Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

LỜI CẢNH TỈNH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN

 

                          LỜI CẢNH TỈNH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN

           Lúc còn trẻ, còn khỏe không lo tu không lo học, vì thế không chút oai nghi, không rành phép tắc, lấy gì để hướng dẫn người sau, kẻ mới học do đâu mà bắt chước? Vừa bị quở trách, nhắc nhở, thì liền nói ta là bậc tu lâu.  Chưa nghe lời Phật dạy để biết hành trì, chỉ ôm giữ tánh tình thô tháo. Sự thấy biết như thế, là do sơ tâm biếng nhác, tham đắm thế tục, lần lữa  qua ngày, trở thành quê kệch. Bỗng chốc già nua lụm cụm, gặp việc như quay mặt vào vách, có người thưa hỏi việc gì cũng không có lời dẫn dắt, hoặc có gượng nói ra cùng không hợp với kinh điển. Nếu có bị khinh chê, liền trách người vô lễ. Lửa giận bùng lên, to lời lớn tiếng với người.

          Vừa mới vào đạo liền xưng ta là kẻ tu hành, cơm ngày ba bửa chẳng biết từ đâu, lại nói bừa lẽ tất nhiên phải cúng dâng như thế. Ăn xong dụm đầu nói chuyện huyên thuyên, chỉ nói toàn chuyện thế gian, câu kinh không nhớ, Phật hiệu không trì, ngày lẫn suốt đêm màn hình điện thoại không rời. Cứ như thế, một bề  đuổi theo cái vui, chẳng biết cái vui đó là nhân của quả khổ về sau. Nhiều kiếp lao theo trần cảnh, chưa từng tỉnh lại.Thời gian qua mau, năm tháng chần chờ. Thọ dụng càng nhiều, lợi dưỡng càng lắm.Trải qua nhiều năm, chưa khi nào nghỉ đến chuyện dứt bỏ. Gom góp cho nhiều cũng chỉ để giữ gìn thân xác giả dối.Vì thế các bậc Đạo sư có lời răn nhắc, người tu phải tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc, ăn, mặc, ngủ nghỉ không cần đầy đủ. Người đời đa phần tham đắm những thứ này, không có lúc nào dừng, ngày qua tháng lại thoắt đã bạc dầu, mà việc thoát sanh liễu tử còn xa vời vợi, cứ nghỉ hằng ngày tụng kinh, niệm Phật là đủ cho là tu.Thực ra chỉ tu thân chứ tâm chưa tu nên phiền não vẫn còn.

          Trước kia Phật chế giới luật là để khai sáng cho những kẻ còn mờ tối. Phép tắc oai nghi là để tịnh hóa thân tâm cho trong sạch, kiềm chế dục vọng, trừ bỏ thói hư tật xấu. Nếu chưa từng học hỏi thì giáo lý thượng thừa làm sao hiểu thấu.  Đáng tiếc một đời trôi qua, về sau hối hận  sao kịp. Giáo lý không chịu để lòng, thì đạo huyền không do đâu mà khế ngộ. Đến khi tuổi cao sức yếu, bụng trống lòng không, không chịu gần gủi bạn lành, chỉ một bề cao ngạo. Giáo luật không rõ, thúc liễm cũng không, nên nói năng không chừng mực, to tiếng nặng lời, mất hết oai nghi tế hạnh.  Ngồi đứng lăng xăng không tôn ti trật tự, không kính trên nhường dưới, tới lui tùy tiện, làm động lòng người. Sự thấy biết như thế là do ban đầu nhác học không tu.

          Một mai bệnh nằm trên giường, các khổ vây quanh bức bách, sớm chiều suy nghĩ, lòng dạ rối bời, đường trước mịt mờ, chẳng biết về đâu?  Bây giờ mới hối tiếc việc xưa, tự hận còn trẻ không lo tu lo học, già rồi lắm điều tội lỗi. Khi cái chết gần kề, kinh hoàng sợ hãi xiết bao!  Lưới lũng chim bay, thức tâm theo nghiệp mà qua đời khác. Như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh thì đến trước kéo lôi.Tơ lòng nhiều mối, chỗ nặng thì nghiêng. Con quỷ vô thường luôn rình rập giết người trong từng khoảnh khắc. Mạng sống không thể kéo dài, thời gian chẳng chờ đợi. Trời, người, ba cõi, chưa ai thoát khỏi, như thế thọ thân trải qua số kiếp không thể tính kể. Với tấm lòng từ bi của Phật, của Tổ cảm thương xót, đau đớn chúng sanh, nên nói ra nhiều lời cảnh tỉnh.

         Chúng ta sinh vào thời mạt pháp  cách Phật, cách Thánh quá xa, hiểu Phật sơ sài, người nhiều biếng nhác, nếu không từ bỏ hiểu biết hẹp hòi, thì chẳng trừ được thói hư tật xấu, để nhiếp trừ phiền não đạt đến cõi vô sanh bất tử./.  (Lược trích một đoạn trong Quy Sơn Cảnh Sách) của Thiền Sư  Quy Sơn Linh Hựu (771-853) quê ở Trường Khê, Phúc Châu, nối pháp thiền sư Bá Trượng Hoài Hải.)

LỜI CẢNH TỈNH CỦA THIỀN SƯ QUY SƠN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét