Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

DI GIỚI CỦA PHÁP SƯ ĐẠO AN

 

DI GIỚI CỦA PHÁP SƯ ĐẠO AN

          Kính tạ các đệ tử!  Xuất gia vì đạo rất nặng, rất khó, không thể xem thường và tự cho là dễ dàng. Vì sao nói nặng? Bởi phải đeo mang đạo đức, gánh vác nhân nghĩa, giữ gìn giới luật cho trong sạch đến chết mới thôi. Vì sao nói khó? Bởi ra khỏi thế tục, vĩnh viễn cắt tình thân ái, thay tâm đổi tánh cho khác với mọi người. Làm những việc mà người thế gian không thể làm, cắt bỏ những điều mà người thế gian khó cắt bỏ. Nhẫn khổ, chịu nhục bỏ cả thân mạng. Chính vì khó, nên mới gọi là đạo nhân. Đạo nhân nghĩa là người dẫn đường, như vậy thì việc làm ắt đáng để học theo, lời nói ắt đáng làm chuẩn mực. Người xuất gia mặc áo hoại sắc, hành động có phép tắc, chẳng tham cầu, chẳng đua tranh, chẳng gièm pha, chẳng che giấu. Học hỏi điều cao xa, để chí chỗ sâu kín, được dự vào ba ngôi cao quý. Ra khỏi bậc Hiền, vào bậc Thánh, rửa sạch tinh thần. Cho nên, vua chúa chẳng mong ta báo quốc, cha mẹ chẳng nhờ sức của ta. Người trong thiên hạ đều quy hướng, giảm của vợ con, bớt phần nuôi dưỡng để cúng dâng cơm ăn, áo mặc cho ta, lại cúi mình cung kính chẳng ngại vất vã. Đó cũng do chí hạnh trong sạch, hợp với thần minh, đạm bạc, sáng suốt, đáng lạ, đáng quý. Thời nay, có những kẻ buông lung trôi nổi khiến cho đạo pháp sút kém, người mới học chưa rõ phép tắc, theo tà bỏ chánh, quên mất lẽ chân thật. Vừa có chút sáng tỏ vội cho là trí, được chút cung kính liền đã thoả lòng. Cả ngày ăn no rồi chẳng biết làm gì, nghĩ lại, có đáng buồn hay không? Có kẻ xuất gia đến nay đã mấy năm rồi mà kinh nghiệp chưa thông, chữ nghĩa chưa rõ, uổng qua một đời không có tiếng tăm gì. Việc như thế há chẳng nên xét kỹ hay sao? Vô thường chợt đến, không sáng thì chiều. Tam đồ thống khổ, không kể kẻ mạnh hay người yếu. Bởi nghĩa thầy trò sâu nặng, nên mới có lời chỉ dạy, kẻ hiểu biết nên lấy đó để suốt đời tự răn nhắc.

1- Ông đã xuất gia, vĩnh viễn xa lìa cha mẹ. Cắt tóc, huỷ hình, mặc áo pháp. Ngày giã từ cha mẹ, mọi người đều ứa lệ đau thương. Cắt ái, trọng đạo, ý chí ngút trời xanh. Nên noi theo đó, học kinh tu đạo cho mau sáng tỏ. Sao lại làm ngơ, cố giữ lấy thanh sắc. Nhởn nhơ qua ngày, kinh nghiệp bỏ phế. Đức hạnh ngày càng tổn giảm, ác nghiệp chất chồng. Thầy bạn tủi hổ, kẻ tục khinh khi. Xuất gia như thế, luống tự mang tiếng xấu. Nay có lời nhắc nhở, hãy cố tiến lên.

2- Ông đã xuất gia, bỏ tục, từ vua, nên tự gắng sức, lập chí cho cao cả. Chớ màng tài sắc, chớ để đời làm ô nhiễm. Coi khinh vàng ngọc, chỉ có đạo là đáng quý. Khắc kỷ, thủ tiết, chịu khổ, ưa nghèo. Vun bồi cội đức để tự độ lại hay độ cho người. Sao lại thay đổi tiết tháo, lao vào gió bụi. Ngồi chưa ấm chiếu, rong ruổi đông tây, vội vàng như kẻ lao dịch bị quan binh sai khiến. Kinh đạo chẳng thông, giới đức chẳng toàn. Bạn bè cười nhạo, đồng học xa lánh. Xuất gia như thế, quả là uổng phí cuộc đời. Nay cố khuyên gắng, nên tự thương lấy mình.

3- Ông đã xuất gia, rời xa tông tộc. Không thân, không sơ, trong sạch không ham muốn điều gì. Gặp việc lành chẳng mừng, gặp việc dữ chẳng lo. Siêu thoát tự do, rỗng rang lìa tục. Để chí nơi huyền diệu, noi theo chân lý, giữ lòng chất phác. Tự mình vượt qua, lại hay cứu giúp tất cả chúng sanh, nơi nơi thấm nhuần phước lộc. Sao lại làm ngơ, để tâm nhiễm trước. Uổng tranh hơn kém, tính toán chi ly. Tranh nhau lợi lộc, khác nào tôi tớ trong nhà. Kinh đạo chẳng rõ, đức hạnh chẳng đủ. Xuất gia như thế, thật nhục nhã lắm thay. Nay cố răn dạy, hãy nên tự gột rửa.

4- Ông đã xuất gia, gọi là đạo nhân. Chẳng kính thờ cha mẹ, chẳng làm bề tôi của vua chúa. Được mọi người trong thiên hạ phụng sự như thần. Chẳng kể giàu nghèo, ai cũng cúi đầu đảnh lễ. Bởi họ tôn trọng sự tu trì trong sạch, tự lợi hay lợi người. Ân cắt giảm của thí chủ, một hạt gạo nặng đến bảy cân. Sao lại biếng nhác, coi khinh, không lo đến đáp? Ỷ lại vào đó rồi mặc tình buông lung phóng ý, thân tâm trống rỗng, phiền não đầy tràn. Không giữ giới mà ăn của tín thí, sau khi chết sẽ bị đoạ vào địa ngục, ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, chịu các thứ thống khổ không thể nào kể xiết. Nay khuyên dạy rõ, nên cố gắng sửa đổi.

5-Ông đã xuất gia, gọi là dừng tâm, tức là chẳng nhiễm uế tạp, một lòng tôn kính đạo. Chí trong sạch như băng như ngọc. Nên tu tập kinh giới để trợ giúp tinh thần. Che chở chúng sanh, cứu độ thân bằng quyến thuộc. Sao lại làm ngơ, để chìm nổi theo thói tục. Tứ đại buông thả, năm căn phóng túng. Đạo đức cạn bớt, việc đời thêm sâu. Xuất gia như thế, có khác gì kẻ tục? Nay có lời khuyên nhủ, hãy tự tỉnh sáng.

6- Ông đã xuất gia, bỏ đi hình tướng thế tục. Cốt sao phải cạn hết tình, khế hợp với vô sanh. Sao lại ồn náo, không thích ở yên? Kinh đạo bỏ phế, việc đời có dư. Thanh bạch chẳng chịu, lại giẫm vào chốn sình lầy. Mạng sống như bóng câu qua cửa sổ, chỉ trong chớp mắt. Nỗi thống khổ dưới địa ngục khó có thể tả xiết. Nay cố khuyên nhắc, nên tôn trọng phép tắc đã định.

7-Ông đã xuất gia, không còn buông thả. Hình dáng tuy quê mùa, song việc làm đáng noi theo. Y phục tuy thô xấu mà ngồi đứng trang nghiêm. Ăn uống tuy sơ sài mà lời nói đáng để suy ngẫm. Hạ về chịu nóng nực, đông đến nhẫn rét buốt. Tự giữ tiết tháo, không uống nước suối Kẻ Trộm. Của dâng không hợp lễ, chân không bước tới để nhận. Ở trong thất riêng, như đối trước Thế Tôn. Dẫu học không nhiều, mà ngang với bậc thượng hiền. Xuất gia như thế, mới đủ báo đáp cha mẹ. Họ hàng, trí thức đều được nhờ ơn. Nay gắng khuyên răn, nên tự gắng sức.

8-Ông đã xuất gia, căn tánh có sáng tối. Học không luận nhiều hay ít, cốt ở chuyên ròng tu tập. Người bậc thượng thì toạ thiền, bậc trung thì tụng kinh, bậc hạ thì lo xây dựng chùa tháp. Đâu nên để ngày qua đi mà không làm được gì! Lập thân mà không có tiếng tăm gì, đáng gọi là uổng cả một đời. Nay cố khuyên dạy, hãy nên xét kỹ.

9- Ông đã xuất gia, từ bỏ cha mẹ. Lấy đạo pháp sửa tánh, áo thế tục không dính đến thân. Ngày ra đi, vui buồn lẫn lộn. Xa hẳn tục luỵ, vượt khỏi chốn bụi hồng. Nên tu kinh đạo, khắc kỷ, về chân. Sao lại làm ngơ, để nhiễm theo tục. Kinh đạo sơ sài, việc làm toàn không dính dáng. Nói ra tầm thường, đạo đức kém cõi. Thầy bạn phải bận lòng, sân hận ngày càng tăng. Xuất gia như thế, quá là tổn hại cho đạo pháp, làm hoen ố thân mình. Hãy nghĩ kỷ, tự mình sửa đổi.

                          {]{

DI GIỚI CỦA PHÁP SƯ ĐẠO AN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét