SỰ SAI KHÁC VỀ BỐ THÍ
Bố thí có hai loại, bố thí cho người
thiếu thốn, hoạn nạn, bố thí như thế với lòng thương xót từ bi. Bố thí cho người
không thiếu thốn, không hoạn nạn, bố thí này với tâm cung kính, với tâm mong cầu
giải thoát, tâm mong cầu bình an, bố thí vì muốn bảo vệ lý tưởng.
Bố thí là sự chia sẻ cho người khác, thấy
người khác thiếu thốn, ra tay tế độ, cứu giúp những người gặp cảnh nghèo thiếu,
thiếu ăn, thiếu mặc, hay gặp cảnh hoạn nạn. Bố thì vì sự cung kính, bố thí người
có hiểu biết về đạo pháp, người tu tập, Bố thì này gọi là cúng dường. Bố thí
này thiên về con đường tâm linh cầu giải thoát. Đối tượng nhận thí này không phải
thuộc hạng người khổ đau hay nghèo đói, mà là lý tưởng buông bỏ và cầu giải
thoát.
Bố thí này không phải chỉ có lòng từ bi
mà còn có tâm hướng thiện, hướng thượng, mới khởi tâm bố thí cúng dường đến các
bậc chân tu. Có ba loại bố thí:
1- Tài thí, là thí về tiền tài của cải vật
chất.
2- Pháp thí, là bố thí về lời khuyên răng,
lời dạy bảo, hay những bài pháp thoại.
3- Vô úy thí, là giúp cho người qua cơn lo
lắng sợ sệt.
Như vậy bố thí là chỉ cho người làm một
trong ba việc này, hay làm cả hai hoặc ba. Tục ngữ có câu: “Của ăn thì hết, của
cho thì còn”. Bố thí với ý niệm không mong cầu, đòi hỏi, bố thí với tâm thanh tịnh
thì bố thí ấy có quả lợi ích lớn. Nếu người bố thí mà khởi ý niệm đòi hỏi, mong
cầu, thì không còn gọi là người bố thí, và cũng không có sự lợi ích lớn, nó trở
thành việc buôn bán đổi chác với nhau. Kết quả của sự bố thí là bắt nguồn từ
lòng từ bi và tâm thanh tịnh dẫn đến quả mầu nhiệm, không một ai có thể thay đổi
được quả ấy, ngoại trừ những bậc chứng đắc huệ nhãn, hay lục căn thanh tịnh mới
thấy biết được. Nhưng người bố thí cảm nhận được cái quả là “lòng từ bi trong
ta tăng trưởng”. Người bố thí cảm nhận được niềm vui trong khi bố thí và sau
khi bố thí. Sự bố thí ở đây chính là sự cúng dường cho những bậc xuất gia tu
hành đức độ, nhằm cầu phước báu vô thượng nên sự lợi ích không lường được.
Người bố thí có nhiều tâm trạng khác
nhau, người bố thí vì khoe khoang, bố
thí vì mưu tính, toàn nhắm để có lợi, bố thí vì sự bắt buộc, bố thí vì bắt chước,
thì người làm nên mình phải làm. Bố thí ở đây nói đến người có tâm hoan hỷ thạnh
tịnh mà bố thí. Bố thí hay cúng dường với tâm hoan hỷ thanh tịnh, tâm không mưu
cầu, hoàn toàn xả kỷ vị tha. Đây gọi là bố thí thù thắng, thì sẽ có quả thù thắng.
Luật nhân quả phân minh, kết quả của sự
an lạc nhiều hay ít hay cao thấp, còn tùy thuộc vào sự bố thí. Cúng dường cộng
với tâm tương tác mà thành kết quả khác nhau, chẳng hạn như tài vật thí của hai
người bằng nhau, nhưng trong lúc bố thí hay cúng dường, người với tâm mong cầu,
còn người kia với tâm thanh tịnh. Người khởi tâm thanh tịnh sẽ có kết quả an lạc,
còn người khởi tâm mong cầu sẽ có kế quả lợi lộc tương xứng. Quả an lạc là quả
thù thắng nhất trong sự bố thí, còn quả lợi lộc là sẽ có tài lộc đến nhưng vẫn
còn khổ đau đeo bám.
Sự bố thí quan trọng nhất là khởi tâm,
tài vật tuy ít nhưng tâm thù thắng thì kết quả thù thắng. Bố thí không chỉ là cứu
giúp người mà còn là tô bồi cái hạnh nơi mình, hay là cứu mình ra khỏi hố tham,
sân, si. Bố thí là xả xan tham, xả xan tham thì tức khắc sanh Tịnh độ. “Nguyện
giai bảo mãn xả xan tham, cứu cánh sanh Tịnh độ”. Khi đã xả xan tham thì sở
nguyện đầy đủ, đạt đến quả an lạc, rốt ráo.
Phật dạy “Tham chính là đầu mối của sự
khổ đau trong vòng luân hồi sanh tử. Vì hễ có tham là có chấp giữ, có chấp giữ
là có trói buộc, còn bị trói buộc tức chưa giải thoát, chưa giải thoát tức còn
luân hồi sanh tử, còn luân hồi sanh tử, còn luân hồi là còn chúng sanh, còn
chúng sanh là còn tiếp tục chịu các cảnh đau khổ phiền não. Vì thấy các mối
nguy hại của tham, nên đức phật khuyên bảo chúng sanh thực hành hạnh bố thí.
Kinh Phân biệt Nghiệp Báo nói: “Thường vui tu trí tuệ, mà chẳng bố thí, đời sau
được thông minh, nhưng nghèo túng không của cải. Chỉ vui bố thí mà không tu trí
tuệ, thì đời sau được giàu sang sung túc, nhưng ngu si khờ khạo không biết gì.
Bố thí và trí tuệ phải song tu, đời sau giàu có lại có trí tuệ, cả bố thí và
trí tuệ đều chẳng tu, nhiều kiếp ngu si lại nghèo đói”.
Thiên đường có lối không
người đến
Địa ngục tối tăm nhiều kẻ
vào.
Bố thì là để nuôi dưỡng lòng từ bi, còn
Pháp thí làm tăng trưởng trí tuệ. Hạnh bố thí là để diệt lòng tham lam, bỏn xỉn,
keo kiệt, ích kỷ và mở rộng lòng từ bi bình đẳng. Phật dạy có 5 loại bố thí xứng đáng bậc chân
nhân. Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với
tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người. Lại có 5 loại bố
thí: Xứng đáng bậc chân nhân, “Bố thí có
lòng cung kính, bố thí có suy nghĩ, bố thí tự tay mình, bố thí đồ không quăn bỏ,
bố thí có suy nghĩ đến tương lai”.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ tát bố thí cho
chúng sanh có bao nhiêu của cải bình đẳng thí cho chúng sanh mà không hối tiếc,
không mong cầu quả báo, không cầu danh vọng, không cầu sanh về cõi tốt hơn,
không cầu lợi dưỡng. Bồ tát chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sanh, muốn mang lợi
ích cho chúng sanh, muốn học theo bổn hạnh của các đức Phật, muốn thọ trì bổn hạn
của các đức Phật, và muốn tất cả chúng sanh lìa tất cả khổ được vui rốt ráo.
Kinh Địa Tạng “Bạch đức Thế Tôn, con xem chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh
công đức bố thí, hiệu quả có nhiều ít khác nhau, có người hưởng phước một đời,
có người hưởng phước 10 đời, có người hưởng phước 100 đời, 1000 đời lợi lạc lớn
lao”.
Tóm lại, bố thí phước nhiều hay phước
ít, hưởng ít hay hưởng nhiều, tùy thuộc vào việc khởi tâm thanh tịnh hay không
thanh tịnh, mà có quả khác nhau. Thật rất khó cho chúng sanh sống trong cõi dục
để có tâm thanh tịnh, nếu không biết học hỏi lời Phật dạy, thì không biết khởi
tâm thanh tịnh được.
—]–
0 nhận xét:
Đăng nhận xét