Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

QUỶ VÀ THẦN

 

QUỶ VÀ THẦN

       Thế nào gọi là quỷ và thần? Quỷ và Thần khác nhau như thế nào. Quỷ và thần đều là những linh thức con người sau khi chết chưa được đầu thai, chuyển kiếp còn vơ vẫn chung quanh ta, chung sống với con người. Quỷ thần họ thấy con người chúng ta, nhưng chúng ta không thấy họ được.

       Quỷ là những linh thức hay làm tổn hại con người, não hại con người, làm bất an con người. Khiến con người phải thương tật, bệnh hoạn, điên đảo mất trí, cơ nghiệp thất bại v.v. Nếu ta có duyên nợ với họ nên gọi là quỷ. Thường chúng ta không ưa ai chúng ta rủa họ “đồ quỷ” ai gian dối ta nói đồ quỷ quyệt. Còn thần cũng là những linh thức mà họ hiền thiện không tác hại con người, Thần cũng có hai hạng ác thần, và thiện thần. Ác thần là những vị thần có tâm ác độc nếu chúng ta vi phạm đến vị trí của họ, họ hay ở những cây to, hang động, miếu thờ .v.v.  con người coi thường họ, xâm phạm địa phận của họ, họ sẽ hại ngay, vì thế gọi ác thần. Còn thiện thần thì họ luôn hoan hỷ giúp con người như cha mẹ thương con.

       Trong kinh điển đạo Phật hay nói đến quỷ và thần. Trong bữa cơm trưa của chư Tăng gọi là ngọ trai luôn nhắc đến loài quỷ thần. Trong chùa mỗi ngày có cúng cho quỷ thần hai lần:  Cúng ngọ và chiều cúng thí thực, chính là để cúng cho các loài quỷ thần vậy.

Ngọ trưa cúng cho 3 loài quỷ thần:

1- Thần Kim Xí điểu

2- Thần Khoáng Dã,

3- Thần Quỷ La Sát.

Ba loại quỷ thần này được đức Phật hóa độ quy y Tam bảo. Sau khi được đức Phật hóa độ, chúng quy y, phát nguyện không sát hại con người, nên mỗi bữa trưa đức Phật dạy chúng Tăng ngọ trưa phải cúng thì cho ba loại quỷ thần nầy có thức ăn chay, thế thức ăn mặn bằng thịt người và thịt chúng sanh nữa. Và ba loại quỷ thần này trở thành thần hộ pháp, hộ trì Tam bảo. Buổi chiều cũng cúng cho ba loại quỷ thần ăn về buổi tối và ban đêm. Ba loại này không quy y Tam Bảo: 1 là Phật tử, 2 là Hữu tình, 3 là Cô hồn. Phật tử là những người khi sinh tiền đã quy y rồi, nhưng tâm còn mê muội, tạo các nghiệp ác nên sau khi chết vẫn thọ nghiệp quỷ thần, loại quỷ thần này hiền hơn loại quỷ thần hữu tình và cô hồn. Ba loại quỷ thần này không ác hơn ba loại quỷ thần ở trong bài xuất sanh buổi ngọ trưa. Nhưng ba loại quỷ thần ấy có duyên gặp Phật mở lòng từ bi hóa độ chúng quay về đường chánh, tức khắc chuyển ác thành thiện, phát nguyện làm hộ pháp bảo vệ Phật pháp. Có ba loại quỷ thần cúng thí buổi chiều không có duyên may mắn gặp Phật để được độ trực tiếp. Tuy nhiên Phật cũng tạo điều kiện để đến với Phật pháp bằng cách dạy các đệ tử cúng thì mỗi ngày, vào buổi chiều.  

       Thần chú gia trì cam lồ thủy:

       Phổ thí hà sa chúng cô hồn

       Nguyện giai bảo mãn xả gian tham

       Tốc thoát u minh sinh Tịnh độ

              Quy y Tam bảo phát Bồ đề

               Cứu cánh đắc thành vô thượng đạo

              Công đức vô biên tận vị lai

              Nhất thiết cô hồn đồng pháp thực.

       Nghĩa:

Thần chú gia trì nước cam lồ

              Thí khắp cả thảy chúng cô hồn

              Nguyện được thỏa mãn bỏ xan tham

              Sớm thoát u minh sanh Tịnh độ

              Quy y Tam bảo phát Bồ đề

              Rốt ráo thành tựu đạo Vô thượng

              Về sau công đức nhiều không ngần

              Các cô hồn cùng thọ pháp thực.

        Bài trên nhắc nhỡ cô hồn 5 việc:1- Xả xan tham, 2- Sanh Tịnh độ, 3- Quy y Tam bảo, 4- Phát Bồ đề tâm, 5- Đắc vô thượng đạo.

       Chúng quỷ thần này cũng sẽ có duyên với Phật. Nhưng đòi hỏi họ phải có tinh thần tự giác ngộ cao mới lãnh hội được việc tu tập. Không như thời Phật còn tại thế, được Phật gia hộ hay tác động, thuyết pháp, giải thích và khuyến khích. Ngày nay chỉ gặp đệ tử của Phật nên năng lượng không bằng Phật. Cho nên việc chuyển hóa nghiệp của quỷ thần rất hiếm.  Trên đây là lời gọi mời quỷ thần của vị cúng thí buổi chiều.

       “Ngã kim thì nhữ cúng”

       Nay ta thí cúng cho các ngươi.

Chúng sanh có thân hay không có thân đều cũng cần phải thọ dụng. Bởi thọ dụng có hai mặt là thân và tâm, nên thức ăn có hai loại, là phạn thực và pháp thực. Còn những vị chân tu thiền định, thức ăn của họ là Thiền duyệt thực. Người mất sau khi chết rồi làm Quỷ thần cũng phải đói và luôn cần miếng ăn và trông người thân bố thí. Chính vì vậy, dù sống hay chết miếng ăn là điểm then chốt dắt chúng ta đi vào ngã rẻ cuộc đời đầy đen tối, nếu như ta không tự thức tỉnh mãi mê mờ chắc chắn sẽ bị nó lôi kéo theo con đường đau khổ.

 Người còn sống ăn cơm gọi là phạn thực cho thân, người sau khi chết rồi, tâm họ vẫn còn mơ tưởng trong tập khí tiềm thức dấy động, nên họ cần phải ăn, thức ăn này được gọi là pháp thực tưởng. Thức ăn phạn thực tưởng này, rất cần năng lực của người cúng, tâm tưởng của người cúng và người mất cùng giao thoa nhau trên phương diện thức ăn trong lúc cúng, trong kinh gọi là “cảm ứng đạo giao” nghĩa là do sự cảm ứng giao thoa. Người cúng có đức độ, có tâm thanh tịnh và vị thí chủ có tâm thành kính, thì sự cúng mới có thể tương tác giao thoa với hương linh, với quỷ thần mới thọ nhận được viên mãn.

- Pháp thực là loại thức ăn dành cho tâm thức, loại thức ăn này không có sự lôi kéo hay cuốn hút như phạn thực, mà ngược lại, Quỷ thần hay vong linh nào thọ nhận càng nhiều pháp thực thì tâm thức luôn an lạc. Pháp thực được thọ nhận thì tâm thức được sáng, xa lìa được tính chất xan tham, tiêu trừ phiền não và nghiệp chướng. Pháp thực giúp cho từ bi và trí tuệ được nẩy nở nơi tâm hồn người ấy mỗi ngày một tăng.

Vị thầy đứng cúng phạn thực cùng pháp thực trong một lễ cúng nhằm giúp cho quỷ thần hay vong linh thọ hưởng cả hai loại thực cùng lúc. Nghĩa là dùng lời kinh tiếng kệ Phật dạy, cầu nguyện hay chú nguyện vào thức ăn tương tác thành một năng lượng giúp cho vong linh cảm nhận được nhiều lợi lạc. Nhưng đòi hỏi vong linh ấy hay quỷ thần đó có sự tỉnh thức trong pháp thực ấy, nếu không thì có ít sự tác dụng. Vì vậy, cúng cần có một vị thầy đức độ cúng với sự thành tâm của thí chủ cúng, chứ không phải cúng cho có cúng thì chẳng có tác dụng gì. Cũng giống như biếu tặng cho ai một món quà kèm theo lời ngạo mạn, hay biểu lộ sự không vui thì tốt hơn không nên cho là vậy.

Sau khi chú nguyện và tụng chú Biến thực, biến thủy được gia trì trên đồ cúng, thức ăn ấy có năng lực biến khắp mười phương, không thiếu cũng không dư. “Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng” tùy vào tâm chúng sanh mà ứng biến đủ chỗ nhu cầu thích hợp. Nghĩa là chúng quỷ thần bao nhiêu và nơi nào, thức ăn cũng đủ bấy nhiêu và có nơi ấy đầy đủ không thiếu cũng không dư.

- Chúng quỷ thần cùng hưởng.

Những người đã qua đời vẫn còn quyến luyến ở cõi trần, chưa đầu thai nên làm quỷ, làm thần. Họ thường nương tựa cùng nhau thành từng nhóm, nên gọi là nhóm hay chúng. “Cô hồn các đản” là cô hồn chia ra làm nhiều đản, nhóm, chúng. Chúng thường hay hội tụ dưới tàng cây lớn, khu rừng, nơi đồng hoang, hang ổ, vách núi hay ở những ngôi nhà bỏ hoang.

Vì sao gọi là quỷ thần? là do con người phân chia mà gọi. Quỷ thần cũng đều là linh hồn chưa siêu thoát, chưa đầu thai chuyển kiếp mà vẫn còn chung sống lẫn lộn với con người. Linh hồn nào lương thiện và làm việc thiện, người đời tôn vinh gọi là Thần, còn linh hồn nào quấy rối, làm ác, người đời ghê sợ, gọi là ma quỷ. Chúng ma quỷ rất sợ ánh sáng, thường sống về chiều ban đêm hay khuya, nên cúng thức ăn cho chúng vào buổi chiều và ban đêm. Còn Thần thì ngày đêm đều như nhau, cúng lúc nào cũng được. Bài cúng này cúng chung cho cả hai loài quỷ và thần cùng đồng thọ hưởng như nhau không phân biệt, nên gọi là “Quỷ Thần cộng”.

                                           ]

QUỶ VÀ THẦN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét