp Cô Độc, Tịnh xá Đông Phương của Nữ thí chủ Vi Sa Kha….  Rất nhiều Tinh xá được vua, quan, trưởng giả xây dựng hiến cúng. Vậy việc ở chùa và xây dựng chùa đã có từ thời Phật đến nay, nên nói Tăng phải ở nơi rừng, nơi hang động, nghĩa địa mới là chân tu thì chưa phù hợp, Phật không ép ai tu phải khổ hạnh.

Sở dĩ Phật nhận lãnh các Tinh xá do người cư sĩ hiến cúng là muốn tạo phước cho người cư sĩ, đồng thời bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn cho chư Tăng yên thân yên tâm tu tập, để mau đạt đạo quả.

Hạnh khất thực, hạnh khất thực có hai trường hợp khi Phật và chư tăng còn tại thế, một là đi trì bình từng nhà để gieo duyên lành đến cho những người dân có duyên gieo trồng ruộng phước với Phật pháp Tăng, thứ đến là nhận thọ thực ở các cung vua, nhà quan, các nhà trưởng giả, các nhà thuần tín Tam Bảo. Chứ không riêng chỉ một mặt đi khất thực từng nhà.

Hạnh ăn ngày một bữa cũng không áp dụng hết được cho mọi người tu tập, như các Sa di nhỏ tuổi không thể ăn ngày một bữa, các vị bị bịnh không thể ăn ngày một bữa, các vị sức khoẻ yếu không thể ăn ngày một bữa.v.v…

Hạnh tu khổ hạnh, đức Phật đã trải qua thời gian tu khổ hạnh, thấy không kết quả suýt nữa là bỏ mạng trước khi thành đạo quả. Vì thế đức Phật ăn uống trở lại bình thường, có sức khoẻ tinh thần mới minh mẫn, tu hành mới tinh tấn. Vì thế đức Phật không ca ngợi tu khổ hạnh ép xác.

Nếu tu khổ hạnh ép xác, khiến cho thân thể đau đớn, mà tâm hồn bất an, tham sân chưa dứt, phiền não chưa trừ thì việc tu khổ hạnh ép xác là một việc hoang tưởng. Nên đức Phật không khuyến khích là vậy. Đạo Phật là đạo diệt khổ đem vui đến cho mình và mọi người, trở lại làm khổ thân mình thì chưa phải tinh thần Phật dạy.

Ăn làm sao diệt được điều bất thiện. ngủ làm sao diệt được điều bất thiện. Ở làm sao diệt được điều bất thiện.  Mặc làm sao diệt được điều bất thiện. Đi, đứng, nằm, ngồi diệt được điều bất thiện. Ăn, mặc, ở bất cứ nơi đâu tâm không dính mắc đó là tu tập chân chánh rồi. Vì vậy hạnh tu khất thực đầu đà không thể ứng dụng việc ăn, mặc, ở cho hết mọi người. Thì hạnh này cũng chưa được gọi là hạnh ưu việt cho lắm.

Hạnh du hành, Phật khuyên chư Tăng không du hành buổi chiều và buổi tối . Đi từ buổi mai cho đến trưa đúng ngọ thì không đi nữa. Nếu du hành về buổi chiều và ban đêm thì không đúng theo lời Phật dạy. Đức Phật cũng khuyên người cư sĩ không nên đi ban đêm huống nữa chư Tăng. Vì ban đêm có nhiều nguy hiểm cho người du hành, vì thế Phật không cho chư Tăng du hành ban đêm.

Hạnh đi. Việc đi không tốt cho việc tu tập định tâm, đi thân phải động, thân động thì tâm không định. Chủ yếu việc tu tập là làm sao cho được định tâm, chỉ có phương pháp ngồi là dễ định tâm. Hơn nữa đi nhiều thì thân phải mỏi mệt, dễ sanh bịnh, vì thế du hành không phải là lối tu rốt ráo.

Hạnh ngồi không nằm, đây cũng là hạnh cực đoan, trong kinh chưa thấy Phật khuyến khích hạnh này. Nếu ngồi mãi không nằm, đây là một trạng thái hành xác, làm cho thân không sinh hoạt theo lẽ tự nhiên của cơ thể, một ngày nào đó vì thế cơ thể sẽ sinh ra bệnh tật. Xưa có vị tu thiền ngồi không nằm, một vị thiền sư khác hỏi, sao sư không nằm mà ngồi mãi như thế. Sư kia trả lời tôi tu ngồi chứ không tu nằm. Vị sư này nói vậy như con cóc nó ngồi mãi không nằm, nó sẽ thành Phật không. Vì thế ngồi không nằm là một hạnh cực đoan cũng không lấy làm cho là cao tột. Cho đến hạnh đi trên nắng nóng cao độ, hay trong mưa tuyết bão lụt nó cũng vậy. Trong kinh Phật nói, thân người khó được, sáu căn khó đủ, bạn hiền khó gặp, tín tâm khó sanh v.v… nay ta đầy đủ các duyên lành ấy không tuỳ duyên mà tu, ngược lại làm cho thân khổ sở tiều tuỵ, xa lánh bạn hiền thì việc độc cư tu tập nếu chưa đủ kiến thức về sự tu tập thì chưa gọi là thuần chất.

Y phấn tảo.  Y Phật chế cho chư tăng được gọi là y phấn tảo, còn gọi là y hoại sắc. Y phấn tảo là kết bởi nhiều mãnh vải khâu lại thành y, có nhiều loại vải khác nhau. Cũng không nhất thiết là nhiều loại vải mà đôi khi tấm vải lớn cắt rọc ra từng mãnh khâu lại thành y. Ý để tránh sự khác biệt cách trang phục người thế tục, thứ đến giảm sự sang trọng màu mè, và tránh sự trộm cướp, vì trộm cướp có lấy cũng không dùng được. Và y được may khâu xong phải đem nhộm theo màu sẩm của cây là mít, nhộm để mất các màu không còn lè lẹt đủ màu sắc. Như thế mới gọi là y truyền thống là y hoại sắc, tức phá hết màu sắc chính của vải, chỉ còn một màu thôi. Và trên mãnh y có nhiều mãnh vải ráp lại, tượng trương cho cánh đồng ruộng, có nhiều thửa ruộng. Nên gọi y là Phước điền y, Phước điền ý nghĩa là hàng cư sĩ cúng dường tăng là gieo phước vào các thửa ruộng nầy.

Và chư Tăng số lượng đông, nếu tất cả đều dùng vải lượm những nơi thùng rác, lề đường, bãi tha ma thì đâu có nhiều để đáp ứng đủ vải cho số  tăng đông, vì thế y phấn tảo không nhất thiết phải là vải lượm. Nên y bắt buộc phải là vải lượm thì không hợp lý.

Người tu không giấy tờ, không gia nhập một tổ chức nào: Khi Phật còn tại thế chư tăng tu tập không có giấy tờ, mãi về sau qua các triều đại vua chúa, muốn ủng hộ Phật pháp nên lập ra ban kiểm tăng, để thanh lọc những thành phần không thực tâm xuất gia trà trộn vào trong Tăng chúng. Vì thế từ đó về sau bên tăng có ban Tăng sự để kiểm tăng và bên vua quan có bộ phận kiểm soát tăng, để bảo vệ tăng. Nên một vị tu sĩ khi xuất gia phải ghi danh đăng ký giáo hội và chính quyền là điều không thể thiếu. Giấy tờ chứng nhận người tu tập là hình thức bảo vệ người tu, chứ không phải hình thức bó buộc. Từ thời Phật còn tại thế đã có nhiều thành phần lợi dụng hình thức của tăng để kiếm sống qua ngày, vì thế khi xuất gia thọ giới phải trải qua khâu sát hạch. Có 32 trường hợp gọi là già nạn không được xuất gia làm Tỳ kheo, để thanh lọc những thành phần không tốt vào trong tăng chúng. Ví dụ một số như sau. Người mắc nợ, người đương chức làm quan, người bị bịnh nan y, bịnh truyền nhiễm, người thiếu căn, mắt lé, tai điếc, đui mù, gù lưng, quá cao, quá thấp, giết cha, giết mẹ, tội phạm v.v.. đều không được chấp nhận làm tăng.

Vì thế giấy tờ chứng nhận một tăng sĩ là để phân biệt người tu và người không tu, người tu và người đời, nên việc người tu phải có giấy tờ là điều phải có để thuận cho việc quản lý an ninh trật tự xã hội của mỗi một thời đại mà Phật giáo có trách nhiệm góp phần ổn định trật tự xã hội trong mọi thời mọi lúc.

Xuất gia là sự tự nguyện chứ không ai bắt buộc, khi phát tâm xuất gia tức phát nguyện gia nhập Tăng đoàn, nên phải tuân thủ nội quy của Tăng đoàn mới trở thành một thành viên của Tăng đoàn. Và xuất gia phải bắt đầu từ giới Sa di rồi mới đến thọ giới Tỳ kheo, bèn không có các điều lệ nầy thì chưa chính thức gọi là Tu sĩ Phật giáo. Gọi là một cư sĩ thực hành lời Phật dạy, là người tu cư sĩ tu tại gia. Muốn trở thành Sa di hay Tỳ kheo phải được sự chứng mình của hội đồng Tăng già mới chính thức là thành viên của Tăng, chứ không thể tự xưng là Sa di là Tỳ kheo mà thành được.

Cũng vậy ở đời muốn thành học sinh phải ghi danh vào lớp, muốn có học vị phải trải qua các cuộc thi cử đầy đủ tiêu chuẩn mới thành học sinh, sinh viên .v..v.

Tu không nương tựa vào Thầy bổn sư: Ba pháp quy y gọi là Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa tiến tu học đạo của hàng Phật tử tại gia và xuất gia. Nếu thiếu một trong ba thì không thể thành người tu học theo đạo Phật.  Sự xuất gia tu học không thể không có vị thầy hướng dẫn, khi Phật còn tại thế khi xuất gia cũng tìm thầy học đạo huống nữa là phàm phu như chúng ta. Một vị xuất gia khi muốn rời khỏi chùa hay thầy bổn sư để ra đi học hỏi hay sống tự tu phải được sự cho phép của vị thầy bổn sư. Khi rời thầy phải đủ năm hạ, phải là người đầy đủ kiến thức tu học và sức khoẻ mới được rời khỏi thầy. Rời khỏi thầy ra đi tự tu phải là Tỳ kheo chứ Sa di và ngũ giới cũng không được. Nên việc tự tu không thầy, không có giới thì chưa phù hợp gọi là Tăng. Trừ những bậc Bồ tát thị hiện mới có thể làm được, người phàm phu phải tuân theo thứ lớp và luật quy định.

Việc xuất gia tu học đối với đạo Phật đều bình đẳng ai cũng thực hiện được, nhưng phải đầy đủ nhân duyên, nếu thiếu duyên thì không thể trở thành Tăng sĩ mà là cư sĩ. Làm tăng phải đủ nhân và duyên tức không bị rơi vào 32 già nạn thì mới được chấp nhận thành Tăng, nếu thiếu thì không được. Đó là điều kiện thanh lọc những thành phần lợi dụng hình tướng của Tăng mà không phải Tăng.

Là người phàm tục mọi người tôn xưng là Phật, là Bồ tát là điều không thích hợp. Vì Phật xuất hiện ở đời phải đầy đủ trí tuệ và phước đức, và đã có Phật đã ra đời giáo pháp và tăng đoàn Phật còn đó, vậy Phật ra đời nữa làm chi. Nên việc tôn xưng một người phàm là Phật vô tình rơi vào tội đại vọng ngữ. Và tôn là Bồ tát, các vị Bồ tát xuất hiện ở đời cứu độ chúng sanh, không bao giờ cho chúng sanh biết danh tánh và sở hành của họ, nên việc tôn vinh người phàm là Bồ tát là sai với quy trình trong Phật pháp.

Sư Minh Tuệ thuộc người tu tập theo Phật giáo, mọi người tôn vinh là Phật, là Bồ tát, cộng đồng người theo Phật giáo tuy không đồng tình nhưng cũng không có sự phản ứng mạnh mẻ. Nếu như sư Minh Tuệ được tôn vinh là chúa giáng thế, là thánh Ala thì các con chiên đạo Công giáo, Tin lành, hay Hồi giáo không bao giờ để cho các vị phát ngôi không chuẩn yên thân được đâu. Vì thế các tín đồ Phật giáo phải thận trọng một khi sùng bái và tôn vinh ai.

Người tu trên ba việc ăn, mặc, ở được hạn chế là để kiềm hãm tâm tham dục, chứ không phải là hình thức khổ hạnh khác với lối tu khổ hạnh của ngoại đạo. Vì thế khổ hạnh mà không đem lại sự tiến tu thì nên thay đổi cách tu tập.

Tổng kết:

Qua các bình luận và nhận xét của nhiều vị tôn túc cũng như các học giả, cư sĩ tâm huyết về các hạnh tu đầu đà. Chúng ta có thể đưa ra một vài nhận định rằng. Về mặt tích cực và tiêu cực, về mặt tích cực sư Minh Tuệ đã làm nên một kỳ tích chưa từng có từ xưa đến nay trong phật giáo nói riêng, trong tôn giáo nói chung, khiến cho mọi giới trong nước ngoài nước phải quan tâm theo dõi. Là người tên tuổi vượt ngoài giới tuyến quốc gia và tôn giáo. Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã lộ ra những góc khuất trong giáo hội nói chung của một số chùa và sư tăng nói riêng.

 Cách nay 20 năm trở lại, qua khỏi thời bao cấp kinh tế khó khăn, nay kinh tế được phát triển vì thế đời sống dân chúng khá hơn, chùa chiền cũng theo đà phát triển xã hội mà được xây lớn rộng và nhiều hơn, chư tăng đầy đủ tiện nghi tu tập hơn. Trong theo đà phát triển đó lại nảy sinh những điều bất cập trên các phương diện: ăn, mặc, ở, hành xử, chức vị, ngôn giáo  không phù hợp với các hạnh khiêm cung, vô ngã vị tha, an bần thủ đạo, tri túc v.v…mà trong kinh Phật đã dạy. Đi ngược lại giáo lý truyền thống khiến người có đạo và không có đạo, bức xúc  mất lòng tin về phẩm hạnh và hành vi ngôn ngữ của các vị Tăng này.

Nhân sự kiện Minh Tuệ mà mọi người dân có đạo và không có đạo cũng như giáo hội thẩm định lại những điều dân phản ảnh, là một cơ hội tốt để có dịp chấn chỉnh và khôi phục lại những điều xưa nay ai cũng biết đó là sai quấy, mà không dám lên tiếng, sợ mất lòng, sợ có tội. Bác Hồ nói dân là nước, chính quyền là con thuyền. Nước có thể nâng con thuyền lên cao theo mực nước, nhưng nước có thể nhận chìm thuyền khi thuyền không đủ sức đứng vững trên nước. Cũng vậy khi đạo đức có, thì được mọi người dân tôn vinh ca ngợi tôn sùng, và đạo đức không còn thì mọi người dân sẽ dìm xuống là vậy.

Nhờ sự kiện sư Minh Tuệ mà mọi người chưa biết đạo có cơ hội biết đến đạo Phật, người có lòng tin Phật pháp hiểu rõ và sâu hơn về phật pháp. Nhân sự kiện sư Minh Tuệ mà có cơ hội chấn chỉnh lại sự tu hành của Tăng chúng. Nhân sự kiện sư Minh Tuệ mà tinh thần tu tập và giáo lý Phật dạy được lan truyền qua các tôn giáo bạn v.v..

Về mặt tiêu cực, sự tu tập của sư Minh Tuệ có một số điểm chưa phù hợp với kinh luận. Bản thân sư Minh Tuệ vô tình gây nên sự chú ý của cộng đồng dẫn đến trận khẩu chiến chưa có hồi kết. Đứng về mức luận lỗi, sư Minh Tuệ vô tình chứ không phải cố ý nên mọi sơ suất có thể dung hoà được. Tuy có lỗi nhưng nhờ cái lỗi của sư Minh Tuệ để chấn chỉnh sửa sai nhiều cái lỗi, nhiều cái tệ nạn khác trong giáo hội và chư Tăng. Như vậy có thể nói sư Minh Tuệ có lỗi nhưng là người vô tội, vì việc làm không phải cố ý gây nên sự sai quấy, và sự sai quấy ấy là đem làm cơ sở sửa sai cho những sự sai trái khác. Nên có tội mà không có lỗi./.

                                                {]{

SO SÁNH VỀ HẠNH ĐẦU ĐÀ XƯA VÀ NAY Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét