Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

DUY TÂM TỊNH ĐỘ LÀ KIẾN TÁNH

 

DUY TÂM TỊNH ĐỘ LÀ KIẾN TÁNH

          Từ xưa đến nay, đa số người tu về pháp môn Tịnh Độ đều có chí nguyện cầu vãng sanh Tây phương. Chỉ có một tối thiểu Duy Tâm Tịnh Độ mà thôi, đó là các nhà thâm sâu về Phật Học. Tại sao Duy Tâm Tịnh Độ không được phổ thông ?  Bởi lẽ rất dễ hiểu là Duy Tâm Tịnh Độ đồng nghĩa với Minh Tâm Kiến Tánh, mà nói cho đủ là  “ Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ”. Trong kinh Duy Ma Cật có một câu tuy vắn tắt, nhưng đã nói lên rõ ràng cái lý nghĩa Duy Tâm Tịnh Độ là “ Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” nghĩa là “ Tùy theo cái tâm của mình thanh tịnh thì đó chính là cõi Tịnh Độ của Phật vậy”.

          Duy Tâm Tịnh Độ ý nghĩa sâu xa lắm, khó mà nói cho cùng tận được, vì vậy ở đây xin giải thích theo nghĩa thông thường cho dễ hiểu :

- Duy là chỉ có.- Tâm là lòng . – Tịnh là sạch. – Độ là quốc độ.

Nghĩa là: Cõi quốc độ trong sạch, tức là cái lòng của mình thanh tịnh chớ không phải ở ngoài.

          Nói một cách khác là : Tây Phương Tịnh Độ là cái lòng trong sạch của mình, muôn sự vật đều do Tâm sanh ra, ngoài tâm không có sự vật. Muốn học Phật phải học Tâm. Muốn tu phật phải tu Tâm. Muốn thành Phật phải thành Tâm. Hễ Tâm thành thì Đạo thành.

          Kinh Hoa Nghiêm nói :

          Nhược nhơn dục liễu tri

          Tam thế nhứt thiết Phật

          Ứng quán Pháp giới tánh,

          Nhứt thiết  duy tâm tạo.

          Nghĩa là : người nào muốn biết tất cả Phật trong ba đời, phải quán sát các Tánh của các pháp, thì biết rằng cả thảy đều do Tâm tạo ra.

          Lý nghĩa Duy Tâm của Phật học, chẳng phải cái nghĩa nông cạn như Duy Tâm  Luận của các phái Triết Học hay Thần Học. Theo Phật học, nếu lấy cái Tổng Tướng Y báo Chánh báo của mười cõi ( sáu Phàm bốn Thánh ) mà nói, thì đó là Duy Tâm tạo. Trái lại, phân biệt ra các Pháp thì gọi là “ Vạn Pháp Duy Thức” hay “ Duy Thức biến”.

          Tâm với Thức khác nhau thế nào ?

- Điều đó không có gì khó hiểu, phần nhiều kinh Phật cho Thức là Vọng, đó là nói về chỗ sai biệt của Tâm Tướng, của hiện tượng… Trái lại, nếu theo Chơn Lý viên dung bình đẳng thì kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói rằng : “ Cái Tánh của Thức tức Tánh Biết của Bản Minh, cái Tánh Bản Giác Diệu Minh ấy, thực ra là cái Thức chớ không chi lạ, nhưng nó theo nghiệp duyên phát khởi cùng khắp pháp giới mà vẫn Như Như bình đẳng, không có Năng Sở. Các Thức ấy theo duyên mà phát khởi, nên gọi là Diệu, bình đẳng cùng khắp, nên gọi là Như. Thế thì các Tánh của Thức đại, thật ra chỉ là Tánh của Diệu Chơn Như của Như Lai Tạng vậy.

          Xem thế đủ biết rằng : Nói Duy Tâm hay Duy Thức là tùy trường hợp phân biệt các pháp lý, còn nói về Như Lai Tạng thì không có gì sai biệt.

          Khoa học nói “ Vật sanh Tâm” đồng nghĩa với Phật Học nói “Pháp sanh Tâm”. Nhưng nghĩa lý của chữ Pháp rộng hơn chữ Vật nhiều, bởi vì nó trùm cả vũ trụ vạn hữu, trùm cả hư không thế giới, gọi là Pháp.

          Nói Vật hay Pháp sanh Tâm cũng chưa đúng. Bởi vì mới thấy cái ngọn chứ chưa thấy cái gốc. Như thế thì khoa học chưa thấy được nguồn gốc sanh ra tinh thần và vật chất.

          Phải biết rằng : Khoa học và Phật học nói Pháp sanh Tâm là nói cái Tâm Tướng chớ chẳng phải nói cái Tâm Thể, tức là chưa nói tới nguồn gốc sanh ra vũ trụ vạn hữu, nói tắt là tất cả tinh thần hay vật chất cũng đều do cái Tâm Thể sinh ra mới thành nghĩa Duy Tâm. Mà Tâm Thể là cái Tâm Chơn Như, là Bản thể  của vũ trụ vạn hữu vậy.

          Khoa học thì nhận thấy có Vật sanh Tâm bèn cho rằng : Tinh thần là con đẻ của Vật chất. Sự nhận định này,  cũng như Phật học nói: Bóng duyên của ngoại cảnh lục trần sanh ra Tâm, đó là Tâm thức,  vì ý thức duyên theo sáu Trần mà sanh ra phân biệt hiểu biết, rồi sanh ra tình cảm, tình thương, yêu, ghét, buồn, giận…

          Theo Phật học thì tinh thần và vật chất là cái hiện tượng của Bản Thể ( Tâm Chơn Như ). Nhưng cái hiện tượng ấy ( Tâm và Vật ) là Tâm Tướng, do cái nguồn gốc của nó là Tâm Thể sanh ra. Đó mới là đúng nghĩa của Duy Tâm. Dẫu cho thập phương hằng sa thế giới, dẫu cho Tây Phương Cực Lạc cũng không ngoài cái Tâm Thể Chơn Như ấy.

          Chúng ta nên biết thêm rằng:  Cõi Tây Phương cũng là một cái Dụng Tướng của Tâm Bồ Đề chứ không có gì lạ. Mà Dụng Tướng Bồ Đề thì tràn đầy khắp vũ trụ, làm ra Căn Thân thế giới, làm ra chúng sanh, làm ra tinh tú, địa cầu…Hiểu rõ như vậy mới rốt ráo hai chữ Duy Tâm, mới có thể chứng được Duy Tâm Tịnh Độ.

          Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói :  Hư không sanh trong Chơn Giác như chút mây ở giữa trời. Phải biết rằng : Hư không hàm chứa vô lượng vô biên thế giới, hư không lớn đến nổi không có ngằn mé, thế mà so sánh với Chơn Giác ( Chơn Tâm Diệu Giác ) cũng như một cụm mây nhỏ ở bầu trời, thật là không có lời lẽ nào nghĩ bàn cho được.

          Nói tóm lại,  Tịnh Độ Duy Tâm là Chơn Tâm của chúng sanh chứ không có gì lạ. Vì lẽ ấy, chứng được Duy Tâm Tịnh Độ là chứng được Chơn Tâm, chứng được Chơn Tâm là chứng được Niết Bàn. Thế là Niết Bàn đồng nghĩa với Duy Tâm Tịnh Độ.

          Niệm Phật Tam Muội là Kiến Tánh :

          Pháp niệm Phật rộng lớn, bao trùm tất cả giáo lý, tất cả phương tiện, các hạnh nguyện Bồ tát. Người tu Tịnh Độ nên biết trong lòng có hai thứ niệm : Một là niệm Phật, hai là niệm chúng sanh.

          Thế nào là niệm Phật ?

          Là tưởng nhớ đến Phật, cho đến tưởng nhớ đến các Pháp thanh tịnh, các Pháp trí tuệ, các pháp giải thoát, các pháp giác ngộ… cũng gọi là niệm Phật nữa… Tại sao vậy ? Bởi vì Phật là sáng suốt, là thanh tịnh, là giải thoát, là giác ngộ- Thế nên biết rằng : Tưởng niệm các Pháp ấy cũng gọi là niệm Phật.

          Thế nào là Niệm Chúng sanh ?

          Là tưởng đến các pháp tham, sân, si, Tà kiến, Ngã chấp. Kiêu mạn, Chấp thường, Chấp đoạn, Thương ghét, vui buồn… là niệm chúng sanh. Nếu hàng ngày luôn niệm Phật thì các chúng sanh trong lòng mình hấp thọ sự niệm tưởng ấy bèn được siêu độ lấy mình, hoặc dùng Tánh Phật độ Tánh chúng sanh. Niệm Phật được như vậy gọi là Minh Tâm Kiến Tánh.

          Thế nào là niệm Phật Tam Muội ?

          Tam muội nguyên là tiếng Phạn, người Tàu dịch là Chánh Định, Chánh Trí, Chánh Thọ. Người niệm Phật được nhất tâm thì tự nhiên an trụ vào Chánh Định, các Căn đều thanh tịnh. Cái Chánh Định này tự nhiên phát sanh, cũng như nước hết đục trở nên trong, chẳng phải bắt ép, chẳng phải gắng gượng, chẳng phải mong cầu. Do cái năng lực Chánh Định ấy lại nảy sanh ra Chánh Trí và Chánh Thọ, gọi là niệm Phật Tam Muội.

          Thế nào là Chánh Định ?

          Người niệm Phật lâu ngày, Tâm Tánh thanh tịnh, đối với các pháp không còn trụ chấp phan duyên nữa. Như thế, tuy không học Lý Trung Đạo mà thành Trung Đạo, nên biết rằng nghĩa Chánh Định ở đây có phần siêu việt trên các pháp đối đãi ( bởi không còn trụ hai bên biên kiến ) chớ chẳng phải ngồi lẳng lặng để cho vọng niệm không sanh, tạp tưởng không khởi mà gọi là Chánh Định. Có nhiều người chỉ tịch định trong lúc ngồi công phu quán tưởng, hoặc trong lúc ngồi Niệm Phật rồi cho mình đã được Chánh Định. Cái đó là Tịnh Định trong nhứt thời, nếu hết ngồi công phu là hết Định thì cái Định ấy đâu có công dụng trong chỗ nhựt dụng thường hành? Định như vậy không khác nào như bột xà bông, nếu đem ra gió thì phải tan rã còn dùng được việc gì ?

          Chánh Định lọc sạch Vô Minh, dầu gặp sóng gió thất tình lục dục cũng không lay động, không còn nhiễm ô trần thế,  tức là hoàn toàn thanh tịnh vậy.

          Thế nào là Chánh Trí ?

          Chánh trí là cái tri kiến chơn chánh, cái Trí này là Tri Kiến Phật. Hễ có Chánh Trí rồi thì không còn thấy có ta, có người, không còn thấy có nhơn, có pháp. Do chỗ không chấp Ngã, chấp Nhơn, chấp Pháp ấy mà thành tựu cái Pháp “ Vô  Sở Trụ”. Thành tựu pháp  “ Vô Sở Trụ ” tức là thành tựu Trung Đạo Trí vậy.

          Chúng ta nên biết rằng : Chánh Trí cũng có nghĩa là Trí Huệ Bát Nhã. Thế thì có Chánh Định mới có Chánh Trí, tức là nhơn Định mà phát Huệ. Mà Trí Huệ là Giác, Giác là Phật vậy. Hễ Trí Huệ nhỏ thì Pháp Thân nhỏ, còn Trí Huệ lớn thì Pháp Thân lớn. Pháp Thân nhỏ thì chứng Hữu Dư Niết Bàn của hàng tiểu quả Thanh Văn còn sót lại cái khổ quả biến dịch sanh tử. Còn Pháp Thân lớn thì chứng quả Vô Dư Niết Bàn không còn khổ quả biến dịch sanh tử. Nếu Pháp Thân càng lớn hơn nữa thì chứng được Vô Trụ Xứ Niết Bàn, là Niết Bàn của hàng Bồ Tát có lòng Đại Bi rộng lớn, quyết độ mình độ người đồng trọn thành Phật đạo. Bực này ở đâu cũng là Niết Bàn, không ưa cũng không chán chỗ nào nên gọi là Vô Trụ Xứ Niết Bàn. Các hàng Bồ Tát này tiến lên đi sâu vào Trung Đạo Diệu Trí, chứng được Chơn Như Tam Muội, hoàn toàn Minh Tâm Kiến Tánh thành Phật, gọi là Tánh Minh Niết bàn hay Đại Bát Niết Bàn.

          Chánh Thọ là thế nào ?

          Tức là Tâm chẳng tán loạn gọi là Chánh, dung nạp lấy một Pháp một Niệm mà thôi thì gọi là Thọ. Người nhập pháp Chánh Thọ thì thân thể không lay động tâm trí cũng yên tĩnh, các tư tưởng trong tâm đều dừng nghỉ, các sở duyên lo lắng thảy đều quên, chỉ chăm chú vào một mục đích duy nhất mà thôi. Trên quán Hạnh, bước phương tiện đầu tiên tác ý duyên cảnh gọi là Tư Duy. Khi pháp quán tưởng đã thành, tâm được tự tại khế hợp với Chân Cảnh gọi là Chánh Thọ.

                     ( Minh Chánh ) Trích  Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền

{]{

DUY TÂM TỊNH ĐỘ LÀ KIẾN TÁNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét