Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

TRI HÀNH HỢP NHẤT

 

                            TRI HÀNH HỢP NHẤT

       Người tu phải  tri hành hợp nhất” nghĩa là sự hiểu biết và sự thực hành, ứng dụng vào đời sống hằng ngày phải tương ưng, hợp nhất không sai khác, không phạm vào lỗi mọi người thường nói “ Nói một đàng làm một nẽo”. Hành giả “tri hành hợp nhất” sẽ không còn thấy việc công phu tu tập và đời sống sinh hoạt khác nhau. Tu là ngay chỗ đang sống, đang sinh hoạt, và sống tức là tu.

  Nói điều mình làm chứ không nói điều mình hiểu, đã nói thì phải nỗ lực làm cho bằng được đến nơi đến chốn, không bỏ lỡ giữa chừng. Nói được làm được đây mới chính thực lực của một người có năng lực, có thực tu, cũng là lẽ sống của người tu, để tiến đến khế hợp với lời dạy của Phật Tổ “ Hạnh giải tương ưng”.

       Do vậy, hành giả cần phải thực học chuyên tu, có đời sống “tri hành hợp nhất” mới đạt đến cốt tủy của Phật Tổ chỉ bày, mới có phần tự do tự tại, không bị các trần sa sai sử, sinh tử chi phối.

       Bất tri bất hành, chưa tri không biết rõ thì không thể hành đúng, cho nên câu “ tu mà không học là tu mù” , chúng ta chưa thể nhất thời có được trí thấy biết đầy đủ như Phật Tổ. Do đó, cần phải học thông để nương vào trí tuệ của các vị thầy dẫn đường chỉ lối biết cách hạ thủ công phu cho đúng, tránh các sự sai lạc, để khỏi đi vào đường tà. Người học Phật không xem kinh,luận, không gặp minh sư, thường hay đi lạc vào đường tà, mà chẳng tự biết. Hãy dè dặt cho ta thấy việc tri để hành quan trọng như thế nào.

        Nếu không hành đến nơi đến chốn, thì dù có nghe giảng giải đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là sự nhận hiểu qua kiến thức sanh diệt trong đầu, không tài nào thấy được diệu chỉ Phật Tổ khai thị là gì.

       Lại có chủ thuyết “ Tri tiên hậu hành” tức là cần học hiểu để biết trước, kế đến mới thực hành sau. Cách học và tu trong đạo Phật thì không có trước và sau. Ngay trong tri đã có hành, phải hành mới tri. Tất cả ngôn ngữ, giáo lý chỉ làm sáng tỏ tánh giác hiện nay của mình, khi học nghe lời Phật Tổ dạy, tức TRI, cần phải soi lại tâm mình để sáng ra những lời ấy đang chỉ thẳng bản tâm mỗi người hiện nay là HÀNH,  Đây là ngay tri tức hành, không có trước sau.

      

Có thuyết tri dị nan hành, nghĩa là biết thì dễ mà làm được mới khó. Với đạo phật thì việc này không nằm trong dễ và khó. Bởi hai lý do- Không biết thì không thể làm- Đồng thời không làm thì không thể biết. Như vậy, tri và hành đồng thời hỗ tương, không có cái nào khó hơn cái nào cả, cho nên không có khó và dễ.

       Thứ hai học Phật là học tột đến diệu chỉ của Phật tổ, chính là phải ngộ bản tâm bản tánh hiện nay của mỗi người. Tâm tánh ấy ngay tại trước mắt, đã sẵn nơi mỗi người. Hễ nhớ lại nhận ra thì gọi là ngộ. Người quên thì tạm gọi là mê, tu rồi cũng sẽ có lúc ngộ, chỉ là nhận lại hoặc chưa nhận lại mà thôi, không có gì khó hay dễ.

       - Ngoài đời cũng có nhiều thuyết chủ trương rằng : “ Tri hành hợp nhất”, đạo Phật cũng nói như vậy, chữ nghĩa thì giống nhau, nhưng nội dung trong đạo Phật thì chắc chắn không đồng. Nếu giống nhau hết thì tất cả đồng là một đạo, không có nhiều tên gọi khác nhau. Đã có nhiều tôn giáo khác nhau thì tất yếu mỗi tôn giáo có điểm đặc thù riêng của chính tôn giáo đó.

  Muốn thấy rõ tinh thần “ Tri hành hợp nhất”, của đạo Phật, chúng ta thử hỏi : “ Ta biết là biết cái gì ?”, Hành như thế nào ?  và đạt đến đâu ?

       Biết là biết tột đến chỗ không thể dùng cái hiểu biết để biết, là phải biết tột bản tâm, tâm ấy tự sáng biết chứ không phải biết về một cái gì hay điều gì đó bên ngoài. Hành giả ngay đây nhận thẳng, giác liền xong, không qua thứ bậc. Nếu chưa thể như thế, có thực hành phương pháp hành trì thì cũng phải hướng tánh như thế. Khi thời tiết nhân duyên chín mùi, tánh này bừng vỡ, sống thẳng đó mới chân thật tu hành, mới được gọi là hành. Còn lại, việc dụng công tu hành còn trong tạo tác sanh diệt, thì chưa khế hợp tự tánh nên không tính kể vào, cuối cùng, tri hành hợp nhất phải đạt đến đâu ? Phải ngộ tánh, đạt đến hạnh giải tương ưng như đã nêu ở trên. Đến trong ấy, nhúc nhích đều là diệu dụng, được lưu xuất từ tự tánh. Tất cả đều không phải là việc gì khác. Ngay tự tánh vô tướng, đã bao gồm tất cả diệu dụng bất khả tư nghì. Tri và hành như thế, không có trước sau, vượt lên trên khó và dễ, cùng hợp nhất trong tánh thể giác ngộ của mỗi người. Ngàn xưa chư Phật nhiều đời chư vị Tổ sư, hiện tại những vị tu hành chứng ngộ cho mãi đến ngàn sau, hễ ai tu hành đắc đạo đều về trong ấy, đều đồng tâm thể chư Phật không khác. Đây chính là tinh thần “ Tri hành hợp nhất”, trong đạo Phật nói chung và thiền phái nói riêng. Muốn thế, chư thiền tổ đã hiện thực tinh thần nầy bằng việc làm một cách cụ thể, thiết thực rõ ràng.

       Mục đích của việc học Phật là để thông suốt nghĩa lý Phật Tổ chỉ bày, tu để nhận ra nghĩa lý ấy nơi chính mình, biến đạo lý thành đời sống sinh hoạt, đạt đến kiến tánh, có được như vậy mới thành những bậc long tượng nối dõi mạng mạch Phật Tổ.

 

       “ Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc ”. Nắng mưa nóng lạnh không ngăn ngại, khen chê phải trái. Đúng sai hay có bị oan ức đến mức nào  đi nữa thì cũng chỉ có thế. Công việc nhọc nhằn hay cả những khi nhàn hạ, cũng chỉ là bình thường. Ăn món ngon hay món dỡ, chỉ là bình thường, không có sanh tâm ưa hoặc chán, lấy hay bỏ. Phải khéo léo tu và rèn luyện tâm như thế mới gọi là hành giả tu tập, mới nối gót được chư thầy tổ, đi vào nhân gian lợi ích cho đời.

  Muốn chấm dứt khổ đau trong sanh tử, chỉ có giác ngộ, ngoài ra không có con đường nào khác, phải quyết chí tu hành đến sáng đạo mới được.

        Biết huyễn liền lìa, lìa huyển liền giác. Giác tức Bồ đề-  Kinh Viên Giác.

 ( Trích : Khánh thọ bách tuế Tôn sư- TV Thường Chiếu-2022)

TRI HÀNH HỢP NHẤT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét