PHƯỚC BÁU CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH
Bệnh tật là một nỗi khổ căn bản của chúng sanh, sanh lão
bệnh tử khổ. Hễ có thân thì có bệnh, mà đã bệnh tật đau yếu thì không ai muốn
và chẳng vui chút nào.
Người đời lập gia
đình hay kết thân bạn bè quyến thuộc, một phần cũng để nương tựa nhau khi trái
gió trở trời, ốm đau tật bệnh. Bởi khi khỏe mạnh người ta đã rất cần sự săn
sóc, lúc ngã bệnh thì nhu cầu ấy càng nhiều và khẩn thiết hơn.
Săn sóc người bệnh
dù thân hoặc sơ chính là hạnh nguyện “cứu khổ, ban vui”. Bệnh thì thân đau, tâm
khổ nên trị liệu, sẻ chia và đỡ đần chăm sóc cho người bệnh là sự hiến tặng lớn
nhất vì đó là việc họ cần nhất. Thế Tôn xem việc hiến tặng này là bố thí và
khẳng định “bố thí tối thượng không gì hơn thí này”. Đích thân Ngài cũng thường
săn sóc các đệ tử khi lâm bệnh. Cho nên săn sóc người bệnh luôn gặt hái được
phước báo tốt lành.
Đức Phật dạy về phước
báo săn sóc người bệnh như sau: “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn
Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
- Nếu có người săn
sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom
Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.
Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào trong chư Thiên, thế gian, Sa-môn,
Bà-la-môn mà bố thí tối thượng hơn sự bố thí này. Người hành bố thí này mới
đúng là thí, sẽ thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp,
được vị cam-lồ.
Nghĩa là Như Lai
Chí Chân Ðẳng Chánh Giác biết rằng bố thí tối thượng không gì hơn thí này.
Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức
lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói như thế. Săn sóc người bệnh tức là đã săn
sóc Ta không khác. Các Thầy sẽ
luôn luôn được phước đức lớn.
Như vậy, này các
Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm” .
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.142).
Như trong kinh nói
thì Phật cũng không ở đâu xa! Ngài hiện đang ở xung quanh ta, rất nhiều. Nên
muốn cúng dường Phật, hầu hạ Phật để gieo trồng phước báo, công đức thì chỉ cần
săn sóc, trông nom người bệnh. Người thân của chúng ta đang bệnh, hãy cần mẫn
săn sóc các vị. Người sơ với chúng ta đang bệnh, cũng cố gắng trông nom họ
trong mọi khả năng có thể. Chỉ cần chừng ấy thôi là chúng ta đã gặp Phật, phụng
Phật và đã làm theo Phật.
Đối với người con
Phật, hạnh tu bố thí tài vật là căn bản và dễ thực thi nhất trong đời sống
hướng thiện hàng ngày. Điều cần lưu tâm là săn sóc người bệnh “mới đúng là thí,
thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp, được vị cam-lồ”.
Phước báo săn sóc người bệnh hơn cả những sự “bố thí tối thượng”. Vì thế, hàng
Phật tử chúng ta hãy hướng tâm về người bệnh: một lời hỏi thăm, một cử chỉ săn
sóc ân cần, chia sẻ những kinh nghiệm trị liệu, thăm khám và cho thuốc để gặt
hái quả báo lớn.
Quan trọng hơn, chư
vị xuất gia sống đời sống không gia đình, chỉ nương tựa vào Tăng thân, khi ốm
đau rất cần sự trợ duyên săn sóc của huynh đệ. Mặc dù đã phát nguyện xuất gia
nhưng nếu chưa chứng quả thì lúc bệnh “thân đau, tâm khổ” cũng là chuyện bình
thường.
Một số vị xuất gia,
sau một cơn bạo bệnh, vì một số chướng duyên không được huynh đệ săn sóc mà
thối thất đường tu. Cho nên, Phật dạy người xuất gia “săn sóc người bệnh” không
nhất thiết các Tỳ-kheo phải làm thầy thuốc, làm từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân
nghèo, mà chính là các Tăng (Ni) phải tự bảo bọc, săn sóc lẫn nhau mỗi khi
trong hội chúng có người lâm bệnh.
Vậy nên, hãy săn
sóc huynh đệ, người thân, và mọi người bệnh nói chung. Làm được như vậy là
chúng ta đang phụng sự Thế Tôn, công đức và phước báo vô lượng.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét