Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

 

     Phật pháp rất rộng sâu, tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Phật thuyết nhiều pháp môn tu. Muốn tu theo các pháp môn khác không phải dễ. Duy chỉ có pháp môn Tịnh độ niệm Phật thì dễ tu và dễ thành, nhưng lại rất khó. Rất khó là chỗ khó tin. Nhưng một khi có cơ duyên tin rồi, lại khó hiểu hết bổn nguyện của Phật Di Đà, nên lòng tin không sâu sắc, do đó hay bị tác động bởi của những sự lý giải các các hành giả tu các pháp môn khác, nên hành giả tu Tịnh độ dẫn đến tâm trạng chỗ hoang mang và do dự. Vì lẽ đó, tôi mạo muội dẫn chứng một số thông tin về pháp môn Tịnh độ, để những ai sẵn có đức tin thì cứ thẳng bước mà đi tới không còn e ngại  do dự việc có được vãng sanh hay không.  Chúng ta nên nhớ, ba đời chư Phật chưa hề nói sai lời với chúng sanh nên chúng ta tuyệt đối phải tin. Ví như phải tin tuyệt đối vào bác sĩ, thì ta mới chịu uống thuốc bịnh mới lành được.

        Trong kinh Phật dạy, trong thời mạt pháp, duy chỉ có pháp môn niệm Phật mà được thoát khổ. Yếu đạo của hàng phàm phu thoát khỏi sanh tử luân hồi, không gì hơn pháp môn Tịnh độ, hạnh niệm Phật. Nói về căn cơ pháp môn niệm Phật gồm thâu ba căn, thượng căn, trung căn và hạ căn. Kẻ trí người ngu, kẻ già người trẻ, kẻ giữ giới người không trọn giữ giới. Nói về hạnh thì 10 tiếng hay một tiếng, người già hay người trẻ cũng đều xưng niệm được.  Nói về tín thì một niệm hay 10 niệm, thì kẻ ngu cũng làm được. Bổn nguyện vốn vì 10 phương chúng sanh mà có, không để sót bất cứ căn cơ nào. Không bỏ sót bất kỳ ai, trong 10 phương chúng sanh, có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay thánh nhân, trì giới hay không trì giới, nam hay nữ, già hay trẻ con, pháp môn Tịnh độ gồm thâu tất cả.

        Hễ gặp được bổn nguyện được nghe danh hiệu “ Nam mô A Di Đà Phật” tin theo và niệm Phật, thì được Phật A Di Đà dùng quang minh biến chiếu nhiếp thọ người đó chẳng rời. Vì thế hàng phàm phu phước mõng nghiệp dày, trí cạn chướng sâu, lại càng nên nương vào bổn nguyện Phật A Di Đà mà cầu thoát khỏi con đường khổ sanh tử.

         

 SAU ĐÂY MỘT SỐ NGHI VẤN

1/ Người xuất gia ăn chay trường, xa rời sắc dục, niệm Phật. Người tại gia không ăn chay trường, sống với sắc dục, niệm Phật. Cả hai người niệm Phật, cả hai người ai hơn ai kém, bằng nhau hay khác nhau ?

         Cả hai đều bằng nhau. Ví như lấy vải gấm gói vàng, và lấy giấy gói vàng, thì vàng của hai gói giống nhau. Niệm Phật cũng vậy.

     2/  Niệm Phật với tâm thanh tịnh, và niệm Phật với tâm tán loạn hơn kém ra sao ?

        Công đức bằng nhau, vì thế mới nói pháp môn dễ tu dễ thành.  Đã ở trong cõi dục nầy, tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng bỏ tâm tán loạn để mới được vãng sanh, thì khó có thật không có lý. Tán tâm niệm Phật được vãng sanh đó là chỗ đáng quý, là chỗ tối thắng của bổn môn vậy.

         Chẳng phải thanh tịnh tâm mình, trừ nghiệp chướng này rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật tội chướng sẽ tiêu trừ.  Khi niệm Phật tâm cứ vọng động là thông bệnh của tất cả phàm phu. Hễ có chí nguyện cầu vãng sanh mà niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Cũng như mẹ với con dù có bất hòa nhưng không vì thế mà mất tình mẹ con.

        Không cần để ý đến vọng niệm tán loạn, mà chỉ chuyên cần xưng niệm danh hiệu Phật. Nếu thường xưng danh hiệu, do công đức của Phật danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Vui cũng niệm Nam mô A Di Đà Phật, buồn cũng niệm Nam mô A Di Đà Phật,  bận rộn cũng niệm Nam mô A Di Đà Phật, thảnh thơi cũng niệm Nam mô A Di Đà Phật v.v… đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sanh.

3/ Chán cõi dơ, ưa cõi tịnh, bỏ ác tâm phát thiện tâm thì được ba đời chư Phật hoan hỷ, con đường ra khỏi sanh tử tuy không giống nhau, nhưng thời mạt pháp xưng danh là hơn cả.

Dù là hạng tội chướng nặng nề, người thiếu hiểu biết, nếu chịu trì danh thì sẽ được vãng sanh, vì đó là bổn nguyện của Phật A Di Đà vậy.  Tội chướng nặng nề đừng mặc cảm, ngũ nghịch thập ác còn được vãng sanh. Dù 10 niệm hay một niệm đi nữa, hễ chí tâm niệm Phật, Phật sẽ tiếp độ.

         Giữ giới trọn vẹn nơi cõi dục là việc không phải dễ, nhưng bổn nguyện của Phật A Di Đà là cứu khổ cùng cực cho những chúng sanh thấp kém, do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ giới là được. Điều quan trọng là phải chuyên cần niệm Phật.

        Chẳng kể kẻ phá giới hay giữ giới, giàu hay nghèo căn cơ cao hay thấp. Hễ xưng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, thì như ngói gạch biến thành vàng ròng. Ngài nhất định lai nghinh nhiếp thọ, đó là thệ nguyện của Phật A Di Đà.  ( câu này không phải khuyến khích phá giới rồi niệm Phật, mà ý là lúc chưa gặp Phật pháp, chưa tu, vì vô minh nên phạm phải sai lầm, bây giờ gặp Phật pháp, phát nguyện tu tập, nhưng e ngại lỗi lầm trong quá khứ tu không thành nên mới có ý này ).

4/Người niệm Phật không phát tâm Bồ đề, Người Niệm Phật không giữ trọn tịnh giới, Người niệm Phật không có trí tuệ, Người niệm Phật vọng niệm không dừng, các trường hợp như vậy làm sao được vãng  sanh ?

        Hỏi như vậy là vì không biết và không hiểu bổn nguyện của Phật A Di Đà trong Kinh Phật thuyết Vô Lượng Thọ.  Phật có đại nguyện tiếp dẫn, chúng sanh có lòng mong muốn sanh qua đó, làm sao chẳng được toại nguyện.

        Ví như mọi người bước lên đi cùng một chiếc thuyền, một chiếc xe, một chiếc tàu. Trên tàu có người sáng mắt, người mù, người điếc, kẻ sang người hèn, kẻ trí người ngu, kẻ giàu người nghèo v.v.. đều được chiếc tàu chiếc xe đưa đến bờ bên kia, đưa đến chỗ. Nhưng tuy là người có mắt, có trí tuệ, nhưng không tin, không niệm Phật, không muốn cầu sanh, thì không phù hợp với nguyện lực của Phật. Tuy là người thiếu hiểu biết, nhưng có tín tâm niệm Phật, nương vào nguyện lực của Phật mà được vãng sanh.

5/ Chẳng cần để ý đến  tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, chỉ nên xưng niệm “ Nam mô A Di Đà Phật” phát khởi tâm quyết định, nương Phật thệ nguyện chắc chắn sẽ vãng sanh.  Hạng người không có trí, có tội chướng niệm Phật mà được vãng sanh là ý chánh của bổn nguyện của Phật A Di Đà. Ví như nơi bệnh viện, ý chính của bác sĩ là để chữa trị những người có bệnh, dù bệnh nặng đến đâu, cũng không từ thác là vậy.

6/Thâm tâm là gì ? Thâm tâm tức là tâm tin sâu sắc, tin sâu điều gì ? Tin rằng hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém,  nhờ tin vào nguyện lực đại bi của đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc 100 năm 50 năm, 20 năm,10 năm, 1 năm. Từ khi phát tâm đến lúc lâm chung tâm không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, 1 ngày  cho đến 10 niệm, 1 niệm, dù nhiều hay ít, người xưng danh hiệu Phật chắc chắn được vãng sanh. Tóm lại, đối với chuyện vãng sanh không nghi ngờ thì gọi là thâm tâm.

        Tuy nghe được danh hiệu Phật nhưng không tin cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm nhưng không xưng niệm cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng niệm Phật. Cũng như người đến cửa hàng thấy bán đồ nhưng không mua, về nhà cũng tay không, hoặc có người đến cửa hàng muốn mua mà không có tiền, cũng về tay không. Một bên không tin, một bên tin mà không niệm cả hai đều tay không. Bởi thế lý và sự phải đi đôi, mọi sự mọi việc mới thành tựu được.

7/  Bổn nguyện của Phật A Di Đà là thệ nguyện dùng danh hiệu của Ngài để tiếp dẫn chúng sanh tội chướng. Do đó, người niệm Phật ( xưng danh hiệu Ngài) sẽ được lai nghinh. Đạo lý này tuyệt đối  không nghi ngờ.

        Ví như ngày nay, các nhà mạng sáng chế ra chiếc điện thoại, mục đích là để mọi người dù xa cách mấy cũng nghe được âm thanh giọng nói của nhau. Mục đích của điện thoại là để mọi người dùng âm thanh mà kết nối với nhau, để rút gọn thời gian và không gian. Vì thế không thể không tin vào chức năng của điện thoại. Và danh hiệu của Phật A Di Đà cũng như thế, là để kết nối giữa phàm với thánh, giữa chúng sanh với Phật là vậy. Hiểu được chức năng của điên thoại thì có thể tin hiểu về đại nguyện lực của Phật A Di Đà.

        Chúng ta không thể dùng trí của phàm phu, mà đo lường, suy tính được Phật trí và từ tâm của Phật đối với chúng sanh,  nên sanh tâm hoài nghi mà thối chí, bỏ lỡ có hội được làm thân người và gặp được pháp môn. Người tội chướng nặng nề không có phương tiện gì để giải thoát, do xưng danh hiệu Phật mà được vãng sanh cực lạc, điều đó là nhờ vào nguyện lực của Phật A Di Đà. Ví như một người bệnh đứng trước cửa tử, thập tử nhất sinh, 100 phần chết chỉ có một phần sống. Nhưng do lòng từ của bác sĩ, cùng với tay nghề chuyên nghiệp, bác sĩ có thể chữa trị đưa người ấy từ cõi chết về cõi sống vậy.  Thế gian phàm phu còn có những trường hợp như vậy, huống nữa là Phật Thánh, thì bất khả tư nghì đối với con người.

8/ Niệm Phật lúc lâm chung với niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn ?   

        Cả hai đều giống nhau. Giờ phút lâm chung, nỗi khổ về cái chết, bức bách vô cùng, thân thể chịu vô lượng khổ, giống như 100, 1000 lưỡi dao đâm vào.  Mặt mũi bổng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy, miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không được. Đây là từ khổ trong tám sự khổ của kiếp người, dù người tu niệm Phật,, tin bổn nguyện cầu vãng sanh chăng nữa cũng khó tránh khỏi khổ này.

        Nhưng dù mờ mịt tâm trí, đến khi tắt thở do nguyện lực của Phật A Di Đà sẽ trợ giúp cho thành chánh niệm vãng sanh.  Sát na lâm chung dễ như cắt sợi dây tơ, điều này người khác không thể biết được, chỉ có Phật và người tu niệm Phật mới biết được mà thôi.

        Ví như người bệnh vào bệnh viện cần phải giải phẩu, mà giải phẩu thì cơ thể phải đau không chịu nỗi, vì thế bác sĩ phải dùng thuốc gây mê rồi mới giải phẩu, nhờ có thuốc gây mê mà trong lúc giải phẩu người bệnh không cảm thấy đau đớn.  Nguyện lực của Phật gia trì cho người niệm Phật lúc lâm chung cũng như thế. Với tự lực của mình không thể chánh niệm lúc lâm chung được là vậy.  Nhiều người không biết ý nghĩa này cho rằng lúc lâm chung cần phải có chánh niệm, niệm Phật, Phật mới tiếp độ. Kiến giải như vậy là chưa tin vào Phật nguyện và không hiểu kinh văn nữa.

        Tuy biết rằng dù tội nặng, nghiệp chướng nặng cũng không chướng ngại vãng sanh. Nhưng phải cẩn thận, cả tội nhỏ cũng chớ có phạm. Tuy biết “ một niệm cũng đủ”, nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng sanh mà niệm suốt một đời.

        Vì bổn nguyện không loại trừ kẻ ác, nhưng ta luôn muốn tạo nghiệp ác,  Phật Di Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng tạo nghiệp ác chẳng phải là đệ tử của Phật.

        Tất cả Phật pháp là để chế phục điều ác, người thiếu hiểu biết khó cảm nhận thiện và ác, nên khuyên niệm Phật để diệt tội. Đức Phật Di Đà thương xót tất cả chúng sanh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành Ngài vui, thấy kẻ ác Ngài thương xót.  Người xưa nói “ phiền não như ảnh tùy thân, muốn bỏ không xong”. Bồ đề như trăng trong nước, muốn lấy không được. Hễ có tín tâm tội lớn lần hồi cũng tiêu diệt, không có tín tâm tội nhỏ vẫn còn, nên hỗ thẹn là mình không có tín tâm. Ví như tảng đá lớn nhờ ghe thuyền mà qua sông không chìm, hạt đá nhỏ bỏ xuống nước chìm ngay tại chỗ là vậy.

        Người tu tịnh độ trước hết nên biết hai điều :

a/ Vì người có duyên dù phải bỏ thân mạng, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh độ để cho họ nghe.

b/ Vì sự vãng sanh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh niệm Phật, ngoài ra hai điều không tính toán gì khác.

        Pháp môn vô lượng nhưng luận về chỗ cấp yếu, tối thượng là tịnh độ, các giáo pháp tuy nhiều, xét đến chỗ cương yếu thì tha lực đốn giáo thù thắng hơn cả, vì dễ tu mà công cao, dễ hành mà lý thâm. Bởi thế, Tổ Huệ Viễn nói “ các pháp tam muội tuy nhiều, nhưng công cao dễ tu thì niệm Phật hơn cả”

        Thành Phật tuy khó nhưng cách vãng sanh thì dễ. Vì nhờ sức bổn nguyện làm cơ duyên nên tuy phàm phu mà được vãng sanh./.

  ( Trích : Niệm Phật Tông Yếu : Pháp Nhiên Thượng Nhân- Nguyễn Văn Nhàn dịch-)

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét