Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

TỰ TÁNH THANH TỊNH THIỀN

 

TỰ TÁNH THANH TỊNH THIỀN

           Thế giới càng văn minh, khoa học càng tiến bộ, đời sống con người càng cao, trí hóa con người càng tăng, do đó, sự học hỏi tìm tòi càng thêm nhiều hiểu biết mới lạ, từ những sự vật hữu hình trên mặt đất đến những hành tinh trong không gian, đều lần lần được khám phá ra và thấy hầu như vũ trụ thật là rộng lớn mênh mông không biết đến đâu là cùng. Vì vậy, khoa học ngày nay mới công nhận và thán phục Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một bậc siêu nhân trên các nhà khoa học. Vì cách đây hơn 2565 năm thuộc đời Trung Cổ, mà Đức Phật với Đạo Nhãn thanh tịnh, Ngài đã nhìn thấy rõ tất cả những sự vật hữu vi nhỏ nhất như vi trùng hay hạt nguyên tử, và những thái dương hệ xa xôi trong vũ trụ, mà Đức Phật gọi là Tam thiên đại thiên thế giới vô cùng vô tận.

          Ngoài những sự vật hữu hình mà khoa học đã nhìn thấy, còn những sự vật vô hình mà khoa học chưa biết được, thì Đức Phật cũng thấy rõ như xem làn chỉ tay trong bàn tay, mà người đời gọi là “ Siêu hình học”. Thí dụ như : hồn ma, bóng quỉ,  chư thần, chư thiên trên các cõi trời v.v… và các vị Xuất thế gian như Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật v.v… thì khoa học đành bó tay.

          Hơn thế nữa, Đức Phật còn đạt ngộ được bản thể của sự vật, tức là nguyên lý của vũ trụ. Nó không thể dùng mắt thường mà nhìn thấy được, không thể dùng lời nói hay văn tự mà chỉ bày được. Nó cũng không thể dùng trí thức thế gian mà tìm hiểu được. Nó không phải Duy Tâm hay Duy Vật của các nhà Triết học và Thần học chủ trương, vì tâm hay vật cũng còn trong vòng tương đối của Tục đế. Còn Bản thể là cái tuyệt đối, nó bao trùm tất cả Pháp Hữu vi hay Vô vi, cũng như bầu hư không bao trùm tất cả thế giới vạn vật. Cái đó mà Cổ Đức gọi là :

          Hữu vật tiên thiên địa, vô hình bổn tịch liêu. Năng vi vạn vật chủ, bất vị tứ thời diêu .

          Và ở trong các bộ Kinh, Đức Phật thường tạm mượn danh từ để gọi nó là Phật Tánh, là Pháp Tánh, là Chơn Như,  Như lai Tạng,  Tự Giác Thánh Trí, Tri Kiến Phật hay Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền v.v….

          Mà cái Diệu Giác Minh Chơn Thể đó không ở đâu xa, lại nằm ngay trong thân chúng ta đây, từ ngàn xưa đến nay không mấy ai tìm thấy được, nên chỉ biết sống theo vọng tâm và cảnh vật sáu trần để phải luân hồi trong sanh tử nhiều kiếp. Đức Phật với lòng Từ Bi, thương xót chúng sanh mê lầm lặn ngụp trong biển Vô Minh nên mới thị hiện ra đời để cứu độ chúng sanh quay về sống với Chơn Tâm Phật Tánh của mình, hầu Mở Mê Khai Ngộ, hết khổ được vui, siêu sanh tử thoát luân hồi  bằng pháp môn Thiền Định. Cổ Đức có nói : “ Con người là tiểu vũ trụ, là tối linh ư vạn vật, nếu biết khai thác con người thật của mình” thì chính mình là chủ nhân ông của vũ trụ càn khôn. Nên có câu :

          Tam giới duy Tâm , Vạn pháp duy Thức

          Đây là pháp môn “ Trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành Phật”, tạm gọi tên là Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền ” hoặc gọi “ Thiền Tự Tánh”.

          Muốn tu tập Thiền phải nắm bắt được Đại Cương phần tông chỉ, hầu mong thực hành được miên mật. Khi hiểu được đại cương để thực hành tỏ ngộ rồi thì sẽ nhận rõ được toàn thể. Cũng như người xứ xa đến tìm nhà quen, được người chỉ đường rành rẽ rồi, thì cứ nhắm thẳng hướng mà đi, đến đúng ngôi nhà đó. Khi vào đến nhà thì sẽ thấy rõ hết tất cả những sự vật ở trong ngôi nhà đó.

          Bởi vì : Thiền Tông không lời nói

                   Vắng bặt hết suy tư,

                   Niệm trước không sanh là Tự Tánh

                   Niệm sau chẳng diệt ấy Chơn Như

          Đã nói Thiền Tông không lời nói, mà Tự Tánh vốn sẵn thanh tịnh, thì đâu cần một phương tiện nào để tu mới thành, hay học mới có? Lúc nào cũng trạm nhiên tịch chiếu khắp cả pháp giới vũ trụ. Hễ “Minh Tâm Kiến Tánh ” là tức thời thành Phật, song le không phải người nào cũng có thể kiến Tánh được một cách dễ dàng. Phải là những người thuộc Thượng căn Đại trí mới tỏ ngộ được tánh Bồ Đề, còn hàng Trung căn Hạ trí thì khó có thể nhận được. Bởi vậy, Thiền chia ra nhiều cấp bực : Ước lượng trong 1000 người mộ đạo tu Thiền, may mắn mới có một người “ Đốn ngộ, Đốn tu”, và khoảng chừng 10 người “ Đốn ngộ, Tiệm tu”, kế đó 100 người “ Tiệm ngộ, Đốn tu”, còn lại gần 900 người thuộc Hạ căn ám độn phải “ Tiệm ngộ, Tiệm tu”, mà nếu là hạng  Tiệm ngộ Tiệm tu thì phải cần phương tiện quyền xảo để dẫn dắt, nhưng nếu dùng phương tiện thì dường như làm mất ý nghĩa của Thiền Tự Tánh.

          Thiết nghĩ : Phật pháp bao trùm tất cả muôn pháp

                              Lý Thiền dung thông hết thảy mọi môn,

          Đức Phật với lòng  Đại Bi, thương xót tất cả chúng sanh. Ánh  từ quang của Ngài phổ chiếu khắp nơi, không hạn cuộc riêng người nào hay chốn nào. Cho nên trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật muốn Khi thị chúng sanh ngộ nhập “ Phật Tri Kiến” nên mới phương tiện dùng Ba Thừa. Tuy nói Ba Thừa nhưng quy về Nhất Thừa. Dầu dạy vô lượng pháp môn, chung cuộc cũng trở về pháp môn thanh tịnh.

           Pháp tu “ Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền” này cũng không ngoài mục đích nói trên, là độ khắp mọi căn cơ của quần chúng. Do đó vạn bất đắc dĩ, phải dùng những phương tiện thông thường để dẫn dắt hàng Trung căn, Hạ căn.

          Như người có mắt sáng, sáu căn đầy đủ, biết rõ đường đi thông thạo, thì chỉ cần cho họ số nhà và tên đường thì họ sẽ đi tới nơi tới chốn, khỏi cần ai dẫn dắt. Còn có người khác cũng có mắt sáng và sáu căn đầy đủ, nhưng chưa biết đường đi, thì phải cho họ tấm bản đồ để họ y theo đó mà tìm đến nơi muốn kiếm. Lại có người lữ hành không biết đường đi mà cũng không biết chữ, không biết coi bản đồ, thì cần phải đi theo người hướng dẫn suốt cuộc hành trình, nếu tách ra thì sẽ bị lạc đường ngay.

          Từ Vũng Tàu về Sài Gòn, đi có nhiều phương tiện khác nhau nên thời gian có mau có chậm. Đi bộ, đi xe, đi tàu, xe có xe chạy nhanh chạy chậm và còn sự liên quan nhanh nhẹn khéo léo của tài xế nữa, mà xe đến nhanh hay đến chậm.  Riêng người đi bộ phải tốn ba bốn ngày, còn người đi xe thì vài ba tiếng thì đến chỗ. Như vậy chậm hay mau là do có phương tiện tốt xấu khác nhau.

          Đối với người tu hành cũng vậy ! Có người Đốn ngộ Đốn tu,  có người Đốn ngộ Tiệm tu, có người Tiệm ngộ Đốn tu, lại có người Tiệm ngộ Tiệm tu. Nhưng giáo pháp không có Đốn, Tiệm mà Đốn Tiệm là do căn cơ của mỗi người tu.

          Pháp tu Thiền Tự Tánh này cũng tùy duyên mà nói Đốn, Tiệm, Phương tiện hay Trực chỉ nhiều cách, nhưng mục đích tối hậu là nhắm thẳng vào Tự Tánh Thanh Tịnh mà thể nhập. Như vậy, Đốn Tiệm, chậm mau, trước sau cũng về đến Bảo Sở chứ không tạm dừng ở Hóa Thành. Do đó, dù có hạ thấp pháp tu cho xứng hợp với mọi căn cơ mà tinh thần  Thiền Tự Tánh vẫn không thay đổi hay sai lạc chút nào. Nội dung bài này chú trọng  phần thực hành hơn là lý thuyết nên không giảng nhiều, hoặc có điều gì sơ sót mong quý vị Cao Đức từ bi chỉ giáo thêm.

                                      Quý Xuân năm Giáp Tý  1984

                                       Thích Minh Chánh

            (      Trích : Lời nói đầu của Tập Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền )

 

          Qua bài Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, ta thấy tu Thiền để đạt được Chơn Tâm Phật Tánh không phải dễ. Đối với hàng Thượng căn Đại trí thì có rất ít, còn lại hạng Trung căn Hạ trí thì nhiều. Hạng này phải có người hướng dẫn, phải dùng phương tiện thì mới đi đến nơi đến chốn.  Đó là cái khó khăn thứ nhất, đến khó khăn thứ hai là Thiền trong Phật giáo lại có Phật Thiền : gồm có Đại Thừa Thiền, Tiểu Thừa Thiền và Tổ Sư Thiền.  Ngoài Thiền của Phật giáo lại có Ngoại đạo Thiền, Phàm phu Thiền. Rồi Tiên Thiền, Địa Tiên Thiền,  Thiên Tiên Thiền,  Thiên Tiên Tứ Thiền Bất Định, Thần Thiền, Quỷ Thiền, Thiên Ma Thiền,  Thiêng Liêng Thiền, Thiền Xuất hồn, Thiền Pha Kia (Phù Thủy ).

          Thiền của Phật  chia làm ba bực : Tiểu Thừa Thiền,  Đại Thừa Thiền, Tối Thượng Thừa Thiền, sau này có Tổ Sư Thiền . Như vậy con đường Thiền rất đa dạng, rất nhiều căn cơ. Người tu phải biết mình thuộc căn cơ nào tu pháp nào mới  đúng không thì bị lạc đường. Làm sao để biết mình thuộc căn cơ nào và hợp với pháp nào cũng khó, và tìm cho được vị minh sư hướng dẫn mình đi đúng con đường lại khó hơn. Trong khi đó con đường Thiền của Ngoại đạo và Phàm phu lại quá nhiều, nếu người tu không có Thầy dẫn đường không có phương pháp tu thì khó mà đến tận nơi tận chốn, và sai đường lạc lối là điều khó khăn vô cùng với hạng Trung căn và Hạ căn.

{]{

TỰ TÁNH THANH TỊNH THIỀN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét