Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

ĐỊNH NGHĨA THIỀN TỰ TÁNH

 

ĐỊNH NGHĨA THIỀN TỰ TÁNH

          Thiền nói cho đủ là Thiền Na của tiếng Phạn DHYANA, có nghĩa là Định Huệ Đẳng Trì, là Tịnh lự, là Mặc chiếu ( tức là tâm vắng lặng mà trí luôn soi chiếu tỏ rõ ).

          Tự Tánh là bản thể sẵn có của mình từ xưa đến nay và muôn đời về sau không thêm không bớt, không sanh không diệt, bổn lai thanh tịnh và sáng suốt. Tuy yên lặng mà thường chiếu soi, tuy không sanh mà tùy duyên ứng dụng để lợi lạc chúng sanh.

          Điều kiện tiên quyết để cho người học pháp Thiền này là phải nhận rõ được Tự Tánh, hiểu được Bổn Tâm của mình, tức là Minh Tâm Kiến Tánh, thì sự tu mới mau có kết quả.

          Trong Kinh có câu : “ Học đạo chi nhơn bất thức bổn tâm học pháp vô ích. Nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh Trượng phu Thiên Nhơn Sư Phật Thế Tôn”.

          Nghĩa là : Người học đạo mà không biết được bổn tâm vắng lặng của mình và không thấy được tự tánh thanh tịnh của mình thì học đạo vô ích. Nếu người nào nhận rõ được bổn tâm tự tánh của mình rồi, thì người ấy chính là bực đại trượng phu, là Thầy của Trời, Người, và đó là Đức Phật Thế Tôn vậy.

          Lại có câu : “  Vô tâm xuất thế học đạo vô ích

                                 Bất minh tự tánh vấn Thiền vô ích ”.

          Nghĩa là : Người không có lòng mong muốn xuất ly thế gian thì học đạo vô ích, vì Đạo đây là Đạo Giải Thoát, mà mình thì còn luyến ái trần duyên  thì học Đạo làm chi cho mất công. Còn người muốn học Thiền mà không hiểu rõ Tự Tánh là gì thì học Thiền vô ích, vì chỉ loanh quanh ngoài cửa Đạo chứ không được vô trong nhà. Nghĩa là cần phải Kiến Tánh rồi mới Khởi Tu.

          Vậy Tự Tánh ra làm sao mà phải Minh phải Kiến ?

          Đây là bài kệ chỉ rõ hình dáng của Tự Tánh :

          Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền

          Tự tánh sẵn thanh tịnh.

          Tự tánh vốn lặng yên

          Tự tánh không sanh diệt

          Tự tánh chẳng lay động

          Tự tánh không một vật

          Tự tánh thường đầy đủ

          Tự tánh hằng chiếu soi

          Diệu dụng muôn hạnh lành

          Ứng hóa khắp mười phương.

          Người hành Thiền Tự Tánh cần phải thuộc nằm lòng bài kệ nầy và hiểu rõ ý nghĩa của từng câu, từng chữ, thì mới thâm nhập được Tự Tánh Thanh Tịnh.

 Giải nghĩa :  Tự Tánh sẵn Thanh tịnh. : Là chỉ rõ Tánh Giác Bồ Đề của chính mình xưa nay sẵn trong sạch thanh tịnh, không nhiễm không nhơ. Tự tánh là bản thể sẵn có trong muôn loài vạn pháp, ở nơi phàm không bớt, ở nơi Phật không thêm. Nó không hình tướng lại rỗng rang thanh tịnh. Chỉ trực nhận chứ không thể dùng lời nói nào diễn tả cho đúng, cũng không thể dùng sáu căn để tiếp xúc được với nó, nhưng nó lại hằng hiện hữu nơi sáu căn.

- Tự Tánh vốn lặng yên : Là Tự Tánh của mình luôn luôn yên lặng. Dù thời gian có thay đổi, cảnh vật có biến động, mà bản thể tự tánh vốn lặng lẽ, an nhiên  tịch tịnh. 

          - Tự Tánh không sanh diệt : Là các pháp trên thế gian thuộc về hình tướng hữu vi nên có sanh, trụ, dị, diệt vô thường, còn bản thể của các pháp thì vô hình vô tướng, thuộc về vô vi tuyệt đối, chơn thường chơn tịnh, nên Tự Tánh không có sanh diệt thay đổi.

          - Tự Tánh chẳng lay động :  Là Tự Tánh của mình đã vốn lặng yên, bản thể luôn Như Như bất động, thì không có hoàn cảnh nào chi phối nó được, dù cho thời gian có thay đổi, không gian có chuyển dời, nhưng Tự Tánh vẫn an nhiên bất động.

          Trong Pháp Bảo Đàn kinh có bài kệ :

          Lửa kiếp thiêu đáy biển khô khan

          Gió run núi chọi tan nát nghiến

          Ấy tịch diệt chơn thường lạc hiện

          Thế mới là thật diện Niết Bàn…

          - Tứ Tánh không một vật :  Là trong bản thể tự tánh của mình nó rỗng rang như hư không bao trùm cả pháp giới mà nó không dính mắc một vật gì cả. Sở dĩ chúng sanh bị mê lầm chấp trước nên bị Mạt na thức làm chủ, rồi chứa chất việc này việc kia làm phiền não khổ đau, chớ khi giác ngộ rồi trở về sống với tự tánh thanh tịnh thì đâu còn chấp một vật gì.

          - Tự Tánh thường đầy đủ : Là tuy tự tánh không có một vật, nhưng không phải là ngoan không, rỗng không như ngoại đạo lầm chấp, mà là cái Chơn không Tự Tánh bao hàm bản thể của muôn vật, khi vô sự thì lặng yên bất động, đến khi hữu sự thì tùy duyên ứng hiện không thiếu món chi, nên gọi là “ Chơn không mà diệu hữu ”. Cũng như trong bầu hư không trống rỗng, mắt thường chúng ta nhìn lên không thấy vật gì cả, nhưng sự thật trong không gian có đầy đủ bản thể của bảy Đại là đất, nước, gió, lửa, không, thức, giới. Khi có đủ nhơn duyên hội họp thì nó hiện ra thế giới, núi, sông , muôn loài vạn vật. Trong Tự Tánh của chúng ta khi một niệm khởi lên có đủ 5 Uẩn, mà 5 Uẩn đó là cơ cấu tạo thành muôn sự vật.

          - Tự Tánh hằng chiếu  soi :  Trong Tự Tánh của chúng ta nó trong lặng  tròn sáng mà thường chiếu, nó thấy biết hết tất cả nguyên lý của vũ trụ vạn vật, chánh kiến chánh trí, nên gọi là Tánh Giác Bồ Đề, nhưng vì từ bấy lâu nay mình bị mê lầm, chấp trước theo Mạt na thức mà chỉ thấy đảo kiến, tà kiến, nên mới trôi lăn trong sanh tử luân hồi.

          Diệu dụng muôn hạnh lành :  Là đến khi tỏ ngộ rồi, tự giành lại được quyền làm chủ thì Trí Bát Nhã thường hiện tiền, chiếu soi chúng sanh đau khổ lầm than liền tùy duyên ứng hóa diệu dụng muôn hạnh lành để cứu độ chúng sanh.

          - Ứng hóa khắp mười phương :

          Là khi đã thể nhập với Tự Tánh, làm chủ được thân tâm, tự mình giác ngộ giải thoát với chơn trí hiện tiền, nhưng đối với chúng sanh còn trầm luân khổ hải, không thể điềm nhiên tọa thị, nên khởi lòng đại bi cứu độ, phát ra Hậu Đắc Trí diệu dụng muôn hạnh lành từ nơi Tự Tánh, mà ứng hiện giáo hóa khắp mười phương ba cõi, khiến cho tất cả đều được lợi ích an vui giải thoát.

          Cũng như điện lực trong không gian, tuy vô hình vô tướng mà có sức diệu dụng vạn năng, nếu biết khai thác thì sẽ ứng dụng được muôn ngàn sự việc lợi ích cho nhân loại. Nhưng đâu phải người tầm thường nào cũng biết khai thác năng lượng của điện, mà phải là những nhà khoa học, bác học đã nhiều năm nghiên cứu tìm tòi học hỏi mới biết mà đem ra sử dụng được.

          Chúng ta cũng vậy, muốn ngộ nhập được với Tánh Giác Bồ Đề thì phải nhờ có Minh sư khai thị và phải công phu tu hành miên mật một thời gian nào đó mới Kiến Tánh Minh Tâm mà trở về sống với Tự Tánh thanh tịnh của mình và làm lợi ích cho chúng sanh.

          Tóm lại, Tự Tánh chính là Bản Lai Diện Mục, nó hằng hiện hữu nơi sáu căn, chẳng phải đợi tu mới có, đợi cầu mới chứng, chỉ vì mê tánh giác nên không thấy được Tánh Giác của mình, nó là cái hằng hiện thực sống và đầy đủ công đức, nên trong kinh Phật nói: “ Tất cả các ông đã là Phật nhưng vì mê tánh giác mà có sanh tử, có chúng sanh, chứ thật các pháp bổn lai thanh tịnh, không hề cấu nhiễm trần lao ”.

          Xưa nay, chúng ta tu mà không Ngộ Tánh, là vì sống với Tánh mà không hay, mê theo Thức mà chẳng biết nên dù có tu lâu, học nhiều, phước lớn, cũng không ra khỏi vòng chi phối của tâm thức, cho nên tu hoài mà cứ còn kẹt trong sanh tử luân hồi. Bởi Tâm thức là Vọng, dùng Vọng tu Vọng sẽ chứng Vọng.

          Trong Kinh có câu : “ Dùng tâm Luân Hồi mà tu Viên Giác thì Viên Giác cũng thành Luân Hồi ”.

          Vậy chúng ta tìm hiểu Tâm thức là gì ?

          Là tâm khi đối cảnh, cái Tâm ấy bị duyên theo cảnh, cái Thấy và Nghe không thu nhiếp lại. Ý phân biệt chạy theo Cảnh gọi là Ý thức. Nó chấp ngã gọi là Mạt Na Thức. Khi Ý căn chấp ngã Duyên theo cảnh gọi là Tâm thức, rồi mỗi hành vi cử động tiếp nối nhau dưới sự điều khiển của Tâm thức, đây là Nhân đưa đến Luân hồi sanh tử.

          - Còn Tánh giác là gì ?

          - Là Tâm khi đối cảnh,  cái tâm ấy liễu tri và lặng lẽ. Cái Thấy và cái Nghe thu nhiếp nhau. Ý không chạy theo Cảnh nên gọi là sống với Tánh Giác, nó không còn chấp ngã nên gọi là chơn tâm, là ông chủ, đối cảnh mà liễu liễu thường tri thì gọi là thể nhập với Phật tánh và mỗi hành động oai nghi đều nối tiếp nhau, ấy là diệu dụng của tự tánh. Cho nên, cũng một hành động từ sáu căn mà gọi là sống với Tâm thức. Và cũng một hành động từ sáu căn mà gọi là sống với Tánh Giác. Chúng ta sống ở trong vòng chi phối của luân hồi phải có phương pháp để thoát và phải hết sức khéo léo.

          Muốn thoát khỏi bánh xe luân hồi đang quay vùn vụt thì phải có sức mạnh của Thiền định để vượt khỏi sức hút của nghiệp thức, rồi phải có Trí Bát Nhã để soi thấu vạn pháp Giai Không mà diệu hữu, thì mới không rơi vào tâm thức khi tu hành.

          Lại còn phải có giới luật của Tự tánh để hộ thân tâm, thì sáu Căn tiếp xúc sáu Trần không bị ngoại cảnh khảo đảo chi phối, cũng như con người muốn bay ra ngoài không gian thì phi hành gia đó phải có chiếc hỏa tiễn có sức đẩy thật mạnh gấp mấy lần sức hút của trái đất, thì mới phóng được phi thuyền vượt qua khỏi bầu khí quyển của trái đất, nếu hỏa tiễn không có sức mạnh hơn sức hút của trái đất thì phi thuyền đó sẽ bị hút rơi trở lại địa cầu. Lại phải có lớp vỏ cứng chắc để bảo vệ phi thuyền khi bị đốt cháy khi cọ xát với bầu khí quyển, cùng với những máy móc tinh vi điều khiển đúng hướng đúng độ thì mới không bay lạc ra ngoài quỷ đạo.

Tóm lại, diệu dụng của pháp Thiền Tự Tánh là giúp chúng ta tu hành thoát khỏi tâm chi phối của tâm thức và nghiệp lực để đến đạo Bồ Đề Vô Thượng, rồi khởi tâm Đại bi phát ra muôn hạnh lành từ tự tánh để diệu dụng hóa độ muôn loài chúng sanh.

          Tu pháp này không phải tìm tu trong hoàn cảnh tịnh hay cảnh động mà là tu trong tất cả mọi môi trường, nhất là ngay trong cảnh phiền não tu mà thấy Bồ Đề, ngay trong sanh tử mà có Niết Bàn chứ không phải tìm đâu xa, nên trong Kinh gọi là :

          Phiền não tức Bồ Đề

          Sanh tử tức Niết Bàn

          Vọng tưởng là Chơn Như

          Chúng sanh đồng chư Phật

          Dục trừ phiền não trùng tăng binh

          Thủ hưởng chơn như tổng thị tà

          Nếu chúng ta biết trực nhận được Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền nơi chính mình, thì ngay cảnh Ta bà này là Cực Lạc Tịnh độ vậy, do đó chúng ta phải y theo Tự tánh khởi tu, toàn tu tự tánh, tự tánh mê là phiền não, tự tánh giác là Bồ đề.

                                                 Minh Chánh

{]{

ĐỊNH NGHĨA THIỀN TỰ TÁNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét