CỐT LÕI CỦA SỰ TU TẬP THIỀN ĐỊNH
Muốn có được an lạc thế gian lẫn hạnh
phúc giải thoát, chúng ta không những cố gắng tránh tạo tác các ác nghiệp hại
mình hại người, mà còn nỗ lực vun bồi các thiện pháp lợi mình, lợi người và hơn
hết là giữ gìn nội tâm cho được thanh tịnh. Đây cũng chính là tiến trình tu tập
Giới, Định, Tuệ, nhằm đoạn trừ ba loại phiền não từ thân, khẩu, ý trong mỗi
chúng ta. Giới hạnh trong sạch giúp ngăn chặn các phiền não tác động biểu hiện
qua lời nói và hành động, làm nền tảng để tu tập định tâm. Định tâm tĩnh lặng
giúp kiểm soát các phiền não tư tưởng trong ý thức, tạo điều kiện tốt cho tuệ
giác phát triển. Tuệ giác sáng suốt giúp đoạn trừ tận gốc phiền não ngủ ngầm tiềm
ẩn trong vô thức, chuyển hóa hành giả từ phàm phu khổ đau trở thành bậc thánh hạnh
phúc. Như vậy, bỏ ác làm thiện tu dưỡng tâm tánh là phương pháp chủ yếu hữu hiệu, giúp chúng
ta thọ hưởng hạnh phúc thật sự ở hiện tại và tương lai.
Trong đạo Phật nói đến tu là người ta
nghĩ đến phương pháp tu tập Thiền định. Thiền định là pháp hành mà hành giả hướng
tâm tập trung trên một đối tượng, thiền định duy nhất để tâm dần dần được tĩnh
lặng. Định tâm trên một đối tượng nào đó. Khi có định tâm năm chi triền (tầm, tứ,
hỷ, lạc, nhất tâm) xuất hiện và chế ngự được năm phiền não (5 triền cái) tham,
sân, hôn trầm, hoài nghi, trạo hối; dẫn đến chứng đắc thiền Sắc giới và Vô sắc
giới. Nhờ vậy hành giải có thể an trú và hưởng sự an lạc nhất thời trong tầng
thiền ấy.
Trong 40 đề mục thiền định, đề mục hơi
thở là đề mục phổ biến nhất, hành giả chọn một trong các đề mục thích hợp với
mình làm đối tượng để tu tập, rồi tìm đến một vị thiền sư uyên thâm về pháp học
Phật giáo và thuần thục về pháp hành Phật giáo (nhất là pháp hành thiền định) để
nương nhờ tu tập về đề mục thiền định ấy. Nếu là người tam nhân (không còn tham, sân, si) với sự tinh tấn
chuyên cần và đủ các thuận duyên khác, hành giả có thể chứng đắc được các tầng
thiền Sắc giới và Vô sắc giới, rồi luyện thành công các phép thần thông (Thiên
nhãn thông, thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, thần túc thông)
cũng như nhập định hưởng lạc ngay hiện tại hay tái sinh kiếp sau ở cõi trời Phạm
thiên tương ứng với tâm thiền đã chứng ngay khi chết. Tuy nhiên, pháp hành thiền
định chỉ có chức năng chế ngự các phiền não tạm thời (như đá đè cỏ) chứ không
thể diệt trừ phiền não vình viễn. Ngay cả thần thông cũng không phải là yếu tố
giải thoát thực sự và không thể thắng được nghiệp lực (chuyện Mục Kiền Liền bị ngoại đạo đánh) có khi lại mê hoặc quần chúng, khiến họ
tăng trưởng tham vọng, không tin nhân quả, nuôi dưỡng tà kiến, rồi dấn thân vào
tà đạo. Người có thần thông, chưa chắc
là bậc Thánh, vì thần thông xuất phát từ thiền định chứ không phải là tuệ giác.
Một vị sinh về cõi Phạm thiên sống thanh tịnh trong thời gian dài, nhưng hết
phước, họ sẽ quay lại làm người bình thường, với đầy đủ các thứ phiền não làm
cho họ khổ đau như trước. Cho nên thiền định là đường đi của những ai chán sợ
và muốn lìa bỏ đời sống dục giới. chứ không cầu giải thoát tuyệt đối, chứng ngộ
Niết bàn. Người cầu đạo giải thoát chỉ tu tập thiền định để có tâm tĩnh lặng mà
kiểm soát phiền não, rồi lấy đó làm nền tảng để thực hành thiền tuệ mà giác ngộ
chân lý, buông bỏ khổ đau.
Chỉ có pháp hành thiền tuệ mới có khả
năng đoạn tận phiền não (nhỗ tận gốc). Qua cuộc đời của đức Phật, khi còn là Bồ
tát, Ngài đã từng thực hành thiền định với sự hướng dẫn của Đạo sĩ Alara
Kalamagatta và Đạo sĩ Udaka Ramaputta rồi chứng đắc tất cả các tầng thiền định
(bát thiên) nhưng Ngài vẫn chưa giác ngộ, cho đến khi Ngài tự tu tập thực hành
thiền tuệ dưới cội cây Bồ đề mà thành tựu Phật quả Chánh đẳng Chánh giác. Cho
nên, thiền tuệ là pháp hành chỉ có trong Phật giáo, là tinh hoa của Phật giáo,
dẫn chúng sanh đến cứu cánh giải thoát rốt ráo.
-
Pháp hành thiền tuệ (Vipassana)- Thiền tuệ
(thiền quán, Thiền tư niệm xả, Thiền minh sát) là pháp hành mà hành giả
thiết lập và phát triển trên chánh niệm từ Tứ niệm xứ (thân,thọ,tâm,pháp). Rồi
hướng tâm quan sát sự biến diệt của các hiện tượng trên thân và tâm (sắc pháp
danh pháp bên trong và bên ngoài), ngay thời khắc hiện tại, để có tuệ giác thấy
biết rõ thật tánh sinh diệt hay tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã) của các pháp
dẫn đến giác ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc từ thành đạo, Tứ Thánh quả, Niết
bàn, diệt tận mọi phiền não, tham ái, trở thành bậc Thánh A la Hán, thoát khỏi
sanh tử luân hồi trong tam giới.
Các
hạng hành giả giác ngộ nhờ tu tập thiền định và thiền tuệ. Có ba hạng hành giả như sau :
1/ Hạng tu thiền định trước rồi tu tập
thiền tuệ sau.
2/ Hạng tu thiền tuệ trước, rồi tu tập
thiền định sau.
3/ Hạng tu kết hợp song hành cả thiền định
và thiền tuệ.
Như
vậy, tùy theo căn duyên mỗi người mà hành giả thực hành thiền định hay thiền tuệ
trước hoặc là định tuệ song tu trên bước đường tìm cầu chân lý. Tuy nhiên tất cả
hành giả đều phải tu tập dựa trên đạo lộ, Giới, Định, Tuệ. Giới có chức năng chủ
yếu ngăn ngừa các ác nghiệp qua thân, khẩu, giúp hành giả ly dục trên thân, định
lực có thể chế ngự các phiền não, vọng niệm, giúp hành giả ly dục được trong
tâm…. Hành giả tự khắc phục, buông bỏ sự dính mắc với các pháp, các phiền não sẽ
tự tiêu vong. Như vậy, tuệ giải thoát phá bỏ vô minh tâm giải thoát diệt trừ
tham ái, hành giả am hưởng được hạnh phúc, an nhiên, tự đạt Niết bàn vô điều kiện.
Để
hành thiền tuệ thành công, hành giả cần phải tu tập Tứ niệm xứ với sự hướng dẫn
của những vị thầy uyên thâm về pháp học, thiện xảo về pháp hành. Nếu là người
tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và đủ các duyên lành, hành giả có thể
phát sinh lần lượt 16 tầng tuệ minh sát, đắc các tầng thánh giải và nếm được
hương vị giải thoát.
Kết
luận: Toàn bộ công phu tu học của một
phật tử bất kể Tăng hay tục, có thể gói gọn trong ba phận sự: Đó là nghiên cứu
kinh điển, vun bồi phước đức và tu tập Giới, Định và Tuệ. Pháp hành bỏ ác hành
thiện chính là tu dưỡng giới đức, làm nền tảng vững chắc để hành giả tiến hành
thanh lọc tâm hay tu tập thiền định, thiền tuệ tốt đẹp. Thiền định chỉ giúp cho
nội tâm tĩnh lặng, tránh các phiền não tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi để
hành giả tiến tu thiền tuệ, chứng nghiệm thực tánh các pháp, thành tựu Niết bàn
rốt ráo. Như vậy, cốt lõi của việc tu tập chỉ là bỏ ác, làm thiện và tu tâm dưỡng
tánh dựa trên nền tảng Giới, Định, Tuệ (Bát Chánh đạo) đến hạnh phúc giải
thoát.
(Trích NSGN số 326 –
5/2023- Cốt lõi của sự tu tập Thiền-
Thích Phước Hưng)
—]–
0 nhận xét:
Đăng nhận xét