Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

TÁN THÁN PHẬT HAY KHEN NGỢI PHẬT

 

TÁN THÁN PHẬT HAY KHEN NGỢI PHẬT

TÁN PHẬT TƯỚNG HẢO

ĐƯƠNG NGUYỆN CHÚNG  SANH

THÀNH TỰU PHẬT THÂN

CHỨNG VÔ TƯỚNG PHÁP.

Khen ngợi Phật công đức vô lượng. Đã là Phật mà cần phải khen ngợi nữa sao?  Dĩ nhiên Phật đã vượt ra ngoài sự khen chê, tốt xấu, nhưng chúng ta không làm sao sống như Ngài được, nên còn vướng niệm tốt xấu, khen chê. Nhưng điều mà chúng ta có thể làm là cố gắng tập cách sống buông bỏ niệm khen chê và niệm tốt xấu, mà luôn sống với niệm khen, niệm tốt nhiều hơn, để chuyển hướng tâm về con đường thiện, may ra chúng ta sớm được như Ngài. Dù khen Phật hay khen bất cứ ai là người đáng khen cũng đều chuyển tâm của mình hướng về thiện quả, nhưng người đáng khen nhất chính là đức Phật, thì thiện quả đến với ta cũng cao nhất. Đức Phật là bậc Đạo sư của ta, là bậc tôn quý của ta, là bậc giới hạnh và trí tuệ vẹn toàn, giúp cho chúng ta dễ sanh niệm khen hướng thiện nhiều hơn. Trong kinh Pháp Hoa nói, nếu có người nào vào chùa chỉ một cái cúi đầu, một cái lễ lạy, thì đời đời thế nào cũng sẽ thành Phật, hay câu “ư nhất niệm quy y năng diệt tam kỳ nghiệp”, chỉ trong một niệm hướng về Đức Phật, cũng diệt được tội chướng trong ba a tăng kỳ kiếp.

Nếu ai chưa làm được việc này, thì thử hỏi trên đời này ta còn khen ngợi được ai? nếu ta chỉ biết sống trong niệm xấu, rồi mãi phải trôi lăn vào trong đen tối của nẽo đời này sao! làm sao thoát kiếp luân hồi sanh tử. Cho nên khen Phật là tự khen chính mình, để rồi tự đưa mình về bến giác. Muốn về bến giác chúng ta hãy cân nhắc kỷ lưỡng trên vấn đề khen chê. Nếu ta đem lời khen, khen những người làm điều xấu ác thì tai hại vô cùng, hay ta dùng lời chê bai những người đáng khen cũng tai hại tương tự. Cả hai đều đưa mình vào nẽo ác và đen tối. Vì thế, trong kinh nói:

       Ai khen người đáng chê

Ai chê người đáng khen

Đều chất chứa bất hạnh

Do ta miệng tạo thành

Cho nên vấn đề khen chê chúng ta không thể ngẫu hứng tùy tiện vui đùa mà phải cân nhắc kỷ càng. Khi khen người đáng khen thì thiện quả của ta tăng trưởng. Nên Kinh Tăng Chi Bộ phẩm Tán thán có câu “Có suy tư, có thẩm sát, không tán thán, người không xứng đáng được tán thán. Có suy tư, có thẩm sát, tán thán người xứng đáng được tán thán. Như vậy tương xứng được sanh lên cõi trời”. Lại kinh Tăng Nhất A Hàm phẩm Tàm quý có câu “Có hai hạng người được phước vô lượng, thế nào là hai? Người khen ngợi điều đáng khen ngợi, người không khen ngợi điều không đáng khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng”.

 Như vậy, khen ngợi cũng là một pháp tu để tăng trưởng phước đức và thiện quả cho mình, và định hướng cho mình một hướng đi cụ thể. Vì thế khen ngợi Phật, bởi vì Ngài là bậc đã giải thoát sanh tử luân hồi, ta cũng muốn được như Ngài vậy. Ngài là bậc Đại từ bi và trí tuệ đạt đến quả Niết bàn, ta cũng nguyện được như vậy, cho nên ta luôn luôn tán thán Ngài, thì lời tán thán ấy giúp cho tâm ta chỉ hướng về con đường mà ta khen ngợi bậc ngợi khen đã làm được và ta cũng sẽ thành tựu về mai sau.

Nên khen Phật là để cho tâm ta được dõng mãnh đi con đường mà Ngài đã đi. Khi ta tán thán Phật là trong lòng ta hoan hỷ với Phật, vui mừng với Phật là ta đã hòa hợp vào ánh sáng trí tuệ của Phật, nên ánh sáng tự tánh của ta cũng sẽ được hiển lộ. Tán thán Phật là một cử chỉ thánh thiện nó được bắt nguồn từ hàng chư Thiên thường làm theo nghi lễ cung kính tán thán, đảnh lễ và nhiễu Phật mỗi khi muốn thỉnh nguyện Phật. Cử chỉ đẹp này của chư Thiên đối với đức Phật, được lưu truyền đến ngày nay. Vì thế mỗi khóa tụng kinh nào cũng đều có phần tán thán và đảnh lễ Phật, sau mới tụng kinh.

Trong hàng chúng sanh chỉ có con người và chư Thiên mới có sự tư duy, suy nghĩ, tốt xấu, khen chê… Đây được gọi là phước báu của Trời người. Thế nhưng, có nhiều người không biết tận dụng phước báu ấy để tăng thêm phước cao hơn. Như chư Thiên tuy xa cõi người, nhưng họ biết tận dụng đúng lúc Phật còn tại thế thường xuyên đến tán thán, đảnh lễ, vấn an và tham hỏi. Chư Thiên đã có phước còn tạo thêm phước, thật là khôn ngoan hiểu biết. Còn ngược lại rất nhiều người có phước báu mà không biết tạo thêm phước, để rồi hết phước rơi vào đường khổ, chuốc lấy khổ đau cho hiện tại và mai sau, đánh mất phước báu mà hàng trời người đang có. Chúng ta đang được làm thân người là đã có phước, đã có phước muốn có phước cao hơn nhiều hơn, thì sống theo hạnh khiêm cung cầu tiến và chơn thật. Có như thế, có phước lại sanh thêm phước cao hơn và có cơ may sẽ sớm được giải thoát về cõi an lạc. Nhờ công đức tán thán Phật, vô hình trung chúng ta sẽ không tạo tội nghiệp, không khởi vọng tưởng, vọng tưởng sẽ giảm đi một phần thì ánh sáng trí tuệ đã hiển lộ nhiều thêm một phần. Còn các loài chúng sanh dưới con người thì không có phước báu này, nếu có chăng rất ít, chỉ thể hiện trên cử chỉ động tác. Những chúng sanh ở cảnh giới nầy càng thấp, lại càng không có và sống trong sự đen tối, chỉ ngoại trừ loài chúng sanh thấp kém lại có duyên với Phật và biết quy y Tam bảo.

 Như vậy, mong sao cho tất cả chúng sanh, hãy luôn sống trong niệm tán thán đức Phật, hay cho nhau để có cơ may sanh niệm hoan hỷ và phước đức, tạo nhiều phước báu, mà sớm giải thoát thế giới khổ đau.

Mong được thành Phật.

Mong được thành Phật là điều mong muốn tối hậu cho tất cả người con Phật. Tất cả các pháp tu Phật dạy đều quy tụ về điểm ấy. Như trăm sông chảy về biển, vậy thân Phật là gì ? Là thân đã cởi trói mọi ràng buộc trong cuộc đời, là thân buông bỏ tất cả gánh nặng của thế gian, là đạt được đỉnh cao nhất quả giải thoát giác ngộ. Thân ấy được gọi là Phật, gọi tắt là thân Phật. Đức Phật có ba thân :

1/ Ứng thân, hay còn gọi là Hóa thân, là thân tùy vào cảnh giới nào mà ứng hay hóa hiện thân vào cảnh giới ấy, đồng giống với thân của những chúng sanh cảnh giới ấy để thể hiện cuộc độ sanh (Ứng thân có hai phần: 1/ Nhục thân, thân do cha mẹ sinh ra, bằng xương bằng thịt, 2/ Tượng Ứng thân: Là thân do điêu khắc tạo nên, vẽ thành hình tượng.

2/ Báo thân: Là thân có đầy đủ phước báo của chư Phât. Gồm 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp về tướng, còn về thể có đủ tam minh, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Báo thân cũng chia làm hai  Phần: 1/ Ứng báo thân:  Là trên Ứng thân có hiện đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, là phước báo của Ứng thân.  2/ Pháp báo thân: Là Pháp thân có đầy đủ phước báo là tự tánh nhiệm mầu cùng khắp tất cả trong không gian và thời gian, và giáo pháp Pháp thân cũng có phước báo hiệu năng giúp cho hành giả giải thoát mọi khổ đau và sanh tử luân hồi.

3/Pháp thân: Là thân vô tướng, là chủng tử Phật tánh bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Pháp thân chia làm hai phần.  1/ Tự tánh pháp thân: Là bản thể thanh tịnh nhiệm mầu, 2/ Giáp pháp Pháp thân: Là lời Phật dạy trong ba tạng giáo điển. Giáo pháp Pháp thân chia làm hai: A/ Hữu tự giáo pháp, in viết thành kinh sách, B/ Vô tự giáo pháp là pháp không dùng lời nói, văn tự, là pháp truyền tâm ấn, tâm truyền tâm, trí đức và giới hạnh.

 Mỗi khi ta tán thán Phật là bắt nguồn từ chỗ nhìn thấy tướng hảo của tượng Phật mà ta khởi tâm cung kính và miệng nói lời khen ngợi. Như vậy nhân nơi tướng hảo tượng Phật mà tâm sanh cung kính, nhân tâm sanh mà miệng nói ra lời khen ngợi và thân đảnh lễ Phật. Vậy là khi ấy, đồng lúc ba nghiệp được thanh tịnh, đây chính là nguyên nhân dẫn đến thành tựu Phật thân. Hay nói cách khác, khi tam nghiệp thanh tịnh thì Phật thân trong ta tự hiển lộ, như bầu trời trong suốt thời mặt trăng cũng tự hiển hiện. Cho nên, mới biết khen ngợi đức Phật là cách tự vén màng vô minh đen tối thì tâm ta nhận được những đặc tính thù thắng của tam thân Phật.

Mong ước chính là sự hoài bảo để cho ta có điểm hướng đến và trưởng dưỡng trong tâm dần dần sanh khởi điều mong ước ấy. Tán Phật không chưa đủ mà cần phải mong ước được thành Phật, mới là điểm cần thiết. Sự khởi đầu của mong ước là mong hành tựu được 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, tức là mong thành báo thân Phật. Hay nói ngược lại, từ bao thân Phật chúng ta cái nhìn thấy vẻ đẹp về tướng mà tâm sanh ra mong ước, dẫn đến tánh sớm trở về bản nguyên, tức là thành tựu Phật báo thân, chứng ngộ pháp vô tướng (chứng vô tướng pháp).

  Sở chứng của Bồ tát

Khi thành tựu Phật thân, cũng có nghĩa là chứng được ngã không của hàng Thanh văn, trong kinh Pháp Hoa gọi là Hóa thành. Ở đây, lại nhắc nhỡ ta nên chứng thêm bậc nữa là pháp không của quả vị Bồ tát. Quả vị này mới có thể nhìn thấu được vạn pháp là vô tướng, chân không. Đến đây, mới gọi à chứng rốt ráo về pháp thân Phật.

Từ chỗ hữu tướng cho ta nhìn thấy có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà sanh lòng tán thán và mong ước. Khi thành tựu được Phật thân rồi, ta có cái nhìn chứng đắc và nhìn trở lại 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp ấy thì thấy nó thực là vô tướng, không còn có cái để mong ước nữa. Như vậy hữu tướng hay vô tướng là do cái nhìn của người chứng hay không chứng mà thôi. Ngay trong hiện tại, người chứng ngộ vẫn nhìn thấy pháp vô tướng của vật đang hiện hữu trước mắt, chứ không cần phải đợi quán chiếu. Nên trong Kinh Kim Cang có câu “Vì sao? Như Lai nói thân tướng đó, tức chẳng phải thân tướng. Phật bảo Tu Bồ đề Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, thì thấy Như Lai”. HT Tuyên Hóa giải thích “Nếu như có thể thấy được mọi tướng là không có, ở ngay tướng mà lìa tướng, nghĩa là ngay tại tướng liền biết rõ nó chỉ là không, thì đó là thấy được pháp thân của Như Lai. Pháp thân của Như Lai là vô hình vô tướng”.

       Chứng ngộ pháp vô tướng có nghĩa là chứng ngộ chân không. Chân không ở đây, không phải trống không đối với có mà là không ở giữa cái có và cái không. Như vậy chứng vô tướng cũng có nghĩa là chứng lý trung đạo. Thái tử Tất Đạt Đa  nhờ tìm ra lý trung đạo mà chứng quả Vô thượng Bồ đề. Kinh Chuyển Pháp Luân (HT Minh Châu dịch): “Này các Tỳ kheo, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo, Thế nào là hai? Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỳ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai Giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí tuệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết bàn. Như vậy, lý trung đạo là lý ly khai tướng đối đãi của thế gian. Hay nói cụ thể là sống trong đời mà không nhiễm đời “Cư trần bất nhiễm trần”. Đây được gọi là lối sống trung đạo hay là vô tướng. Sống vô tướng là sống không bị vướng bởi tướng không và tướng có của đời. Vô tướng không có nghĩa là chạy trốn mà là đối diện với không và hữu. Nhờ bùn và nước nên củ sen mới nở hoa. Như vậy muốn chứng pháp vô tướng thì phải ngay trong đời này, gần hơn nữa là ngày trong đương niệm và đang đối diện với đời mà hoa vô tướng tung nở thì ngay tức khắc liền thành tựu quả Chánh giác, hay thoát nhiên đại ngộ.

                             (Trích  Tỳ Ni giảng giải (sống một ngày trọn vẹn) Thích Phước Mỹ).

]

        Khi chứng thánh quả rồi có 5 loại nhãn: Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn, nhất thiết Phật nhãn. Gọi là Vô ngại nhãn, 5 loại mắt không bị ngăn ngại.

1/ Thiên nhãn: Thấy rõ xa gần, lớn nhỏ, ngày đêm, hay vật ngăn cách không bị trở ngại.

2/ Tuệ nhãn: Thấy rõ các tướng hư giả vốn không là vô tướng, không bị ngăn ngại.

3/ Pháp nhãn: Thấy rõ các pháp môn ở thế gian và xuất thế gian không bị ngăn ngại.

4/ Phật nhãn: Sáng suốt thấu hết tất cả thời gian và không gian đều không bị ngăn ngại.

5/ Nhất thiết Phật nhãn: Con mắt thấy tất cả đức Phật trong quá khứ, hiện tại vị lai ở các cõi và kể cả Phật tánh.

TÁN THÁN PHẬT HAY KHEN NGỢI PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét