Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

ĐẠO TRÀNG KHÔNG NƠI CHỐN

 

ĐẠO TRÀNG KHÔNG NƠI CHỐN

         Thiện Tài tham vấn lần thứ 45 với nữ cư sĩ Hiền Thắng, vị cư sĩ này thành lập đạo tràng không nơi chốn.

          Thế nào gọi là đạo tràng? Đạo tràng chỉ cho sự phát tâm và tu hành thành tựu bồ đề. Phẩm Bồ tát trong kinh Duy Ma nói: “Trực tâm là đạo tràng, thâm tâm là đạo tràng …”. Trực tâm là tâm ngay thẳng, tâm không phân biệt Có-Không, tâm không chấp thiện, không chấp ác…

          Như vậy đạo tràng có hai hình thức, nội tại đạo tràng và ngoại tại đạo tràng, tức là hình tướng bên ngoài và tâm thức bên trong. Nói đến đạo tràng bên ngoài tức đạo tràng có hình tướng, thì đạo tràng thường có vị thầy và nhiều bạn đồng đạo. Đạo tràng có cơ sở hoặc rộng hoặc hẹp, hoặc ở giữa phố thị, hoặc trên rừng thâm. Ở đây vị thầy nói về đạo tràng không có không gian, nơi chốn nhất định. Bất cứ nơi đâu cũng là một trường dạy đạo. Ngoài phố thị, chốn phòng trà ca nhạc, bệnh viện tâm thần hoặc không tâm thần, nơi chốn ngục tù hay nhà dưỡng lão. Ở đó chúng ta học được bài học từ bi, học bài học thương yêu lan toả. Và mỗi bệnh nhân là một mảnh đời giúp chúng ta tự nhìn ngó lại mình, với mọi người luôn tỉnh thức, một hình ảnh thông qua âm thanh vang dội đều là lời giáo huấn.

          Đôi khi chúng ta toạ thiền miên mật trong phòng thiền mà chưa thấy được đạo, nhưng bước ra dạo rừng, thấy lá rụng, hoa trôi trên dòng nước suối, chợt thấy ra đạo tràng.

          Đức Phật bảo với A Nan: “Sáu căn của ông là cội gốc đắm nhiễm, sáu căn của ông cũng là cội nguồn giải thoát”. Chúng ta thường lo sợ rằng sáu căn chạy theo sáu trần bên ngoài vọng nhiễm thì rất dễ xa đạo, lạc đường, điều lo sợ ấy cũng đúng. Nhưng không phải hoàn toàn một bề đắm nhiễm. Mắt, tai … và hình ảnh, âm thanh không có lỗi ở đây. Bồ tát Quán Thế Âm  dùng mắt thương nhìn đời, dùng tai nghe âm thanh để cứu khổ, Ngài biểu hiện ngàn mắt ngàn tay, để thấy trùm khắp, cứu khắp trùm khắp.

          Điều kiện đầu tiên để phát huy năng lượng từ bi vốn sẳn có của mình, thành một sức mạnh, thấy lỗi mình không thấy lỗi người, xoay khả năng quan sát bên ngoài thành khả năng phản chiếu bên trong, luôn tự đánh thức mình, để ý những phản ứng âm thầm nội tại, khi tâm lượng trở nên tâm sáng, niềm vui tự nhiên dâng đầy, chúng ta trở thành những Bồ tát đi giữa dòng đời.

          Với điều kiện ưu tú của một thế giới đầy đủ phương tiện, với những không gian mênh mông sẳn sàng cho chúng ta thưởng lãm và du ngoạn, ở đất nước này, nơi nào cũng có thể là đạo tràng, ở bất cứ nơi đâu, cũng mang theo tâm hồn thảnh thơi, tâm từ bi. Đó chính là một đạo tràng di chuyển, không cần dừng trụ ở một nơi đâu.

          Cuộc tham vấn thứ 45 của Thiện Tài với nữ cư sĩ Hiền Thắng, cảm nhận đạo ở khắp muôn nơi, không cố định chốn nào. Vừa nghe qua cuộc tham vấn này trong kinh ngược dòng thời gian trở về quá khứ trên 2500 năm ta không thể tin nổi và hiểu được. Nhưng với công nghệ thông tin tiên tiến ngày nay, công nghệ thời 4.0 . Ta thấy cuộc tham vấn Thiện Tài với nữ cư sĩ Hiền Thắng về đạo tràng không nơi chốn, không cố định. Ngày nay các cuộc pháp thoại của các đạo tràng được ghi âm ghi hình đưa lên mạng, mọi người ở bất cứ nơi đâu, dù thành thị hay thôn quê v.v…đều có thể truy cập nghe và nhìn được các pháp thoại đạo tràng khác một cách tự nhiên không ngăn ngại.

          Với những bậc tu hành đã đạt được Tự tánh, thì có thể nghe nhìn bất cứ pháp thoại ở đâu xa hoặc gần lâu hay xa đều nghe được. Ngày nay những người phàm tục chưa đạt được Tự tánh chỉ cần một cái máy điện thoại đời mới, thì có thể nghe nhìn các pháp thoại những đạo tràng ở khắp mọi nơi trên thế giới đều cảm nhận được.

          Tuy đạo tràng không nơi chốn dựa trên công nghệ 4.0 nó không như đạo tràng không nơi chốn của các vị tu hành đạt được Tự tánh, nhưng cũng nói lên sự mầu nhiệm của Tánh không, của không gian phàm tục vẫn thọ hưởng được pháp lạc trong cõi nhiễm ô.

         Dù tu tập ở đạo tràng có nơi chốn hay không nơi chốn, mỗi hành giả đều phải phát nguyện. Phát nguyện trước khi tu tập và phát nguyện sau khi tu tập. Phát nguyện lưu giữ trong tâm hay phát nguyện nói ra thành lời, đều có ý nghĩa hướng đến mục đích thánh thiện lợi mình lợi người.

  Nếu lời mình nguyện không nói ra, thì không thành sức mạnh, như mũi tên chỉ mới giương lên chưa bắn đi. Mũi tên bắn ra có sức mạnh nhắm đến mục tiêu, lời nguyện dẫn đường cho hành động, một hành động nhất quán là thành tựu Phật quả.

Đời sống chúng ta sẽ bông lung lãng phí, nhiều ngàn năm đã trôi qua, vô số đời sống, sanh rồi chết đi, rất hư ảo, mơ hồ và lung tung, khi lợi ích, khi vô tích sự. Nếu chẳng được một sức mạnh làm chủ, sức mạnh đó chính là sự phát nguyện chân thành, hướng đến cộng đồng, đến chân trời cao rộng.

Mỗi khi tụng xong thời kinh hay một phật sự gì, chúng ta đều đọc lên lời phát nguyện hồi hướng rộng lớn. Đôi khi chúng ta đọc lên như một thói quen không hề chú tâm, không thấy sự thành tựu quan trọng của bài kệ:

Nguyện đem công đức này – Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh  - Đều trọn thành Phật đạo.

Nó trở thành nguyện ngữ, lời nguyện chân thành nhất, phát xuất từ  trái tim yêu thương. Thương vì  muốn chia sẻ công đức lành đến với tất cả mọi người, mong muốn mọi người đều sẽ thành Phật.

Các vị Phật các vị Bồ tát đều có phát lời nguyện. Phật A Di Đà có 48 lời nguyện. Phật Dược Sư có 12 lời nguyện.  Bồ tát Quán Thế Âm có 12 lời nguyện. Bồ tát Phổ Hiền có 10 lời nguyện. Bồ tát Địa Tạng  phát lời nguyện: Nguyện khi nào ở địa ngục không còn tội nhân, lúc đó mới thành Phật. Như vậy, lời nguyện là một sức mạnh để nhắm đến mục đích. Vì thế phát nguyện đóng một vai trò tiến tu đạo nghiệp trên con đường tự lợi, lợi tha tiến đến giải thoát./.

 

ĐẠO TRÀNG KHÔNG NƠI CHỐN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét