ĐẲNG
TAM LUÂN KHÔNG TỊCH
Ba
việc đều vắng lặng (thọ trì bát thanh tịnh).
Thế
nào gọi là thọ trì bát thanh tịnh? Bởi
vì trì bình bát có liên quan đến ba việc (nhất thiết chúng)
Thế nào là ba việc? Đó là người cúng dường,
vị thầy nhận cúng và vật được cúng dường. Cả ba việc cần phải thanh tịnh thì mới
gọi là Như Lai ứng lượng khí.
Thế
nào là người cúng dường thanh tịnh? Người cúng dường nên phát khởi thiện niệm.
Nay ta có nhân duyên được cúng dường cho vị Tỳ kheo, và mong sự cúng dường này
đem lại cho vị thầy ấy được no đủ, có sức khỏe để hoằng hóa độ sanh, đồng thời
cũng mong mọi chúng sanh ân triêm pháp nhũ từ vị thầy ấy mà được lợi lạc. Khi
cúng dường cần phải thể hiện sự cung kính, lòng đầy sự hoan hỷ, thì sự cúng dường
mới có phước (nhược vị lạc cố thí, hậu tất đắc an lạc). Bố thí trong hoan hỷ
thì được an lạc, và người thí cũng không nên trụ chấp hay vướng mắc vào việc bố
thí. (Vua Lương Võ Đế, hỏi Tổ Bồ Đề Đạt
Ma. Tôi xây chùa, đúc chuông, tạc tượng vô số làm nhiều việc phước, vậy công đức
có nhiều chăng? Tổ trả lời: “Không có gì
hết”. Bởi vì cúng dường không có tâm thanh tịnh nên không có công đức. Vì lý do
đó, người cúng dường phải giữ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là mấu chốt của
người làm phước, bố thí và cúng dường. Nếu có khởi niệm nên khởi niệm thiện,
không nên khởi tà niệm.
Thế nào là thiện niệm? Khi cúng dường
thì nghĩ về cho người (chúng sanh) không nên nghĩ về mình, nghĩ về điều thiện
không nghĩ về điều ác. Tốt nhất không nên nghĩ, vì nghĩ dễ sanh tà niệm.
Thế nào là người nhận cúng thanh tịnh? Là
vị thầy giới hạnh thanh tịnh, và hoàn toàn hướng về thiện giới. Như kinh Phân
Biệt Cúng dường có đoạn: “Thế nào là loại cúng dường không được thanh tịnh, bởi
người cho và cùng với người nhận. Ở đây nầy A Nan, người cho theo ác giới, theo
ác nghiệp, và người nhận cũng theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này A Nan,
là sự cúng dường không được thanh tịnh, bởi người cho và người nhận. Và nầy A
Nan, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và người nhận. Ở
đây, nầy A Nan, người cho giữ giới, theo thiện pháp, người nhận cũng giữ giới,
theo thiện pháp. Như vậy, này A Nan, là sự cúng dường được thanh tịnh bởi người
cho và người nhận”.
Là những vị không bị lục dục lôi cuốn, không tham đắm, sân hận hay mê muội
xen vào, những mùi hương mỹ vị, là những vị đoạn tận phiền não hay đang trên
con đường tu tập để đoạn trừ. Được gọi là vị thầy nhận cúng thanh tịnh. Như
trong Tăng Chi Bộ III phẩm chư Thiên có đoạn “ Này các Tỳ kheo, có ba phần thuộc
về người bố thí và ba phần thuộc về người nhận vật bố thí. Thế nào là ba phần về
người bố thí? Này các Tỳ kheo, người bố thí trước khi bố thí, ý được vui lòng,
trong khi bố thí, tâm được định tịnh tín, sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây
là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí?
Ở đây, nầy các Tỳ kheo, những người nhận phẩm vật bố thí, đã được ly tham, hay
đang thực hành hạnh ly tham, đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân, đã
được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật
bố thí. Như vậy, này các Tỳ kheo, đây là thí vật có sáu phần. Này các Tỳ kheo,
công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng, là nguồn gốc sanh phước, nguồn gốc
sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới, là quả dị thục, dẫn đến cõi Trời,
đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc.
Là những vị đã và đang tu tập về lục
căn thanh tịnh. Được gọi là vị thầy nhận cúng thanh tịnh. Như trong kinh Tăng
Chi Bộ, phẩm Đáng được cung kính có đoạn: “Thành tựu sáu pháp, này các Tỳ
kheo”, Tỳ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường,
đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu? Ở đây, này Tỳ
kheo, Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả,
chánh niệm tỉnh giác, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị,
khi thân xúc chạm, khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả,
chánh niệm tỉnh giác. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đáng được
cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là vô
thượng phước ở đời.
Thế nào là đồ vật cúng thanh tịnh? Những
lễ vật dùng cúng tốt tươi, tinh khiết là quý nhưng tiền của chính mình bỏ ra
mua sắm, phải do mình làm ra bằng nghề nghiệp chính đáng thì mới có nhiều phước
đức. Ví dụ người chân lấm tay bùn, làm thuê làm mướn, có một số tiền mà dùng số
tiền ấy mua sắm thức ăn, hương hoa quả phẩm đem đến cúng Phật, công đức ấy lớn
hơn một người đem nhiều lễ vật cúng dường Tam Bảo, những lễ vật nầy, do những đồng
tiền có được từ những việc làm bất chính, như sát sanh, trộm, cướp, nói dối, lừa
đảo, hối lộ .v.v.. để đem cúng dường Tam bảo gọi là vật cúng không thanh tịnh.
Tịnh vật là vật do từ công sức của người
cúng làm việc chính đáng mà có, không lường gạt ai, không cân non đấu nhỏ, không
trốn thuế, không mua gian bán lận, không hối lộ đút lót, không phạm vào 5 giới
cấm mà có, được gọi là tịnh vật, tiền bạc thì gọi là tịnh tài. Hay đem tịnh tài
mà mua sắm đồ vật để cúng dường gọi đồ vật ấy là tịnh vật. Đồ vật ấy mới sạch đẹp
mà mua sắm bằng đồng tiền phi nghĩa thì không gọi là tịnh vật. Còn đồ vật tuy
có xấu cũ do từ người ăn xin, xin của người khác mà có gọi là tịnh vật. Còn trường
hợp người ăn xin, xin đồ vật của người ăn trộm đi cúng dường thì không được gọi
là tịnh vật. Nói chung nguồn gốc của đồ vật nào do từ việc làm chánh nghĩa mà
có, không kể thấp hèn hay cao sang đều gọi là tịnh vật hay tịnh tài. Đứng trên
tinh thần đạo pháp mà nói, đồng tiền của người ăn xin vẫn có giá trị hơn đồng
tiền của người làm việc phi nghĩa trên mọi phương diện.
Tóm lại cả ba việc trên hoàn toàn thanh
tịnh mới đúng với ý nghĩa “tam luân không tịch” hay là Như Lai Ứng Lượng Khí.
Bát Phạn gọi Bát Đa La, Tàu dịch Ứng Lượng
Khí. Thể, Sắc và Lượng, ba việc phải đúng pháp. Thể bằng sành hay bằng nhôm, Sắc
màu cổ con chim ngói. Lượng có ba Thượng, Trung và Hạ.
Tài thí pháp thí vô sai biệt.
Tỳ kheo nhận tài thí cúng dường dùng để nuôi
thân hành đạo. Vị thí chủ thọ nhận pháp thí của Tỳ kheo để tu đạo. Nên tài thí
và pháp thí có công đức như nhau không sai khác. Tỳ kheo nhận vật thí để hành đạo,
thí chủ nhận pháp thí để tu đạo.
Tài thí và pháp thí. Tài thí gồm có nội
tài và ngoại tài. Bố thí là để trừ bỏn xén, phát lòng từ bi cứu giúp chúng
sanh. Pháp thí là để mở đường chánh nhân thiên, đóng cửa các đường ác, khiến
cho chúng sanh trong pháp giới, chẳng vào đường mê, thấy rõ thật tướng các
pháp, thẳng vào lý tánh, đắc đạo Bồ đề.
Nói đến bố thí là nói đến tâm từ bi.
Nguồn tâm rộng lớn vô lượng mà nền tảng là đức từ bi. Khi tình thương yêu đã đủ
thì năng lượng giải thoát không mạnh. Phật giáo đặt từ bi đi trước trí tuệ. Tù
bi khơi dậy mạch nguồn vô lượng bằng tình thương bao la, nhờ vậy thấu suốt được
nỗi thống khổ của chúng sanh, mới phát khởi đức tinh tấn dõng mãnh, để cầu đạo
giải thoát. Nền tảng của mọi đức hạnh là từ bi, đó là tính chất của nguồn tâm
thanh tịnh rộng lớn, ngược lại tính ích kỷ, ngã chấp, tâm lượng hẹp hòi, đóng
bít cánh cửa đại đồng.
—]–
0 nhận xét:
Đăng nhận xét