Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA VƯỢT NGOÀI KHOA HỌC

 

     TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA VƯỢT NGOÀI KHOA HỌC

       Nếu phủ nhận kinh luận Đại thừa thì không thể nương vào đâu để giải thích những hiện tượng khó hiểu đang xảy ra  thế giới nầy, cũng không thể theo kịp những tiến hóa của nền khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong khi Phật học đã được  Einstein là ông tổ của nền vật lý hiện đại cho rằng : “ Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình, để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo đã bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” cũng nói “ Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lãnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa, Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.

       Nói đến nhất thể thì có lẽ chỉ có các bộ kinh Đại thừa mới đáp ứng được. Những điều sâu xa, siêu việt như Bản thế, nhất thể, Phật tánh, pháp giới, tự tánh  v.v…chỉ có kinh luận Đại thừa mới khai triển được, ngoài ra kinh luận Tiểu thừa ít đề cập đến.

        Phật tánh là gì ?  Phật tánh không sanh, không diệt, không tăng, không giảm, không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… tức Phật tánh không phải là đối tượng bị biết ( sở biết) cũng không phải là cái biết ( năng biết), nên nói chẳng thể nghĩ bàn. Nghĩ bàn được thì chẳng phải là Phật tánh.

     Làm thế nào để gặp Phật ? có hai cách gặp phật : Một là cơ cảm với Phật, Hai là nương vào tam muội mà thấy Phật.

1/  Có cơ cảm với Phật. Một trong các cách để có cơ cảm với Phật là trong quá khứ đã từng tu tập niệm Phật tam muội, nên hiện đời không cần nương vào tam muội mà vẫn thấy Phật được sắc thân Phật. Đây nói Phật thân 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Đó là đối tượng của nghiệp thức con người.

2/ Nương tam muội thấy Phật. Đòi hỏi tâm hành giả phải lóng lặng mới thấy được Phật. Nói cách khác, thân tâm phải thanh tịnh thì Phật mới xuất hiện. Phật nói đây, thô là chỉ cho Báo thân Phật, tế là chỉ cho Phật tánh.

 - Quang minh của Phật, Phật có hai thứ quang minh là Trí quang và Thân quang.

- Trí quang có hai nghĩa là chiếu pháp và chiếu cơ. Chiếu pháp thì chân tục cả hai cùng soi. Chiếu cơ thì ứng khắp quần sanh làm lợi ích .

- Thân quang cũng có hai : là thường quang và phóng quang. Thường quang thì thường chiếu vô ngại. Phóng quang thì chỉ xuất hiện khi ứng cơ giáo hóa, ứng cơ với từng người mà hiện khởi, nên còn có tên là hiện khởi quang.

  - Phật chính là Giác- quy y Phật là dùng cái giác này chiếu phá ngô ngã, thị phi v.v.. tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc, hay lìa tài sắc…

   - Pháp chính là Chánh, quy y Pháp là quy y với Chánh, niệm niệm không tà kiến, không tà kiến thì không ngô ngã, cống cao, ngạo mạn, tham ái, chấp trước.

   - Tăng chính là Tịnh. Quy y Tăng chính là quy y Tịnh. Đối với tất cả cảnh giới trần lao ái dục, đều không nhiễm trước.

       Pháp thế gian là pháp duyên khởi, nên trong việc quy y nói đây cần phải xét đến mặt tùy duyên của nó. Nên quy y Phật, Pháp, Tăng của tự tâm. Đó là quy y Giác, Chánh và Tịnh. Việc này đòi hỏi người tu phải  biết Giác là gì, đã sống được với cái Giác của mình ít nhiều, từ đó mới có thể triển khai ra Chánh và Tịnh, cho nên quy y tự tâm chỉ dành cho những hành giả đã biết được Giác, lực Giác đã khá mạnh, có thể tự mình chiêu phá các tà niệm trong tâm v.v.. Với phật tử bình thường, dù đã tin tâm mình là Phật, đã biết sử dụng cái Giác của mình nhưng mức độ vẫn chưa mạnh, thì quy y Tam bảo vẫn phải lấy quy y Tam bảo ngoài tâm làm chính. Đó là lý tùy duyên mà một hành giả tu Phật cần nắm vững. Phải biết duyên mình ở đâu mà dụng pháp cho đúng. Dụng pháp không đúng duyên thì như bệnh dùng lầm thuốc, bệnh không hết mà ngày thêm nặng, ngô ngã thị phi ngày càng lớn mạnh.

              Đốn ngộ tuy đồng Phật,

              Đa sanh tập khí thâm

              Phong đình ba thượng dũng

              Lý hiện niệm du thâm.

       Tuy chổ nhận ra  đồng với Phật Nhưng do tập khí huân tập nhiều đời ẩn sâu bên trong Chỉ khởi khi đủ duyên, nên đối duyên xúc cảnh- Đủ duyên thì  những tập khí này sinh khởi. Thêm vào đó, sự dấy khởi liên tục trong tâm, cũng là một loại tập khí được huân tập sâu dày, nên đốn ngộ rồi không có nghĩa là mọi niệm khởi đều dứt, vì lý do đó, tâm chưa hoàn toàn được trong lặng để tướng và dụng có thể phát huy hoàn toàn như Phật.  Đây dụ như gió đã dừng mà nước chưa hết dậy sóng. Lý thì đã hiện mà niệm vẫn còn khởi, làm động tâm thanh tịnh.  Hành giả tu tập, thường nguyện giác tâm thường hiện tiền. Giác tâm thường hiện tiền thì việc xin Phật hộ trì không phải như người đời, đem cành bông nải chuối đến cầu xin là xong.  Mà nó phải đánh đổi bằng phước nghiệp tu hành của bản thân.

        Được nhiếp thọ, là thu vào và gìn giữ. Thiện nghiệp một khi được huân tập mạnh thì không những đưa đến cảnh giới vi diệu trong tương lai, mà còn có lực giúp hành giả thẳng tiến trên con đường thiện. Bạn nghĩ quấy hay làm quấy, mà thấy bất an không thể làm được, là do thiện nghiệp, đang nhiếp thọ bạn, khiến bạn không thể sinh tâm bất thiện được, hay tạo bất thiện nghiệp. Thiện nghiệp nếu nhiếp thọ bạn, thì thứ gì là thiện sẽ được thu vào và giữ đó, thứ gì không phải thiện sẽ bị đẩy lùi ra.

       Tương tự như khi đã nếm được pháp vị sâu xa của Đại thừa, việc huân tập pháp vị đã mạnh thì những gì đúng với pháp vị ấy tâm mới nhiếp thọ, không thì không nhiếp thọ. Cho nên, tu hành mà tâm không trụ được pháp vị của Đại thừa là do việc huân tập chưa được sâu, mới dễ động tâm, nghe cái gì thuận với dục tâm là chạy theo.

       Thiện nghiệp nói đây không chỉ dừng ở việc giữ giới làm lành, mà đã ở giai đoạn hàng phục vọng tâm. Dòng vọng niệm đã dứt được lực tương tục. Tức tuy còn niệm mà sự tương tục đã không còn lực như ở phàm phu, niệm tỉnh giác khá tương tục, công đức thiện nghiệp càng mạnh, cũng chính được lực hộ trì của chư Phật.  Tâm thanh tịnh cộng với nguyên lực sẽ giúp hành giả nhận được sự hộ trì này. Như nước yên thì trăng hiện. Đây là chỗ không nghĩ bàn./.

(Trích : NSGN số 266- 5/2018- Phu nhân Thắng Man gặp Phật Chân Hiền Tâm )

 

TƯ TƯỞNG ĐẠI THỪA VƯỢT NGOÀI KHOA HỌC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét