Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

THẦY HIỆN TRONG TỨ CHÚNG

 

        THẦY HIỆN TRONG TỨ CHÚNG

    Kính bạch Thầy, hôm nay ngày 20 tháng 7 năm Quý Mão tức ngày 4 tháng 9 năm 2023, là ngày húy kỵ thường niên tưởng niệm về Thầy, sau khi sự viên tịch của Hòa thượng Thích Thiện Tường nhân tuần thứ 21, huynh đệ tổ chức cuộc họp suy cử trưởng môn phong chùa Hòa An, thế sư huynh Thiện Tường, suy cử Hòa thượng Thích Thiện Thành làm trưởng môn phong, và huynh đệ đã từ lâu mỗi người muốn nói lên tiếng lòng của mình về vị ân sư khả kính, cùng nhau soạn tập kỷ yếu viết về hành trạng của Thầy. Vì thế, con mạo muội có đôi dòng tưởng niệm về Thầy, mong Thầy chứng giám.

      Thầy sinh ngày 21 tháng 01 năm 1920 ( Kỷ  Mùi), nếu còn trụ thế, nay Thầy cùng vào hàng thượng thọ Bách tuế dư niên (105 tuổi), nhưng thuận thế vô thường theo quy luật sanh, lão, bệnh, tử, sanh trụ dị diệt, Thầy đã quãy gánh về Tây. Trụ thế 70 năm, 30 hạ lạp.

        Ngày nầy, trong niềm hân hoan hỷ lạc của toàn thể huynh đệ và đạo hữu Phật tử, thành kính đảnh lễ dâng lên tất dạ chí thành tưởng niệm húy kỵ lần thứ 33, bậc thầy tôn quý của tất cả chúng con.  Ba mươi năm hành đạo, bảy mươi năm một cuộc đời người, sự có mặt của Thầy trên cuộc đời người, chỉ như một khoảnh khắc của một tuổi thọ vô lượng không cùng năm tháng. Thế nhưng, với ngần ấy thời gian ở cõi tạm, cũng đủ để lưu lại trên trang sử Phật giáo Tam Kỳ-Quảng Nam, một nét son đáng trân quý, thực hiện trọn vẹn một sứ giả Như Lai truyền đăng tục diệm, của một hành giả tu tập tự độ, độ tha đánh thức giấc ngủ phù sinh, khai mở mắt tuệ cho tứ chúng đồng tu, đem lại ánh sáng đạo cho đời.

       Ba mươi năm hạ lạp, làm bậc thạch trụ tùng lâm, cho Tăng già vững mạnh, Thầy là hiện thân của sự tiếp nối mạch nguồn Tổ tông, khiến cho mạch nguồn đạo pháp tuôn chảy mãi không ngừng, là bậc Thầy mô phạm cho Tăng Ni tứ chúng theo về, siêng năng tu học, khi Thầy còn trụ thế cũng như vắng bóng về sau.

       Thầy xuất thế tại miền quê thôn Trà Tây nay là thôn Phú Quý xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình thuần tín Tam Bảo, gồm 6 anh chị em, một gái năm trai, Thầy là con út trong gia đình. Ngày Thầy xuất thế rời ngôi nhà nhỏ bé nơi vùng quê lúc 30 tuổi, cũng là ngày Thầy mở ra cho đời mình một dòng chảy mới, một lối đi mới, mang tính lịch sử ảnh hưởng đến cả dòng chảy của Phật giáo Quảng Nam. Thật là một đại sự nhân duyên, túc duyên sâu dày đối với Phật pháp. Từ thuở ấy trong độ tuổi thanh xuân, là tuổi vàng của đời người, Thầy đã giã từ cuộc sống bình yên hạnh phúc của thế tục. Giong thuyền đại nguyện, chân đạp đất, đầu đội trời, không xe không cộ, đi bộ từ thôn Trà Tây ra đến Tam Kỳ, rồi lên Tiên Phước tìm thầy học đạo. Ngài bén duyên Phật pháp lúc 16 tuổi  (1936) theo ngài Thích Như Đào, tọa chủ chùa Tế Nam huyện Tiên Phước. Nhưng chùa quê vỏn vẹn hằng ngày chỉ tụng kinh niệm Phật, Thầy cảm thấy chưa thỏa mãn chí nguyện xuất trần, Thầy bèn xin Thượng tọa Như Đào ra Đà Nẵng chùa Phổ Đà, xin xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Tôn Thắng, và được Hòa thượng Thích Tôn Thắng tiếp độ xuất gia, từ đó Thầy có pháp danh là Tâm Niệm (1950).Với tâm nguyện tu học chuyên cần tinh tấn, Hòa thượng bổn sư cho Thầy đi tham học khắp nơi và cho thọ Sa di giới , tiếp đến  năm sau thọ Tỳ kheo giới có pháp tự là Từ Ý hiệu Chơn Thiện. Thầy nỗ lực không ngừng trên hành trình tu tập và phụng sự đạo pháp, đem trái tim bi mẫn vì ích đạo lợi đời. Vâng theo sự chỉ giáo của Ân sư, Thầy bắt đầu thời kỳ thừa hành Phật sự. Năm 1954 rời Đà Nẵng, Thầy về Tam Kỳ tu học tại chùa Tịnh độ. Năm 1956 Thầy thành lập cơ sở chi hội Phật học Tam Kỳ, tức Hội Quán Phật học Tam Kỳ, nay là chùa Hòa an. Năm 1959 thầy được bổn sư cho thọ Sa di giới, năm 1960 tiếp tục thọ Tỳ Kheo giới tại giới đàn chùa Ấn Quang Sài Gòn. Sau khi thọ giới Thầy về Tam Kỳ phụng hành Phật sự, tu bổ và phát triển chùa Hòa An thành cơ sở của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín, và được Viện hóa đạo bổ nhiệm làm trụ trì. Từ đây Thầy khởi đầu cho sự nghiệp hoằng pháp rộng lớn  cho các huyện sau này. Có lẽ Thầy là người đầu tiên được Viện hóa đạo bổ nhiệm trụ trì ở Tam Kỳ.

        Trong cương vị trụ trì và Hội trưởng Hội Phật học, được giáo hội giao phó, Thầy đã đem hết tâm lực trí lực phục vụ giáo hội, đã tạo tiền đề phát triển lớn mạnh cho Phật giáo Tam Kỳ và các huyện lân cận như : Tiên Phước, Núi Thành, Thăng Bình, Hiệp Đức v.v… Với cương vị Hội tưởng Hội Phật học Tam Kỳ là nơi điều hành để phát triển các chùa khác trên các huyện lân cận, từ đó các chùa được thành lập, dưới sự hướng dẫn của Thầy, nhờ vì thế mà các nơi từ thôn, xã xa xôi, nơi nơi đều có chùa để cho mọi người dân biết tu biết học Phật pháp.

        Với vị thế chùa Hòa An chật hẹp chưa tương xứng với một cơ sở Tỉnh hội, Thầy thương thuyết với chính quyền, xin cấp đất thành lập xây dựng tỉnh Hội Phật giáo Quảng Tín vào năm 1963, trên 10 ngàn mét vuông, tại thôn Mỹ Thạch xã Kỳ Hương, nay là phường Tân Thạnh, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lễ khởi công xây dựng ngày 17/11-1963, có Hòa thượng Thích Đôn Hậu chứng minh lễ đặt đá. Mới đầu có tên gọi là chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín, sau đổi thành chùa Đạo Nguyện, xây dựng đến 1965 mới hoàn thành.

        Ngày 1/11/1963 chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đỗ, năm 1964 Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Viện hóa đạo suy cử Hòa thượng Thích Thiện Duyên làm Chánh Đại diện ( nay gọi BST) tỉnh Hội Quảng Tín, Thầy mới thôi chức Hội trưởng Hội Phật học từ đó.  Thầy thể hiện trọn vẹn bước chân hoằng pháp, bước chân Thầy đến đâu thì nơi đó sẽ có người xin quy y, ăn chay niệm Phật, có người phát tâm hiến cúng đất xây dựng thành lập chùa. Nhờ thế tinh thần học phật ngày càng khởi sắc, ngọn đèn chánh pháp được thắp lên tận đến những miền xa xôi hẻo lánh, như Hiệp Đức, Trà My, Tiên Phước cho đến những vùng quê ven biển, quanh năm chỉ biết sóng và gió của những người dân một nắng hai sương.

         Thầy trở thành bậc Thầy mẫu mực của Tăng Ni từ những ngày ấy, thổi vào một luồng sinh khí về tinh thần tu học, vừa nghiêm trang đạo vị, nhìn Thầy thì thấy đạo, từ đó hình ảnh của Thầy đi vào lòng người, có đạo hay không có đạo.   Vì muốn xiễn dương Đạo pháp một ngày càng sâu rộng hơn, nên Thầy liên tiếp khai sơn, trùng tu xây dựng nhiều cơ sở tu học, nhằm có chỗ cho Tăng ni tu tập và tín đồ quy ngưỡng. Sự nghiệp “ tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” và chí nguyện độ sanh là điểm son sáng nhất trong suốt cuộc đời hành đạo của Thầy.

        Thầy phát xuất từ người nông dân chân chất, thật thà, không bằng, không cấp, không học vị, nhưng phương pháp tiếp người độ chúng thông qua phong thái và oai nghi của Thầy. Với cái nhìn triều mến ban phát lòng từ, với giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm, Thầy đã khuyến hóa không thể tính hết số người quy y theo cửa Phật, Thầy đã độ cho trên 130 vị xuất gia cả Tăng lẫn Ni.   Với số lượng Tăng Thầy phân làm ba. Lớp đầu Thầy cho pháp Tự là THIỆN, như  Thiện Huệ, Thiện Tường, Thiện Thành, Thiện Đạt v.v trên 30 vị. Lớp kế tiếp Thầy cho pháp Tự là PHƯỚC như Phước Minh, Phước Chấn, Phước Châu, Phước Thọ  v.v trên 20 vị,  lớp thứ ba Thầy cho pháp Tự là THANH như Thanh Thuận, Thanh Luận, Thanh Quang v.v.. trên 20 vị.

        Thầy nhận thâu đệ tử xuất gia khởi đầu từ năm 1962 đến năm 1990, trải qua 28 năm mà đã có trên 130 vị . Nay trải qua 61 năm ( 1962- 2023), một số thầy viên tịch, số thầy hoàn tục. Hiện nay còn khoản 50 vị Tăng, 30 vị Ni ( hoàn tục 43, viên tịch khoản 25 vị ). Khai sơn tạo tự trên 15 ngôi chùa. Ngoài ra còn một số vị huynh đệ từ ngày Thầy vắng bóng không cùng huynh đệ thăm viếng trao đổi nên số lượng xuất gia Thầy đã độ còn nhiều hơn chưa thống kê được.

    Với khoản thời gian 30 năm hành đạo, Thầy đã độ chúng xây chùa trong hai giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Năm 1960 đến 1975 là giai đoạn hai miền Nam Bắc chiến tranh tàn khốc, sau 1975 đến 1990 là giai đoạn thời bao cấp, kẻ ở người đi, kinh tế khó khăn. Người thành thị bị đẩy đưa về vùng kinh tế mới, nhà cửa, tài sản nhà nước tịch thu, ra đi đến vùng hoang vu cỏ dại, cây cối um tùm để khai hoang vỡ hóa để mà sống. Người thôn quê giao ruộng, giao vườn, giao trâu giao bò, vào Hợp tác xã, làm công lại cho HTX một ngày 2 lạng lúa.  Chùa chiền tăng chúng hoàn tục hết, đạo hữu không dám ăn chay đi chùa, sợ kiểm điểm phê bình.  Cách đối xử của các cán bộ không mấy nhã nhẹn với người dân miền Nam. Giữa áp lực kinh tế và tinh thần như vậy, số người vượt biên, bỏ nước ra đi nước ngoài rất đông ( 1975- 1990),  kẻ bị hải tặc hảm hiếp, cướp bóc, sát hại, kẻ bị chìm tàu bởi sóng to gió lớn, hết nhiên liệu, hết lương thực, nước uống, lên đênh trên biển khơi cả tháng mà chưa thấy đất liền;  kẻ bị vào tù v.v..những nổi đau thương không kể sao cho hết. Số người không còn đất sống như vậy không còn tâm trạng nghị lực nào dám nghỉ đến chữ “ TU”.  Trong hai giai đoạn kinh tế, chính trị như thế các chùa vắng như chùa Bà Đanh. Trong hai giai đoạn như thế mà Thầy vẫn điềm nhiên hướng dẫn tứ chúng tu học, vẫn tế độ được số người xuất gia trên 100 người, thì tâm lực nguyện lực của Thầy không thể nghĩ lường được.

 

    Thế gian có câu nói về ơn cha nghĩa mẹ rằng :

 “ Biển rộng mênh mông không đong đầy tình mẹ;

   Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.

 Nước biển và mây trời đem ví công ơn của cha và mẹ nhưng chưa đủ để đem sánh với ơn Thầy ban cho Huệ mạng, nên có câu :

 ” Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng;

   Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền “

   Dưới sự gia trì của Tam Bảo, ơn đức của Thầy, Tăng Ni đạo hữu chúng con nương tựa ân đức của Thầy mà sống vui sống khỏe để làm Phật sự. Những đệ tử Tăng Ni được thầy tế độ, nay ai ai cũng có chùa to Phật lớn, đệ tử đông đầy, có những vị làm trưởng BTS phó BTS các tỉnh thành v.v.. gánh vác công việc giáo hội. Là đệ tử của Thầy, chúng con ý thức không bỏ quên hạnh nguyện của Thầy, suốt đời vì xiển dương đạo pháp, lấy hạnh nguyện độ sanh làm niềm vui trong cuộc sống đạo. Đây chính là phương thức duy nhất để thể hiện tấm lòng biết ơn và đền ơn trong muôn một  của hàng đệ tử môn phong chùa Hòa An.

        Dẫu Thầy đã đi về cõi vô tung bất diệt, nhưng dung nghi và hạnh nguyện của Thầy, vẫn luôn hiện diện trong mỗi người đệ tử chúng con. Thầy có mặt trong mỗi chúng con, trong từng hơi thở, trong từng Phật sự mà chúng con đang thừa hành, gánh vác trách nhiệm tiền đồ Phật pháp. Mỗi người đệ tử của Thầy là một sự tiếp nối kế thừa sự nghiệp của Thầy. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói của chúng con Thầy đều chứng giám; mỗi một Phật sự chúng con làm đều có Thầy hộ trì; mỗi bước chân trên lộ trình tâm linh, nhiều chông gai thử thách, chúng con đều có cảm giác luôn có Thầy động viên và khích lệ. Chúng con nguyện sẽ tự đứng lên bằng đôi chân của mình thắp sáng ngọn đèn trí tuệ vô sư, luôn noi gương Thầy một đời sống trọn đời cống hiến cho Đạo pháp và quần sanh không mệt mõi.

        Dù có ca ngợi Thầy bằng muôn vàn lời hoa mỹ, cũng không thể diễn bày hết ân đức của Thầy đã dành cho chúng con, cho Phật pháp, cho nhân sinh. Chúng con nguyện đời đời kết duyên gặp lại ân sư trên An dưỡng quốc Tây Phương Cực lạc của Hội Di Đà, cùng tu cùng học cho đến ngày viên thành đạo quả.

  Hôm nay nhân ngày húy kỵ  tưởng niệm thứ 33, toàn thể để tử chúng con xin dâng lên tấm lòng cảm bội thâm ân của ân sư, bậc Thầy  khả kính, suốt đời tận tụy hy sinh vì tác thành đạo nghiệp cho Tăng Ni tứ chúng. Môn đệ chúng con nguyện hết lòng noi theo hạnh nguyện của Thầy cho đến ngày thành tựu viên mãn mới thôi. Dù Thầy còn trụ thế hay không, Thầy là con thuyền thanh lương, đưa chúng con đến bến bờ bình yên. Chúng con nguyện nối đèn tiếp lửa thắp sáng ngọn tâm đăng Phật tổ, gìn giữ đạo mạch được lâu dài. Nguyện cho Phật giáo Việt Nam cửu trụ đời đời, ánh sáng Phật pháp sáng tỏa nơi nơi, xua tan bóng tối vô minh, đem nguồn an vui hạnh phúc đến  cho dân tộc đất nước Việt Nam thạnh trị muôn đời.

    ( hồi niệm  24/9 Quý Mão- 11/2023) chùa Tam Bảo T/p Tam Kỳ- QN.

THẦY HIỆN TRONG TỨ CHÚNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét