HAI NẠN ĐÁNG NHỚ TRONG THỜI PHẬT TẠI THẾ
Nạn Đề Bà Đạt Đa mưu hại Phật và nạn ở Cô
Sam Bi Tăng chúng cãi vã chia thành hai nhóm, Phật không phân giải được phải
vào trong rừng tịnh ở ba tháng.
Chúng ta cứ
nghĩ tưởng Phật đã đầy đủ trí tuệ và phước đức, nên mọi việc thuyết pháp độ
chúng sẽ suông sẻ, nhưng không phải vậy. Trong suốt 49 thuyết pháp độ sanh đức
Phật cũng gặp phải rất nhiều việc xảy ra không được tốt đẹp. Như vua A xà Thế
cho voi say hại Phật, dòng tộc Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly sát hại v.v… rất nhiều
việc đau lòng. Nơi đây đưa ra hai trường hợp liên quan đến Tăng chúng thời Phật
còn tại thế, để chúng ta đối chiếu và thông cảm cho vận mạng Phật pháp thời mạt
pháp cách Phật quá xa. Đó là câu chuyện Đề bà đạt đa và câu chuyện ở Cô Sam Bi.
Đề Bà Đạt Đa là em chú bác với Phật, được
Phật độ cho xuất gia cùng với bảy vương tử, sau khi Phật thành đạo trở về thăm
hoàng cung. Lúc đầu Đề Bà Đạt Đa tu hành cũng tinh tấn như các tôn giả khác,
nhưng lần về sau có ý muốn thay Phật quản lý Tăng đoàn, ông bèn nói với Phật.
Phật tuổi đã già rồi, để Tăng đoàn cho ông thay thế quản lý. Phật cự tuyệt lời
yêu cầu của ông, và Phật nói tầm cở đạo đức và trí tuệ như tôn giả Xá Lợi Phất,
Phật chưa giao Tăng đoàn huống nữa ông. Mưu đồ không thành, Đề bà đạt đa tìm
cách lôi kéo Tăng theo ông, ông bèn đặt ra những điều giới khác biệt với những điều Phật chế. Những điều luật Đề
bà đạt đa đưa ra có vẻ mới mẻ lôi cuốn một số Tăng hiếu kỳ đi theo ông trên 500 vị. Ông bèn cấu
kết với vua A Xà Thế, ông làm thân quen với vua A Xà Thế, ông nói với A Xà Thế
giết vua cha để được làm vua, còn ông trợ giúp tôi giết Phật để tôi làm chủ
Tăng đoàn. Bên triều chính có ông bên Tăng đoàn có tôi. A Xà Thế tin và nghe
theo cho người giam nhốt vua cha cho đến chết, và vua A Xà Thế cho voi say hại
Phật … Cuối cùng vua cha chết trong ngục tối, còn Phật thì voi say được Phật
hàng phục nên không hại được Phật.
Sau khi giết vua cha chết, vua A Xà Thế mang
trong người một cơn bịnh lỡ lét ngứa xót ngày đêm, rất khó chịu tất cả danh y
trong nước không ai chữa trị được bệnh của vua. Trong các danh y có danh y Kỳ
Bà vừa danh y vừa là đệ tử của Phật. Ông Kỳ Bà nói với vua rằng bệnh của vua
thuộc nghiệp bệnh nên danh y dù có giỏi đến đâu cũng không chữa khỏi. Duy chỉ có
đức Phật là một danh y chữa cả thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh, vua nên đến
gặp Phật một lần là hết bệnh. Vua A Xà Thế nghe nói thì thích nhưng sợ Phật
không tiếp mình, do đó vua cứ do dự không muốn đi. Do sự thuyết phục của Kỳ Bà
cuối cùng vua xiêu lòng khởi tín tâm đi đến chỗ Phật ngự.
Vua và Kỳ Bà cùng đến chỗ
Phật, trên đường đi vua lo sợ yêu cầu Kỳ Bà cùng ngồi xe đi với vua, khi đến Tịnh
xá vừa bước vào cổng và đi lần vào bên trong, vua không nghe một tiếng động nhỏ
nào, không khí trang nghiêm và thanh tịnh, khiến vua càng sợ càng nghi, cho rằng
Kỳ Bà gài bẫy mình đến chỗ nguy hiểm. Vua bèn thối lui và trách Kỳ Bà và nói rằng
ở đây có cả trên 1250 người sao không có một tiếng người, một tiếng ho, tèn hén
vậy, ngươi có lừa ta không? Vua vừa nghi vừa lo sợ, sau khi được Kỳ Bà giải
thích vua mới lấy lại bình tỉnh và bớt nghi.
Sau khi vua A Xà Thế gặp Phật,
được Phật giáo hoá vua thấm nhuần được lời dạy của Phật, vua phát nguyện quy y
và nguyện làm một vị hộ pháp đắc lực cho Phật và Tăng chúng.
Câu chuyện ở trú xứ Cô Sam
Bi, là một chuyện từ việc bé xé thành to, một giọt nước mà phải tràng ly. Theo
quy tắc sinh hoạt trong Tăng đoàn Phật chỉ dạy những quy tắc nhỏ để mọi người
sinh hoạt trong sự hoà hợp và thanh tịnh, có một chi tiết nhỏ, Phật khuyên rồi
nó trở hành quy luật. Phật bảo các Tỳ kheo vào phòng tắm, sau khi tắm xong nên
úp cái bồn đựng nước đã tắm lại, nếu để ngữa còn nước đọng trong đó sẽ không vệ
sinh, nhất là các con trùng rơi vào trong đó. Do đó, có một vị Tỳ kheo trì kinh
vào phòng tắm, tắm xong đi ra quên úp bồn tắm đựng nước lại. Đến lược vị sư trì
luật vào tắm thấy bồn nước không úp lại, sau đó vị Tỳ kheo trì luật nói với vị
sư trì kinh là sư tắm xong không úp bồn đựng nước lại. Nghe nói vậy, vị sư trì
kinh xin lỗi, và thừa nhận rằng tôi sơ ý quên, cho tôi xin lỗi. Sau đó vị sư
trì luật lại đem câu chuyện đó nói với đệ tử của sư trì kinh, và từ đó đệ tử của
sư trì kinh và sư trì luật cải vã đấu đá nhau. Phật nghe tiếng ồn lớn tiếng bèn
đến xem thấy hai bên lời to tiếng lớn với nhau, Phật dàng xếp hai bên hãy buông
bỏ sự tranh chấp cãi vã với nhau. Nhưng đệ tử hai bên đều không nghe, bèn nói với
Phật việc nhỏ của tụi con Phật xen vào làm chi. Phật thấy tình thế bất lực
không thể giải quyết được và không thể ở chung với đám ồn ào này được, Phật bèn
từ giả hai chúng vào trong rừng sâu ở tịnh trong ba tháng.
Phật ở trong rừng hằng ngày
có con voi già xuống suối lấy nước cho Phật dùng, có con khỉ đầu đàn đi hái
trái cây cúng Phật ăn. Phật hỏi con voi già sao không ở với bầy đàn mà phải đi ở
riêng như vậy? Voi trả lời Phật, vì tuổi lớn ở chung với bầy voi trẻ ồn ào phức
tạp không chịu nổi nên nó phải tách riêng đi ở một mình. Phật lại hỏi con khỉ đầu
đàn sao bỏ đàn ra đi ở riêng như vậy. Con khỉ trả lời tâm trạng của nó cũng như
tâm trạng của con voi già vậy, vì ở chung với bầy đàn ồn ào nháo nhác quá nó chịu
không nổi nên phải tìm cách tách riêng ra để sống.
Khi Phật vào rừng tịnh dưỡng,
không còn xuất hiện ở trú xứ Cô sam bi, dân chúng không còn thấy hình bóng Phật
xuất hiện đi khất thực, mới tìm hiểu biết Phật vì sự xung đột cãi vã của hai
nhóm Tăng, Phật không hoà giải được nên Phật phải rời khỏi hai nhóm Tăng ồn ào
này để vào rừng tịnh dưỡng. Từ sự việc ấy, dân chúng mới tin đồn nhau hai nhóm
Tăng làm não loạn sự yên tịnh của Phật, nên Phật phải vào rừng tịnh dưỡng. Từ
câu chuyện đó mọi người dân biết được, nên tất cả Tăng đi khất thực không ai
cúng dường cả, đưa đến tình trạng đói thiếu trong hai nhóm Tăng ở Cô Sam Bi. Với
tình trạng thiếu vắng Phật quần chúng nhân dân phản ứng hai nhóm Tăng bằng cách
không cung cấp thực phẩm cho Tăng, vì thế hai nhóm Tăng vào rừng sám hối Phật
và thỉnh Phật trở lại Tinh xá đi khất thực hằng ngày như trước. Và Phật đã rời
khỏi rừng trở lại sinh hoạt cùng hai nhóm Tăng, và được dân chúng ủng hộ cúng
dường như trước, cuộc sống của Tăng bình ổn lại như xưa.
Qua câu chuyện trên Tăng là
biểu hiện của sự hoà hợp và thanh tịnh, nếu thiếu một trong hai yếu tố hoà hợp
và thanh tịnh thì không thành Tăng. Thời nào cũng vậy, nếu Tăng mà thiếu một
trong hai yếu tố trên thì chẳng qua là một nhóm Tăng mượn đạo tạo đời, chứ chưa
thật Tăng đúng theo nghĩa xuất thế tục gia, xuất tam giới gia và xuất phiền não
gia./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét