Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

BIẾT CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

 

                    BIẾT CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

 Tổng mục:

  1/ Khi chết không mang theo được bất cứ thứ gì.

 2/ Cần phải biết trước cái chết sẽ đến với mình.

 3/ Tâm tư nguyện vọng của người sắp chết

 4/ Nổi đau về thể xác của người sắp chết.

 5/  Tâm tư tình cảm của người sắp chết.

 6/ Cần phải tôn trọng ước nguyện của người sắp chết.

 7/ Điều nên tránh khi đang ở bên cạnh  người sắp chết.

 8/  Người sắp chết lìa đời đối với đức tin của họ

 9/ Cầu siêu cho hương linh đã mất ..

10/ Những giai đoạn diễn biến  của sự chết.

 Đất: Thịt,xương- tạo ra khứu giác

 Nước: Máu huyết- tạo ra nhận vị ngọt, đắng, cay.

 Gió: Hơi thở - tạo nên xúc chạm, sờ mó

 Lửa: hơi ấm- tạo nên thị giác, thính giác, nghe và phân             biệt âm thanh.

11/ Người sắp chết thường thấy bạn bè, thân quyến người đã qua đời trước kia.

          Khi sống, con người lo đủ việc và hết lòng chuẩn bị mọi thứ. Nào chuẩn bị thi cử,… ra trường… cưới hỏi…sinh con…nhận việc làm…mua nhà…đi du lịch…khám bệnh.v.v…

          Nhưng có một việc rất quan trọng, rất gần gũi, thiết thực và hệ trọng cho mỗi con người, thì lại không mấy ai chuẩn bị gì cả… Đó là chuẩn bị cho lúc lâm chung.

          Tại sao phải chuẩn bị lúc qua đời? Vì mọi người ai cũng phải chết, đó là lẽ tự nhiên, không một ai tránh khỏi, có gì mà phải chuẩn bị? Rất có nhiều người sẽ nói như thế khi có ai nhắc đến chữ Chết.

          Nhưng chính vì mọi người ai cũng phải chết, nên cũng phải chuẩn bị, mà nên chủng bị kỷ hơn. Vì thật sự chết không phải là đơn giản như những điều mà người ta chuẩn bị trên đời.

          Lý do:  Khi chết ta ra đi chỉ có một mình đơn độc -    Ở ngưỡng cửa Tử sinh, vì không chuẩn bị trước nên tâm trạng lúc ấy ta bơ vơ, ngơ ngác lo sợ, mơ hồ, bàng hoàng…không biết làm gì và tới đâu?

          Rời khỏi thế gian rồi, ta sẽ đi vào những cõi giới khác mà ta không biết xấu tốt ra sao? Tâm thức ta lúc ấy vô cùng bấn loạn, sợ sệt kinh hãi hoang mang. Vì thế khi sống ta cần biết rõ khi chết sẽ ra sao và chuẩn bị trước để lúc lâm chung tâm thức ta đủ sáng suốt để nhận định đâu là cửa tới cõi an lạc hầu chuyển đổi một kiếp đời mới khác tốt đẹp hơn.

          Chết là một sự kết thúc của một giai đoạn sống của một con người, nhưng ngặt nỗi không ai có thể biết trước mình sẽ chết vào thời điểm nào, trừ những vị  tu chứng có đạo nhãn thấy được nghiệp duyên của mình. Còn ngoài ra tất cả không ai có thể tiên đoán số mệnh mình cả. Chết là một sự kết thúc một giai đoạn sống, giống như học sinh hết niên học sẽ thi để kết thúc một giai đoạn học tập, để tiến lên một năm học mới hay một cấp học mới. Vì vậy học sinh phải học bài chuẩn bị đầy đủ, lo sợ rớt ở lại lớp, hay không có việc làm, nên học sinh phải mài mò đêm ngày lo học để thi. Nhưng học sinh thi thì có thời gian để ôn bài chuẩn bị. Nhưng con người thi để vượt qua cửa sanh tử thì không có ngày giờ, năm tháng nhất định. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Chuẩn bị từng giây từng phút khi còn đang sống, còn đang mạnh khoẻ, còn đang trẻ. Chúng ta thấy cái chết không dành riêng cho những người già, mà bất luận mọi lứa tuổi đều sẽ chết cả. Vì thế cần phải biết lo chuẩn bị.

           Vậy chúng ta sẽ chuẩn bị những gì và như thế nào cho lúc sắp chết và sau khi chết. Người đời họ chuẩn bị cơm, áo gạo tiền, ăn, mặc, ở. Những thứ này nó giúp chúng ta an thân khi còn sống, nhưng nó là đầu mối trở ngại lúc gần chết. Vì thế con người ngoài việc cơm áo gạo tiền phải biết chuẩn bị đạo đức và trí tuệ cho lúc gần chết và sau khi chết.  Đạo đức là giới đức nó thay đổi nghiệp xấu ác của mình. Trí tuệ nó giúp ta thay đổi nhận thức sai lầm của ta.

          Vì thế lúc chết, tâm trạng chúng ta sáng suốt vui vẻ, không lo sợ xao xuyến bàng hoàng, nên nghiệp thức chúng ta không rơi vào con đường tối tăm. Người bình thường làm việc ác việc thất đức hay sợ ánh sáng, cho nên lúc chết cũng vậy đi tìm bóng tối mà vào, cho nên sẽ tái sanh vào ba cõi địa ngục, ngạ quỹ và súc sanh là vậy.

          Đừng đợi tới khi sắp qua đời thì mới lo thì không còn kịp nữa, giống như nhà cháy mới lo đi đào giếng làm sao kịp. Rất ít người hiểu về cái chết. Trước khi chết, trong khi chết và sau khi chết như thế nào?

          Có người cố quên về cái chết, cho cái chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng có người ra vẻ thản nhiên bất cần, coi thường sự chết và nói rằng “Ôi! ai rồi cũng phải chết cả, vậy thì lo sợ nghĩ ngợi làm chi cho mệt?” Thật sự nói vậy để khoả lấp về sự chết, chối bỏ sự chết, vì không muốn nghe đến chữ chết mà thôi. Nhưng chính những người này khi sự chết đến là họ lo âu khủng khiếp, không còn làm họ thản nhiên nữa, vì không có sự chuẩn bị trước, nên sự ra đi của họ về bên kia thế giới chất chứa nhiều đau khổ, sai lầm. Có người cho rằng chết là hết, chứ không còn gì nữa. Vì thế họ sống vội vã, cố hưởng thụ được những gì họ có trong cuộc đời hiện tại, mà họ đang sống chứ không cần nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau ra sao? Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng nề về vật chất, mà coi nhẹ hoặc không nghĩ đến phần tâm linh. Họ chỉ sống với mục đích thuần vật chất, chứ không vì mục đích tâm linh.

          Sự chết quả thật rất quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản. Khi biết được vấn đề trên một cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình, ta còn nên giúp người khác biết chuẩn bị cho họ được an lành khi cái chết đến với họ.

          Sống trên đời này, phần đông mọi người đều bị mê muội làm và nghĩ biết bao điều mê muội, trong khi cái chết là thực tế đang chờ đợi tương lai không bao giờ để tâm tới. Đó chính là cái sai lầm lớn nhất mà mọi con người đã và đang phạm phải mà không hay biết.

          Con người hầu như gần cả cuộc đời mình đã hao phí hết thời gian khổ công cho công việc làm ra tiền, xài tiền, hay góp nhặt để dành tiền, chỉ ngần ấy thôi cũng đã khiến tiêu tán hết năng lực, để rồi cái chết đến bất ngờ, trong khi chưa chuẩn bị gì cả. Mà chết thì lại không mang theo bất cứ thứ gì, dù là vua chúa, người sang giàu hay kẻ nghèo hèn, một khi đã chết thì không mang theo của cải vật chất nào cả.

          Có một vị sư khuyên người bạn của mình nên niệm Phật, người bạn nói rằng tôi còn ba việc chưa xong: Mả ông cha chưa xây, thằng con Út chưa cưới vợ và cái nhà hư chưa sửa. Mả ông cha đã xây, con trai đã có vợ, cái nhà đang sửa, trong khi thợ đang làm, ông ra coi ngó, cây đòn đông rơi xuống trúng đầu của ông, ông chết ngay lập tức.

          Vị sư đến phúng điếu ông và khai thị cho ông, bằng một bài kệ rằng:

                   Bạn tôi tên là Trương Tố Lưu

                   Khuyên ông niệm Phật hẹn ba điều

                   Ba điều chưa vẹn, vô thường đến

                   Khá trách Diêm Vương không nể nhau ./.

          Khi chết không mang theo được bất cứ thứ gì.

          Thật vậy, khi chết hai tay buông xuông, quả thật người chết không mang theo được bất cứ thứ gì, nhất là tài sản, tiền bạc. Cho nên các bậc đạo sư thường nhắc nhở ta rằng. Trước khi chết ta nên rời bỏ không luyến tiếc những gì mà ta có, những tài sản, tiền bạc vật dụng nên phân chia, cho tặng rõ ràng. Như thế là hoàn toàn buông xả, để chính ta không còn phải phân vân khi ra đi, không còn khao khát, thiết tha, quyến luyến tiếc nuối. Ngay cả sự thương yêu hay ghét giận cũng cần buông xả trút bỏ.  Có như thế người sắp mất ra đi với “cái tâm bình thản”, không bị ray rứt bịn rịn hay ràng buộc bất cứ vấn đề gì.

          Khi mới ra đời ta hoàn toàn hai bàn tay không, ấy vậy khi khôn lớn lên ta lo gom góp mọi thứ cho mình, để rồi khi chết, ta lại ra đi có một mình với hai bàn tay trắng, để lại đàng sau tất cả những gì mà ta đã khổ công đeo đuổi bấy lâu, chỉ có cái ta mang theo là cái tâm linh tự lập (Nghiệp thức thiện hay ác theo ta) mà thôi.

          Cần phải biết trước cái chết sẽ đến.

          Thường thường có người bệnh, bác sĩ khám cho biết bịnh hoạn rất nặng, sẽ không qua nổi, bạn sẽ chết. Lúc đầu người ấy rất lo âu sợ sệt, nhưng người ấy biết trấn tỉnh, an phận biết chấp nhận với sự thật, và sẽ an nhẫn chấp nhận vì không còn con đường nào khác, và những giây phút còn lại họ sẽ sống theo với hoàn cảnh của họ, khi đó họ tự nhủ là con người thì trước sau rồi ai cũng phải chết. Và cùng lúc bạn bè thân nhân ai cũng chấp nhận điều đó với đời của họ, thì người bệnh cảm thấy an ủi rất lớn, và tự nhiên họ không còn đau khổ, lo sợ về cái chết sắp tới nữa.

          Mọi người thân nhân nên có cách tế nhị, khéo léo giúp cho thân nhân sắp qua đời biết căn bệnh của người thân sắp qua đời, biết căn bệnh của người thân đã tới hồi nguy kịch. Điều đó có lợi giúp cho họ “Kịp dọn mình, chuẩn bị tinh thần cho một tình huống phải đến, nhờ thế mà dần dần họ sẽ cảm thấy yên tâm và từ đó họ bắt đầu sửa đổi thái độ, tâm tánh với mọi người, với gia đình, với những người ân oán, nợ nần, những gì cần phải quyết v.v…cho tốt đẹp”

            Tâm tư nguyện vọng người sắp chết: Những người sắp chết thường giống nhau về tâm tư nguyện vọng. Lúc đó họ thích thố lộ những điều liên quan tới cái chết và những điều mà họ mong mỏi ước ao.

 Theo Đại Đức Rinpahe thì, nếu người sắp qua đời nói được những tâm tư nguyện vọng của họ một cách tự nhiên thoải mái thì điều ấy sẽ giúp cho họ thay đổi được quan niệm sống, thay đổi cuộc đời họ đã từng trải qua để đi vào một thế giới khác một cách bình an tốt đẹp.

          Khi bạn đến thăm người sắp chết, nếu họ nói ra những điều gì về cá nhân họ, cuộc đời họ, tình cảm họ, bệnh tình họ…thì đó là cảm nghỉ riêng tư của họ. Hãy để cho họ thổ lộ những gì họ muốn nói, đừng cản lời họ vào lúc đó, không những không cản trở mà còn khuyến khích cảm thông với họ, hoà đồng với họ một cách ân cần đầy tình cảm khi họ nói ra. Có vậy họ sẽ có được cảm giác khi ra đi không cô đơn, lúc này rất quan trọng, vì người sắp lìa đời đang ở vào giai đoạn dễ cảm xúc nhất, nhạy bén nhất.

          Khi tiếp xúc với người sắp lìa đời, bạn nên tự đặt mình vào hoàn cảnh của người sắp mất đang kề cận với cái chết, thì lúc đó tình cảm của bạn đối với họ sẽ chân thật sâu đậm hơn, và lúc đó bạn sẽ hiểu thấu tâm can ước vọng hay sự lo lắng của họ hơn. Còn họ thì lại cảm thấy an bình thanh thản như trút được gánh nặng và có người vào đó họ cảm thấy được cảm thông hoà điệu với mình, khiến họ an bình can đảm. Lúc đó bạn phải tỏ ra tự nhiên không hốt hoảng, lo sợ và tin tưởng là giây phút sắp tới mà người sắp mất sẽ gặp đấng tối cao, họ sẽ gặp được Chúa hay Phật dẫn dắt họ về cõi an lạc.

          Đáng lo ngại nhất và sai lầm là vào giây phút đó người thân lại kêu gào than khóc, níu kéo như sợ người mình thương ra đi, phải nghĩ rằng mọi người ai cũng phải chết, không đi trước sẽ đi sau.

Nỗi đau về thể xác của người sắp chết

Người sắp chết có nhiều nổi lo lắng bồi hồi mà một trong những lo sợ ấy là sự đau đớn trong khi sắp qua đời. Nếu lúc ấy, người sắp qua đời đau đớn thân xác thì cần phải có sự chăm sóc tận tình nhưng đừng hốt hoảng, các loại thuốc giảm đau có thể dùng nhưng đừng nhiều chất Á phiện. Sự làm giảm đau đớn cho người sắp qua đời nếu họ bị đau đớn sẽ giúp cho thần trí của họ được sáng suốt bình tỉnh hơn, giúp họ giữ được ý thức và tự chủ trước giây phút thần thức thoát ra khỏi cơ thể. Giây phút quan trọng trong sự chuyển tiếp, mà trí óc không minh mẫn, không sáng suốt, thần trí hổn loạn, vì những cơn đau đớn thì dễ bị tối tăm lầm lạc, mà đi vào những đường xấu xa bất lợi.

Do đó, thật có phước cho ai khi sắp lìa đời mà không đau đớn, từ từ như đi vào giấc ngủ bình thường.

Tâm tư tình cảm của người sắp chết

Ngoài vấn đề đau đớn thể xác, người sắp qua đời còn mang nặng một nỗi niềm luyến tiếc, bịn rịn chưa hoàn tất mọi công việc, một ước vọng hoặc chờ mong một việc gì đó. Ngoài ra về mặt tình cảm, ngoài việc bịn rịn gia đình, cha mẹ, vợ con những người thân, tài sản sự nghiệp, đôi khi họ còn phiền muộn lo âu về những điều họ đã phạm phải tội lỗi, những mối căm thù, những món nợ chưa trả…mà họ chưa giải quyết xong. Câu chuyện nhà sư đau bịnh không lành, bác sĩ khuyên  đệ tử bổ sung cho ngài thứ cháo gà để mau lành bịnh. Sau khi lành bịnh nhờ súp cháo gà ông khoẻ mạnh. Và sau đó ông phát hiện ra đệ tử đã cho mình ăn cháo gà, cho nên ông ân hận rồi chết, do ân hận ăn cháo gà là một tội lỗi, là một sự phạm giới, nên sau khi chết ông làm con ma thường thắc mắc với người sống ăn cháo gà là một tội lỗi? Ai cũng sợ cái hồn ma này cả. Đó là một sự ân hận hối tiếc mà thành không siêu thoát được. Ở đây chúng ta cứ tưởng những người làm ác mới không siêu thoát, nhưng những người hiền thiện mà phút giây cuối cùng của cuộc đời, chỉ cần một niệm không thông là đứng lại tại chỗ không tiến lên được. Cho nên sự chuẩn bị tâm lý cho phút giây lâm chung là rất quan trọng.

Đây là sự thật và cũng là điều đáng ngạc nhiên, phải chăng lúc lâm chung con người sắp ra đi, họ thường tỏ ra thánh thánh thiện? Phần lớn người sắp qua đời thường tha thứ những gì mà người khác đã gây hại cho họ, cả kẻ thù mà lúc còn sống họ rất căm  giận. Ngay cả nợ nần họ cũng nhớ và muốn giải quyết dứt khoát.

Những điều nói trên cho chúng ta thấy ở giờ phút lâm chung, con người tự nhiên tốt lành hơn, cởi mở hơn, thánh thiện hơn, tất cả như buông xả nên họ dễ dàng tha thứ. Ngay cả tử tội, trước khi thọ hình thì cũng thường tỏ ra ăn năn hối cãi những lỗi lầm mà mình đã phạm phải.

Cần phải tôn trọng ước nguyện của người sắp chết

Ở tại bệnh viện hay ở tại nhà, bác sĩ y tá hay mọi người thân quen cần phải tôn trọng ước nguyện của người sắp chết, cũng như cần cho họ được nằm yên và giữ im lặng càng nhiều càng tốt. Vì giây phút lâm chung sắp đến, tâm linh họ cần được mở ra. Do đó, khi biết được người bệnh nào không thể qua khỏi, thì tốt nhất là gỡ bỏ những gì gài, cắm vào cơ thể người bệnh, như các dây nhợ, kim tiêm, máy đo, thuốc chuyền vào cơ thể để thân thể người sắp qua đời được tự nhiên, tâm trí thanh thản. Đồng thời người thân túc trực bên giường nói lời tốt đẹp hay cầu nguyện cho người sắp mất, và săn sóc tâm linh cho họ. Có thế sự ra đi của họ mới mong được bình an.

Ngày thứ 49 sau khi mất rồi cũng rất quan trọng, vì đó là thời hạn mà thân Trung ấm chuyển đi vào một kiếp đời khác (đầu thai). Trong giai đoạn nầy nên có một vị Sư hay Linh mục hoặc bè bạn bổn đạo, khuôn hội tới đọc kinh, tụng niệm giúp cho hương linh siêu độ. Đây là việc nên làm nhất. Một thời điểm khác cũng rất quan trọng là hai tuần sau khi mất, tức khoảng nữa tháng, thời gian ấy nên đọc tụng kinh cầu nguyện cho hương linh được vãng sanh Cực lạc hay  Thiên đường tuỳ theo tôn giáo của họ.

Trong hai thời điểm ấy nếu thân nhân làm việc nhân đức, việc thiện, như bố thí, cúng dường, phóng sanh v.v…với ý hướng làm thay thế cho người mới qua đời cũng góp phần nào vào giúp lợi lạc cho họ về mặt tâm linh chuyển kiếp.

Làm việc này cũng giống như người sống gởi tiền cho người thân qua bằng tài khoảng ngân hàng hay bưu phẩm, bưu phiếu vào bưu điện để người thân của mình ở một nơi cách xa cũng có thể nhận lãnh được.

Đối với người Tây Tạng thì việc làm phước thiện nhân danh người chết là một việc làm có ý nghĩa nhất, đó là cách trả ơn, tỏ lòng thương mến và hỗ trợ cho người đã mất hay nhất, chứ không phải cứ ủ rủ than khóc nuối tiếc, sầu thương cũng chẳng ích gì cho vong linh người quá vãng.

Ngoài ra điều cấm kỵ nữa sau khi người thân mất, gia quyến sát sanh hại vật để cúng tế đãi đằng, trả ơn trả nghĩa trong vòng 49 ngày. Những việc làm nầy đối với người thế gian không có đạo gọi là hiếu, nhưng đối với người đã chết là điều tai hại bất hiếu. Sát sanh hại vật mà gọi là để báo hiếu là điều trái với đạo lý. Dù có mời thầy tụng kinh siêu độ cũng không có tác dụng gì.

Người đã chết như sắp đi xa gánh một gánh nặng. ta nên giúp cho họ bớt những thứ trong gánh nặng để họ đi nhẹ nhàng thong thả, thế mà ta vô tình làm cho họ nặng thêm, bằng cách sát hại sinh mạng chúng sanh, không khác gì gánh đã nặng, ta lại càng bỏ thêm cho người thân một số đá vào gánh nữa. Đó là hành động là việc làm bất nhân bất nghĩa mà người đời cho là hiếu. Cho nên ai tin nhân quả, tội phước thì phải biết cách báo hiếu cho đúng cách, cho trọn vẹn, để người thân chết thật sự hưởng được an lạc mà thoát kiếp khổ đau của ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Nhận thức của ta sẽ thay đổi khi kề cận với người sắp qua đời.

Những người nào đã từng ở cạnh người sắp chết họ sẽ học được thế nào nổi lo sợ, cô đơn của người sắp qua đời. Nếu người ở cạnh ấy cảm thấy lo sợ thì mối lo sợ đó cũng giống mối lo sợ của người đang nằm trên giường. Nhờ vậy mà những người đã từng ở cạnh kề người sắp mất như thế sẽ có nhiều thiện tâm hơn, vì chính họ cũng sẽ từng trãi qua giai đoạn của lúc lâm chung ấy. Họ sẽ nhìn đời khác hơn và nhận chân rõ đời người hơn, họ sẽ xem giá trị tâm linh cao hơn giá trị vật chất.

Vì thế, ta cần phải bao dung vị tha hơn với mọi người, tại sao ta không bao dung, cởi mở thiện tâm trong lời nói, trong hành động, việc làm ngay khi ta còn đang sống trên đời nầy? Con người cần phải tin vào luật nhân quả, vì khoa học càng tiên tiến đều xác nhận luật nhân quả và ứng dụng luật nhân quả vào sự phát triển của khoa học.

Điều nên tránh khi đang ở bên cạnh người sắp mất.

Điều quan trọng nhất đối với người sắp mất là: Những người thân quyến, bạn bè khi ở gần người sắp mất. Nếu cứ tạo ra mối cảm thương day dứt thì người sắp chết lúc lìa đời họ sẽ đau buồn thảm khốc vô cùng, khiến họ nhắm mắt, đó chính là điều vô cùng tai hại. Điều cần ghi nhớ rằng khi gần tới giờ phút lâm chung họ cần phải được an ổn tâm hồn, buông xả tất cả, không còn vướng bận gì vào giai đoạn quan trọng đó. Tốt nhất những người thân phải để cho họ ra đi một cách bình an thanh thản, tự nhiên. Muốn thế phải làm cho họ an tâm, nói với họ là mình không sao cả, không có gì phải lo cả, mọi việc sẽ ổn thoả sau khi họ mất.

Người sắp mất luôn luôn mong ước có người hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, gần gủi họ để an ủi, ân cần, chăm sóc, chịu lắng nghe, cần tránh sự sợ hãi mà không dám gần họ. Hãy mạnh dạng và nhất là đừng nói lời chia buồn khổ đau mà trái lại nói lời an ủi giúp họ phấn chấn tinh thần. Lời an ủi ở đây không phải nói với họ rằng họ sẽ chết. Khi họ biết rõ chết là sự thật, họ sẽ có thời giờ chuẩn bị dọn mình cho sự chết đến với sự can đảm chín chắn và sáng suốt hơn. Đừng để họ ra đi  khi họ không biết trước là họ sắp mất.

Có một điều cần để ý là đừng bao giờ thuyết giảng giáo lý của riêng bạn cho người sắp mất là khi người ấy không cùng tín ngưỡng với bạn.

Người sắp chết lìa đời đối với đức tin của họ.

Đừng bao giờ bỏ người sắp qua đời ở phút lâm chung nằm một mình cả, ở cạnh họ, hoà cả thiện tâm của mình với họ lúc ấy, chính là giúp họ yên tâm vững tiến vào thế giới khác mà không lo lắng sợ hãi. Ở cạnh họ vào cái giây phút quan trọng ấy với lời thành tâm cầu nguyện cho họ là điều cực kỳ quý giá. Nếu người sắp mất có đức tin vào Chúa thì cầu nguyện Chúa hãy thương xót giúp đỡ họ, nếu họ là tín đồ Phật giáo thì hãy cầu nguyện  Phật A Di Đà, Quan Âm, cứu độ, chính sự cầu nguyện các đấng này mà vào phút lâm chung, người sắp qua đời sẽ được yên tâm hơn khi họ cảm thấy như thấy có đấng tối cao ở bên cạnh mình.

Theo Đại Đức Rinpoche thì. Nếu người sắp mất là tín đồ Thiên chúa giáo và bạn là tín đồ Phật giáo thì bạn cầu nguyện, hãy hướng Phật- vì Phật hay Chúa sũng đều  mang lại từ bi bác ái cứu độ cả, chẳng có gì phân biệt, chỉ có điều là vào giây phút đó bạn  “đừng bao giờ truyền giảng đức tin của bạn cho người sắp mất khi họ khác niềm tin với bạn” .

Cầu siêu cho hương linh là điều cần thiết

Con người khi chết, phần lớn họ chưa hay không cảm nhận được là họ đã chết, họ không còn trên cõi đời nầy nữa. Do đó, người chết thường hoang mang vô định, họ run sợ trước những gì xảy ra sau khi họ qua đời, họ tới đâu, gặp ai, về đâu? Điều khủng khiếp đáng sợ nhất là khi họ đang đứng giữa sáu con đường mà họ chẳng biết chọn đường nào. Nếu lúc đó linh hồn họ bất định hoang mang thì sẽ đi vào con đường tối tăm, lầm lạc, dễ sa vào ngạ quỷ, súc sanh hay cõi địa ngục. Để “hồn” người chết hiểu rõ tình cảnh thực của họ không bị hoang mang mơ hồ, thì thân nhân phải lo liệu việc cầu siêu cầu an cho  hương linh mới mất, hầu dắt họ ra khỏi chốn ảo tưởng mơ hồ.

Những giai đoạn và diễn biến của sự chết.

     Trong bộ Sử Thi Tây Tạng có những đoạn mô tả diễn biến của sự chết như sau: Trước tiên người sắp qua đời nhận biết rõ cơ thể họ suy yếu dần, các cử động chân tay, thân mình trở nên khó khăn, họ không thể đứng ngồi, cầm nắm. Lúc bấy giờ họ cảm thấy như choáng váng. Cơ thể như bị một lực nặng nhận xuống nên rất dễ té ngã và nhất là khó thở. Có người còn bảo thân nhân mở hết cửa ra vì như cảm thấy ngột ngạt. Mắt thấy lờ mờ không rõ, hai má hóp lại, màu da và đôi môi tái xanh, răng có những chấm đen xuất hiện. Vào giai đoạn đó tâm thần bất định, chập chờn đôi khi nói như mê sảng và chìm dần vào trạng thái hôn mê.

Dấu hiệu báo trước người sắp lìa trần là da thay đổi màu sắc không còn hồng hào tự nhiên như khi còn sống khoẻ, mà trái lại xám xịt, tái mét. Lý do là vì máu không còn luân lưu điều hoà trong cơ thể nữa mà rút dần về tim nên da tái nhợt hay tím dần từ đầu ngón tay, ngón chân trở vào thân mình.

Dấu hiệu kế tiếp là nước mắt nước mũi, nước miếng, chảy ra một cách tự nhiên không có sự kiểm soát nào. Miệng môi, mắt khát nước vô hạn, hơi thở lúc bấy giờ trở nên lạnh giá và khó khăn khi qua mũi miệng, hơi thở vào thì ngắn nhưng thở ra thì dài hơn.

Theo các Lạt ma Tây Tạng thì vào giai đoạn nầy mắt người sắp chết tự nhiên lộ nhiều lòng trắng trợn trừng nữa. Đây là giai đoạn tâm thức mờ mịt hầu như không còn nhận biết những gì thật giả chung quanh. Chính vào giai đoạn nầy người sắp mất trông thấy nhiều thứ hư hư thực thực phát sinh do ảo giác.

Sự tan rã của tứ đại.

Chết chính là sự huỷ hoại của cơ thể. Theo các kinh sách cổ Đông Phương thì thân xác và tâm thức hình thành là do sự liên kết của năm Thể hay năm Đại. Đó là Đất, Nước, Gió, Lửa và khoảng không.

 Đất: tạo nên thịt, xương và cả khứu giác để nhận biết các mùi.

 Nước: tạo nên máu huyết chất nhờn, chất lỏng trong cơ thể và luôn cả vị giác để nhận biết chua cay, mặn, đắng, ngọt, bùi.

Gió: tạo nên hơi thở, hình thể và cả xúc giác để cảm nhận khi tiếp xúc, sờ mó, va chạm.

Lửa: tạo nên hơi ấm, màu sắc và thị giác để nhìn ngắm, xác định hình thể sắc màu.

Khoảng không:  tạo nên thính giác giúp nghe và phân biệt các âm thanh. Khoảng không còn tạo ra những xoang bào, những khoảng trống, khoảng hở bên trong cơ thể.

Khi chết thì những tan rã của các Thể hay các Đại trên diễn ra rất nhanh và người sắp chết lúc ấy cũng sẽ trãi qua  những xáo trộn biến chuyển trong cơ thể và tinh thần rất nhanh.

Trước hết là thể Đất tan rã nên cơ thể hầu như không còn sức mạnh nữa, khi đó người sắp chết cảm thấy cơ thể nặng nề kỳ lạ và như bị té chúi xuống, không tự nhất người lên được. Da bắt đầu có máu tái xanh, má hóp và trên răng hiện ra những điểm màu đen, khi đó hai mắt như bị khép sụp xuống, thấy mờ mờ, miệng bắt đầu nói những lời tối nghĩa, mơ hồ, tâm thần suy sụp.

Tiếp đến thể nước, bắt đầu tan rã với dấu hiệu nước mắt, nước mũi, nước miếng, chảy ra mà không thể cản được. Mắt, miệng, cổ họng khô và lưỡi như cứng lại và khát nước vô cùng. Hai lỗ mũi như lún vào trong. Tay chân co giật, run rẫy, tâm thần mờ mịt như bồng bềnh. Khi đó cơ thể toả ra mùi khó chịu, đó là mùi tử khí.

Điều này đúng với sự thật mà các vị chân sư đã nhận định, cái cơ thể con người là một khối ô trược, nó tích chứa biết bao là cái bất toàn xú uế… nhưng nhờ các cơ phận của cơ thể giữ chúng lại bên trong nên mọi người không thấy, chỉ thỉnh thoảng thấy qua mồ hôi và hơi thở hay phân giải, nước tiểu. Nhưng khi các đại bắt đầu tan rã thì các cơ phận của cơ thể cũng không còn khả năng cầm giữ các thứ đó nữa mà phân rã hay tuôn ra khiến toả mùi khó chịu.

Ở giai đoạn tan rã của cơ Thể Nước thì qua một số người đã có lần chết đi sống lại, nhớ và mô tả lúc này họ như bị chìm sâu trong lòng biển lớn bị khối nước ào ạt cuốn đi.

Tiếp theo là giai đoạn Thể Lửa tan rã dần, nên cơ thể lạnh, tái, mắt, mũi, miệng, cổ khô rát. Hơi thở lạnh, lúc này mắt không thấy rõ sự vật, tâm trí mờ tối không nhận rõ ra bất cứ ai, cũng như không nhớ được ai. Họ thấy những đám khói mờ bốc lên.

Khi gió bắt đầu tan rã thì bản thân người sắp mất cảm thấy khó thở, vì gió đang tan rã nên thoát ra từ bên trong cơ thể qua cổ họng, khiến ta thở hổn hễn. Nhưng không có sức hút vào, đôi mắt lúc này trợn ngược, vì các cơ trong mắt không còn tạo thế cân bằng nữa. Cả cơ thể trở nên cứng đờ. Tâm thức lúc ấy mờ mịt tối tăm, không còn khả năng nhận biết những gì xãy ra chung quanh. Khi ấy ảo giác bắt đầu hiện ra tuỳ theo nghiệp, thiện, ác mà ta đã gây ra lúc còn sống, mà ta đã trông thấy những hình ảnh như tướng ứng, ta thấy lại tất cả quảng đời của ta như một cuộn phim chiếu ngược.

Lúc này, các hình ảnh và sự kiện như cuồng phong bão tố. Vì thể gió đi vào giai đoạn tan rã. Đây là lúc máu rút về tim, hơi thở cuối cùng hắt ra, chỉ còn một chút hơi ấm ở tim, sự sống chấm dứt.

Tuy nhiên theo các Lạt Ma Tây Tạng ghi chép trong Tử Thư thì lúc này thật sự vẫn chưa chết vì tâm thức còn có thể nghe nhận biết những gì chung quanh. Do đó, mới có lời căn dặn rằng, thân nhân người mới chết không nên gây huyên náo, khóc lóc, kể lễ hay làm những điều gì có thể gây đau khổ, buồn phiền, thất vọng cho người vừa qua đời. Lúc này là lúc thân nhân thay phiên nhau tụng kinh, đọc kinh cầu nguyện ít nhất trong vòng 49 ngày.

Người chết thường thấy lại bạn bè người thân đã qua đời trước họ.

     Họ sẽ thấy nhiều hình ảnh tuỳ vào nghiệp lực mà họ đã gây ra lúc còn sống như trước đó đã tạo nhiều nghiệp ác thì họ sẽ thấy những hình ảnh ghê rợn, có khi thấy người bị họ tàn hại trước đó xuất hiện đòi mạng hay kêu van. Nếu khi sống họ đã làm những việc thiện thì thấy cảnh an lạc, thanh tao êm ả.

Theo các tài liệu kinh sách nói về giai đoạn này thì các hình ảnh mà người sắp lìa đời trông thấy là những ảo giác chứ không phải là hiện thực, các hình ảnh đó chính là do tâm tạo ra.

Theo các Lạt Ma Tây Tạng cái mà người ta thường gọi là Linh hồn thì người Tây Tạng gọi là Thân ý sanh và cõi không gian mà Thân ý sanh thấy các hình ảnh lúc đó gọi là cõi Trung ấm.

Người mới qua đời có biết là họ đã chết rồi không.

Tâm thức của người sắp lìa đời rất nhạy bén, Tử thư Tây Tạng có ghi rằng: “Khi người sắp chết nghe và thấy người thân khóc lóc thảm thương bên cạnh họ, thì sự cảm nhận đau đớn của họ gia tăng khủng khiếp, vì thế mà người thân phải cố gắng giữ làm sao cho  phút lâm chung của người sắp mất được yên lặng, thanh thản, có thể người ấy mới ra đi một cách tự nhiên, an bình.

Ngoài ra cũng theo Tử thư Tây Tạng viết về sự chết thì giai đoạn này quả là rất tế nhị, lạ lùng mà ngày nay các nhà nghiên cứu về sự chết tại một số Đại học Âu Mỹ rất lấy làm ngạc nhiên về tính chất vi diệu, lạ lùng và cũng đầy tính khoa học bên trong sự mô tả, nếu chịu để tâm nghiên cứu, khảo sát.

Tư liệu liên quan đến sự chết được ghi lại trong bộ Tử thư như sau:

     Khi chết, cái thân xác thì nằm bất động, chỉ có phần như sương khói là thần thức thoát ra ngoài cơ thể. Lúc bấy giờ “người chết đang ở trong cõi trung ấm chưa nhận thức được là mình đã thực sự chết rồi mà cứ nghĩ là mình đang còn sống bình thường. Giai đoạn này quả thật là phức tạp, khó khăn, cứ nghĩ là mình còn sống tự nhiên, nên vẫn đi lại, cũng ra vào nhà, cũng tiếp xúc gần gũi với vợ con, bè bạn hàng xóm láng giềng. Nhưng có điều là không ai trông thấy họ, dù họ làm đủ mọi cách như xô đẩy, cản đường, kêu gọi… Họ vẫn không thể làm cho bất cứ ai thấy họ được. Họ cũng thấy gia đình, bà con nói về họ, nhắc nhỡ họ. Lý do lúc bấy giờ họ không còn cái thân vật chất, vật lý và hoá học như trước đây nữa. Rồi họ thấy trong nhà bày biện bàn thờ, khói hương nghi ngút, có ảnh của họ phóng lớn, đặt lên đó nữa thì họ rất phân vân tưởng như mơ, nhưng rồi thấy người thân vật vã khóc lóc, khiến dần dần họ hiểu ra rằng mình đã chết. Mặc dù vậy họ vẫn ở trong tình trạng mơ hồ, phân vân không nhận định hoàn toàn rõ rệt tình huống của họ lúc ấy.

Sự phân vân mê mờ của người đã mất không biết rõ về tình trạng, hoàn cảnh của mình. Như vậy, rất tai hại vì trong vòng 49 ngày nếu tâm thức họ cứ mơ mơ màng màng không rõ rệt thì họ lại càng khó phản ứng thích hợp thuận hoà với những gì đang chờ đợi họ bên kia cửa tử. Do đó các vị Đại sư thường dặn các đệ tử khi ở bên cạnh người sắp lìa đời hãy tế nhị cho họ biết rõ là họ sẽ phải từ giả cõi thế gian. Đó là điều mà bất cứ ai cũng đều phải trãi qua không sớm thì muộn. Biết được chắc chắn như thế thì họ sẽ mạnh dạn và dứt khoát ra đi với ý thức là mình đã thực sự chết rồi.  Điều đó sẽ giúp họ đối phó với những tình huống bất ngờ xuất hiện khi họ ở vào giai đoạn Trung Ấm. Giai đoạn mà những gì xuất hiện thường lạ lùng, hiếm thấy khi họ còn đang sống như: Ánh sáng toả ra chiếu vào họ và cả âm thanh nữa. Về ánh sáng thì có nhiều loại, ánh sáng đủ mọi cấp độ sáng tối và màu sắc khác nhau. Lúc bấy giờ họ nên tránh xa loại ánh sáng nào, nên vào với ánh sáng nào. Chính lúc này là lúc quan trọng nhất phải biết rõ. Âm thanh nào nên tới, ánh sáng nào nên lìa xa. Để khỏi đi vào sáu đường lục đạo xấu ác, tai hại do tâm thức mơ hồ lầm lạc.

     Qua các sự trình diễn biến của người sắp lìa đời, đang và đã lìa đời. Sự chuẩn bị của mỗi người và người thân cần phải biết để hỗ trợ nhau trong những giờ phút vô cùng quan trọng nầy.

Phần kết luận:

     Vì thế điều cần chuẩn bị cho một sự ra đi của một kiếp người qua một cuộc sống mới đó là:  Giới đức và trí tuệ, giới đức là không làm những việc ác làm những việc lành. Giới giúp chúng ta bỏ ác làm lành đó là phần cơ bản của đạo làm người. Thứ đến là trí tuệ, trí tuệ ở đây là sự học hỏi về sự tu học, chứ không phải trí tuệ của thế gian. Có tu có học, chúng ta mới có đủ giới đức và trí tuệ. Có trí tuệ chúng ta mới có sự hiểu biết để thay đổi những nhận thức, kiến thức sai lầm, để đi vào con đường chân chánh, lúc sống cũng như sau khi chết.

     Vậy giới đức và trí tuệ là tư lương cho những sắp chết, đang chết và sau khi chết không đi vào ba đường sáu nẽo khổ đau luân hồi sanh tử./.

Tư liệu này được trích từ các tư liệu của Tịnh Tông, thảm khảo và trích những phần cơ bản để người tu có một số hiểu biết về cái chết để chuẩn bị tương lương cho mình và người khác.

                                                                          Hạ PL 2568- 2024

                                                {]{

BIẾT CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét