Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

BÀI KỆ HÀNH THIỀN

 

BÀI KỆ HÀNH THIỀN

          Thiền là Tỉnh thức  -  Thiền là thức tỉnh -  Thiền là tỏ rõ

          Thiền là  soi sáng –Thiền là an nhiên -  Thiền là điềm đạm- Thiền là bình tỉnh-  Thiền là hòa hưởn - Thiền là nhẹ nhàng  - Thiền là cẩn thận -   Thiền là vén khéo -  Thiền là sạch sẻ - Thiền là tế nhị - Thiền là kỹ lưỡng  - Thiền là không vọng tưởng - Thiền là chẳng hôn trầm - Thiền là không rối loạn - Thiền là không chấp trước - Thiền là chẳng lo âu -  Thiền là không sợ hãi - Thiền là không thủ xã- Thiền cả ngày đêm – Thiền không phân giờ- Thiền ở sáu căn – Thiền ngay đôi mắt – Thiền chính lỗ tai – Thiền trong lỗ mũi - Thiền nơi cửa miệng - Thiền tại ý căn - Thiền cả thân mình - Thiền lúc tụng kinh - Thiền khi niệm Phật - Thiền tọa kiết già - Thiền khi đi đứng - Thiền lúc nằm ngồi - Thiền giữa bữa ăn - Thiền khi tiếp chuyện  - Thiền  nơi làm việc - Thiền trong giấc ngủ - Thiền làm chủ được thân - Thiền làm chủ được tâm - Thiền làm chủ ngoại cảnh - Thiền không chấp tà kiến -  Thiền không nhiễm sáu trần - Thiền không lầm nhân quả - Thiền thung dung tự tại  - Thiền giải thoát vô ngại.

           Giải thích : 

Thiền là tỉnh thức : Tự Tánh bổn lai vốn thanh tịnh, trong lặng, tròn sáng và thường chiếu, thì người Hành Thiền đứng về mặt  Tự Tánh để Khởi Tu là luôn luôn hằng sống với Tánh Giác Bồ Đề, lúc nào cũng tỉnh giác sáng suốt không mê mờ, dù trong cảnh tịnh, cảnh động, cảnh vui, cảnh buồn… tâm mình vẫn tỉnh tỉnh lặng lặng, không duyên theo cảnh là Thức, không nhiễm theo trần là Tỉnh, luôn luôn làm chủ lấy mình trước. Mọi tình huống , không để cho Sắc trần lôi cuốn hay Thinh trần lừa gạt. Như vậy gọi là Đốn ngộ Đốn tu, theo pháp Thiền Tự Tánh. Đối với người Đốn ngộ  một khi nghe được sự khai thị của Minh sư hay bậc Thiện tri thức rồi, thì trực ngộ được Bổn tâm, bao nhiêu Kiến Hoặc, Tư hoặc thành kiến, cố chấp chất chứa trong lòng đều tiêu tan hết, bao nhiêu nghiệp chướng phiền não đều tan rã như sương tan, mây tạnh, chỉ còn lại bầu trời xanh thẳm với mặt nhật sáng lòa, tức là màn Vô Minh dẹp sạch thì còn lại Chơn Tâm thanh tịnh và Trí huệ sáng soi. Đó gọi là Đốn tu.

- Thiền là thức tỉnh :  Chúng sanh sống trong cõi đời bị Ngũ dục lạc và Ngũ cái che lấp Chơn Tánh nên mê man chìm đắm trong sanh tử luân hồi, chẳng khác nào người ngủ mê nằm mơ trong cảnh chiêm bao buồn vui lẫn lộn. Bây giờ, Hành Thiền Tự Tánh là để đánh thức mình tỉnh dậy đặng sống với cái Tánh Giác Bồ Đề, không còn mê muội trong cảnh đại mộng của trần lao sanh tử nữa và không còn mê man trong cảnh tiểu mộng của kẻ ham ngủ hôn trầm nữa. Như vậy, Thiền là thức tỉnh, tức là người Hành Thiền Tự Tánh có tác dụng đánh thức tỉnh hai hạng người Vô Minh bị mê lầm trong đại mộng và mê mờ trong tiểu mộng.

          Từ câu này về sau thuộc về phần “ Đốn ngộ  Tiệm tu” hay gọi là  “ Kiến Tánh Khởi Tu ”.

- Thiền là tỏ rõ : Người Hành Thiền Tự Tánh thì không còn mê mờ trong đại mộng hay tiểu mộng, không còn hôn trầm trong vô ký, mà luôn sống với Chơn Như Trí, Căn Bản Trí, liễu liễu thường tri,  đối với cảnh không mê tức là tỏ rõ, tỏ rõ với cái niệm hiện tiền chứ không duyên theo tùy niệm phân biệt của Ý thức và suy niệm chấp ngã của Mạt Na Thức .

- Thiền là sáng soi :  Huệ của Tự Tánh hằng sáng soi. Khi cần chiếu soi vật gì hay vấn đề gì,  thì Trí Huệ Bát Nhã chiếu kiến đến tột cùng nguyên thủy, không có cái gì ngăn bít được. Người Hành Thiền Tự Tánh khi đã phá được Ngã chấp và Pháp chấp rồi thì Chơn Như Trí hiện bày, Huệ của Tự Tánh hằng sáng soi. Trí và Huệ này vốn sẵn có trong Tánh Giác, không phải nhờ học mà có hay đợi tu mới đắc. Phàm phu, Thánh hiền, Tiên, Phật đều có đủ như nhau, không thêm không bớt. Chỉ vì phàm phu ngu mê nên bị che lấp, còn Phật Thánh là giác ngộ nên nó hiển bày tỏ rõ sáng soi.

- Thiền là an nhiên :  Tự Tánh sẵn có Trí Huệ Bát Nhã, mà Tự Tánh cũng có sẵn “ Định Lực Tam Muội”. Định lực này không nhờ tu mới có, không nhờ tập mới thành, mà cái Thể của Tự Tánh thì vốn lặng yên, nó không lay động, mà trong Định có Huệ, trong Huệ có Định. Định Huệ đi đôi với nhau ở trong Tự Tánh nên gọi là “ Định Huệ đẳng trì”. Người Hành Thiền Tự Tánh thể nhập với Tánh Giác Bồ Đề thì lúc nào cũng an nhiên trong cảnh Định bất cứ giờ phút nào, lúc thức cũng như lúc ngủ, không phân biệt thời khóa, không xuất không nhập, nên gọi là Đại Định : Thân Tâm lúc nào cũng an tịnh điềm nhiên.

- Thiền là điềm đạm :  Do có Định Lực Tam Muội của Tự Tánh, lúc nào cũng an nhiên tịch tịnh, cho nên gương mặt của người Hành Thiền Tự Tánh lúc nào cũng điềm đạm  tươi tỉnh, không cau có bực dọc hay cười cợt lã lơi.

- Thiền là bình tỉnh : Do Tự Tánh có sẵn Định lực thâm sâu, nên người Hành Thiền Tự Tánh một khi đã thể nhập được vào Tam Muội Chánh Định, thì nó phát ra một sức Nhẫn lực rất vững mạnh. Chính nhờ sức Nhẫn lực này mà hành giả mới chịu được những nghịch cảnh khó khăn bên ngoài, như bị người hủy nhục chê bai, hủy báng, hành hạ, đánh đập đau nhức thân tâm, thế mà vẫn giữ được nét mặt bình tĩnh an nhiên. Có Định lực mới có Nhẫn lực. Có Nhẫn lực mới có bình tĩnh. Có bình tĩnh mới có đủ sáng suốt để ứng phó mọi nghịch cảnh bên ngoài và mọi phiền não bên trong một cách khéo léo.

-  Thiền là hòa hưởn : Đã có được Đức Tánh bình tỉnh, thì phong độ lúc nào cũng hòa hưởn, không vội vã hấp tấp lăng xăng, do đó mà lời nói từ tốn, cử chỉ hành động được chửng chạc nghiêm trang.

- Thiền là nhẹ nhàng :  Người Hành Thiền Tự Tánh có được sự bình tỉnh, điềm đạm và hòa hưởn, thì bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều được nhẹ nhàng thanh thoát. Tướng đi nghiêm chỉnh mà nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Khi đứng lên hay ngồi xuống cũng nhẹ nhàng không khua động. Khi nằm cũng nhẹ nhàng không lăn trở, dậm đạp hay quay cuồng. Khi làm việc cũng nhẹ nhàng không gây tiếng động.

- Thiền là cẩn thận : Người Hành Thiền Tự Tánh lúc nào cũng nhớ câu :  “ Chế Tâm nhứt xứ, vô sự bất biện” Nghĩa là : Khi làm việc gì chú tâm vào việc đó, thì không một việc làm nào mà không thành công. Do đó, có bình tỉnh, hòa hưởn và nhẹ nhàng thì tâm an trụ một chỗ, nên việc làm được cẩn thận, không cẩu thả dối trá, không hư bể mất mát.

-Thiền là vén léo : Có chú tâm chăm chỉ làm việc cẩn thận thì việc làm đó mới được vén khéo, tinh xảo, đẹp đẽ. Cho nên, người Hành Thiền Tự Tánh một khi đã thể nhập Tánh Giác Bồ Đề thì bất cứ việc làm nào, từ trong chùa ngoài ngỏ, hay trong xưởng ngoài đồng… đều làm được vén khéo tốt đẹp.

- Thiền là sạch sẽ : Tự Tánh vốn sẵn trong sạch. Người Hành Thiền trở về với Tự Tánh thì thân tâm lúc nào giữ được sạch sẽ và những vật y báo chung quanh cũng giữ sạch sẽ, cho đến các việc làm của mình bất cứ chỗ nào cũng thể hiện sự vén khéo sạch sẽ tinh khiết.

- Thiền là tế nhị : Tế nhị có nghĩa là nhỏ nhiệm, ý nhị, sâu sắc bên trong. Người Hành Thiền Tự Tánh chẳng những Thiền trong bốn oai nghi, hành động cử chỉ bên ngoài được nhẹ nhàng cẩn thận, vén khéo, mà còn phải Hành Thiền ngay trong ý  nhị, sâu sắc, để phá trừ những vi tế Vô Minh Hoặc. Muốn đối xử khéo léo với mọi người thì cần phải hành Thiền tế nhị, và muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì cũng phải có tế nhị của Thiền mới thành công. Muốn thành Phật tác Tổ cũng phải Hành Thiền tế nhị .

- Thiền là kỹ lưỡng : Nhờ định lực của Tự Tánh mà có được Nhẫn lực rồi phát huy ra điềm đạm, bình tĩnh, nhẹ nhàng, cẩn thận, vén khéo, và kỹ lưỡng. Trong lúc hành sự thì phải nhẹ nhàng, cẩn thận để không sơ suất, hư bể, thất thoát. Sau khi làm xong việc còn phải kỹ lưỡng xem xét, kiểm tra lại cho thật chu đáo đặng sắp xếp cho có thứ tự ngăn nắp thì mới hoàn thành được công tác một cách mỹ mãn.

- Thiền không vọng tưởng : Trong lúc tu tập còn non yếu thì thường bị giặc giác quán vọng tưởng nổi lên công phá làm tán loạn nội tâm. Cho nên, người Hành Thiền Tự Tánh là phải hằng  sống với Tánh Giác, niệm niệm không xen hở thì vọng tưởng mới không xâm nhập được.

- Thiền chẳng hôn trầm : Khi Tọa Thiền lâu ngày, thân an trụ bớt đau nhức, tâm bớt tán loạn, thì lại gặp con ma hôn trầm nó làm mờ mịt tâm trí, mơ màng như say ngủ hoặc gục tới gục lui không định tỉnh, không làm chủ được mình, đó là vì Định nhiều mà Huệ ít nên dễ bị hôn trầm. Nếu hành đúng theo Thiền Tự Tánh là lúc nào cũng phải tỉnh tỉnh mà lặng lặng bằng nhau, tức là Định Huệ đẳng trì, hằng sống với Tánh Giác Bồ Đề thì luôn luôn tỉnh thức, và thức tỉnh tỏ rõ sáng soi thì mới làm chủ được thân tâm không bị hôn trầm.

- Thiền không rối loạn : Người đời suốt cả ngày cứ lo tranh danh đoạt lợi để cầu cho vinh thân phì da, hoặc có người vì nghèo nàn túng thiếu, lo buôn bán tảo tần làm ăn vất vả để tạo sinh kế cho gia đình nên tâm hồn không bao giờ được an định, hết lo việc này đến tính chuyện khác, nghĩ nhớ lung tung, hoặc vui hoặc buồn, hoặc mừng hoặc giận, thương ghét…do đó mà tâm bị rối loạn như tơ vò.

          Người tu biết đó là phiền não khổ đau, là nhân quả sinh tử luân hồi, nên mới nương tựa ba ngôi Tam Bảo đặng học hỏi pháp tu cho tâm hết rối loạn.

          Người Hành Thiền Tự Tánh đã biết rõ Tự Tánh vốn không lay động, không sinh diệt, thì làm gì có rối loạn, nên quay về sống với Tự Tánh, tất nhiên tâm lúc nào cũng bình tĩnh sáng suốt. Đây là sức Định của Tự Tánh dù cảnh rối mà tâm không rối. Cho nên Lục Tổ nói :

          Tâm địa không rối là Tánh minh Định

          Tâm địa không si thì Tánh minh Huệ

          Tâm địa không quấy  thì Tánh minh Giác

Thiền không chấp trước :  Đức Phật Thích Ca khi mới thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài dùng Phật nhãn nhìn khắp tất cả chúng sanh đều có đủ Trí Huệ đức tướng như Phật, nhưng chỉ vì chúng sanh bị vọng tưởng chấp trước che mờ Chơn Tánh nên không chứng đắc Phật quả, vì vậy Đức Phật mới dùng các pháp môn phương tiện để khai thị chúng sanh nhận ra được Phật Tánh của chính mình thì mới hết chấp trước vọng tưởng. Người Hành Thiền Tự Tánh đã biết rõ Tự Tánh không một vật, bổn lai thanh tịnh, mà chúng sanh chấp có chấp không chấp phải chấp quấy, chấp nhơn ngã bỉ thử cao thấp, chấp pháp này hay pháp kia dở…nên mới sanh ra rầy rà phiền não. Bây giờ hay biết các sự chấp trước là sai lầm, nên trở về sống với Tánh Giác Bồ Đề là tâm rỗng rang thanh tịnh, không còn chấp trước vướng mắc gì cả thì mới được thanh thoát.

          Kinh Kim Cang, Phật dạy : “ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là nói rõ về sự không chấp trước vào chỗ nào thì đó mới thật là Chơn Tâm thanh tịnh.

Thiền không sợ hãi : Trong Kinh Bát Nhã có câu “ Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn” Nghĩa là :  Chơn Tâm vốn thanh tịnh, không có quái ngại việc gì. Do không quái ngại nên không sợ hãi. Vì không sợ hãi nên mới xa lìa được những điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đến cõi Niết Bàn. Người Hành Thiền Tự Tánh thì an trụ trong tánh thể yên lặng, không có cái gì khủng bố mà làm cho mình sợ hãi được, vì đã quán chiếu thấy  “ Ngũ uẩn giai không” tức Ngã và Ngã sở đều không thật thì có chi đâu mà sợ hãi ?

          Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có câu : Người ta tại ái dục sinh lo, tại lo sinh sợ. Nếu bỏ được ái dục thì không còn lo sợ gì nữa.

Thiền không thủ xả : Tất cả sự vật trên thế gian này đều Duy Thức biến hiện, tùy duyên giả hợp, người mê không rõ được Lý này nên chấp chặt bảo thủ lấy những gì mình ưa thích và buông bỏ những gì mình không chê ghét, nhẫn đến chấp chặt những thành kiến của mình và bác bỏ những ý kiến của người khác. Người Hành Thiền Tự Tánh là hằng sống với Tánh Giác Bồ Đề, gặp việc gì cần làm lợi ích chúng sanh thì tùy duyên ứng dụng, việc xong rồi thì thôi chứ không chấp thủ cũng không buông xuôi. Việc gì qua rồi thì không tiếc nhớ. Việc gì chưa đến thì không mong cầu. Việc gì hiện tại thì bình tĩnh sáng suốt mà giải quyết, chứ không thủ không xả chi hết.

-Thiền cả ngày đêm:  Người Hành Thiền Tự Tánh thì tâm luôn hằng tỉnh hằng giác bất cứ giờ phút nào, ngày cũng như đêm, khi thức cũng như khi ngủ, không lúc nào phóng tâm xen hở nên gọi là  Chánh Định, Chánh Niệm, là Tam Muội là Tổng Trì .

- Thiền không phân giờ : Đối với các môn tu Thiền khác, thì mỗi ngày phải phân thời khóa để dụng công tu tập. Thí dụ như phân ngày đêm làm bốn thời Tý Ngọ Mẹo Dậu, hoặc trú dạ lục thời v.v... Tới giờ công phu thì nhập định, hết giờ thì xả thiền, như vậy là có nhập có xả. Khi nhập thì tâm định, khi xả thì tâm vọng trở lại. Trái lại, Hành Thiền Tự Tánh là Thiền sống động trong tất cả thời, Thiền cả ngày đêm, nên không phân chia thời khắc. Bất cứ nơi nào, giờ nào, làm bất cứ việc gì tâm cũng an trụ trong cảnh Tự Tánh Thanh Tịnh nên gọi là Đại Thiền Định.

-Thiền ở sáu căn : Phương pháp tu Thiền Tự Tánh rất dễ mà cũng rất khó, vì nó không gò bó trong thời khóa Tọa Thiền hay Tụng Kinh, mà nó hằng Thiền trong tất cả thời, khi tiếp xúc cũng như lúc ngồi nằm, luôn luôn thể nhập với Tự Tánh Thanh Tịnh, không động không nhiễm, không chấp không trước, chính đó là một việc rất khó. Khi mới tu tập, cần phải biết chỗ mấu chót của nó nơi nào mà nắm đúng thì mới có kết quả.

Chỗ mấu chốt của nó là ở sáu căn. Sáu căn thanh tịnh thì phát ra hào quang sáng chói diệu dụng khắp mười phương, lợi lạc chúng sanh trong Tam giới. Còn nếu sáu Căn ô nhiễm thì phát ra hành động xấu ác tạo nghiệp suốt ngày, hại người tổn vật, gieo họa muôn đời.

          Nhưng tu sáu Căn đây không phải là “ Bế Lục căn, ngăn Lục thức, dứt Lục trần của ngoại đạo, mà vẫn khai Lục căn thông Lục thức, nhậm Lục trần. Không cần ngăn chận gì cả, mà chỉ một điều duy nhất là phải làm chủ được Lục căn, chỉ huy được Lục thức, không chiều theo sự xúi dục của nó, mà bắt nó phải tuân phục theo mệnh lệnh của mình  ( là Tự Tánh Bát Nhã ).”

          Như vậy, sáu Căn vẫn tiếp xúc với sáu Trần, sáu Thức, vẫn phân biệt tốt xấu, hay dở, đen đỏ, lạnh nóng, ngon dở, thơm hôi…nhưng vì mình làm chủ được nó ( sáu Thức ) nên không duyên theo nó để sanh tâm khen chê, ưa thích, thương ghét, đắm nhiễm…tức là tuy có phân biệt mà bất tùy phân biệt. Do có phân biệt tỏ rõ mà không khởi vọng chạy theo sự phân biệt để chấp trước đắm nhiễm khen chê, thương ghét, tức là ta đã chuyển Thức thành Trí, chuyển Vọng thành Chơn. Ngoài sáu Thức mà chúng ta dễ nhận thấy, còn có hai Thức nữa nằm tiềm tàng ẩn sau bên trong, đó là Mạt Na Thức và A Lại Da Thức.

          Trong tám Thức này, chỉ có anh Ý thức là khôn ngoan lanh lợi hơn cả. Cũng như một bọn cướp có tám tên, chỉ có một tên đầu đảng là hung dữ và mưu trí hơn hết. Bấy lâu nay mình bỏ quên ông chủ của mình ( Tự Tánh ) để cho bọn cướp tám tên này tự do hoành hành, gây tạo nên vô vàn tội lỗi mà mình không biết, lại còn hưởng ứng với nó nữa. Bây giờ giựt mình thức tỉnh ( giác ngộ ) rồi, mới nhận ra được ông chủ thiệt ( Chơn Tâm ) và cũng nhận rõ được mặt mày của bọn cướp rồi thì ta hãy nhắm ngay tên đầu đảng là Ý thức mà quật hạ nó. Khi nó đã khuất phục mình rồi thì bảy tên kia cũng sẽ tự động quy hàng luôn. Khi đã quật hạ nó quy hàng rồi thì khỏi phải tiêu diệt nó, mà mình bắt nó phải cải tà quy chánh, cải ác hành thiện, chuyển Vọng thành Chơn, chuyển Thức thành Trí, từ đó về sau nó không còn làm mười nghiệp ác nữa, mà luôn luôn chịu dưới sự chỉ huy của Trí Huệ Bát Nhã, tùy theo sự diệu dụng của Tự Tánh mà làm tất cả việc lành để lợi lạc chúng sanh.

          Tuy đường lối lý thuyết thì chỉ bày như vậy, nhưng khi hạ thủ công phu để thực hành thì lúc ban đầu phải dụng công rất nhiều mới có thể nhiếp phục được Ý Thức vì nó lanh lợi vô cùng, nên trong kinh Phật thường ví nó là Tâm Viên Ý Mã, nếu không biết chỗ nhược điểm của nó nơi nào mà nắm cho trúng thì không thể nào bắt được nó cả. Vậy phải tìm hiểu trong sáu căn chỗ nào Ý Thức phát động mạnh nhứt, mình xiết chặt ngay chỗ đó, tất nhiên Ý Thức sẽ mất đi phần lớn tác dụng thì sức nó sẽ yếu đi, sau đó mình mới bắt nó quy hàng được. Cũng như muốn bắt được tên cướp hung dữ thì mình phải khóa hai tay và trói hai chân nó thì nó sẽ hết vùng vẫy nổi. Cũng như đốn cây, trước phải chặt nhánh rồi sau mới đào gốc, chứ nếu để cành lá sum suê mà đào gốc ngang thì nó sẽ ngã xuống đập sập nhà mình.

- Thiền nơi đôi mắt : Trong sáu căn có hai chỗ linh hoạt nhất là cặp mắt và hai lỗ tai. Con mắt có hai tác dụng; Một là thâu vào những hình ảnh cảnh vật bên ngoài, hai là phát lộ ra những tình cảm vui buồn bên trong. Người ta thường nói : “ Con mắt là cửa sổ của tâm hồn ”, bởi vì khi giận, buồn, vui, mừng, lo âu, sợ hãi,  thương ghét, gì cũng đều hiện rõ trên ánh mắt, nếu người tinh ý và có kinh nghiệm nhìn qua là biết ngay, mà tất cả những biểu hiện đó đều do ý thức và ý căn làm chủ động xuất phát.

          Vậy khi ta trở về Tự Tánh Thanh Tịnh để Hành Thiền thì phải chế phục Ý căn và điều chỉnh nhãn căn cho thanh tịnh để nó trở thành Thiền nhãn, phải dụng công lâu ngày từ ba đến năm năm mới thành công. Khi đã thành thục rồi thì khỏi cần dụng công nữa mà lúc nào cặp mắt cũng vẫn điềm đạm, trang nghiêm, ngó ngay, nhìn thẳng, nhìn xuống soi vào nội tâm chớ không liếc xéo, liếc xiên, không trợn mắt, cau mày, không chớp mi nháy mắt… lúc nào cũng hé mở một phần ba, khi tiếp chuyện thì thỉnh thoảng mới mở lớn ra nhìn vào người đối thoại để nghe cho rõ hoặc để giải đáp một điều gì mà thôi, còn khi Tọa

Thiền thì mí mắt mở lớn một phần tư và đứng tròng không nháy mắt thường. Đôi mắt có định thần được là biểu tượng cho tâm định. Nếu tâm động thì mắt nháy, càng vọng động nhiều thì mắt chớp nhiều hoặc liếc ngó lia lịa.

          Lúc chưa biết tu thì mắt tiếp xúc với sắc trần thường phân biệt đẹp xấu rồi khởi tâm ưa thích hay chán ghét. Nay ta làm chủ được Ý thức rồi thì mắt vẫn nhìn ngó phân biệt tốt xấu mà không cho khởi tâm  ưa thích hay chán ghét. Trước kia, hễ kiến nhãn là động tâm. Nay kiến nhãn mà tâm không động vì mình biết sắc trần là giả, là huyễn, không phải thật, nên mình không duyên theo nó, cũng không để cho Ý thức nó gạt mình nữa.  Sắc trần cố trêu ghẹo mà mình vẫn lạnh lùng dửng dưng. Khi tiếp xúc với người, với vật, với cảnh, mình không khởi niệm thứ hai thì tâm không động.

          Khi làm việc, khi đọc sách, khi học hỏi, ăn uống …mình chăm chú nhìn xem cho tỏ rõ tận tường nhưng không khởi niệm ưa ghét. Thấy biết một cách trực giác chớ không cần suy nghĩ tính toán. Nếu mắt ngó mà tâm động thì hay khiến cho tay rờ mó cầm nắm. Hoặc khi cảnh sắc đã qua rồi mà mắt vẫn ngó theo mãi, điều đó chứng tỏ mắt đã nhiễm sắc rồi.

- Thiền chính lỗ tai : Hai lỗ tai là cơ quan thâu nhập âm thanh tiếng động bên ngoài đưa vào cho Ý thức phân biệt, nhận xét tiếng hay dở, phải quấy, khen chê, mắng nhiếc, cười khóc…

          Lỗ tai có nhiều tác dụng mạnh hơn đôi mắt, vì mắt cần có ánh sáng mới thấy được vật, không có gì ngăn che trước mắt mới nhìn thấy được. Còn lỗ tai không cần  ánh sáng, tối hay sáng vẫn nghe rõ, dù cách màng cách vách, cũng vẫn nghe được. Lỗ tai lại nhạy cảm hơn con mắt, trong Kinh Pháp Hoa, Phật có nói : Con mắt có  800 công đức, còn lỗ tai có đến 1.200 công đức, nên biết sử dụng nó vào việc lành thì đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng sanh. Khi lỗ tai tiếp xúc với Thanh trần bên ngoài thì sanh ra Nhĩ thức phân biệt, rồi phê phán hay dỡ, ưa ghét mà có nhiều phiền não, sân si..

          Nếu mắt dễ động trước  Sắc trần thì lỗ tai lại càng nhạy cảm hơn đối với Thanh trần. Nếu đó là những tiếng du dương, thánh thót dịu ngọt, thiết tha, thì nó làm cảm động tâm hồn người nghe phải mê mẫn say sưa. Hoặc những tiếng mỉa mai cay đắng, khinh chê, nhục mạ, khiêu khích… có thể làm khích động người nghe phải nổi giận, tức tối, hay buồn rầu lo âu. Một đứa bé mới 5, 7 tháng chưa biết đi biết nói, thấy những hình ảnh màu sắc chưa nhận thức được rõ ràng nên nó không tỏ vẻ ưa thích. Trái lại,  khi nó nghe tiếng đàn tiếng nhạc tấu lên du dương kích thích vào Nhĩ căn của nó khiến tay chân nó cũng kích động theo điệu nhịp nhàng của tiếng nhạc.

          Những thanh niên nam nữ thường hay bị rung cảm bởi những lời ca tiếng nhạc mà sa ngã vào đường trụy lạc, hay dễ bị lừa gạt bằng những lời đường mật nỉ non. Như vậy, nhĩ thức dễ bị Thinh trần gạt gẫm cám dỗ hơn là Nhãn thức.

          Trái lại, Nhĩ thức cũng mau giác ngộ quay về đường lành hơn Nhãn thức nếu gặp được Minh sư hay thiện hữu tri thức giảng dạy chỉ bảo cho những điều đạo đức thanh cao.

          Một người trung niên hay lão niên gần suốt một cuộc đời si mê lầm lạc, chạy theo danh lợi, tình, tiền, nhưng khi nghe được bài kinh tiếng pháp cảnh tỉnh tâm hồn thì họ quay đầu hướng thiện, thậm chí những người đau bịnh nằm liệt trên giường sắp sửa lâm chung mà nếu  nghe qua được lời kinh tiếng kệ,  rồi hồi tâm niệm Phật sám hối thì cũng được vãng sanh về cảnh giới an lành khỏi bị  đọa vào ba đường khổ.

          Người mù mắt mà lỗ tai thông, cho học kinh nghe pháp thì mau thuộc mau nhớ hơn người sáng mắt mà lỗ tai điếc. Như vậy biết rằng lỗ tai linh mẫn hơn con mắt.

          Khi xưa, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng dùng pháp tu “ Nhĩ căn  viên thông , phản văn tự tánh” mà được mau thành Đạo quả. Cho nên chúng ta tu Thiền Tự Tánh đây không phải là bịt con mắt, bịt lỗ tai không cho thấy nghe gì hết, mà ngược lại, tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy, vẫn hiểu biết rõ ràng những hình sắc, tiếng tăm, âm thanh… nhưng vì mình làm chủ được nó, mình điều khiển được nó, không chạy theo phân biệt vọng tưởng ưa ghét, khen chê… mà hướng nó quay về Tự Tánh thanh tịnh, trong lặng sáng suốt, rồi phát ra diệu dụng cho nó làm tất cả việc lành lợi ích chúng sanh.

          Trong kinh Lăng Nghiêm có câu : “ Kiến sắc phi can sắc,Văn thinh bất thị thinh, Sắc, Thinh vô ngại xứ, Thân đáo Pháp Vương Thành”.

          Nghĩa là :  Mắt thấy sắc tướng mà tâm không phan duyên, không can dự vào sắc tướng. Tai nghe âm thanh mà Tánh nghe biết rõ âm thanh chẳng phải thật, tâm vẫn an nhiên  thanh tịnh, đối với âm thanh sắc tướng không chỗ ngăn ngại thì tự thân đã đến được thành Pháp Vương  ( Phật quả ).

          Kinh Kim Cang có câu : “  Nhược dĩ sắc kiến ngã,  Dĩ âm thanh cầu ngã ;  Thị nhơn hành tà đạo,   Bất năng kiến Như Lai ”.

          Nghĩa là : Nếu người nào dùng hình tướng mà muốn thấy được Ta, hoặc dùng âm thanh mà muốn thấy được Ta, thì người ấy hành Đạo tà, chẳng thể thấy được Phật Pháp Thân.

          Con mắt có thể nhắm hay mở, có thể thu thập hình ảnh bên ngoài vào bên trong mà cũng có thể biểu lộ tình cảm và cũng không đóng bít lỗ tai lại được, nên con mắt dễ chế ngự hơn lỗ tai. Vậy muốn tu nơi lỗ tai tức là muốn điều khiển được lỗ tai phải dùng trí Bát Nhã bắt nó phản văn tự tánh, là xoay tánh nghe trở lại tự tánh. Vì tánh nghe vốn sẵn thanh tịnh mà chỉ vì phân biệt theo thinh trần nên mới sanh ra phiền não nên vui buồn v.v…

Thiền trong lỗ mũi :  Kế đến là tu Tỷ căn,  lỗ mũi có hai tác dụng; Một là để thở, hai là để ngửi.  Khi thở vào đem thanh khí, dưỡng khí vô buồng phổi đặng lọc sạch chất thán khí trong máu, đem dưỡng khí theo máu đi nuôi cơ thể khắp châu thân. Khi thở ra thì tống xả những thán khí dơ xấu ra ngoài, nhờ đó mà con người mới được sống còn, mạnh khỏe ít bịnh.

          Còn khi ăn uống hay thưởng thức món gì, lỗ mũi dùng khứu giác để ngửi mùi rồi phân biệt qua ý thức xem món đó thuộc mùi gì, thơm hay hôi, nồng hay dịu v.v…Sau khi phân biệt mùi gì rồi thì khởi tâm ưa thích hay ghét bỏ v.v.. Nếu món ăn có mùi thơm ngon thì ý thức kích thích bao tử cồn cào đói bụng và cái miệng thì muốn ăn, cái lưỡi thì muốn nếm, khi khởi ý thèm quá thì nước miếng chảy ta thúc giục cái tay bốc ăn, cái chân bước tới chỗ có món ăn. Nếu món ăn có mùi hôi thúi, tanh hắt vào lỗ mũi thì ý thức phân biệt không ưa, khiến tay bịt mũi, chân bước xa, hoặc món gì quá hôi tanh, quá gớm ghê mà không tránh được thì nó cũng khiến cho nôn ụa ra nước dãi, nước mật rất khó chịu.

          Hành Thiền Tự Tánh muốn tu tỷ căn này thì cũng bất tùy phân biệt theo mùi thơm hôi thì mới giữ tánh ngửi được thanh tịnh.

          Ví dụ mình đang làm việc gì hay đang ngồi Thiền ở nhà trên mà có mùi chiên xào ở dưới nhà bếp bay lên xông vào mũi, nếu mình khởi ý duyên theo mùi đó thì tâm ý liền nghĩ ngay đến món ăn và khởi lên thèm ăn, tức mình đã động và nhiễm theo món ăn, tuy thân đang ngồi Thiền mà tâm không còn định được nữa. Vì nó đã phóng ý xuống nhà bếp rồi. Vậy luôn luôn phải tỉnh giác, phải làm chủ tâm thức, điều khiển ý căn không cho nó duyên theo hương trần, vì hương trần chỉ là giả hợp, như huyễn không thật . Vì tự tánh vốn không thơm thúi, nếu còn có thấy thơm thúi, ưa ghét thì đó là tâm sanh diệt pháp sanh diệt, không phải tự tánh thanh tịnh.

          Hành Thiền nơi tỷ căn là điều khiển hơi thở cho nó được điều hòa, nhẹ nhàng , sâu và chậm. Hơi thở có điều hòa thì thân mới an và tâm mới định. Nếu hơi thở không điều hòa theo kiểu phong, khí, suyển thì thân sẽ nhúc nhích và tâm sẽ loạn động.

          Người nào làm chủ được hơi thở đến chỗ vi tế là có thể làm chủ được sự sống chết. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật có hỏi ba vị Tỳ kheo, mạng sống con người được bao lâu ?  Vị thứ nhất đáp, mạng sống con người trong vòng một ngày. Phật bảo Ông chưa hiểu đạo. Vị thứ hai nói: mạng sống con người trong một bữa ăn. Phật cũng bảo Ông chưa hiểu đạo. Vị thứ ba đáp: Mạng sống con người trong một hơi thở. Phật khen, ông hiểu đạo rồi đấy.

  Thiền nơi của miệng : Kế đến tu cái miệng, Khẩu nghiệp cũng mạnh lắm không phải vừa chi, bởi vì cái miệng dùng để ăn uống  vật thực. Lại còn có cái lưỡi để nếm mùi vị và nói năng bàn luận. Khi cặp mắt tiếp xúc với cảnh vật rồi, sanh ra ý thức phân biệt là đẹp xấu, hay dỡ, ưa ghét v.v…thì nó khiến cho cái miệng phát ra lời nói khen hay chê v.v..

          Khi lỗ tai nghe lời nói, âm thanh, tiếng tăm bên ngoài thì ý thức cũng phân biệt hay dở, phải quấy, ưa ghét mà phát ra lời khen chê, phê phán v.v… Như vậy cái miệng là cơ quan phát ngôn cho con mắt và lỗ tai để nói lên sự mừng giận, thương ghét, vui buồn. Nếu người nào con mắt sáng, lỗ tai nghe rõ, mà cái miệng bị câm không nói được, thì người đó sẽ sanh nóng giận, bực tức khó chịu lắm và thường phát lộ ra sự ưa ghét hay giận tức của mình bằng hai tay và hai chân.

          Cái miệng là cửa khẩu đưa thức ăn vật uống vào bao tử, khi bụng đói thì nó bắt cái miệng thèm ăn, khi ăn lại bị cái lưỡi phân biệt mùi vị chua ngọt, mặn lạt, đắng cay mà sanh tâm ưa ghét. Nếu món ăn nào mà ý thức cho là ngon thì muốn ăn thật nhiều cho thỏa mãn vị dục, nếu bị ai cản trở không cho ăn hay ăn ít thì sanh ra giận dữ buồn phiền, nên người đời thường nói : “ Món ăn là món tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu ”. Đó là tham ăn, cố ăn. Trái lại món ăn nào ta không ưa mà cứ dọn cho ta ăn hoài thì cũng sanh tâm ghét giận phiền não. Những người có tật háo ăn hay gọi là xấu chứng đói thường hay giận dữ làm phiền khổ gia đình vợ con.

          Khi mắt thấy món ăn ngon hay tai nghe nói món ngon thì ý thức khởi lên thèm ăn, khi thèm quá thì nước miếng chảy ra để thúc giục mình đi tìm món ăn, nước đó gọi là nước ái dục, nó nằm sẵn trong châu thân và thường chảy ra từ cửu khiếu tùy theo chỗ nào khởi ra sự thèm khát.

          Lại có những người bụng không đói mà thường đói vì con mắt, hay đói vì lỗ tai, vì khi thấy ai bán gì hay nghe ai rao bán món gì ngon thì cũng động tâm muốn ăn, khiến cho mình phải ăn hàng, ăn vặt, ăn phi thời mãi. Hoặc đôi khi bị bụng đói, hay mắt đói, chịu không nổi phải đi ăn vụng, ăn cắp.

Tất cả những người trên đây đều không làm chủ được vọng tâm và không điều khiển được khẩu nghiệp của mình nên mới có những hành động như vậy.

          Trong kinh có câu :

          Món ăn ngon dở có ra chi

          Nuốt qua khỏi cổ thành chi đó

          Sao khỏi tỉnh hồn nghĩ thử coi.

          Trong khi đau bịnh cần phải cử kiêng thế mà mình cứ ăn uống bừa bãi những món ăn độc hại hoặc nghĩ lầm là ăn nhiều cho mau lại sức khiến cho bội thực khó tiêu, làm cho bịnh nặng hơn, có khi bị chết vì trúng thực nữa. Hoặc có người làm biếng ham ăn, mê ngủ, thì suốt đời chỉ làm con mọt của xã hội không lợi ích gì cả.

          Đó là nói cái xấu, cái tệ của miệng ham ăn.

          Trong Kinh Di Giáo, Phật dạy : “ Tỳ kheo, các ông phải coi ăn uống như là phục dược. Đối với thức ăn ngon , hay không ngon, đừng thích ăn nhiều hay ăn ít. Coi sự ăn uống cốt để sống, để khỏi đói khát mà thôi, không được cần nhiều để làm tổn hại tâm thiện của mình và của người ”.

          Đến phần cái lưỡi lại càng tai hại hơn nữa. Cái lưỡi có tác dụng nếm các thức ăn và uống, để phân biệt ngon ngọt, béo bùi, mà nhiễm trước rồi sanh phiền não. Nó còn công dụng khác nữa là để phát ra lời nói.

          Con mắt hay lỗ tai nghe thấy điều gì, mà phân biệt, hiểu biết thì tâm ý khiến cho cái lưỡi phát động để nói lên cảm tưởng, ý thích của mình. Hoặc nói lời thương yêu triều mến, khen ngợi dịu ngọt v. v…hoặc nói lời ganh ghét, chê bai, nhục mạ, hoặc nói dối nói lác nói thêu dệt lừa gạt, nói đâm thọc, chửi mắng v.v..

          Sách Nho có câu : “ Nhất ngôn khả dĩ tán bang, nhứt ngôn khả dĩ hưng bang ”. Nghĩa là : “ Một lời nói có thể làm tan gia bại sản, cũng một lời nói có thể làm nên sự nghiệp, hưng thịnh nước nhà”.

          Đạo Lão cũng có câu khuyên người tu hành :  “ Khẩu khai thần khí tán, thiệt động thị phi sanh “. Mở miệng ra thì thần khí tan mất, còn lưỡi vọng lên thì sự hơn thua phải quấy phát ra.

          Trong kinh có câu :  “ Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung

Sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn ”. Nghĩa là : Người ở đời xử thế , búa dao ở tại trong miệng . Sở dĩ hại thân là do lời nói ác độc của mình.

          Trong sáu căn của con người thì cái miệng là nơi dễ sanh ra ác cảm nhứt, vì nó hay nói những lời thị phi tốt xấu, khen chê v.v..cho nên Phật ví dụ như ngon dao bén, gây thù kết oán, giết hại lẫn nhau cũng do lời nói bất thiện. Tục ngữ có câu :

          Con ếch nó chết cũng vì cái miệng. Con người mang họa cũng tại cái miệng. Trái lại, khi người đã giác ngộ làm chủ được vọng tâm rồi thì cũng từ cái miệng ấy mà tạo ra muôn ngàn thiện nghiệp. Như trong Kinh Pháp Hoa có câu :

          Cái miệng đã thanh tịnh rồi thì có 1.200 công đức. Dùng cái miệng ấy mà thuyết pháp. Giảng kinh, giáo hóa chúng sanh, nghe được pháp lành cải tà quy chánh, tụng kinh, niệm phật, ăn chay, nói lời chân thật, hòa nhã êm dịu, đạo đức, khiến cho người nghe sanh lòng hoan hỷ, mát mẻ an vui. Nghe được câu kinh lời kệ mà độ người, độ vật, phát tâm Bồ đề tu hành giải thoát đến quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác thì công đức vô lượng vô biên.

          Cổ đức có câu : “ Mặc, mặc, mặc vô hạn thần tiên tùng thử đắc”

Tức là nín lặng cả ba nghiệp, Thân, Khẩu, Ý thì bao nhiêu quả vị Thần Thánh, Tiên Phật cũng đều từ đó mà thành tựu.

          Người ngu si mê chấp theo miếng ăn lời nói mà tranh đấu giành giựt, giết hại nhau không gớm tay, cũng như hai con chó giành nhau cục xương mà phải cắn lộn đến đỗ máu què chân, khiến cho người trí nhìn vào phải đau lòng thương xót, làm trò cười cho thiên hạ và để tiếng nhơ cho hậu thế.

          Muốn tu cho khẩu căn này được thanh tịnh thì phải sắp xếp sự ăn uống có giờ khắc, không ăn phi thời, ăn hàng, ăn vặt v.v... mà ăn theo tiêu chuẩn không quá hạn lượng dầu món ăn ngon hay dỡ cũng vậy. Phải biết kiêng cử những món ăn độc hại không thích hợp với cơ thể khi bịnh hoạn, ăn uống có tiết độ như vậy lâu ngày mới thắng được khẩu nghiệp đòi hỏi.

          Còn về lời ăn tiếng nói thì phải tập nói ít lại, không nói nhiều, không nói dai, không nói to, tập nói lời hòa nhã lễ độ, khiêm nhường, thành thật, đối với bất cứ người lớn hay trẻ nhỏ, không nói lớn lời hỗn ẩu, không nói dối trá, dua nịnh, chê bai, mỉa mai, không nói phi thời, phi pháp, phi lễ, mà chỉ nói đúng lúc, đúng nghĩa, đúng pháp, nói vừa đủ nghe đủ hiểu, không nói quá lâu, quá nhiều làm chán người nghe.

          Sách xưa có câu : “Bán cú phi ngôn, Năng tổn bình sanh chi đức”. Nghĩa là : Nửa câu nói quấy có thể làm tổn giảm công đức đời tu của mình”.

          Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật ân cần dặn dò :  “ Tỳ kheo các ông, nếu cứ hý luận hết thứ này đến thứ khác thì các ông sẽ bị tán loạn. Tuy là người xuất gia mà không đắc đạo giải thoát được . Ấy thế cho nên các ông phải xa bỏ ngay hý luận. Nếu các ông muốn chứng được cái vui tịch diệt Niết bàn, các ông cần giữ tâm không hý luận thì sẽ được công đức cứu cánh đó.

Thiền cả thân mình. Thân đây gồm đầu, cổ, hai tay, hai chân và thân mình. Thân căn có tác dụng xúc chạm, đi đứng, nằm ngồi, làm việc v.v.. Khi xúc chạm với sắc trần nhờ ý thức phân biệt cảm giác sẽ biết  được vật đó trơn hay nhám, cứng hay mềm, tròn hay méo, lạnh hay nóng, đau ngứa v.v…rồi khởi tâm thương ghét, thích hay chán, vui buồn v.v…

          Hai tay chuyển động làm tất cả sự việc từ lớn đến nhỏ, do sự chỉ huy của ý thức như : Nhà cửa lâu đài, dinh thự cung điện, thành ấp, đường sá, cầu cống, xe cộ, phi cơ, tàu thủy, dời non lấp biển….cũng đều do hai bàn tay và khối óc kiến tạo ra. Trái lại, cũng hai bàn tay và khối óc, như khoét vách đào tường, trộm cắp, cướp giựt, xung đột, chiến tranh, chế tạo vũ khí tối tân để giết người hàng loạt, hoặc làm hạnh nhơ xấu như cờ bạc, hút xách, rượu chè, say sưa, dâm dật, tứ đổ tường …

          Tất cả hành vi tạo tác của thân căn gây ra hoặc thô hoặc tế, mà phần chủ động là Ý căn điều khiển. Hai chân cũng chịu sự điều khiển của Ý thức mà hoặc đi hoặc đứng, hay nằm ngồi, chạy nhảy, tới lui…Như vậy, thân hình và tứ chi là công cụ, là tay sai đắc lực của Ý thức.

          Những hành động thiện ác, tốt xấu, hay dở, nhẫn đến tạo thiên lập địa, dời non lấp biển cũng đều do hai bàn tay con người làm ra, cho nên Bác Hồ có hai câu thơ :

           Hai tay làm nên tất cả

          Có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm.

          Trong kinh Di Giáo, Đức Phật có dặn các hàng đệ tử phải luôn luôn kiềm chế ngũ căn đừng để cho nó phạm vào ngũ dục lạc.  Ngũ dục lạc là Tài , Sắc, Danh, Thực, Thùy. Nếu phóng túng ngũ căn thì không những chỉ phạm vào ngũ dục mà thôi, mà còn phạm vào những sự ham muốn không bờ bến, cũng như con ngựa dữ không có dây cương hãm thì nó sẽ lôi người xuống hầm hố. Bị hại về giặc cướp thì chỉ khổ có một đời, bị hại về ngũ căn thì tai vạ đến nhiều đời. Cái hại to như thế phải hết sức cẩn thận.

          Chúng ta hành Thiền Tự Tánh, muốn tu phần thân căn thì phải tập cho hai tay, hai chân uyển chuyển dịu dàng, làm bất cứ việc gì cũng phải từ từ chậm rãi, nhẹ nhàng không vội vàng, hấp tấp, vụt chạt, đặng kiềm chế thân căn.

          Tập tọa Thiền là một phương pháp chế phục thân căn rất hay. Hai chân ngồi tréo kiết già tức là trói buộc cặp giò không cho chạy nhảy lung tung. Hai tay bắt ấn Tam muội là cột trói lại không cho nó hành động sai trái mà tội nặng nhất là Sát, Đạo, Dâm.

          Cái miệng ngậm lại, cuống lưỡi để cong lên ổ gà chặn đứng khẩu nghiệp, không cho vọng ngôn ác ngữ.

          Hai mắt khép nhỏ lại một phần tư để soi vào nội tâm không nhìn ra ngoài.

          Hai lỗ tai nghe lại tự tánh thanh tịnh không cho hướng ra ngoại duyên theo thanh trần.

          Ý căn không cho khởi vọng nghĩ suy mà phải thể nhập với tánh giác Bồ đề bản lai thanh tịnh.

          Như vậy, tọa Thiền chẳng những kiềm thúc thân căn mà thật ra nhiếp phục luôn cả ba Nghiệp, sáu Căn.

          Lúc đầu chưa quen, trói buộc như vậy thì cơ thể sẽ phản ứng bằng cách khó chịu, mệt mỏi, đau nhức, ngứa ngáy v.v...Nhưng ráng dụng công lâu ngày chầy tháng quen dần sẽ cảm thấy yên ổn nhẹ nhàng, không còn loạn tưởng hay hôn trầm. Như vậy gọi là Thiền Định, đến khi xả Thiền nhưng tâm vẫn an định với tự tánh. Tay chân đã quen với sự kết ấn, kiết già, nên không quơ tay, đá chân như trước kia nữa. Miệng đã ngậm quen với tự tánh nên không còn nói chuyện bông đùa hý luận. Mũi không để ý đến mùi vị thơm ngon. Mắt không liếc nháy theo sắc tướng bên ngoài. Tai không phan duyên theo thinh trần, tiếng động. Do đó, ngoài giờ hành Thiền kiết già phu tọa, mình ra làm tất cả công việc như quét nhà, gánh nước, nấu cơm, chẻ củi, giặc giũ, cuốc đất, trồng cây, buôn gánh, bán bưng, lao động sản xuất v.v… tất cả tác động đều chú tâm vào đó nên việc làm được nhẹ nhàng, kỹ lưỡng, cẩn thận, sạch sẽ, vén khéo, điều hòa, nhờ vậy mà việc làm đạt được kết quả tốt, năng suất nhiều, phẩm chất cao, không hư không bể, không sơ suất, ít tổn hại, không hao phí v.v...

 Tuy nhiên, vì mới tu tập, đôi khi cũng quên mất ông chủ của mình mà buông lung theo tập khí ( thói quen cũ ) nên phải dùng giới luật làm hàng rào ngăn chận những hành động xấu ác. Phải hành lễ sám hối cho thân nghiệp được nhẹ nhàng. Phải làm việc lao động cho ra mồ hôi đặng giải bớt chất kích thích tố và độc tố trong người. Mỗi ngày chỉ độ một hoặc hai bữa cơm mà thôi để cho cơ thể không tích trữ nhiều chất béo bổ làm nặng nề cơ thể, vì trong máu dư nhiều chất mỡ, cholesterol dễ sanh ra nhiều bịnh khó chữa như tim, mạch, tuần hoàn …

Đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp chuyện v.v…oai nghi đều tịch tịnh tranh nghiêm, điềm đạm, tươi tỉnh khiến cho người khác trông thấy sanh lòng cảm mến kinh trọng, cho nên trong kinh có câu:

Hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính.

- Thiền tại ý căn :  Trong sáu căn của người thì Ý căn là quan trọng nhứt, vì nó có tác dụng bảo vệ thân căn và làm chủ thân mạng của mình. Trong Duy Thức Học gọi nó là Mạt Na Thức tức là Ý thức chấp ngã. Bản chất của nó là Ngã si, Ngã ái, Ngã mạn, Ngã kiến, cho nên nó luôn ích kỷ, bỏn xẻn, cố chấp, tham lam. Vì ngã si nên tham lam. Vì ngã ái nên ích kỷ, Vì ngã mạn nên cống cao, vì ngã kiến nên cố chấp.

          Làm bất cứ việc gì có tính cách phục vụ sung sướng cho ngã và ngã sở ( tức bản thân mình và những người thân yêu của mình ), thì nó rất chịu và tán đồng thúc đẩy, trái lại làm việc gì chỉ phục vụ cho người khác mà mình bất lợi hay thiệt thòi thì nó cự tuyệt phản kháng. Vì thế nó thường chủ trương làm việc ác hơn là việc thiện, dầu có làm việc thiện thì cũng phải có lợi cho mình nhiều thí nó mới chịu.

          Từ Ý căn phát ra Ý thức  để phân biệt, hiểu biết và phán đoán hay dở, tốt xấu khi năm căn tiếp xúc với năm trần, đồng thời nó quyết định sự ưa thích, thương ghét v.v... rồi truyền lệnh chỉ huy cho năm căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ) làm việc hoạt động theo ý kiến của nó.

          Ý căn này không có hình tướng, ẩn tàng bên trong nên gọi là Tâm, nhưng vì nó duyên theo sáu Trần sanh ra sáu Thức để phân biệt chấp trước, nhận định sai lầm, nên gọi là Tâm thức hay Tâm vọng. Trong Duy Thức gọi đó là Biến Kế Sở Chấp. Trong Kinh Di Giáo Đức Phật dạy : “ Trong sáu Căn, Tâm ý là chủ, ấy thế nên các ông phải khéo kiềm chế lấy Tâm thức, phải sợ Tâm Thức hơn sợ rắn độc, loài thú dữ, như giặc oán thù, như sợ ngọn lửa to đang cháy mạnh…những tỷ dụ này cũng chưa đủ tỏ hết sự tai hại của nó. Các ông phải kiềm chế gấp lấy Tâm ý, đừng để nó phóng túng. Kiềm chế tâm vào một chỗ thì việc gì cũng hay tốt cả. Ấy thế Tỳ kheo các ông phải cố tinh tấn để chiếc phục lấy tâm của các ông.

          Người Hành Thiền Tự Tánh biết rõ Ý thức là giả vọng chẳng những không nghe theo nó mà còn phải dành lấy quyền làm chủ của mình đã lâu nay bị nó cướp đoạt chủ quyền. Bắt mình làm nô lệ, sai sử mình phải trôi lăn nhiều kiếp trong ba cõi sáu đường. Phải dùng trí tuệ Bát Nhã thấy rõ con người thật của mình là Tánh Giác Bồ Đề bổn lai thanh tịnh, còn ý thức là hư vọng sanh diệt không có Tự thể. Biết rõ thấy rõ như vậy rồi, mình liền đứng trên vị trí Tự Tánh mà quán chiếu thì sẽ thấy bao nhiêu việc làm của ta từ trước đến nay đều là mê lầm vọng chấp, là tà kiến đảo kiến không chơn thật. Bấy giờ mình nắm lại quyền làm chủ, hằng sống với Tánh Giác, chiếc phục được Ý thức, đổi Mê ra Ngộ, chuyển Thức thành Trí, hướng dẫn nó làm các việc lành lợi ích chúng sanh.

          Như vậy Tâm thức làm chủ động tất cả sáu Căn, tam nghiệp, tùy theo sự Mê hay ngộ mà làm việc có thiện  hay ác, nên trong Kinh có câu nói về Ý thức là “ Công vi thủ, tội vi khôi ”. Nghĩa là :  Khi mê tạo tội đứng đầu, mà lúc ngộ thì lập công bậc nhất”.

          Người học Đạo cần phải nhận rõ Chơn Tâm và Vọng Tâm. Tánh Giác và Tâm Thức ra sao thì mới không lạc vào Tà Kiến. Chơn Tâm vốn thanh tịnh, nhưng vì mê chấp mà trở thành Vọng Tâm sanh diệt. Tánh Giác Bồ Đề hằng tỏ rõ, mà vì nhiễm trước trần lao, bị vô minh che lấp, nên biến thành Tâm Thức phân biệt, chứ thật sự chỉ có một tâm Chơn Như thanh tịnh mà thôi.

          Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có câu kệ :

          Bồ Đề là Tự Tánh

          Tâm động thành vọng tưởng

          Khi vọng khá tịnh lặng

          Tâm chánh không ba chướng

          Muốn tu hành làm chủ được ý căn, ý thức, thì ta phải:

          Học hỏi theo bậc Thánh nhơn

          Phải trừ Tâm Vọng mới hườn bổn nguyên

          Vọng Tâm là ý tư riêng

          Thất tình lục dục  một tên khác gì

          Thường nên kiểm soát hành vi

          Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm

          Đừng cho Vọng ý phóng tâm

          Phải nhờ Giới Luật buộc cầm khát khao

          Tuy không thấy ý chỗ nào

          Nhưng khi động tác, ý xua ra ngoài

          Nếu ai Thiền Định hoài hoài

          Ấy là ý đã bị cai trị rồi.

          Vì vậy, Hành Thiền Tự Tánh là phải Thiền trong tất cả thời, hằng sống với Tánh Giác, niệm niệm không hề xen hở thì mới chế phục được Ý căn làm chủ được Ý Thức, điều khiển được ngũ căn bên ngoài, làm tất cả việc lành lợi ích chúng sanh, không cho nó buông lung tung hoành, nghĩa là đã phá được Ngã chấp và Pháp chấp mới thể nhập được với Tự Tánh thanh tịnh của mình.

          Vì sao ta phải Hành Thiền trong tất cả thời ?  Vì Ý thức nếu buông lỏng ra thì nó sẽ làm việc trong tất cả thời, thậm chí trong giấc ngủ nó cũng làm việc theo cảnh chiêm bao. Việc làm của nó là vọng tưởng điên đảo, mưu này kế nọ, buồn vui giận ghét theo thất tình lục dục, rồi tạo nghiệp dẫy đầy để rồi phải chịu quả báo phiền não vô lượng vô biên. Nay ta đã giác ngộ rồi, quay về sống với Tự Tánh thanh tịnh, niệm niệm không rời, thì Tâm thức không còn chỗ hở để xen vào quấy nhiễu ta nữa. Như vậy gọi là Thiền tại Ý Căn, nắm quyền làm chủ trong tất cả thời.

          Trong thân người gồm có sáu Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý duyên theo sáu Trần bên ngoài là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp sanh ra sáu Thức là Nhãn thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, và Ý thức. Cộng chung là 18 giới. Do có 18 giới này mà tạo ra sơn hà đại địa, cây cỏ núi sông, người vật, chúng sanh …

          Chúng ta Hành Thiền Tự Tánh là phải nhận thức cho ra Chơn Tâm Thường Trụ của mình là Bản Thể bất sanh bất diệt, là ông chủ thường hằng thật sự của mình. Còn những pháp bên ngoài đều là Duy Tâm Sở Hiện, Duy Thức Sở Biến, do Y tha khởi rồi mê lầm Biến Kế Sở Chấp đó thôi.

          Chúng ta phải dụng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu nguyên thể của các pháp. Các pháp trên thế gian là do Thức biến hiện, mà sáu Thức sở dĩ có là do sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần mà phát sanh ra. Quán xét sáu Căn và sáu Trần đều do Ngũ uẩn duyên hợp mà thành, đến khi duyên tan cũng trả về Bản Thể Chơn Không, chứ nó không có Tự Tánh riêng. Mà cái gì cũng do duyên hợp kết thành thì nó giả huyễn vô thường, biết nó là giả huyễn vô thường thì mình không mê chấp bám víu vào nó làm chi ? Biết buông xả cái giả để trở về với cái chơn thật  của mình là biết Hành Thiền Tự Tánh vậy.

- Thiền lúc tụng kinh :  Lâu nay, phần đông những người tu Thiền không chịu tụng kinh mà có khi còn bài bác người khác tụng Kinh là Sự tướng, thấp, dở… Thật ra Kinh điển đâu có lỗi gì mà chê bai ? Kinh là miệng của Phật, còn Thiền là Tâm của Phật. Nhờ kim khẩu của Phật nói ra giáo pháp mà chúng sanh mới biết được Giáo pháp để tu hành. Nếu không có Kinh điển thì người đời lấy đâu y cứ mà tu ? Tụng Kinh giả minh Phật chi lý. Nhờ có đọc tụng Kinh điển mới hiểu rõ Chơn lý. Đức Phật thường thí dụ : Kinh như ngón tay chỉ mặt trăng, còn mặt trăng thì tượng trưng cho Chơn lý. Nếu bỏ ngón tay thì không thấy được mặt trăng, hoặc chấp nhìn vào ngón tay thì cũng không thấy được mặt trăng.

          Khi tụng Kinh cần phải tìm hiểu ý nghĩa, chứ đừng tụng suông, chỉ được phước chứ không được tuệ.

          Người Hành Thiền Tự Tánh mà tụng Kinh, có nhiều tác dụng tự lợi lợi tha, tự giác giác tha của Đại thừa Bồ Tát. Khi ngồi tụng Kinh, chúng ta cũng tọa Kiết già, thân thể ngay thẳng trang nghiêm, mắt tai miệng nhiếp vào một chỗ, tâm trụ vào câu Kinh để rà lại sự tu của mình có hợp với lời Phật dạy hay không, và để tìm nghĩa lý sáng tỏ hơn những chỗ mình chưa hiểu, đó là tự lợi tự giác, còn miệng mình đọc tụng lớn lên là để cho mọi người ngồi chung quanh cùng nghe cùng hiểu lời Phật dạy, chẳng những người sống được nghe, mà chí đến những kẻ vô hình như các vong linh quá cố, quỷ thần, chư thiên, a tu la, dược xoa… cũng đều được nghe mà phát tâm tu hành, đó là lợi tha giác tha. Một việc làm mà được lợi ích hai bên như vậy không đáng quý sao ?

 Trong lúc đứng hay ngồi tụng kinh, thân nghiệp và khẩu nghiệp được thanh tịnh, tức là Giới. Ý nghiệp không phóng tâm vọng tưởng, tức là Định. Nhờ lời Kinh câu Kệ mà Trí được sáng tỏ, thì đó là Huệ. Giới, Định Huệ đầy đủ thì đó là Hành Thiền rất miên mật rồi, còn đi kiếm Thiền ở đâu nữa ? Tuy nhiên, hành giả phải biết tùy theo sức khỏe và tuổi tác mà tụng kinh: Từ tuổi bé cho đến 30 thì tụng lớn cho nở phổi. Từ 30 đến 60 thì tụng vừa nghe để dưỡng hơi. Từ 60 trở lên thì nên tụng thầm để tích hơi. Khi tụng Kinh miệng đọc mà tai phải nghe cho rõ và trí phải hiểu nghĩa cho rõ thì mới đúng pháp Hành Thiền khi tụng kinh.

Thiền khi niệm Phật : Trong Ngũ Đình Tâm Quán, Đức Phật dạy pháp môn niệm Phật để đình chỉ vọng tâm loạn tưởng. Khi loạn tưởng hết rồi thì Niệm Phật cũng không dùng. Đó là phương pháp lấy vọng để trừ vọng. Khi Tâm đã yên lặng rồi thì khỏi Niệm Phật nữa. Cũng như lấy gai lễ gai, khi cái gai bị đạp dính trong chân đã lấy được gai ra rồi thì cái gai dùng để lễ cũng bó luôn.

          Người Hành Thiền Tự Tánh mà Niệm Phật là để xoay cái Tâm chúng sanh quay về Tâm Phật. Phật là giác ngộ, là sáng suốt. Khi ta tu, niệm một câu Phật  hiệu là tăng thêm một câu niệm giác ngộ trong lòng, là bước thêm một bước tiến gần đến cảnh giới Phật. Đến khi viên mãn giác ngộ, tức là thể nhập được vào Tự Tánh thanh tịnh, vào Pháp Thân Phật.

          Niệm Phật là Niệm Tâm, Niệm Giác, Niệm Thanh Tịnh, Niệm Phật mà đúng pháp thì thân tâm được an vui, thanh thoát, không còn phiền não khổ đau, vì đã sống được với Tánh Giác Bồ Đề bổn lai thanh tịnh của mình rồi. Miệng niệm Phật là nhắc mình phải thường nhớ chớ quên ông Phật  thật trong Tâm mình.

-Thiền tọa kiết già : Nói đến tu Thiền là phải biết ngồi Kiết già. Vì đó là cách ngồi vững chắc nhất mà Đức Phật Thích Ca đã áp dụng, còn gọi là ngồi kiểu hoa sen. Hiện nay các người tu ngoại đạo hay các nhà tập dưỡng sinh trên thế giới cũng đều công nhận và áp dụng cách ngồi Kiết già này. Hai chân ngồi tréo Kiết già, thân ngồi mới được vững vàng, không nghiêng không lệch ngồi lâu mới được, có khi ngồi suốt buổi suốt ngày hay nhiều ngày không bị cấn tê.

          Mới tập ngồi Kiết già thì hơi khó vì đau nhức tê mỏi, nhưng ráng tập đều đều mỗi ngày, trong vòng một năm thì sẽ hết đau nhức mà lại cảm thấy dễ chịu hơn ngồi bán già, vì hai chân tréo đều nhau, máu huyết và thần kinh lưu thông điều hòa. Còn ngồi bán già thì chân này gát nằm trên chân kia, nên chân bị chặn ngồi lâu bị tê mỏi nhiều hơn và không vững, dễ tuột ra khi mỏi tê. Ngồi Kiết già chẳng những được ngay ngắn vững vàng, mà còn có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Nó làm giản tất cả các khớp xương, chống sự xơ cứng, đóng vôi, mọc nhánh, xơ hóa…như khớp đốt xương sống, đốt xương chậu, khớp xương đùi, khớp đầu gối và khớp chân.

          Người Hành Thiền Tự Tánh nên tập ngồi Kiết già mới hợp pháp tu, trừ trường hợp người mập mà lùn, người bị tật chân, hoặc người nữ khi bất tịnh, thì ngồi bán già ngắn giờ hơn.

          Tọa Thiền Kiết già phải trải qua ba giai đoạn điều hòa sau đây: Điều thân, điều tức, điều tâm.

          Điều thân : Là ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, không cong, không vẹo, không nghiêng, không ngửa, không khum, không ngước, không thụng. Nếu ngồi lưng cong, lâu sẽ thành bịnh lưng gù, đau khớp xương sống, ngồi vẹo sẽ bị tức lói hông; ngồi nghiêng sẽ bị xệ một bên vai hay nhức mỏi; ngồi ngửa ểnh ra sau sẽ bị tức ngực, ngồi khum dễ bị hôn trầm ngủ gục, ngồi ngước sẽ bị nhức đầu chóng mặt, ngồi thụng sẽ bị nghẹt hơi trong dạ dày khó tiêu hóa. Trong lúc Tọa Thiền, nếu thấy có triệu chứng bất thường như nhức đầu chóng mặt, tê tê như kiến bò trên mình…thì phần lớn do thiếu Oxy ( Dưỡng khí )vì hơi thỏ ngắn và chậm, nên phải thở dài và sâu hơn mới được.

- Hai tay bắt ấn Tam Muội -  Hai chân ngồi tréo Kiết già :

- Hai mắt mở lớn ¼ , định thần, ngó ngay một điểm trước mặt cách 8 tấc-  Hai lỗ tai thu nhiếp vào Tự Tánh, không duyên theo tiếng động bên ngoài.

- Quần áo khi Tọa Thiền, phải rộng rãi thoáng hơi, tùy theo mùa tiết, không quá lạnh hay quá nực, dây lưng đừng buộc chặt quá. Khi ăn no không được ngồi Thiền vì bao tử bị xệ, nặng nề khó thở, hay bị chảy nước dãi. Cách bữa ăn hai tiếng đồng hồ mới được ngồi. Chỗ ngồi Thiền phải sạch sẽ, thoáng khí, yên tịnh, ít ruồi muỗi, kiến …

- Thức ăn của người Hành Thiền phải tránh những thức ăn cay nồng, nóng bức, chiên dầu khó tiêu cùng ngũ vị tân, không dùng cà phê, trà đậm, thuốc lá cùng những thứ có chất kích thích cơ thể, bớt dùng bột ngọt và đường hóa học vì nó làm nhức chân đau mình. Nên dùng những thức ăn dễ tiêu, nhiều rau tươi và quả chín. Khi Tọa Thiền có ra nước miếng thì nuốt vào chứ đừng nhả ra, vì đó là chất giúp ích cho sự tiêu hóa.

- Điều tức :  Là điều hòa hơi thở. Hơi thở rất quan trọng cho người Hành Thiền. Thân có an Tâm có định là do hơi thở được điều hòa. Do đó, người sơ cơ mới tập tu thì phải dùng phép quán Sổ tức trong vòng một năm để hơi thở được nhẹ nhàng, điều hòa, nhỏ nhiệm và sâu. Không thở mạnh, không thở gấp, không thở khi mau khi chậm, không thở hào hển hoặc khò khè. Hơi thở càng dài càng sâu thì mới đưa được dưỡng khí đi khắp châu thân ra tới các tế bào ngoài da, nhất là đưa tới đỉnh đầu để nuôi dưỡng những vi bào của óc, lọc sạch máu dơ, làm cho huyết mạch lưu thông điều hòa, cơ thể được khỏe mạnh, ít mệt, ít buồn ngủ, tỉnh táo, sáng suốt. Ngồi Thiền mà hay ngáp, hay buồn ngủ, hay hôn trầm, ngủ gục  vô ký, nguyên nhân phần lớn là vì trong máu có nhiều thán khí mà mình hít thở không dùng phương pháp như : thở ít, thở không đủ hơi, thở không sâu  nên thiếu dưỡng khí trong phế nang, hoặc lý do vì chỗ ngồi Thiền quá chật hẹp lại có đông người nên không khí bị vẫn đục, hoặc vì đóng kín các cửa nên không khí không  ra vào được bình thường, cần phải tìm xét kỷ nguyên do để khắc phục thì ngồi Thiền mới được thoải mái và an định được lâu.

- Chúng ta biết điều hòa hơi thở thì sẽ được mạnh khỏe sống lâu, vì hơi thở đúng pháp có nhiều dưỡng khí là một thức ăn bổ quý hơn các thức ăn khác. Những vị tu trên núi cao không ăn uống gì nhiều, chỉ hít thở thanh khí mà vẫn được khỏe mạnh hồng hào.

- Nhiếp tâm an tọa, điều hòa hơi thở cho đều khi Chánh Định thì không còn thấy có hơi thở nữa, mà chỉ còn thoi thóp thật nhẹ trong lồng ngực và bụng mà thôi. Lúc ấy, thân thể thật nhẹ nhàng an nhiên thanh thoát như không còn có thân nữa. Cái biết phân biệt cũng không còn, chỉ còn cái Trí Giác của Tự Tánh liễu liễu thường tri mà thôi, lần lần đạt tới trạng thái thân không, tâm không, cảnh không và không còn thấy có không gian, thời gian, tức là thể nhập Chơn Như Thanh Tịnh vậy.

          Các Thiền sư ngộ Đạo làm chủ được thân tâm, làm chủ được hơi thở, nên muốn sống chết lúc nào tùy ý, tự tại vô ngại, bởi vì hơi thở càng nhẹ thì quả tim đập càng chậm lại, cho đến khi hơi thở dứt thì quả tim cũng ngừng đập một cách êm ái nhẹ nhàng.

- Điều Tâm :  - Điều Hòa Nội Tâm :  Tâm đây là Tâm thức, nó hay suy nghĩ tính toán lăng xăng việc này việc nọ tối ngày không dứt: Nghĩ nhớ chuyện cũ, lo tính chuyện mới để mưu tìm sự sống hoặc tranh đua với đời, tranh danh đoạt lợi, phiền não lo âu, thất tình lục dục…Giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, bé lớn gì cũng không ai tránh khỏi tâm thức nó làm vọng tưởng đảo điên, tạo nghiệp đầy dẫy, trầm luân trong nhiều kiếp.

          Bây giờ chúng ta Hành Thiền là để chế ngự Vọng tâm không cho nó duyên theo cảnh trần tung hoành tạo nghiệp nữa. Hàng phục được nội tâm là một rất khó, nên Đức Phật nói trong kinh Pháp Cú :

          Thắng người đâu sánh thắng mình

          Chiến công tự thắng liệt oanh trên đời

          Thắng người đâu sánh thắng mình

          Thắng mình chế ngự dục tình cao siêu.

          Thiền tọa Kiết già là để nhiếp phục ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý trở về với Tự Tánh thanh tịnh. Mắt, tai, mũi, lưỡi, định vào một chỗ, tâm yên lặng mà tỉnh táo, sáng suốt, thể nhập vào Tánh Giác Bồ Đề, tỏ rõ sáng soi như như bất động, không duyên nhiễm theo cảnh trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

          Trong lúc tọa Thiền mà thân tâm được nhẹ nhàng thanh thoát, tịch tịnh mà thường chiếu, thường chiếu mà như như, không tán loạn, không hôn trầm cũng không vô ký, thì đó là giây phút thể nhập với Tự Tánh thanh tịnh.

- Thiền khi đi đứng :  Hành Thiền Tự Tánh, khi đi thì khoan thai, nhẹ nhàng, cẩn thận, không gây tiếng động, không đi đụng bàn ghế, không đi hấp tấp, không đi thụt lùi, không kéo lê giày dép nghe sột sột, không đi ưởn ẹo, không đi vắt hất hay ngó quanh ngó quất… Khi đi mà tâm vẫn an tịnh trong Tự Tánh nên dáng điệu được trang nghiêm không thô tháo.

- Khi đứng cũng giữ tư thế ngay thẳng chững chạc, không dựa bàn dựa ghế, không đứng một chân, không chống nạnh ra oai,  không lúc lắc trạo cử. Đó là Hành Thiền Tự Tánh khi đi đứng,

- Thiền lúc nằm ngồi : Hành Thiền Tự Tánh, lúc nằm thì kiết tường ngọa, nằm nghiêng bên tay mặt, không xoay trở lăn lộn, tâm an thì tâm mới an, tâm loạn thì thân mới động Ngoài ra, khi nào làm việc cơ thể quá mệt mỏi, hay đau bịnh không ngồi Kiết già được, thì nằm ngọa thiền bằng cách nằm ngửa, duỗi hai tay hai chân, hai bàn tay úp xuống giường, hai mắt mở một phần tư, hơi thở điều hòa mà sâu, buông xả tư tưởng vọng niệm, buông xả sức cử động, đầu không kê gối hay gối thấp. Ngọa Thiền như vậy trong một tiếng đồng hồ sẽ phục hồi sức khỏe hơn nằm ngủ một đêm.

Hành Thiền  khi ngồi là ngồi ngay ngắn, không dựa ngửa dựa nghiêng, không gác chân lên bàn, không chống chân trên ghế, không ngồi tréo ngoảy,  không rung đùi, không nhịp chân v.v…Khi đi đứng, lúc nằm ngồi luôn luôn an định trong Tự Tánh thanh tịnh  thì oai nghi cử chỉ rất trang nghiêm tịch tịnh, không thô tháo. Thiền phong phát ra thân tướng làm cho mọi người kính mến.

- Thiền giữa bửa ăn :

THIỀN TRONG BỮA ĂN

          Bữa ăn hằng ngày đối với mọi người thì đó là việc bình thường không có gì lạ. Hễ đói thì ăn, khát thì uống, đói thì ăn cho thiệt no, gặp món ngon thì cứ ăn cho thích khẩu chớ dại gì mà không ăn cho uổng. Nhưng đối với người tu học theo Phật pháp thì bữa ăn chính là một thời tu tập rất quan trọng và đầy đủ nhất trong các thời tu trong ngày.

          Phật chia thời khóa “ Trú dạ lục thời ”  ( ngày đêm sáu thời ) là : Tham thiền, tụng kinh, sám hối, học tập, công tác và ngọ trai, thì thời Ngọ trai là thời tu trọng yếu hơn các thời kia, vì nó gồm đủ cả Sự Lý, tâm cảnh tiếp xúc với nhau trực tiếp thì sự tu mới rốt ráo.

          Ở tại gia thế gian khi tới giờ dọn cơm lên rồi thì mạnh ai nấy ăn cho thỏa thích, ngon thì ăn nhiều, dở thì ăn ít, ngon thì khen, dở thì chê, lúc ăn thì nói chuyện cười đùa hoặc có khi cãi vã gây gỗ, buồn phiền giận tức….khiến cho đang lúc ăn mà tâm phóng đi đâu không để ý đến bửa ăn, nên ăn đại ăn đùa cho nhanh lẹ rồi đi xuống, hoặc họ ăn là muốn cho ngon miệng khoái khẩu, thỏa mãn vị dục, chớ không phải ăn vì sức khỏe, vệ sinh. Họ chỉ biết sống để ăn, chớ không biết ăn để sống. Trái lại, bửa ăn trong chùa thì hoàn toàn khác hẳn : Ăn để tu ! Nên nói: Bửa ăn là một thời tu.

- Hành Thiền Tự Tánh trong lúc thọ trai là để sống với Tự Tánh trong lúc ăn cơm, gồm đủ Giới, Định, Huệ, trang nghiêm thanh tịnh hòa hưỡn nhẹ nhàng, vén khéo sạch sẽ….

Bữa cơm trưa tại chùa :   Khi nghe ba tiếng bảng báo hiệu, tất cả đại chúng đều mặc áo chính tề, vân tập đến trai đường, chắp tay xá, ngồi vào bàn ghế sắp sẵn vị trí cho mình, mỗi người đều ngồi tréo chân kiết già hoặc bán già với tư thế Tọa Thiền, miệng đọc thầm bài kệ :

          Chánh thân đoan tọa    -  Đương nguyện chúng sanh

Tọa Bồ đề tòa -  Tâm vô sở trước..

Án phạ tất ra ha ni, bát ra ni, ấp đa da tá ha

Nghĩa là : Thẳng mình ngồi ngay – Cầu cho chúng sanh

          Ngồi tòa Bồ đề-  Lòng không nhiễm trước

          Niệm bài kệ này là để nhắc nhở mình hằng sống trong Tánh Giác Bồ Đề, không móng tâm nhiễm trước cảnh vật bên ngoài.

          Kế đó, tay giở bát lật ngửa lên rồi đọc bài kệ :

          Như Lai ứng lượng khí -  Ngã kim đắc phu triển

          Nguyện cúng nhứt thiết chúng -  Đẳng Tam luân không tịch.

          Ý nghĩa nhắc mình trụ tâm ngay vào cái bát để nhớ rằng : Bát đựng cơm của Phật chế ra, tôi nay được giở lên, nguyện cúng cho tất cả chúng sanh, cả ba vầng đều vắng lặng.

          “ Ba vầng” là : Người cúng thí, kẻ thọ thí và vật bố thí đều là Tự Thể Chơn Không vắng lặng bình đẳng, nếu không chấp có tướng người,  tướng ta , tướng vật để so đo phân biệt.

  Giở bát lên rồi, mắt nhìn vào cái bát trống không, niệm bài kệ :

          Nhược kiến không bát -  Đương nguyện chúng sanh

          Cứu cánh thanh tịnh -  Không vô phiền não.

          Nghĩa là :  Quán cái bát không mà cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được rốt ráo thanh tịnh không còn phiền não.

          Khi bới cơm vào đầy bát thì niệm bài kệ :

          Nhược kiến mãn bát-  Đương nguyện chúng sanh

          Cụ túc thạnh mãn – Nhứt thiết thiện Pháp

          Nghĩa là : Chúng ta tu pháp Đại thừa, khi làm việc gì cũng nhớ độ thoát chúng sanh, chứ không chỉ cầu cho riêng mình. Do đó, khi nhìn vào bát đầy thì phát tâm cầu cho chúng sanh đều chứa đựng đầy đủ tất cả pháp lành. Kế đó, vị thị giả cầm dùi gõ bảng ba tiếng  để cho tất cả đại chúng đều nhiếp tâm vắng lặng đặng cúng dường Tam Bảo. Mỗi người đều cầm lấy cái bát của mình để trên ba ngón tay trái, còn tay phải bắt ấn Cam lồ, đưa lên trước trán đọc bài cúng dường .

          Cúng dường Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật

          Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật

          Thiên bá ức hóa thân Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

          Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật

          Cực lạc thế giới A Di Đà Phật

          Thập phương tam thế nhứt thiết chư Phật

          Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

          Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

          Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

          Chư tôn Bồ Tát Ma Ha Tát

          Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

          Tam đức lục vị, cúng Phật cập Tăng

          Pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường

          Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh

          Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn

          Tụng xong rồi để bát xuống :

          Giải thích bài kệ cúng dường :

          Người Hành Thiền Tự Tánh, khi thọ trai phải nhớ nghĩ ngay đến Đức Tỳ Lô Xá Na là Pháp Thân thanh tịnh của Phật ở cùng khắp cả pháp giới, mà Tự Tánh thanh tịnh của chúng ta cũng ở cùng khắp cả pháp giới.

          Nhơn khi cúng dường Đức Tỳ Lô Giá Na tức là cúng dường Tự Tánh thanh tịnh của mình vậy.

- Cúng dường Viên Mãn Báo Thân Lô Giá Na là cúng dường Thân Công Đức- Trí Tuệ viên mãn của Phật. Tụng như vậy là để nhắc lại cho chúng ta nhớ phải luôn luôn cố gắng tu hành cho thật đầy đủ công đức trí tuệ của Đức Phật Lô Xá Na.

- Cúng dường Thiên Bá Ức Hóa Thân là cúng dường cho Phật Thích Ca Mâu Ni, là Thân ứng Hóa, tùy duyên, tùy loại. Tâm Phật vắng lặng, như như bất động, chỉ vì lòng Đại Bi mà ứng hóa ra trăm ngàn muôn ức thân để cứu độ chúng sanh.

          Trên đây là nói ba Thân của Phật: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Trong mỗi người chúng ta đây cũng đủ ba Thân, nên chúng ta mới hằng sống với Tánh Giác Bồ Đề thì ba Thân sẽ hiện bày.

- Cúng dường Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật là cúng dường Đức Phật vị lai, mà chúng ta đang tu đây cũng là đang thực hành công hạnh của Phật tương lai.

- Cúng dường Cực Lạc thế Giới A Di Đà Phật là Đức Phật có lòng Đại Bi vô lượng , phát ra 48 lời nguyện tạo thành thế giới Cực Lạc phương Tây để tiếp dẫn chúng sanh về An Dưỡng. Vậy chúng ta cúng dường Ngài là để phát tâm, nguyện tu hành cho được thanh tịnh để phát hiện Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ.

- Cúng dường thập phương tam thế nhứt thiết chư Phật là chư Phật trong mười phương ba đời nhiều vô lượng vô số, chúng ta đều nguyện cúng dường khắp tất cả trong bửa ăn hôm nay.

- Cúng dường Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là để nhắc nhở cho chúng ta cố gắng tu hành được Giác Ngộ, đạt được Trí Huệ thù thắng như Ngài văn Thù vậy.

- Cúng dường Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát là để noi theo hạnh nguyện rộng lớn của Ngài Phổ Hiền, ba nghiệp không mòn mỏi, niệm niệm không xen hở.

- Cúng dường Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát là để noi theo đức tánh Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.

- Sau hết là đem thức ăn này cúng dường Chư Đại Bồ Tát trong mười phương thế giới.

- Câu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật tức là nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng hằng sống với Trí Tuệ Cứu Cánh, niệm niệm không hề xen hở dù là trong một bửa ăn đi nữa.

- Tam đức là ba đức tánh quý báu của Phật : Pháp thân Đức, Bát Nhã Đức và Giải Thoát Đức.

- Giải Thoát Đức ; Tuy cúng dường rộng lớn và cùng khắp mà không có bốn tướng : Nhơn, Ngã, Chúng sanh, Thọ giả. Tam Luân Không Tịch nên Tâm không khởi chấp Nhơn, chấp Ngã, chấp Pháp, lặng lẽ tròn sáng, tức là sống với Tự Tánh, nên nói :  Bát Nhã không chấp tức Giải Thoát.

- Bát Nhã Đức : Người luôn tỉnh thức thấy rõ Thể Tánh Chơn Không mà Diệu Hữu của các Pháp, nên lúc nào cũng sáng suốt và chiếu soi các Pháp, nên nói Pháp Thân chẳng Si tức Bát Nhã và Bát Nhã không chấp tức Giải Thoát.

- Pháp Thân Đức :  Người trở về sống với Tự Tánh của mình. Tuy cúng dường mà Giải Thoát ngay trong hạnh cúng dường, nên nói :  Giải Thoát Tịch Diệt tức Pháp Thân.

Như vậy, Giải Thoát Đức là Tướng của Pháp Thân. Bát Nhã Đức là Dụng của Pháp Thân. Pháp Thân Đức là Thể của hai  Đức trên.

          Khi cúng dường phải đủ ba Thân thì mới đầy đủ công đức. Tuy nói Ba Đức mà chỉ có một Đức. Tuy nói ba Thân mà thiệt ra chỉ có một Thân.

- Lục vị :  Theo kinh Niết Bàn, Lục vị có hai nghĩa :

- Đối với thế gian :  Có sáu Vị là mặn, ngọt, cay, chua, đắng và lạt. Chúng sanh mê mờ nên nhiễm trước theo sáu vị nầy.

- Đối với Xuất thế gian : Cũng có sáu Vị : là Khổ, Lạc, Thường, Ngã, Vô Thường, Vô Ngã.

          Tụng câu này nhắc cho chúng ta nhớ :  Đối với thức ăn đừng nhiễm vào sáu thứ mùi vị của thế gian, mà phải thường nếm sáu Vị  Xuất thế gian để vui trong Pháp tu Giải Thoát  thanh tịnh.

          Câu cúng Phật cập Tăng, Pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường có nghĩa là :  Trước hết phải đem thức ăn  mình cúng Phật rồi sau mới cúng Tăng, kế đó đồng cúng cho các loài hữu tình trong Pháp giới.

- Câu Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, Thiền duyệt vi thực, Pháp hỷ sung mãn, có nghĩa là : Ngay trong bữa ăn này cầu nguyện cho mình và chúng sanh lấy sự vui trong cảnh Thiền Định làm thức ăn, và lấy sự hoan hỷ  trong Pháp tu làm no đủ.

          Kế đó, vị Duy Na gắp bảy hạt cơm để trong chung nước rồi vẽ chữ Án Lam và niệm thầm bài kệ :

          Pháp lực bất tư nghì  

          Từ bi vô chướng ngại

          Thất liệp biến thập phương

 Phổ thí châu sa giới

          Thần Kim Sí Điểu Vương

La Sát Quỷ Tử Mẫu

          Tất linh giai sung mãn

          Án Độ Lợi ích Tóa Ha ( 3 lần )

          Ý nghĩa :  Pháp lực của Phật pháp không thể nghĩ bàn

           Lòng Từ Bi không có chi chướng ngại

          Với bảy hạt cơm nầy sẽ biến đầy khắp cả mười phương

          Bố thí cho hằng hà sa số các loài

          Mẹ con quỷ Khoáng Giả và chim thần cánh vàng (chim đại bàng).   Tất cả đều được no đủ. Sự bố thí  đều khắp, không sót loài nào.

Giải thích thêm: theo thời sự ngày nay, chúng ta mới có thể hiểu được thần lực của 7 hạt cơm mà biến đầy cả pháp giới, trong Phật pháp nghe không thể  hiểu, không thể tin được. Nhưng nay ta đem con Vi rút Covid Cô Rô Na 19 ra để so sánh và chứng minh thì hiểu được câu thần chú này. Một con vi rút hóa hiện ra ngàn con vi rút khác, ngàn con vi rút khác lại hóa hiện ra ngàn ngàn, triệu triệu con lan tỏa khắp thế giới từ Đông sang Tây. Làm cho con người với nền khoa học tiên tiến nhất trên toàn thế giới đau đầu không đánh bại được con vi rút vô cùng tinh vi lợi hại này.

          Con vi rút này từ đâu xuất hiện mà làm cho cả thế giới run sợ khủng hoảng cả tinh thần lẫn vật chất làm đảo lộn cuộc sống con người như thế ? Tức nó bắt nguồn từ ý niệm của con người mà ra. Trong kinh Bát Đại Nhơn Giác Phật đã có nói về sự vô thường và hủy hoại trong thế giới con người như sau :

           “ Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã,  sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ.  Tâm thị ác nguyên, hành vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử.

          Nghĩa là : Thế gian này vô thường luôn luôn thay đổi, đất nước nguy hại, bốn đại khổ không, năm ấm  không có ngã, sanh rồi diệt thay hình đổi dạng, hư ngụy không chủ. Tâm là nguồn gốc của muôn ngàn sự tội lỗi. Quán sát như vậy lần lần xa lìa sanh tử.

          Xong rồi vị Duy Na xướng Tăng bạt  :

                    Phật chế Tỳ kheo thực tồn ngũ quán

          Tán tâm tạp thoại tín thì nan tiêu

          Đại chúng văn khánh thinh

Các các chánh niệm :

                   Nam Mô A Di Đà Phật .

          Nghĩa là : Đức Phật dạy Tăng Ni khi ăn phải quán tưởng năm điều : Nếu tán tâm mà nói chuyện xì xào thì cơm tín thí khó tiêu được. Đại chúng nghe tiếng khánh phải giữ tâm Chánh niệm, đừng cho tạp niệm. Nghĩa là : Từ lúc ngồi đến khi cúng dường thì tâm đã an trụ vào chỗ thọ trai. Nhưng Phật còn sợ chư Tăng phóng tâm ăn  nên mới nhắc nhở lại câu này để tất cả đại chúng nghe đồng thực hành.

          Kế đó tụng tiếp bài chú tiêu độc :

                   Án Tam Bạt Ra Dà Da ( 7 lần ).

          Ý nghĩa bài chú này có năng lực tẩy trừ độc tố trong thức ăn, mà cũng có ý tẩy trừ độc tố Tham, Sân, Si trong tâm mình cho sạch trước khi thọ thức ăn. Xong rồi thì hai tay bưng bát cơm đưa lên trán niệm bài kệ :

          Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh

          Thành tự pháp khí, thọ thiên nhơn cúng

          Án chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra.

          Nghĩa là :  Hai tay bưng bát cơm này,  cầu nguyện cho tất cả chúng sanh được thành tựu Bậc Pháp Khí để thọ lãnh người và trời cúng dường  ( Pháp Khí là những bậc Cao Tăng Thạc Đức có năng lực lãnh đạo đồ chúng, truyền bá Giáo Pháp trong nhơn gian ).

          Kế đó là cúng Lưu phạn. Lấy một ít cơm để ra chén nhỏ và đọc thầm bài kệ :

          Di kim sở tu chứng

          Phổ triêm ư quỷ chúng

          Thực dĩ miển cực khổ

          Xả thân sanh lạc xứ

          Bồ tát chi phước báu

          Vô tận nhược hư không

          Thí hoạch như thị quả

          Tăng trưởng vô hưu tức

          Án độ lợi ích tóa ha

          Ý nghĩa :  Nay dùng món ăn này để tu phước, rải khắp cho các chúng ngạ quỷ, ăn rồi hết cực khổ, bỏ thân sanh cõi vui an vui,  phước báu của Bồ Tát, nhiều vô tận như hư không, bố thí được quả báu như vậy, tăng trưởng không bao giờ hết.

          Kế đến là Tam Đề, là ba đề mục phải quán khi ăn ba miếng cơn lạc :

- Nguyện trừ tất cả các việc ác

- Nguyện làm tất cả các việc lành

- Nguyện độ tát cả chúng sanh

          Xong rồi bưng bát cơm ngang ngực, quán năm điều :

- Xét đến công lao nhiều ít của thí chủ và tìm hiểu thức ăn này từ đâu đem đến.

- Xét đức hạnh của mình thiếu hay đủ để thọ thực phẩm này.

- Đề phòng tâm ý tránh sự lầm lỗi, mà Tham, Sân, Si là nguồn gốc của tội lỗi.

- Xem thức ăn như một món thuốc hay để chữa lành thân thể ốm gầy.

- Vì muốn thành tựu Đạo quả mà thọ thực phẩm này.

 Trong khi ăn phải quán sát năm điều này thì không tán tâm duyên theo cảnh khác. Đó là cách quán thông thường của chư Tăng ở trong chùa. Còn khi Hành Thiền Tự Tánh là khi thọ trai phải thu hồi vọng tưởng phóng ra từ sáu Căn, đồng thời nhiếp lại một chỗ, an trụ trong Tự Tánh Thanh Tịnh của mình. Mắt và tai phải thu nhiếp lại để điều khiển sáu căn. Khi tay gắp thức ăn thì biết mình đang gắp. Khi đưa thức ăn vào miệng thì biết mình đưa nó vào miệng. Khi nhai thì biết mình đang nhai. Ngon dở, mặn lạt…đều biết rõ ràng vì mình đã chế tâm ngay vào chỗ Căn đang hoạt động.

          Cái biết của người Hành Thiền Tự Tánh là cái biết rõ ràng không khởi tâm thương ghét, không nhiễm đắm thức ăn. Bởi vì làm chủ được Ý thức nên không bị cái biết làm động tâm, nhiễm trước vào thức ăn.

          Dù ngon hay dở cũng chỉ tạm dùng đủ no đặng nuôi mạng sống để tu hành, chớ không phải vì món ăn ngon dở mà khởi tâm phiền não.

          Trong lúc thọ trai, đại chúng yên lặng để Hành Thiền. Cả sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần mà không đắm nhiễm theo trần Cảnh ( là thức ăn ) gọi là Huệ của người Hành Thiền Tự Tánh. Trong thức ăn có đủ sáu trần là màu sắc món ăn, tiếng nhai dòn khứu, mùi thơm thức ăn, vị ngọt béo, xúc chạm mềm cứng của món ăn, pháp trần của món ăn đã gợi lại trong trí ( ý thức ).

          Lúc ăn mà tâm không rối loạn, không khởi tạp niệm, không chạy theo sự phân biệt của Ý thức, an trụ tâm một chỗ lặng lẽ thanh tịnh, thì gọi đó là Định trong lúc thọ trai.

          Trong khi Hành Thiền thọ trai, nhất nhất oai nghi chỉnh tề trang nghiêm, từ tốn nhẹ nhàng, điềm đạm hòa hưỡn, vén khéo sạch sẽ, tế nhị kỹ lưỡng… Khi ăn nhai chậm rãi từ từ, nhai thật kỹ, nhuyễn, để thức ăn trộn với nước miếng tạo thành chất đề hồ bổ dưỡng cho cơ thể. Ăn vừa đủ no mà thôi, không ráng ăn quá no mà sanh bịnh. Khi thọ trai, thân chẳng thô tháo, sáu Căn chẳng buông lung theo sáu Trần là Lục vị, thì đó là Giới của người Hành Thiền thọ trai. Giới của Tự Tánh chính là diệu dụng của Tự Tánh đã hiển bày qua sáu Căn. Cho nên người Hành Thiền Tự Tánh trước phải tu Huệ, trong Huệ có Định, và cuối cùng là thể hiện ra Giới Thể của Tự Tánh ở sáu Căn.

          Thời tu trong bữa ăn khó hơn thời tu trong lúc Tụng Kinh, Tọa Thiền. Vì trong lúc Tụng Kinh hay Tọa Thiền là tránh cảnh để tu. Trái lại, thời thọ trai là xúc cảnh để tu mà giữ tâm không cho động nhiễm theo sáu trần bằng cách làm chủ sáu Căn nhiếp phục sáu Thức. Đối với bữa ăn thịnh soạn mà mình không nhiễm tức là đã tự chiến thắng được dục vọng trong tâm, để khi mình hành Bồ Tát Hạnh ở ngoài đời thì tâm mình cũng an nhiên bất động trước những cảnh danh lợi tình tiền cám dỗ. Cho nên đây là thời tu rất rốt ráo.

Sau khi ăn cơm xong đến phần uống nước, cũng niệm bài chú                           Phật quán nhứt bát thủy

                    Bát vạn tứ thiên trùng

                    Nhược bất trì thử chú

                    Như thực chúng sanh nhục

          Nghĩa là Đức Phật xem trong một bát nước, có tám vạn bốn ngàn vi trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh vậy.  Đức Phật dạy trì chú này tức để cầu nguyện cho chúng nó, thì mình mới khỏi tội sát sanh. Như vậy là để thể hiện lòng Đại Bi vô lượng của Đức Phật đối với cả loài vi trùng nhỏ nhít mà mắt thường chúng ta không thể thấy được.

          Sau khi thọ trai xong, đại chúng đồng chấp tay tụng bài kệ “ Kiết trai” như sau :

          Sở vị bố thí giả   -  Tất hoạch kỳ lợi ích

          Nhược vi nhạo bố thí – Hậu tất đắc an lạc.

          ( Sở dĩ bố thí đây  - Ắt được nhiều lợi ích

          Nếu vì vui bố thí – Sau sẽ được quả an vui )

          Ý nghĩa: Tri ân thí chủ và cầu phúc cho thí chủ nhân công đức bố thí này hưởng được nhiều phước báu cõi Nhơn Thiên.

           Sở dĩ phải áp dụng nhiều nghi thức trong lúc thọ trai là để chế ngự cái tật háu ăn hốt uống, vội vã gấp gáp, không biết kính trên nhường dưới, cử chỉ lụp chụp làm mất oai nghi. Nhờ áp dụng các nghi thức mà nhiếp phục được tâm, không nhiễm trước món ăn là Thiền, không vội vã lụp chụp là Định. Thiền Định được trong lúc ăn thì sẽ Thiền Định được khi tiếp xúc với sáu Trần bên ngoài.

          Sau khi Tụng Kinh hồi hướng xong, đại chúng đồng lên xá Tổ và đi kinh hành. Kinh hành đây là một pháp tu rất tốt về hai mặt thể xác và tinh thần .

- Thể xác : Rất hợp vệ sinh, vì ăn cơm no nên đi tản bộ vài vòng để cho tiêu hóa thức ăn.

- Tinh thần : Thọ trai là Hành Thiền trong lúc ngồi. Còn Kinh hành là Hành Thiền trong lúc đi, để tâm lúc nào cũng trụ trong Tự Tánh. Mỗi bước chân là một câu niệm Phật. Niệm niệm không xen hở là hằng sống với Phật Tánh của mình lúc đi.

          Tập kinh hành, đi quen như vậy, lâu ngày thuần thục rồi, khi đi ra ngoài, mỗi bước là một bước chân Kinh Hành Niệm Phật, tâm không phóng theo trần cảnh bên ngoài mà sanh vọng tưởng phiền não.

          Trên đây là phần nghi thức thọ trai ở chùa, còn thọ trai ở nhà thì nhẹ gọn hơn như sau:

          Khi tới giờ ăn cơm, cơm được dọn xong, mọi người trong nhà cùng đứng quanh bàn ăn, chấp tay xá ba xá rồi ngồi xuống, bới cơm ra chén, đồng chấp tay niệm thầm câu danh hiệu  Phật  “ Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”  ba lần, rồi bưng chén cơm đưa lên trán niệm thầm câu “ Nam mô cúng dường thập phương Phật, Nam mô cúng dường thập phương Pháp, Nam mô cúng dường thập phương Tăng”. Xong rồi để chén cơm xuống, dùng muỗng hay đũa ăn ba miếng cơm lạt, niệm thầm : “ Nguyện dứt bỏ các điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện độ tất cả chúng sanh”. Niệm xong rồi tất cả đều dùng cơm mà tâm an tịnh trong Thiền, không nói chuyện, không cười đùa, không khen chê ngon dở, không nhiễm trước món ăn ngon, mà phải biết nhường món ngon cho cha mẹ, anh chị mình, ăn từ tốn, nhai kỹ, không ăn lớn tiếng, không nuốt trộng, thân ngồi ngay thẳng oai nghi tề chỉnh, ăn xong đứng dậy xá rồi lui ra.

          Về phương diện ẩm thực để nuôi mạng căn, thì người Hành Thiền Tự Tánh phải biết cách ăn uống cho đúng pháp họp đạo thì cơ thể mới được khỏe mạnh. Đồ ăn cũng góp phần quan trọng để giúp mình làm chủ được thân, vì thức ăn của người tu khác với thức ăn người thế tục. Người đời thích ăn cao lương mỹ vị, thịt cá béo bổ, có nhiều kích thích tố, làm cho thân họ bị kích thích đòi hỏi, ham muốn đủ điều rồi tạo thành nghiệp Sát, Đạo, Dâm, Vọng, tánh tình nóng nảy hung dữ….

          Phật dạy người tu nên ăn chay để cho thân thể được nhẹ nhàng mát mẻ, không nhiễm những độc tố của cá thịt và thú tánh của loài vật, trong đó có tánh ngu si đần độn, tánh hung hăng háo sát và tánh dâm dục háo sắc của loài thú là nặng nhất.

          Tuy nhiên, thức ăn chay cũng có hai phần âm và dương. Thân thể của mình cũng có hai phần âm và dương, tương hợp tương khắc. Nếu chúng ta không biết dùng cho đúng cách thì sức khỏe cũng bị suy kém. Có nhiều vị xuất gia hay tại gia ăn chay thường bị bịnh hoạn yếu ớt, da mặt xanh mét, là do ăn chay không đúng pháp khiến cho nhiều người hiểu lầm là do ăn chay thiếu chất bổ nên ăn chay hay bịnh, rồi không dám ăn. Nay kể một vài điểm chánh trong việc ăn uống để người tu hành biết mà áp dụng hoặc ngăn ngừa.

          Người nào da mặt hồng hào, cặp mắt trong sáng, làm việc nhanh nhẹn, tánh tình nóng nảy là người thuộc Dương tính.

          Người nào ốm yếu hoặc béo phì mà da mặt xanh mét, cặp mắt lừ đừ, mờ đục uể oải lười biếng, không thích hoạt động, hay trầm ngâm, ưa vắng vẻ hoặc hay chán nản thì đó là người thuộc Âm tính.

          Người Dương tính thì phải dùng thức ăn Âm tính để trung hòa cơ thể thì sinh hoạt mới bình thường, trí năng mới sáng suốt, ôn hòa tươi tỉnh, nhã nhặn điềm đạm. Trái lại người Dương tính mà dùng thức ăn nhiều Dương tính thì chất Dương sẽ tăng lên nhiều quá mức bình thường, sẽ sanh ra nóng nảy, càng bướng, hay sân, đa dâm, háo sát…chẳng khác nào lửa cháy mà chế thêm dầu thì lửa càng bùng cháy lớn hơn.

          Người có Âm tính thì phải dùng thức ăn Dương tính để bổ túc phần Dương cho thân thể được mạnh khỏe vui tươi, siêng làm, ít mệt mỏi … Trái lại người Âm tính mà dùng thức ăn có nhiều Âm tính thì càng làm cho cơ thể bạc nhược suy yếu, đi đứng không vững, làm việc hay mệt, da mặt xanh xao vàng vỏ, với người nam thì hay bị di tinh, hượt tinh, còn người nữ thì hay bị bạch đới làm tiêu mất tinh huyết trong người, lần lần sẽ bị yểu tử.

          Vậy thức ăn nào thuộc về Âm hay Dương đặng áp dụng hằng ngày ?

          Món nào có tính mát lạnh, chứa nhiều nước như các loại trái cây, dưa mướp, bầu bí, các loại củ, nước đá, bún tươi, các vị ngọt, chua, mặn thuộc về chất âm.

          Món nào nóng, khô ráo, sinh nhiều nhiệt lượng như các loại ngũ cốc ( gạo, mè, đậu nành, đậu đỏ ), bí rợ, rau diếp, boa rô, ngò tây, cà rốt, xà lách son, trái táo, dâu tây, tương hột, dầu mè, đậu phụng, đậu hũ…là thuộc về chất Dương. Một kg đậu hũ hay một kg cà rốt bổ hơn một kg thịt bò, thịt heo, mà lại rẻ tiền, mau tiêu hóa hơn.

          Người làm trai soạn trong nhà bếp cần phải biết rõ những món ăn Âm và Dương trên đây đặng mỗi ngày chế biến thức ăn cho điều hòa Âm Dương thì đại chúng  mới ít bịnh hoạn ốm yếu. Trừ trường hợp cá nhân nào đau nhiều cần phải có thức ăn riêng để phù hợp với căn bịnh thì phải nấu riêng.

          Ngoài các món ăn thức uống thông thường,  hằng ngày chúng ta còn có hai  món ăn đặc biệt rất quan trọng mà vô hình, ấy là ánh sáng và không khí. Đó là nguồn sống thiên nhiên của vũ trụ.

          Nhờ có không khí mà chúng ta hít thở vào buồng phổi làm cho tim đập, mạch nhảy, gân động, máu huyết lưu thông.

          Nhờ có ánh sáng mặt trời hấp thu vào bì phu tạo thành  nhiều sinh tố làm cho da dẻ hồng hào ấm áp, huyết cầu tăng trưởng giúp cho sự tiêu hóa và bài tiết dễ dàng các chất cặn bả trong người. Ánh sáng còn trị được nhiều bịnh như: phù thủng, tê bại, và lớn tim nữa. Nếu không có ánh sáng mặt trời thì thế giới này biến thành quả đất chết, vì nó tối tăm, mịt mù, lạnh lẽ. Chẳng những loài người mà đến cây cỏ cũng không sống được. Ánh nắng mặt trời là một nguồn năng lượng vô cùng vô tận, lợi ích cho muôn loài vạn vật, cũng như Phật pháp là món ăn tinh thần vô cùng quý giá làm cho chúng sanh hết khổ dứt mê, trở về Tánh Giác Bồ Đề vĩnh viễn an vui.

{]{

BÀI KỆ HÀNH THIỀN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét