Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

SỰ BẤT CẬP CỦA VIỆC MẤT CHÁNH NIỆM

 

SỰ BẤT CẬP CỦA VIỆC MẤT CHÁNH NIỆM

  Năm 2010 bên Campuchia tại cầu Kim Cương xảy ra một sự cố rất đau lòng bắt nguồn từ nhiều người thiếu tĩnh giác. Vào ngày 22/11/2010 tại đất nước Campuchia có một lễ hội ba ngày, mọi người cùng nhau đi dự lễ hội, số lượng người dự lễ hội rất đông, phải qua một cây cầu tên là cầu Kim Cương dài độ trên 100m. Do sự tập trung trên cầu quá đông khiến cho cầu rung lắc. Nhiều người nghỉ tưởng cầu sắp sập nên la lên, thế là người ta bắt đầu chen lấn đỗ đồn về phía hai đầu cầu. Lúc đó trên cầu có mấy ngàn người, muốn chạy cũng không chạy được, trong cơn hoảng loạn, họ chen lấn, chèn ép, giẫm đạp lên nhau, người trước ngã xuống người sau ngã chồng lên nhau. Những người nằm ở dưới phần lớn chết do bị ngộp thở. Hơn 450 người đã tử vong, trong sự cố kinh hoàng này, họ chồng lên nhau, người nọ chồng lên người kia, không hiểu họ quấn vào nhau như thế nào mà cảnh sát và lực lượng cứu hộ đến kéo ra không được.

  Cảnh tượng người sống kẹt cùng người chết, nằm chất đống trên cầu thật hãi hùng. Cây cầu rất kiên cố, hàng 100 chiếc xe qua trên đó cũng không thể sập được. Nhưng chính sự hốt hoảng và mất bình tĩnh đã dẫn đến cái chết thương tâm của rất nhiều người. Đây là một bài học cho tất cả những người chúng ta. Trong cái tình huống hiểm nguy nếu chúng ta không bình tĩnh thì chắc chắn sẽ xảy ra những điều bất hạnh không đáng có.

Đất nước Campuchia đồng cảnh ngộ như Việt Nam chúng ta, bị Pháp đô hộ 100 năm, nhưng người dân Campuchia họ vẫn giữ được tính dân tộc của họ. Cả nước không có nhiều nhà thờ Hồi giáo và Công giáo, có chỉ vài cái là cùng. Chứng tỏ lòng tin Phật pháp của họ rất kiên cố. Trong khi Việt Nam cũng bị Pháp đô hộ 100 năm, nhưng nhà thờ Công giáo mọc lên như nấm.  Người Việt Nam vì tình hay vì tiền, vì danh hay lợi hay những lý do khác đã đánh mất cội nguồn tâm linh của dân tộc. Bởi thế trong thời gian Pháp đô hộ nhà thờ xây dựng lên rất nhiều, điều này chứng tỏ rằng người dân campuchia có tâm đạo và tín ngưỡng vững chắc hơn người Việt Nam.

Ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản xảy ra cơn động đất và sóng thần. Thảm họa này khiến cho những người Nhật ở những vùng chịu ảnh hưởng động đất và sóng thần bị mất người thân, tiêu tan nhà cửa tài sản, lâm vào cảnh đói rét. Thế nhưng họ vẫn giữ được tinh thần bình tĩnh, đứng xếp hàng trật tự ở những nơi nhận hàng cứu trợ mà không hề chen lấn, tranh giành. Đáng quý nhất là tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau của họ. Nhiều cửa hàng bán giảm giá cho những người bị nạn để họ có thể mua được nhu yếu phẩm. Có những nơi còn cho không lấy tiền. Người Việt Nam chúng ta có thể làm được như người Nhật không?  Hình như chúng ta không thể làm được như họ, rất khó cho người Việt Nam, có rất nhiều người đang đầy đủ về vật chất, nhưng nếu có ai đem phát miễn phí thứ gì, là chúng ta rất dễ chen lấn nhau giành giật vì sợ mất phần. Trong khi người Nhật đứng trước hoàn cảnh khó khăn cùng cực như thế mà họ vẫn giữ trật tự xếp hàng, không chen lấn, không giành giật, thậm chí còn nhường nhịn cho nhau để chia sẻ bớt khó khăn. Người Việt Nam chúng ta hễ nghe có việc gì thì mất bình tĩnh, hoảng loạn. lo sợ, lo đi mua thực phẩm để dự trử, khiến cho người bán hàng thừa cơ lên giá. Họ giàu lại giàu thêm, còn ta nghèo lại nghèo thêm.

Do thiếu sự tu tập, thiếu chánh niệm và chánh định, không bình tĩnh trước những tin đồn thất thiệt nên chúng ta gây đau khổ cho nhau. Chúng ta muốn hình thành tính cách của một người tu tập, thì phải thực hành chánh niệm. Cụ thể nhất là trong những oai nghi cần thiết khi đến chùa, về khẩu nghiệp chúng ta cố gắng giữ khẩu nghiệp cho thanh tịnh, Tức không to tiếng, lớn lời, không nói nhiều ồn ào ở nơi khuôn viên chùa. Đi đứng nằm ngồi cũng phải trang nghiêm, không đùa giỡn, tranh giành chỗ ngồi. Vào chánh điện ai đến trước ngồi trước, ai đến sau ngồi sau, không chen lấn giành chỗ, đó là oai nghi cần thiết, để hình thành nên một nhân cách và đạo đức của một hành giả tu tập.

 Người Nhật trong hoàn cảnh tan nhà mất của, đói rét cùng cực, mà họ còn vẫn giữ được sự bình tĩnh, đứng xếp hàng chờ nhận đồ, còn trong khi chúng ta về chùa để tu tập, nghe pháp, tụng kinh, mà lại chen lấn, tranh giành nhau thì là điều không thích hợp.  Mục đích của chúng ta là đến chùa để nghe pháp, tụng kinh, lễ Phật, tu tập thực hành oai nghi, làm chủ ba nghiệp. Nhưng chúng ta không giữ ba nghiệp thanh tịnh, thì việc tu tập của hành giả không đạt được mục đích tốt đẹp.

Lâu nay người ta thường nói đến tính cách của người Nhật. Bây giờ chúng ta cũng nên bắt chước người Nhật, hình thành tính cách của người Phật tử. Đó là chánh niệm tĩnh giác, vô ngã vị tha, quên mình vì người. Nếu chúng ta luôn nhớ quên mình vì người thì trong chùa nói riêng và ngoài xã hội nói chung, không còn cảnh chen lấn giành giật lẫn nhau. Biết nhường nhịn, biết chia sẻ, thương yêu nhau, thì chúng ta sẽ có sự đoàn kết hòa hợp và an lạc.

Nếu ở chùa chúng ta vẫn ồn ào vẫn tranh cải như ngoài đời thì bản thân chúng ta không có lợi ích gì, và người khác đến chùa cũng không hoan hỷ, và cũng không muốn đến chùa lần nữa, đặc biệt là những người trí thức. Do đó, khi về chùa tu tập mọi người phải khép mình vào tron khuôn khổ nội quy. Chúng ta muốn trở thành người con của Phật, thì phải khép mình vào giới luật, oai nghi và phải có chánh niệm, có sự tu tập. Như vậy mới đạt đến mục đích an lạc trong việc tu tập của mình. Nếu đi chùa mà không thực tập chánh niệm thì cuối cùng chúng ta cứ vẫn buông lung phóng túng, không làm chủ được mình, và không thanh tịnh được ba nghiệp , chúng ta hãy noi gương tính cách của người Nhật, họ là người ngoài đời mà còn thể hiện được tính cách vô ngã vị tha, còn chúng ta là những người trong đạo thì tinh thần nầy càng phải cao hơn và thực hành trong cuộc sống được nhiều hơn. Nếu làm được như thế thì ta mới xứng đáng là người Phật tử chân chánh.

]

SỰ BẤT CẬP CỦA VIỆC MẤT CHÁNH NIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét