LỜI SÁCH TẤN CỦA
THIỀN SƯ HỔN DUNG
Những người xuất gia vào chùa, không tròn bổn
phận, không giữ giới, không ăn chay, không siêng năng tu học, không có chí xuất
trần, không có tâm cầu đạo giải thoát, thì là những hạng người:
Vào chùa chỉ vì miếng cơm manh
áo, tìm nhẹ lánh nặng, mà quên ơn khó nhọc của cha mẹ, của vua quan, của đàn na
tín thí.
Không cày mà có cơm ăn ngày ba bữa no nê. Không dệt mà có quần áo mặc
dư dã quanh năm. Không thờ vua, kính
chúa, không đi quân dịch, không nộp sưu nộp thuế. không làm công việc xã hội.
Không phụng dưỡng cha mẹ. Tất cả nhận ơn như vậy, lại cho là an, cho đó là tịnh,
là nhàn là giải thoát… Chẳng qua mượn y phục và tên gọi Sa môn, để làm việc thế
tục. Lấy việc đấu tranh làm Phật sự… mãi đến già cũng không biết hối hận, sau
khi chết sẽ đi về đâu? Quả là đau xót!
Lời huấn thị Thiền Sơn Hổn Dung chùa Đông Lâm, tại Lô Sơn.
Sống an thân khoẻ tâm không lao nhọc, không lo lắng tìm cầu,
mạng sống 100 năm là do ai chu cấp mà được vậy? Chính là nhờ ơn đức Phật, nhờ
nguyện lực của đức Bổn sư.
Đói có ăn,
nóng lạnh, mưa gió có nhà ở. đau ốm có thuốc men. có áo quần để bảo vệ che thân khi nắng mưa.
Ăn ở nhà cao cửa rộng, đi đây đi đó có xe có cộ. ở chùa có nhiều người phụ
giúp. Không khổ thân mệt trí, tất cả chi phí việc tiêu dùng, đều do đàn na, tốn
phí biết bao nhiêu trong một kiếp làm người. Tất cả do công sức và của cải nhiều
người dâng cúng cho ta để ta chi dùng. So với những nông phu, quanh năm cày cấy,
những công nhân lao động nhọc nhằn kiệt sức, thì tất cả sự khổ vui của những
người kia có thể xét biết. Thế mới biết giáo pháp của Đức Đại Từ cao tột, nguyện
lực của đấng Đại Bi sâu xa đến dường nào!.
Vua chúa tuy
cao quý, song cũng không dám xem ta như bầy tôi, ấy là quý kính ta. Cha mẹ tuy
có công nuôi nấng ta, cũng không dám xem ta như con đẻ, ấy là quý trọng ta. Cho
đến tất cả người dân, dù nghèo hay giàu, mỗi khi ta mang bát đến nhà họ, họ đều
hoan hỷ, bớt một phần thức ăn để dâng cho ta. Khi ta đi vào xóm thôn, mọi người
trông thấy ta đều khép nép, tỏ vẻ cung kính. Người xưa khi được cho một bữa ăn,
còn phải cánh cánh mang ơn nặng trong lòng, hết lòng báo đáp. Muốn nghe một câu
kệ, còn phải thí cả thân mạng, huống chi chúng ta, từ đỉnh đầu cho đến gót
chân, đều thọ ơn dưỡng dục của Như Lai, từ sống đến chết, đều nương nhờ ơn đức
Như Lai che chở. Giả sử chẳng gặp Phật pháp, chẳng được xuất gia, thì từ sáng đến
tối, phải xông pha ngoài sương tuyết, bất luận ngày đêm, mưa hay nắng, ra sức
lao nhọc, cày bừa hay làm tất cả công việc để có được cái ăn, cái mặc. Bôn ba
khắp nơi, cực khổ trăm bề, áo không đủ che thân, cơm rau ăn không đủ no bụng.
Đâu có thời giờ rảnh rổi để cau mày trợn mắt trong nhà cao cửa rộng. chống gậy
rong chơi nơi sân vườn thoáng mát.
Người xuất
gia thân khoẻ tâm an, không khổ thân nhọc trí đều nhờ ơn Phật, đều nhờ tín tâm
của đàn việt, ấy mà không nhớ ân đức, không lo tu không lo học. Chỉ chuyên một
bề vọng tưởng, chạy theo thị phi nhơn ngã, rốt cuộc bụng trống lòng không,
buông trôi một đời, chẳng lợi cho đời, mà đạo càng thêm mang tiếng. Hạng người
mượn lót xuất gia, không lợi đời ích đạo. Phật Tổ luôn luôn răn nhắc mà mê cứ
mê, biết chừng nào quay đầu thấy bến, thật đáng lo đáng sợ./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét