Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

HỌC PHẬT LÀ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TỰ DO

 

HỌC PHẬT LÀ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TỰ DO

 Nhu cầu học Phật là để mong cầu trở thành người có hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc chúng ta thực hành bốn hạnh, gọi là Tứ vô lượng tâm, là bốn loại tâm rộng lớn, đó là Từ, Bi, Hỷ và Xả.

Nếu thực hành được hạnh Từ, ta sẽ vui và người khác cũng vui. Nếu thực hành được hạnh Bi, ta sẽ vui và người khác cũng vui. Nếu thực hành được hạnh Hỷ, ta sẽ vui và người khác cũng vui. Nếu thực hành được hạnh Xả, ta sẽ vui và người khác cũng vui.

Thực hành đầy đủ bốn hạnh Từ-Bi-Hỷ-Xả, là ta đã có hạnh phúc và những người khác cũng có hạnh phúc. Hạnh phúc nầy gọi là hạnh phúc nội tại, không bị ai lấy cắp được, tranh giành được, khác với hạnh phúc bên ngoài, như của cải vật chất, tiền tài danh vọng…

Ngược lại ta sân, sẽ khiến thân tâm ta nặng nề, nóng bức, khiến người khác lo sợ bất an. Ta không vui người khác cũng không vui. Ta tham khiến khiến tâm ta rối loạn bất an, khiến người khác cũng bất an lo sợ. Ta si khiến tâm ta mê mờ tán loạn, không an, không sáng suốt, không minh mẫn, không làm cho ta và những người khác an lạc hạnh phúc.

Vậy chính tham, sân, si là nguồn gốc đưa đến bất an và đau khổ cho ta và người khác, dẫn đến không an lạc và hạnh phúc.  Như vậy, học Phật là để thực hành bốn hạnh Từ-Bi-Hỷ-Xả, ta mới có hạnh phúc an lạc, chứ không phải để lễ lạy, cầu xin, tụng đọc mà có được.

Học Phật là mong được giải thoát, học Phật là sự mong cầu giải phóng sự ràng buộc để trở thành người tự do, không bị trói buộc. Vì thế trong kinh Phật dạy: Người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, đừng nương tựa người khác, tự thân ta là hồn đảo cho ta…Như vậy học Phật không phải là một sự mê tín dị đoan, nghe đâu tin đó, mà phải có sự thẩm định. Vì thế sự học phải qua sáu giai đoạn: 1/ Học để nhớ. 2/Học để hiểu, 3/ Học để ứng dụng, 4/ Học để phân tích, chọn lựa, 5/ Học để đánh giá, để thẩm định, 6/ Học để sáng tạo, để cải tiến, để thay đổi nhận thức, tư duy và hành vi của mình.

Học Phật là cầu mong giải thoát, tức trở thành người tự do, Đức Phật là người tự do. Tự do ở đây khác với tự do ở thế tục. Tự do không có nghĩa là muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, muốn chơi thì chơi. Mà là một sự tự do có nhận thức, có chánh niệm, tự do mà tự làm chủ được thân và tâm của mình, chứ không phải tự do lệ thuộc vào ăn, uống, ngủ nghỉ chơi bời. Mà sự tự do độc lập, không bị bản năng chi phối, tự do trong kỷ luật, trong khuôn khổ.

Để có tự do phải có kỷ luật, thích tự do mà không có kỷ luật, thì tự do đó không đưa đến hạnh phúc và an lạc, cho tự thân và tha nhân. Vì thế tự do và kỷ luật theo Phật học gọi là “Bất nhị”, tức là không Hai không khác. Khi đã có tự do nó được chuyển hoá từ kỷ luật. Như vậy có kỷ luật thì có tự do, muốn có tự do phải tuân thủ kỷ luật. Có sự chuyển hoá giữa Tự do và Kỷ luật là do quá trình luyện tập nó trở thành thói quen. Khi đã trở thành thói quen chúng ta không cần phải gìn giữ kỷ luật nữa, lúc đó ta trở thành người tự do. Ví dụ mới đầu ta chưa biết đị xe đạp nên phải tập, có người giữ xe cho khỏi ngã ta mới đạp được. Khi ta tập quen rồi không cần người giữ xe nữa, ta không còn lo sợ té ngã nữa. Kỷ luật cũng vậy, mới đầu ta thấy khó, nhưng lần quen ta thấy dễ. Khi đến giai đoạn dễ ta thấy mình tự do và thích thú khác với trạng thái ban đầu. Vì thế, các người mới vào đạo Phật lo sợ ăn chay và giữ giới, nhưng hai thứ ăn chay và giữ giới không đáng lo ngại. Hai thứ này tập quen rồi ta thấy không còn khó nữa.

Như vậy phải yêu quý kỷ luật ta mới có tự do, tự do và kỷ luật tương tác với nhau không còn là hai nữa gọi là Tương tức, tức không hai không một.  Muốn trở thành người tự do chúng ta phải yêu thích kỷ luật. Ba quy y và năm giới cấm là không sát, không đạo, không dâm, không dối, và không say nghiện. Chính 5 điều đưa con người đến tự do và hạnh phúc. Sở dĩ chúng ta thấy những người trong tù, trong trại giam, là những người không được tự do và hạnh phúc, là vì những người này không thực hành 5 điều hạnh phúc. Họ vi phạm các điều sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa nghiện ngập và phải bị luật pháp thế gian đưa vào tù, đã mất tự do hạnh phúc cũng không còn.

Vậy những ai muốn trở thành người tự do và có hạnh phúc phải yếu thích kỷ luật. Kỷ luật ở thế gian giúp con người hoàn thiện tư cách một con người. Còn luật Phật chế vượt trên kỷ luật thế gian để trở thành người tự do không phải chỉ ở đời này mà còn nhiều kiếp đời sau nữa. Không những hoàn thiện với tư cách một con người mà là nền móng để tiến lên bậc hiền thánh và quả vị Phật trong tương lai.

Vì thế đến với đạo Phật có hai giai đoạn, giai đoạn một là giai đoạn hướng thiện, tức hướng đến thực hiện Tam quy và ngũ giới. Giai đoạn hai là hướng thượng, tức tiến lên làm thánh, làm Phật, để ra khỏi sanh tử khổ đau. Đó là mục  đích của đạo Phật nhắm đến, muốn cho mọi người, mọi chúng sanh đều ra khỏi khổ luân hồi. Trong kinh Pháp Hoa nói: Như Lai xuất hiện nơi đời duy chỉ có một việc là Khai,Thị, Ngộ, Nhập, Phật tri kiến cho chúng sanh. Chúng sanh Ngộ, Nhập được Tri kiến Phật rồi, tức là thể nhập được Tự tánh của mình, lúc đó đã trở thành người tự do. Không còn bị mê hoặc bởi lục trần nữa, ra khỏi sông mê bể khổ, trở thành người tự do thật sự.

Vì thế đến với đạo Phật không phải để làm việc lành tránh điều dữ đơn giản như mọi người nghỉ tưởng, mà là để trở thành người tự do, không bị sanh tử dẫn dắt đi trong sáu nẽo luân hồi lục đạo nữa./.

{]{

HỌC PHẬT LÀ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TỰ DO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét