Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

HỌA VÀ PHƯỚC

 

HỌA VÀ PHƯỚC

I- Muốn bình an, muốn hạnh phúc, giàu sang, phú quý, hay tu tập v.v… đều cần phải có phước mới thành tựu được lâu bền.

Thế nào Họa và Phước. Họa là những sự việc đem lại những nỗi bất hạnh khó khăn cho con người trên hai lãnh vực : Tâm ký và vật lý, về tinh thần thì khủng hoảng lo âu, buồn phiền, thất vọng v.v…. Về vật chất nghèo túng, nợ nần, mất mát hư hao, thất bại, bịnh tật, tai nạn, v.v…

Trái lại họa là phước, là những sự việc đem lại sự hanh thông, an lạc trên hai lãnh vực thân và tâm. Về tâm lý tinh thần lạc quan, thanh thản không lo âu buồn phiền v.v... Về vật chất, thân không bệnh tật, tai họa, gia sản của cải đầy đủ sung mãn, không hư hao thất thoát, việc gì cũng thành tựu mỹ mãn, năm sau hơn năm trước, vụ sau  hơn vụ trước. Cả hai vật chất và tinh thần luôn luôn thăng tiến tràn đầy hỷ lạc.

 Dù ở trong lãnh vực nào thành tựu hay thất bại, hanh thông hay trắc trở cũng đều do Phước quyết định. Giống như chiếc xe chạy nhiều km hay ít km do xăng quyết định, hết xăng dù xe mới mua cũng phải đứng tại chỗ.

Phước không phải tự nhiên mà có, không phải ai ban cho mà tự mình tạo nên. Những gì làm cho người khác an vui hết khổ về thân hay về tâm thì được gọi là phước. Những gì làm cho người khác bất an lo âu khổ sở về tinh thần lẫn vật chất thì gọi là họa. Xét về nhân quả hễ gây ra thì tự nhận lấy không trước thì sau, không đời này thì đời khác, không xa thì gần.  Phước có thể tạo, thì họa cũng có thể thay đổi, nên chúng ta không lo sợ họa đến với ta, mà ta phải biết hóa giải, biến họa thành phước.

II- Có bốn phạm trù Phước và họa:

1/ Phước nhiều họa ít

2/ Họa ít phước nhiều

3/ Họa phước bằng nhau

4/ Họa nhiều mà không có phước

III -Có bốn nguyên lý của họa và phước:

1/ Họa phước tương sanh

2/ Trong họa có phước, trong phước có họa

3/ Họa phước tương đối (họa có rồi cũng qua, phước có cũng hết)

4/ Phước họa khôn lường  (đang giàu có trở nên trắng tay , đang nghèo khổ trở nên tỷ phú ).

VI -Thái độ đối với họa phước

a/ Khi họa hay phước đến ta nghĩ đến nhân quả. Do nhân đời trước còn lưu lại, do hành thiện nghiệp hay tạo ác nghiệp mà nay phải nhận lãnh. Biết như vậy đối với việc thiện đưa đến hạnh phúc, đủ đầy v.v... thì ta không sanh tâm tự kiêu, tự đắc, tự mãn, ngã mạn, khoe khoang kêu hãnh. Mà trái lại khiêm nhường, không tự kiêu, tự mãn, không khinh chê người khác, không tự cao tự đại. Biết thương xót những người khác, biết chia sẻ nổi khó khăn với người khác,  tuy giàu có nhưng biết tiết kiệm không phung phí, dẫn đến tổn phước hao tài, lần lần cạn phước.

Cho nên phải kiệm phước, tạo phước, tích phước. Có bốn phước là: 1/ Tự mình làm ra của cải, bằng khối óc và tay chân của chính mình.

 2/ Biết sử dụng tài sản  đúng nghĩa :  trong kinh dạy khi làm ra của cải vật chất chia làm bốn phần :a/ Một phần giữ làm vốn, b/ Một phần trích ra nuôi gia đình vợ con, c/ Một phần giữ phòng khi có việc gì bất trắc ,  d/ Một phần đem làm phước như : bố thí cúng dường v.v...

3/ Của cải làm ra không bị nợ nần.

4/ Sự nghiệp không bị lỗi lầm :  việc làm ăn chánh chính, không trốn xâu lậu thuế, không lừa gạt người khác v.v…

Phước họa đời nay là thừa hưởng phước họa đời trước còn lưu lại.   Phước hay họa có là do nghiệp duyên quá khứ và nghiệp duyên hiện tại tạo thành. Nếu ta không biết , phước đến chúng ta tự kiêu, tự đắc tự mãn, khinh người ngạo vật, thì phước sẽ dần dần mất. Phước có chúng ta không biết tích phước tạo thêm phước, trước sau phước sẽ cạn rồi hết, như xe đổ xăng chạy một lúc nếu không đỗ thêm xăng, xăng hết xe phải dừng.

Họa cũng vậy, họa cũng do nghiệp duyên đời trước cùng với nghiệp duyên đời này, kết hợp đưa ra kết quả bất như ý, chúng ta than trời trách đất, đỗ lỗi người này, giận hờn người kia, khiến cho thân tâm bất an, hoàn cảnh bế tắc càng thêm bế tắc. Cuộc đời không vui càng thêm bất an, khó khăn càng thêm khó khăn, bế tắc đi vào đường cùng.

Trong hoạn nạn ta có thể thay đổi thành lạc quan yêu đời, nếu hiểu biết về nhân quả ba đời, thì giúp chúng ta bình tâm tỉnh trí, cố gắng vươn lên trong sự thất bại. Chuyển hóa đau khổ thành an vui, thất vọng thành hy vọng, qua cơn mưa trời sẽ sáng. Bỏ việc ác làm việc lành, thay đổi tâm lý xấu ác thành tâm lý hiền thiện, thì bao nhiêu xấu ác, tai họa dần dần thay đổi từ lớn chuyển thành nhỏ, từ nặng chuyển  sang nhẹ. Ví như ly nước muối mặn, ta đổ dần dần nước ngọt vào thì ly nước muối mặn kia lần sẽ thành ly nước ngọt.

Quán chiếu về nhân quả, nhân duyên, quả báo như vậy, mọi sự mọi vật từ nhân đến quả phải trải qua duyên mới hình thình nên kết quả. Sẽ giúp chúng ta tâm bình an, không trách không oán sống lạc quan yêu đời.

]

HỌA VÀ PHƯỚC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét