Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

GIÁ TRỊ CỦA TÀI SẢN

 

GIÁ TRỊ CỦA TÀI SẢN

       Khi tài sản làm ra đúng pháp sẽ luôn được khả lạc, khả hỷ, khả ý, tiếng tốt về bản thân thêm được vang xa, và người thân được thơm lây, vị ấy sẽ được sống lâu, thọ mạng kéo dài sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi lành.

       Có 4 loại tài sản an lạc người tại gia thọ hưởng khi làm ra tài sản đúng pháp, đó là:

- vị ấy được giữ nó, đây gọi là lạc sở hữu.

- Vị ấy thọ hưởng và làm việc phước hoan hỷ, đây là lạc thọ dụng tài sản.

- Vị ấy không mắc nợ ai nên gọi là lạc không mắc nợ.

- Tài sản làm ra đúng pháp nên vị ấy được lạc không sợ phạm tội.

       (Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội).

       Nhưng tài sản thế gian không có giá trị cho lộ trình giải thoát. Nó chỉ là phương tiện trợ duyên cho hành giả tu tập. Đức Phật dạy rằng, mất mát tài sản không tổn hại nhiều bằng mất mát trí tuệ, tăng trưởng tài sản không có giá trị bằng tăng trưởng trí tuệ. “Chánh mạng là biết đủ đối với tài sản Hiền Thánh, xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể là khinh an giác chi.” Đức Phật xác quyết không do nhân thành tựu tài sản mà loài hữu tình sau khi chết được lên cõi trời, cõi đời. Do nhân thành tựu giới, thành tựu tri kiến mà được sanh lên thiên giới”.

       Đức Phật đề cao và tán thán hội chúng tôn trọng diệu pháp và phê phán hội chúng tôn trọng tài vật. Chúng đệ tử nên thực hành sự cầu pháp, đừng thực hành cầu ẩm thực. “Khổ lụy thay, này các Tỳ kheo, là cái đắc lợi, cung kính, danh vọng, thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt Vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách”. Vì vậy, hành giả tu tập phát tâm cầu học Phật pháp mong cầu giải thoát, thì nên giãm bớt sự thọ dụng, sống thiểu dục tri túc, phòng hộ các căn môn.

       Phương pháp dùng sản có lợi ích.

        Phật nói người khéo làm ra tài sản đúng pháp, sau đó lại tăng trưởng đúng pháp, sử dụng đúng pháp. Như bố thí, bố thí với tâm hoan hỷ, bố thí không do dự. Kẻ có tài sản biết sử dụng đúng mục đích thì tài sản ấy càng nhân lên gấp bội, và tạo phước đức cho các kiếp sau. Đây là phương pháp sử dụng tài sản có lợi ích nhất. Đức Phật tán thán và ngợi khen hạng người tìm cầu của cải hợp pháp, phải lẻ, tự nuôi thân đầy đủ, nuôi cha mẹ vợ con, người giúp việc, cũng như cúng dường Sa môn. Khi có của cải thì không đắm nhiễm, không hệ lụy, thấy được tai họa, biết sự xuất yếu khi tiêu dùng.

       “Thiện nam tử, sau khi biết tài sản thu nhập, biết tài sản xuất ra, sinh sống một thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn keo kiệt”. Nếu biết chi tiêu điều hòa, không quá nghiêng về một bên nào, thì đó là người biết cách để sử dụng tài sản khôn khéo. Nếu không biết chi tiêu đúng mực, như tiền nhập vào ít, nhưng chi tiêu lại nhiều, sống hoang phí, thì sẽ dẫn đến sạt nghiệp. Ngược lại có tiền mà ki bo, bỏn xẻn, keo kiệt, không dám chi tiêu thì cũng không đem lại lợi ích cho mình và người khác. Tài sản nên sử dụng để đem lại sự an lạc, sự bình an cho mình cho người thân, cho những người còn thiếu thốn, cúng dường lên những bậc hướng thượng, đến những công trình đem lại phúc lợi cho mọi người (chùa, cầu cống, đường sá, trường học, cây xanh…) chính là cách sử dụng tài sản đem lại giá trị, lợi mình, lợi người, lợi cho đời này, lợi cho đời sau. Các tài sản được thọ dụng chân chính thì vua quan, nước, lửa, trộm cắp không thể cướp đoạt được.  “Tài sản không có chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật”. Tài sản là một thứ vật chất nên nó luôn luôn nằm trong quy luật vô thường, có đó rồi mất đó, nó không tồn tại lâu dài, khi ta chết cũng không thể mang theo được những gì, chỉ có nghiệp đi theo ta như bóng theo hình không rời. Vì thế, người có của cải nên bố thí, cúng dường, thực hành bố thí, tùy theo khả năng của mình, từ đó có được thiện nghiệp tích lũy cho tương lai. Đây là tài sản chắc thật lâu dài hữu ích.

       Phương pháp bảo vệ tài sản:

- Tài sản làm ra đã khó, việc gìn giữ phòng hộ và bảo vệ lại càng khó hơn. Tài sản sẽ không bị vua quan lấy đi, trong trường hợp vị ấy làm việc hợp pháp và trong nhà có người nối dõi, thừa kế. Trộm cướp không lấy được, nếu ta có phương pháp bảo vệ hợp lý, các nạn nước, lửa thiêu ta có thể phòng hộ ngăn ngừa. Đối với việc người thừa kế, ngay từ đầu cần giáo dục con cái sống đạo đức, tuân thủ 5 giới, dạy chúng sống tự lập, quý trọng những gì đang có, và trân trọng công sức người làm ra, phải biết tằn tiện, gom nhặt, có tài vật thì nên chia làm 4 phần, nuôi thân, lo cho công việc, để dành phòng ngừa các việc xảy ra bất trắc và một phần làm phước. Dùng trí tuệ để tính toán, chi tiêu hợp thời, hợp lý thì của cải theo đó phát sinh như dòng nước chảy về biển, của cải ngày càng tăng thịnh thêm. “Khi nào các Tỳ kheo, các ngươi giữ giới đi đến gia đình, các người tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, san sẻ bố thí. Này các Tỳ kheo, như vậy đưa đến tài sản lớn và gia đình ấy, trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy. Đây là tích lũy cao thượng, nó không những bảo vệ được tài sản hiện tại mà còn vun bồi tài sản phước đức tương lai”.

       Làm cho tài sản bền vững:  Đức Phật dạy, con đường đưa đến tài sản nhỏ là bố thí, trong khi con đường đưa đến tài sản lớn, cao quý là tu tập cúng dường người đáng cúng dường.

       Những điều kiện như trên sẽ đem đến cho những ai mong muốn mở ra kho báu tài sản. Thế nhân không nên mơ làm giàu mà bỏ những điều cơ bản nhất, chỉ có chăm chỉ và nỗ lực tự thân mới có tài sản chân chính. Có  8 điều kiện giúp cho tài sản hưng thịnh là  Tháo vát, phòng hộ, làm bạn với người thiện, sống thằng bằng điều hòa, lòng tin, giới đức, bố thí và trí tuệ” có 8 điều này tài sản được hưng thịnh.

       Nguyên nhân tài sản tàn rụi:

 Có 8 duyên làm cho tổn hại tài sản: Do quốc vương, do trộm cướp, do lửa, do nước, do cất giữ không cẩn thận, do biếng nhác, do trong gia đình có kẻ phá hoại, và do vô thường.

       Tâm thái của người học phật khi tìm kiếm tài sản:

        Người có học Phật cảm nhận được quy luật vô thường và nhân quả, khi tài sản có đi đến hoại diệt vị ấy cũng không có hối hận, nuối tiếc, u sầu. Công việc có thất bại họ cũng không ưu sầu phiền muộn, khóc than, ảo não, cuồng si. Bởi vì vị ấy biết rõ “những tài vật sở hữu thảy đều vô thường”. Cuộc sống luôn có muôn vàn biến chuyển. Nếu chúng ta không bình tâm chấp nhận thất bại thì khó mà chịu được với cuộc sống khắc nghiệt nầy. Có rất nhiều người khủng hoảng tâm lý điên cuồng vì không thể chấp nhận kết quả thất bại. chúng ta nên nhìn lại công việc mình làm, mục đích làm ra tài sản và hưởng thụ ra sao để không phạm pháp, tranh đấu đến mất mạng, lường gạt người khác. Sự bình tâm chấp nhận sự yếu kém để rút ra bài học cho những lần sau là điều kiện tiên quyết gây dựng tài vật và phước vật lớn mạnh.

       Tài sản để lại cho con cháu là tài sản thế gian, có đó rồi mất đó, chỉ có phước đức để lại thì mãi mãi còn.

       “Keo kiết không sanh thiên

       Kẻ ngu ghét bố thí

       Người trí thích bố thí

       Đời sau được hưởng lạc”

 Khi giàu có mà biết làm phước thiện thì đời sau sẽ được sanh lên cõi trời hưởng phước, vị này được gọi là vị sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. Vì này không phải những tạo gia tài phước đức cho bản thân mà còn để lại cho con cháu chữ Đức.

Qua hai loại gia tài, ta thấy rõ gia tài nào lợi lạc nhất. Tài sản thế gian chỉ là nhân duyên cho chúng ta sinh hoạt trong đời sống nầy, nhờ nó mà ta có cơ hội để làm những việc khác, tài sản thế gian không có giá trị lâu dài bền chắc.

  Như vậy, mục đích của việc làm ra  của cải tài sản không phải chỉ cho bản thân, cho cha mẹ, vợ con mà là để ban trải lòng từ, bi, hỷ và xả. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, ta chia sẻ thành công mà ta có được đến với mọi người. Tài sản ta làm ra không phải nhờ công sức của chỉ riêng mình ta, mà nó là do duyên nhiều yếu tố. Mỗi người hãy sống trong tinh thần giúp đỡ, biết ơn để cuộc sống thêm hạnh phúc.

Tài sản là một phần của kiếp người, là phương tiện để cuộc sống được đầy đủ, thoải mái hơn. Nhưng cần vun bồi và tích cóp chính là công đức và phước đức, chỉ có kho báu ấy mới là hành trang cho chúng ta trên con đường tái sinh và thoát khỏi biển luân hồi. Hãy sống làm sao để lại phước đức cho con cháu thọ hưởng, mang theo nghiệp thiện để được về thiên giới. Đó mới đúng nghĩa là tài sản ta mang đi và để lại cho hậu thế kế thừa.

 (Trích: NSGN số 326-  5/2023  Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật- TN Quảng Hiền).

GIÁ TRỊ CỦA TÀI SẢN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét