Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

TẨY BÁT: RỬA BÁT

 

TẨY BÁT: RỬA BÁT

Trong Ty Ni Nhựt Dụng có kệ rửa bát:

       Dĩ thử tẩy bát thủy Như thiên cam lồ vị

Thí dữ chư quỷ thần Tất giai hoạch bảo mãn

Án ma hưu ra tất tá ha.

(Dùng nước rửa bát này Bố thí cho loài quỷ thần

Như nước Thiên cam lồ - Tất cả đều no đủ).

       Trong thời Phật tại thế, chư Tăng thọ thực xong tự rửa bát tại chỗ sau khi ăn cơm xong. Nước rửa bát đó không nên đỗ bừa bãi mà phải đỗ đúng chỗ để cúng thí cho loài quỷ thần còn đói khát. Đối với chúng quỷ thần, nước rửa bát của chư Tăng, nó quý như thí chủ cúng dường cho ta bửa cơm hôm nay. Cho nên Phật dạy nước rửa bát không được đỗ bỏ mà phải đem đi bố thí. Như vậy, với cái nhìn của đức Phật, Ngài thấy còn nhiều loại chúng sanh quanh ta vẫn còn đói khát, thiếu thốn và khổ sở, bởi do nghiệp báo mà ra, cho nên Phật cũng không thể nào cứu được mà dạy bảo đệ tử chỉ làm việc bố thí như vậy thôi.  Lời dạy của Phật lưu lại trong kinh luật, nên bây giờ vẫn giữ nguyên truyền thống ấy, kỳ thực, lúc nào mà không có những loài quỷ thần đói khổ, chỉ do mắt trần chúng ta không thấy, nên cảm thấy không cần thiết và không cần phải làm việc bố thí nữa, mà theo nhu cầu vệ sinh sạch sẻ, nên rửa bát có nơi dọn dẹp có chỗ, dần dần mất đi việc làm phước thiện bố thí hữu ích này. Còn có vài nơi còn giữ lại hình ảnh tốt đẹp ấy, nên rửa bát tại chỗ sau khi ăn cơm xong, nước rửa bát đầu tiên không đỗ hay bố thí quỷ thần, mà uống luôn cho sạch nên không làm phí của tín thí cúng dường, xong đỗ nước thứ hai rửa bát cho sạch.

       Bài kệ này nhằm nhắc nhỡ chúng ta tu pháp bố thí và quan tâm đến những chúng sanh bất hạnh đói khổ luôn đang cần có thức ăn ở bên ta chung quanh ta, và đừng bỏ qua việc thiện nhỏ nào mà ta có thể làm được. Đó là bài kệ nói nước rửa bát, Phật khuyên nên bố thí cho loài quỷ thần. Ta nghe Phật nói như vậy, nhưng loài quỷ thần thuộc loại vô hình nên mắt trần chúng ta không thấy nên ít ai tin việc bố thí nước rửa bát mà quý như cam lồ của Trời, thì ta không hiểu nổi.

        Nhưng xét lại cho kỷ những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, khi ta khạc một chút nước đờm trong miệng ra ngoài đất, liền có ruồi bu, kiến tìm đến bu ăn,  những thức ăn dư thừa của những bửa ăn của gia đình chúng ta, hay những bữa tiệc tùng, cơm thừa cá cặn, sau một bữa ăn, người ta không đỗ bỏ mà đem cho heo, chó ăn, thì chúng ăn cũng khoái khẩu như ta đang ngồi ăn trên bàn tiệc vậy. Đối với ta phước còn lớn còn nhiều nên dư ăn dư uống, nhưng những thứ dư thừa của ta bỏ ra, nó lại là những thứ cao lương mỹ vị của chó và heo, là những thứ để bố thí cho những chúng sanh đang đói khát kém phước hơn ta. Qua ý nghĩa bài kệ nước rửa bát, Phật khuyên ta đừng phung phí thức ăn, dù là nước rửa chén bát cũng là một loại thực phẩm cao quý cho loài quỷ thần, cơm thừa cá cặn là thức ăn thịnh soạn cho heo và chó. Hơn nữa trên thế giới còn rất nhiều bộ lạc sống hoang dã trong rừng sâu núi thẳm, suốt cuộc đời sinh ra và lớn lên cho đến già chết, chưa  bao giờ được một bữa ăn uống ngon lành như chúng ta hiện nay. Nếu không có lời Phật dạy, không có sự chịu cực, chịu khổ của những người Super đi thám hiểm, khám phá những bộ tộc này, ở những vùng sâu xa hẻo lánh, chúng ta không thể thấy, không thể biết sự nghèo đói, lạc hậu cơ cực của một số người bộ lạc nầy. Họ đã mau mắn được sinh làm thân người, nhưng cuộc sống còn tệ hơn cuộc sống của những con thú cưng của người thành phố nuôi dưỡng. Có những bộ tộc người sống không nhà, không áo quần che thân, không cơm ăn, không nước uống, không lửa củi, điện đài, xe cộ, đường sá v.v.. Người lớn, trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà đều ở trần truồng suốt cả cuộc đời. Có bộ tộc khá hơn lấy lá cây làm áo quần che thân, hoặc cả một năm chỉ có một mảnh vải che thân, không có cái thứ hai. Nắng thì trú dưới gốc cây, mưa tìm hang trú ẩn. Thức ăn toàn rễ cây, trái cây rừng và thịt thú rừng, nhưng không có đủ để được ăn hàng ngày ba bữa. Muốn có ăn phải vất vã đi tìm kiếm, may ra có được bữa no còn lại thì nhịn khát, chịu đói. Mùa đông chịu rét mùa hè chịu nóng nực. Không có quạt và máy sưởi như chúng ta. Uống nước ao nước suối không có đun sôi, lọc sạch khử trùng như ta. Cuộc sống khổ và thực khổ, nếu giả dụ chúng ta sống như họ một ngày chắc cũng không được, huống suốt cả cuộc đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác cũng vậy.

        Chúng ta nghe trong kinh Phật nói có ba loại chúng sanh đời sống rất thép kém, toàn là khổ chứ không có vui, là chúng sanh ở, địa Ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nhưng những con người của các bộ tộc này sống không khác gì đời sống của súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Khổ của súc sanh là ngu si, khổ của ngạ quỷ là đói khát, khổ của địa ngục là không tự do và bị hành hạ. Nguyên nhân nguồn gốc có cảnh báo địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh phát xuất từ tâm tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn, sân hận, cố chấp mà ra. Tâm lý xan tham chiêu cảm cảnh giới Ngạ quỷ đói kém thiếu thốn. Tâm lý giận dữ, sân si chiêu cảm cảnh giới địa ngục mà ra. Tâm lý cố chấp, không bao dung độ lượng, không biết lắng nghe, chiêu cảm cảnh giới súc sanh mà ra.

 Nghĩ lại, chúng ta có quá nhiều phước duyên, vậy nên hãy cố gắng làm lành lánh dữ, tu hành tập khởi lòng từ bi thương nghĩ đến những người đói khổ, những người thiếu thốn, những kẻ hoạn nạn, những chúng sanh còn đang trong sanh tử, mà phát Bồ đề tâm, nguyện độ chúng sanh ra khỏi khổ.

       Thí cho quỷ thần:

       Thế nào là quỷ thần? Là những linh hồn không thể đầu thai chuyển kiếp, mà linh thức vẫn lưu lại trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ. Nếu hướng theo phe thiện được gọi là Thần, nếu là ác thì gọi là Quỷ. Dù quỷ hay thần đều là những vong linh chưa siêu thoát, chưa đầu thai, còn trụ lại trần thế, nên tâm tưởng ăn vẫn còn thèm khát rất nhiều. Mỗi khi thấy ai ăn hay uống, liền đi đến chờ sẳn. Quỷ thần thường sống về đêm, nên Phật dạy đệ tử Phật khi mặt trời lặn không được ăn đêm, hay khua chén bát, nhằm tránh quỷ thần nhìn thấy, hay nghe mà sanh tâm thèm khát, khổ sở dày vò. Dù là thần nhưng một khi cơn đói khát đến hoành hành thì cũng biến thành quỷ. Nếu là quỷ gặp trường hợp này nó trở thành ác quỷ.  Bài trước Thị giả tống thực là khi ăn đã bố thí cúng cho quỷ thần rồi. Bây giờ rửa bát  cũng cần bố thí cho chúng nữa. Như thế chúng ta mới biết quỷ thần có rất nhiều loại và có kẻ trước người sau, người sang kẻ hèn, người được nhận đồ cúng thí, kẻ thì lủi thủi lượm của rơi dư thừa, có loại ăn đồ sạch, có loài ăn đồ dơ bẫn. Thật sự không bao giờ có sự bình đẳng trong loài quỷ thần. Trong dương gian nơi nào có lối sống không bình đẳng càng nhiều thì nơi ấy càng giống như loài quỷ thần chừng ấy. Tất cả đều do nghiệp lực của mình tạo nên, do tham, sân, si lôi cuốn làm chủ động mà dẫn ta đi vào thế giới của loài quỷ thần. Tham lam càng sâu, thì đói khát càng nhiều, khi nào tham, sân, si hoàn toàn không còn thì nơi ấy là thánh thiện, là thế giới an lạc.

       Như nước cam lồ.

       Nước rửa bát đối với ta là đồ bỏ, nhưng đối với loài quỷ thần xem như cam lồ của chư Thiên vô cùng quý giá. Ta bố thí nó bằng nước rửa bát, cùng bằng như thí chủ cúng dường cho ta một mâm cao lương mỹ vị vậy. Hơn nữa, mỗi khi nước rửa bát được gia trì chú này vào và khởi tâm từ bi bố thí thì của người rửa bát, thì nó trở thành cam lồ, rất thơm ngon và nước cam lồ dùng mãi không hết.

       Trong loài ngạ quỷ luôn bị đói khát dày vò hành hạ khổ sở, nên bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn, và bất cứ khi nào có cơ hội nó thường chờ sẳn để có được miếng ăn, cho nên lúc ăn nào cũng đều có nó, thậm chí lúc khạc nước miếng hay lúc đi vệ sinh. Những loài súc sinh nuôi trong nhà sống chung với con người như gà, chó, mèo, mỗi khi ta ăn rơi hạt cơm nào thì nó dưới bàn ăn chờ sẵn lượm hạt cơm rớt đó ăn liền, huống gì là loài quỷ thần. Có điều chó, mèo chúng ta nhìn thấy được, chỉ có Đức Phật mới thấy chúng nên mới dạy đệ tử làm việc bố thí sau khi ăn uống xong rửa bát.

       Tất cả đều no đủ. Mong chúng được no đủ.

       Là quỷ thì hố tham sân si sâu thẳm tột cùng, nên cái thèm khát cũng tột cùng, không biết bố thí bao nhiêu lần mới đủ. Chúng ta không thấy được chúng ăn, không nghe được chúng nói và cũng không hỏi được chúng điều gì, làm sao hết chúng quỷ thần  có được no đủ không. Đây là điều mong ước chúng được no đủ và tin chắc rằng khi rửa bát đã trở thành nước cam lồ, thì chắc quỷ thần được no đủ. Quỷ thần chúng ta không thể nhìn thấy được, vì nó không có thân tướng, không có thân tướng thì làm gì có tướng ăn, nên chúng chỉ ăn bằng thức thực hay tư niệm thực, thuộc về ăn trong tưởng thức. Cho nên rất phù hợp với sự chú nguyện hay gia trì vào thức ăn. Sự gia trì có năng lực nhiều thì thức ăn càng nhiều. Sự mầu nhiệm chính là cam lồ, nên quỷ thần được no đủ.

       Sự gia trì có năng lực biến ít thành nhiều, biến thiếu thành đủ ta nghe không hiểu được. Ta đem một ví vụ so sanh có thể hiểu được. Ví như ta đem một cục đá hay đất, đem đi đổi thức ăn thì chẳng ai cho chẳng ai đổi. Nhưng ta đem cục vàng, hay viên ngọc quý, thì không những thức ăn mà nhà lầu xe hơi ta đổi cũng được. Hay 1 đồng tiền Việt Nam ta đi mua không được cây kẹo, nhưng 1 đồng USD ta đi đổi có bữa ăn no nê thịnh soạn. Đem sự việc ở thế gian để hiểu thì ta có thể hiểu và tin cái nhu yếu cần thiết của thế giới vô hình.

]

TẨY BÁT: RỬA BÁT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét