Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

THĂM BỆNH

 

THĂM BỆNH

       Phật dạy có 8 phước điền, đi thăm bệnh là một trong 8 thứ phước, nên hành giả tu tập cần phải thực tập đi thăm bệnh. Thăm bệnh là một pháp tu, vì thế trong Tỳ Ni Nhật Dụng có bài  Khán bệnh, tức thăm bệnh, hay chăm sóc người bệnh như sau:

       Kiến tật bệnh nhơn -  Đương nguyện chúng sanh

Tri thân không tịch - Ly quai tránh pháp

Án, thất rị đa, thất rị đa, quân tra rị, sa bà ha.

Dịch nghĩa: Khi thấy người tật bệnh thương tưởng đến chúng sanh -  Tự biết thân vốn không Nên tránh xa tranh cãi.

       Tật bệnh là trạng thái bất an của thân thể, khiếm khuyết hay đau đớn trên thân thể, là một trong bốn tướng, sanh, già, bệnh, chết. Không ai tránh khỏi  bốn quy luật này.

       Chúng sanh: Còn gọi là chúng hữu tình, là loài hữu tình có tình thức, có sự sống chết, ham sống sợ chết. Là loài hữu tình sống trong ba cõi, còn bị sanh tử luân hồi trong lục đạo.

Không tịch: Là vắng lặng tâm không dấy động, trạng thái tịch tĩnh, như nước bình lặng không có gợn sóng.

       Khi thấy người tật bệnh (Kiến tật bệnh nhơn)

       Nhìn thấy người tật bệnh

       Khi thấy người tật bệnh, chúng ta liên tưởng đến bốn thứ khổ của chúng sanh, không một ai có thể ngoại lệ. Phàm có thân tất nhiên phải có bệnh, không luận già, trẻ, nghèo giàu, sang hèn, đều không thoát khỏi. Một khi bệnh đến thì nỗi đau lại hành hạ khổ sở, bệnh nặng thì đau nhiều, bệnh nhẹ đau ít hơn.

       “Già trẻ sang hèn giống nhau,

       Đến khi lâm bệnh khổ đau tột cùng,

       Thân tâm đau thấu muôn trùng,

       Nghiệp mình tự chịu trách cùng hởi ai”

                                              Thích Liễu Nguyên

       Bệnh tật là một cái khổ trong 4 cái khổ lớn nhất mà đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên, là Tứ diệu đế. Do vậy, đức Phật khẳng định rằng thế giới này là thế giới khổ đau. Bởi chúng sanh hữu tình sống trong cảnh giới này từ nơi 4 tướng: Sanh, lão, bệnh, tử mà có, còn chúng vô tình là những thứ vật chất  cũng do 4 tướng: Thành, trụ, hoại, không mà sanh. Chính vì vậy, hữu tình và vô tình chẳng có cái gì thực hữu nên gọi là khổ, vô thường, vô ngã của tam pháp ấn.

       Như vậy, hiện tại chúng ta đang sống với 4 tướng ấy, và nó đang tìm tàng ở trong ta. Nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và cho ta một nỗi khổ kinh hoàng. Thế nhưng chúng ta vẫn dửng dưng không hay không biết. Từ điểm này đức Phật dạy bảo hàng đệ tử, khi không có bệnh mà nhìn thấy người khác bệnh thì hãy truy niệm về mình với nỗi thống khổ ấy để làm bài pháp tu tập và quán niệm.

       Khi mình bị bệnh thống khổ thì mình không có đủ trí lực để quán niệm tu tập. Ta nên tu tập và quán chiếu khi còn đủ sức khỏe và minh mẫn, nhìn xác chết của người mà nghĩ đến mình lúc nào đó cũng sẽ chết, nhìn thấy người bệnh tật mà quán chiếu thân mình có lúc cũng bịnh tật. Ta cần phải quán 4 tướng sanh, già, bệnh, chết đang ở trong ta, cho đến khi ta vỡ lẽ Giác ngộ. Sự giác ngộ của Thái tử Tất đạt đa là bắt nguồn từ khi nhìn thấy  4 tướng khổ và hỏi người đánh ngựa, mới biết mình và phụ vương cùng thân bằng quyến thuộc không ai thoát khỏi cảnh tượng ấy. Chính từ cảm nhận ấy, Ngài mới đi tìm con đường xuất gia tu học để được ra khỏi khổ đau của 4 tướng đang trói buộc. Vì vậy, khi thấy người bệnh là thấy cái bệnh đang ở trong ta và quán chiếu sự khổ đau trổi dậy với ta và người thân. Đây là năng lực chính giúp cho Thái tử quyết tâm đi tìm con đường giải thoát khổ đau. Biết bệnh phải chữa hết bệnh, chứ không mãi mê với giọt mật của cuộc đời, thì không giải quyết được vấn đề gì. Khổ vẫn hoàn khổ với những người nhìn thấy người khác bệnh khổ mà chẳng quan tâm, hay khi mình bị bệnh khổ thì rên xiết, hết bịnh lại vui chơi bình thường, giống như đứa bé thật đáng thương, lẩn quẩn trong khổ mà không hay biết. Quả thật, sống trong sanh tử mà chẳng biết sợ sanh tử là gì, nhưng khi đối đầu lại khóc lóc bi thương.

       Khi nhìn thấy người khác bệnh khổ, Ngài đã tự tìm ra đáp số làm gì và phải như thế nào, cuối cùng đã giải thoát mọi khổ đau trong đời. Ngài đem đáp số ấy trình bày trong bài pháp đầu tiên. Nhờ đó, 5 anh em Kiều Trần Như cũng được chứng đắc tại vườn Lộc Uyển và làm đệ tử của Ngài. Và đến khi thuyết kinh Hoa Nghiêm, Ngài nhắc lại bệnh khổ khi nhìn thấy qua thi kệ “khán bệnh” mà khuyên chúng đệ tử cần phải hành trì và tu tập.

       Thương tưởng đến chúng sanh (Đương nguyện chúng sanh)  -   Đối tượng tu tập.

       Khi ta an vui mạnh khỏe mà thấy người bệnh hay chúng sanh đang bị bệnh tật rên xiết khổ đau. Lúc đó ta cần mở lòng thương đến giúp được gì trong khả năng để họ bớt đau khổ thì nên làm ngay. Thứ nữa là quán chiếu cái khổ của bệnh tật sẽ đến bất cứ ai, sang hèn, giàu nghèo cũng không ai tránh được, có thân phải có bệnh là quy luật tự nhiên. Nay chúng ta là con người mỗi khi có bệnh, có thuốc, có bác sĩ, thời bệnh sẽ chữa hết, còn những con vật sống chung với con người thì được chủ chạy chữa. Nhưng loài thú hoang dã, mỗi khi bị bệnh thì phải chịu đau đớn hành hạ cho đến chết mới chấm dứt. Hoặc bị bệnh hơi yếu sức, bị cả đàn bỏ rơi lại, tạo cơ hội cho loài thú khác đến cướp đi sanh mạng, hãy tự biết rằng, ngày hôm nay ta đang khỏe mạnh, ngày mai sẽ sanh ra bệnh tật, cả quyến thuộc vợ con hay những người và vật mà mình thương yêu cũng vậy. Khi ta cảm nhận được như thế, nó sẽ trở thành năng lực mạnh mẽ bên trong giúp cho ta tiến tu giải thoát. Tóm lại, tật bệnh của chúng sanh là hiện tướng cho ta được nhìn thấy và cảm nhận thế giới vô thường và khổ đau. Khi ta nhìn thấy chúng sanh hay người khác đau bệnh, thì ta phải biết cảm ơn họ, vì họ đã cho ta thấy cái biết mà tự cảnh tỉnh, cho ta thấy được, cái thân của ta giả tạm, quyến thuộc mỏng manh, thế giới vô thường, khổ, cho ta thấy được mọi thứ giai nhân mỹ nữ chỉ là phù du đau khổ, mà không bị trói buộc đam mê hay sa đọa, cho ta một chút ánh sáng trong đêm tối, hé lộ cho ta một con đường tìm về giải thoát ra khỏi khổ đau.

       Tự biết thân vốn không (Tri thân không tịch).

Đứng trên thân mà nói thì có rất nhiều thứ bệnh tật, những thứ bệnh do tứ đại bất hòa gây ra thì lẽ dĩ nhiên rồi, còn những thứ bệnh do từ không tri thân này vốn không tịch nên sanh ra bệnh cố chấp, rồi dẫn đến ái chấp nặng về nó, thành thử đưa đến trọng bệnh cho đời này và dẫn đến nhiều đời sau nữa, làm chướng ngại cho  tiến trình tu tập hiện tại (giác ngộ) và siêu thoát cho mai sau (vãng sanh Tịnh độ). Không biết thân như  huyễn nên sanh bệnh chấp thường, không biết thân như mộng nên sanh ra bệnh chấp thật, không biết thân vốn là vô thường mà sanh ra bệnh chấp thường, không biết thân như bóng nước mà sanh ra bệnh chấp đẹp, không biết thân là ảo giác mà sanh ra bệnh chấp hữu, không biết thân giả hợp vốn không mà sanh ra bệnh chấp có. Trong kinh Pháp Hoa ví thân này hay cõi tam giới như ngôi nhà lửa đang cháy mà không hay không biết, cứ mãi vui đùa  tranh đua nhảy nhót, đến khi khổ xuống mới than ôi khóc lóc là chuyện đã muộn màng. Vì thế, nghiệp từ đây sanh, khổ đau hay luân hồi sanh tử cũng do đây mà có. Vậy thì thân này hay cuộc sống này có gì vui, có gi thắng thua, phải lẽ. Chỉ vì không biết tri thân mà thôi, nên tịch tĩnh không sanh, giác ngộ không thành, giải thoát không đến. Chỉ đến toàn những thứ vớ vẫn lung tung đầy khổ đau.

       Nên tránh xa tranh cãi  (Ly quai tránh pháp)

       Tranh cãi là những thứ vớ vẫn lung tung. Tranh cãi chính là nguyên nhân sanh ra nghiệp đau khổ, sân hận và luân hồi.  Kinh Tạp A Hàm ghi “Nên biết Tỳ kheo này ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng sâu”. Và Kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Ngũ Giới nói rằng: “Này các Tỳ kheo, nếu có người nào nói dối, nói thêu dệt, gây tranh cãi phải quấy, thì liền bị đọa vào Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”. Hay nói chính xác hơn là nên cẩn thận và phải biết kiểm soát miệng lưỡi của mình, lại càng nên xa lánh vũ khi miệng lưỡi. Cần phải biết, nói năng như Chánh pháp hay im lặng như Chánh pháp, mới tốt hơn. Ít nói chừng nào thì nội lực càng tăng chừng ấy.

Sự thật, người bệnh nặng, họ không còn đủ sức để nghĩ về việc phải trái hơn thua và họ cũng không muốn phân tranh với ai. Bởi sự đau đớn của bệnh hành họ quá đủ mệt rồi, còn đâu mà nghĩ đến chuyện phân tranh nhân ngã. Đây là bản năng “buông xả” của người bệnh, để có cơ hội sinh tồn và phục hồi sức khỏe. Người bệnh không muốn tranh chấp với ai, điều duy nhất họ mong cầu sớm hết bệnh. Người sắp chết càng thấy trống rỗng hơn, vì biết rằng sẽ không còn gì sau khi chết. Người bệnh không bao giờ tranh cãi với ai, càng không muốn tranh cãi với nhau lúc này. Họ chỉ muốn nghe những lời từ ái, vì lời từ ái giúp họ vượt qua cơn bệnh khổ đau này. Chính vì vậy,  mới biết rằng  Việc tranh cãi sẽ làm tổn hao năng lượng sức khỏe rất nhiều, người đang khỏe mạnh tranh cãi một lúc sẽ sanh mệt mỏi yếu đi. Cho nên, người thăm bệnh bất kỳ trường hợp nào cũng không được phân tranh, cãi lại hay chối bỏ với người đang bệnh dù là có ý tốt. Chỉ biết lắng nghe, là đã giúp đỡ họ cải thiện bệnh tật rồi, còn làm hay không làm theo là chuyện của người thăm bệnh cần phải suy xét. Chúng ta thăm bệnh cũng không nên đem chuyện tranh cãi bên ngoài nói cho người bệnh nghe, hay từ thái độ hay cử chỉ nào bất đồng của chúng ta và bên ngoài lề xã hội cũng không được biểu lộ cho người bệnh biết. Người bệnh, mạng sống của họ tợ như sợi dây chỉ, chỉ cần một cú sốc hay một chấn động mạnh họ sẽ bị đứt ngay, chẳng khác gì ta đã vô tình giết chết họ. Chính vì vậy, có nhiều chính trị thủ đoạn, muốn giết người bệnh để bịt khẩu hay mưu sự chuyện khác nên dùng cách là tạo ra biến cố lớn gây sốc người bệnh đưa đến tử vong hay bại liệt. Trong kinh có câu “Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trãm thân, do kỳ ác ngôn”, nghĩa là: Xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Mới biết lời nói tựa như thuốc độc, là vũ khí giết người mà không bị kết tội.

       Tất cả những hạng người tranh cãi đều là những người mù, vì mù, nên họ không thấy rõ được đâu là đúng với sai, kẻ nói A người nói B chẳng biết đâu là đúng và sai. Đức Phật kể câu chuyện người mù rờ voi, mỗi người mù sờ mỗi chỗ và nói theo sự hiểu biết của mình về con voi, không ai giống ai nên sanh ra tranh cãi lẫn nhau. Tuy nhiên, mỗi người đều nói đúng nhưng chỉ đúng một phần con voi, không đúng hoàn toàn. Đức Phật là bậc chứng đắc Phật nhãn nên thấy biết rõ ràng, Ngài nói ra những điều mà người thường không thể thấy biết được, nhằm mục đích để dạy cho hàng đệ tử tu học. Như bài kệ uống nước, Ngài nói trong một bát nước có 84.000 vi trùng… người ngoại đạo cho là hoang đường nên nói ra những lời chê bai mỉa mai…Đức Phật không tranh biện cãi chánh vì biết rằng họ giống như những người mù, nói cũng vô ích. Mãi đến gần 2000 năm sau nhà khoa học làm ra kính hiển vi đầu tiên, mới biết lời nói của Phật là chính xác có rất nhiều vi trùng trong một ly nước không thể đếm được. Vậy mới biết tranh cãi là những hạng người nông cạn, là hạng người mù. Chính từ câu chuyện của đức Phật, nên người nghiên cứu có ra những cuộc tranh luận không phải vì hơn thua mà chỉ nhằm tìm ra vấn đề lớn bên trong ẩn số từ cuộc tranh cãi, tranh luận thôi, góp nhiều cái đúng nhỏ thành cái hoàn hảo lớn. Đây là mặt tốt của cuộc tranh cãi được gọi là tranh luận làm sáng tỏ vấn đề, còn ngược lại thì gọi là tranh cãi đốt cháy rụi vấn đề.

       Tóm lại, với người xuất gia nên cần tránh xa việc tranh cãi không những gây ra bất hòa mà còn tổn hại đến Tăng đoàn, việc tu chứng và dẫn đến bất lợi cho kiếp mai sau. Trong kinh Nikaya, phẩm mắng nhiếc: “Này các Tỳ kheo, là người gây ra cãi cọ, là người gây ra đấu tranh, là người gây ra các cuộc đấu khẩu, là người gây ra kiện tụng trong Tăng chúng. Vị ấy chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?  Không chứng điều chưa chứng được, thối thất điều đã chứng được, tiếng ác đồn khắp,  khi mạng chung, tâm bị mê loạn, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục…” Cho nên cần phải tránh xa tranh cãi càng nhiều càng tốt cho dù bất cứ trường hợp nào, nhất là việc đi thăm bệnh.

       Kinh Pháp cú 15

       “Vui thay, chúng ta sống,

       Không bệnh, giữ ốm đau,

       Giữa những người bệnh hoạn

       Ta sống, không ốm đau”.

    (Trích: Tỳ Ni giảng giải (sống một ngày trọn vẹn) Thích Phước Mỹ)

]

THĂM BỆNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét