Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

ĐẠI CƯƠNG PHÁP TU THIỀN TỰ TÀNH

 

ĐẠI CƯƠNG PHÁP TU THIỀN TỰ TÀNH

Mở đề : Từ xưa đến nay, Thiền là một danh từ rất hấp dẫn khiến cho hầu hết các Phật tử đều hâm mộ, thậm chí có những người ngoài đời chưa biết quy y Tam Bảo mà cũng ưa thích và tìm tòi học hỏi.

          Nhưng Thiền cũng là một danh từ mà nhiều người dễ lầm lạc hơn các pháp môn khác, nhất là mấy năm gần đây có rất nhiều phái tung ra những pháp tu Thiền, Chánh, Tà lẫn lộn, làm cho người học Đạo phải hoang mang. Có một số người vì quá nhiệt tâm hâm mộ, nghe đâu tin đó, nên bị lạc vào Tà Thiền. Kết quả đâu không thấy, chỉ thấy bịnh hoạn hay điên cuồng, làm cho một số người khác phải e dè chùn bước.

          Vậy chúng ta thử tìm xem nguồn gốc của Thiền Tông  ra sao ?  và do đâu mà có ?

          Ngược dòng thời gian cách nay 2500 năm, Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia học đạo, trong mười một năm trường đủ các pháp môn, sau cùng Ngài Tọa Thiền Đại Định dưới gốc cây Bồ Đề suốt 49 ngày đêm như như bất động, chiến thắng được nội ma, ngoại chướng, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh nên chứng quả Bồ Đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

          Sau khi thành đạo Đức Phật đã Chuyển Pháp Luân giáo hóa khắp nơi. Đến khi gần nhập Niết Bàn, thì Đức Phật trao Chánh Pháp Nhãn Tạng bằng pháp “ Thiền Trực chỉ” cho Ngài Ma Ha Ca Diếp. Từ đó về sau, Tổ Tổ tương truyền, Sư Sư tương ấn, từ đời này qua đời khác, từ nước này sang nước kia. Cho đến ngày nay, truyền thống Thiền tông vẫn còn lưu thông hưng thịnh trên thế giới, mà dân tộc Việt Nam chúng ta cũng hân hạnh được hấp thụ phần nào  giáo pháp  sâu mầu của Đức Phật. Như đoạn trước đã nói, trên thế giới ngày nay đã xuất hiện rất nhiều loại Thiền làm hoa mắt những người học đạo, không biết đâu mà chọn lọc cho đúng. Và ngoại đạo tà giáo thấy quần chúng ham thích tu Thiền, nên lạm dụng danh từ Thiền để lôi cuốn những người nhẹ dạ dễ tin.

          Tính chung gồm các loại Thiền như sau :

1/ Phàm phu Thiền- 2/ Ngoại đạo Thiền – 3/  Phật Thiền .

( Phật Thiền chia làm ba bực : Tiểu thừa Thiền, Đại thừa Thiền và Tối Thượng thừa Thiền ).

PHÀM PHU THIỀN :

          Những người ngoài đời chấp thân này là thật, tâm là thật, cảnh vật là thật, rồi ham thích sống trong cõi này để hưởng thụ ngũ dục sung sướng ( sống lâu, mạnh khỏe v.v... ) nên tìm học những pháp Thiền đáp ứng được nhu cầu sở nguyện của họ như : Thiền Dưỡng sinh, Thiền Yoga, Thiền Thái cực, Thiền nội công, Thiền cội nguồn, Thiền nhân điện v.v. .. Các pháp môn này có thể làm cho họ được mạnh khỏe, sống lâu, nhưng tam độc tham, sân , si, thập ác, bát tà vẫn còn, nên càng mạnh khỏe thì lòng tham dục càng tăng, càng sống lâu thì sự nghiệp càng lắm, quả báo càng nhiều, khổ não càng thêm , chứ không được an lạc giải thoát, nên gọi là phàm phu Thiền.

NGOẠI ĐẠO THIỀN :

          Là những pháp tu của ngoại đạo tà giáo, tu tập cho có thần thông biến hóa, pháp thuật, tiên tri hay trường xuân bất lão v.v…Thí dụ như : Tiên Thiền, Thần Thiền, Quỷ Thiền, Thiêng Liêng Thiền v.v…

          Tiên Thiền : Gồm có ba loại : Địa Tiên Thiền, Thiên Tiên Thiền và Thiền Tiên Tứ Thiền Bất Định.

          _ Địa Tiên Thiền :  Những người còn chấp ngã, nhưng vì ngán ngẫm cuộc đời này phồn hoa ô trược nên vào trong núi sâu rừng thẳm tu luyện, hút khí trời cho được trường xuân bất lão, luyện phép thần thông, nói thiên cơ, chế thuốc linh đơn để cứu nhân độ thế, hoặc ngâm thơ vịnh phú sống an nhàn ngoài vòng thế sự. Tuy có an nhàn nhưng mãn số cũng vẫn phải luân hồi, vì còn chấp ngã, chấp pháp là thật có và thường còn.

          - Thiên Tiên Thiền : Tu pháp này thường nhịn ăn, khổ hạnh, bế lục căn, dứt lục trần, hành Thiền theo tứ thời Tý, Ngọ Mẹo, Dậu, trường trai, tịnh dục, bá nhựt trúc cơ, hành thập thiện v.v... để sau khi mạng chung được thành Tiên sanh về cõi Trời lục dục, hưởng phước trên Thiên đường.

          - Thiền Tiên Tứ Thiền Bất Định :  Người tu pháp này mặc dầu sức Định rất sâu, được sanh về cõi Trời Sắc giới và Vô sắc giới, nhưng vì Kiến hoặc và Tư hoặc vi tế vẫn còn, nên khi hưởng hết phước rồi cũng phải luân hồi trở lại trong ba cõi, hoặc hành Thiền Diệt Tưởng Định, ngồi trơ trơ như cây khô đá cứng hàng trăm hàng ngàn năm, nhưng cũng không giải thoát được vì còn vi tế niệm.

          Thần Thiền :  Hạng người này cũng tinh tấn tu hành đắc định, nhưng vì không giữ giới, còn ăn thịt uống rượu, nên tuy có thần thông nhưng không được giải thoát, sau khi họ mạng chung thì họ được thành Thần ( như A Tu La, Dược Doa v.v…) Họ đi lại trong không gian hưởng đồ cúng tế, nếu là Thiện Thần thì ủng hộ người hiền lương, còn là Ác Thần thì hay đi bắt phá người ta, ủng hộ kẻ ác.

          Quỷ Thiền :  Hạng người tu tập theo pháp thuật của tà ma quỷ quái, như luyện thai bào, luyện thiên linh cái, sái đậu thành binh, vẽ bùa nuôi ngải để hại người, họ cũng công phu tu luyện lắm, nhưng với tâm địa tham lam ác độc nên gọi là Quỷ Thiền.

          - Thiên Ma Thiền  :  Hạng người này cũng có công hành Thiền được thần thông vô ngại, nhưng còn ham mê dâm dục nên không được giải thoát, nếu tu cao chỉ thành thiên ma ở cõi Trời Dục giới, tu thấp chỉ thành ma dân, thấp hơn nữa thành ma nữ.

          -Thiêng Liêng Thiền : Hạng này hành Thiền vào lúc đêm khuya thanh vắng để cầu tiếp điển khí thiêng liêng của bề trên đưa xuống, để khai quang điểm nhãn cho họ, hoặc thiêng liêng nhập vào xác họ tự xưng là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân,  hay Đức Tôn Sư, hay Bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, Đức Phật Mẫu, Đức Di Lặc, Đức Quan Âm v.v… để giảng kinh nói pháp cho người nghe. Danh từ thiêng liêng rất trừu tượng, vì không ai biết chắc điển linh nhập vào đó là ai, vì tà ma quỷ quái cũng có thể nhập vào tự xưng ông nầy bà nọ, nếu mình quá tin vào thiêng liêng bên ngoài, sẽ bị họ gạt và dẫn dắt mình vào đường tà làm việc phi pháp để bị sa đọa.

          - Thiền Xuất Hồn : Hạng người này nhận biết thân tứ đại là vô thường, là bất tịnh, vô ngã hư giả, ngoài thân này còn có một linh hồn bất diệt, cái linh hồn là cái có cảm nghĩ hiểu biết, mà cái hình tướng vô hình của linh hồn nó nhẹ và trông như làn sương hơi khói, họ dùng phương pháp soi hồn và chuyển luân xa để tập trung thần hồn lên đỉnh đầu rồi mở Huyền Quang Khiếu để đưa thần hồn ra khỏi xác, hoặc bay lên hư không đi dạo chơi nơi nầy nơi nọ, hoặc bay lên cảnh tiên, cảnh trời để tầm Sư học Đạo, hoặc lên chầu Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế để được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong cho chức nọ chức kia v.v…họ gọi phái nầy là phái Thiền Xuất Hồn, hay có tên là pháp Vô Vi chuyên uống nước nhịn ăn để luyện Thánh thai, sau này sẽ được về cõi Trời. Nhưng thực phái này tuy nói không chấp thân là Sắc uẩn, mà vẫn chấp chặt bốn uẩn kia là Thọ, Tưởng, Hành, Thức thành ra cái linh hồn, thì đó cũng là cái Ngã tướng ở ngoài Sắc thân. Họ vẫn còn vọng tưởng điên đảo, ham muốn cảnh này cảnh kia v.v…Phần đông, người tu theo pháp này thường bị bịnh, nếu nhẹ thì nhức đầu mất ngủ, nặng thì điên loạn mê cuồng, vì họ vận dụng hỏa khí xông lên đầu căng thẳng quá làm rối loạn các dây thần kinh trong óc.

          - Thiền Pha Kia ( Phù Thủy )  : Lối Thiền này của các ông Phù Thủy, lối tu này rất lạ lùng, hành hạ xác thân đến mức cùng cực, như ở trần phơi mình giữa nắng, hay trầm mình dưới nước, nhịn ăn nhịn thở, trồng chuối ngược, ngồi trên bàn chông, nuốt lửa, nhai miểng chai, giả chết trong mấy mươi ngày v.v…làm như vậy dạng biểu diễn cho người ta xem để được tiếng khen và lợi dưỡng v.v...

           Ngoài ra, còn hạng người tuy quy y hay xuất gia tu Phật mà không y theo lời Phật dạy, lại vọng cầu mong Phật ở đâu bên ngoài ban cho cái gì để đắc đạo, không chịu quán lại tâm mình, tìm lại Phật tánh của chính mình, thì hạng người này cũng bị Phật quở là ngoại đạo.

          Trên đây là kể sơ lược một vài phái Thiền của ngoại đạo và phàm phu, chứ thật ra trên thế gian này có rất nhiều phái ngoại đạo mượn danh từ Thiền để lừa mị người ta, một khi đã lỡ tin theo họ rồi thì khó quay đầu trở lại lắm. Do đó phải cẩn thận khi chọn pháp môn tu. Sở dĩ phải nói rõ về Thiền của phàm phu và ngoại đạo để cho Phật tử nhận thức đúng đắn các pháp Thiền của Phật và ngoại đạo khác nhau thế nào đặng khỏi lầm lạc, cùng như trước khi muốn biết vàng thiệt như thế nào thì phải hiểu rõ vàng giả hình sắc ra sao thì mới nhận diện  đúng được, chớ không có ý chỉ trích hay chê bai  pháp tu của người khác.

          Phật Thiền : Thiền của đạo Phật chia làm ba bực : Tiểu Thừa Thiền, Đại Thừa Thiền và Tối Thượng Thừa Thiền.

          Tiểu Thừa Thiền :  Là pháp tu cho những người có chí cầu giải thoát mà tâm thích trầm lặng yên tĩnh, ưa nơi vắng vẻ để tu sửa cho thân tâm được thanh tịnh v.v… Như Tu Pháp Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo,  Thập Nhị Nhân Duyên v.v... để phá trừ Ngã chấp, Kiến chấp. Đây cũng gọi là Thiền Đối Trị, cũng như người đau tùy bịnh mà uống thuốc cho hết, mạnh rồi thì thôi. Cũng gọi Thiền trong cảnh Tịnh, vì tu pháp môn này thường tránh cảnh đông người, xa nơi ồn ào để dễ bề tu tập, khi đắc quả rồi thì dứt phiền não chướng, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Quả vị pháp tu này là các bậc Thánh: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A Na Hàm, A la hán, Bích chi Phật, an trụ trong cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh.

- Đại Thừa Thiền :  Pháp tu này để cho những người có căn cơ cao, thích hoạt động, có lòng từ bi thương xót chúng sanh, thường lăn lộn trong cảnh đời, chung sống trong xã hội mà tâm hồn luôn luôn an tịnh: “ Cư trần bất nhiễm trần” là hạnh nguyên của Bồ Tát.

          Pháp tu của Thiền Đại Thừa là dùng trí Bát Nhã quán chiếu các pháp Ngũ uẩn Giai Không, là hư huyễn mộng ảo, phá trừ được Pháp chấp và Tứ tướng, dứt được Vô minh hoặc chướng và Trần sa hoặc chướng,  phổ độ chúng sanh đồng thành Phật đạo.

          Phương pháp hành Thiền này là y vào các kinh Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác v.v…mà quán Tứ cú kệ, Nhứt tâm tam quán, Lục độ, Thập độ v.v…không chấp nhị biên, không thiên vô hữu.

          Hành Thiền pháp Đại Thừa là Định trong cảnh Động, lấy cảnh trần lao làm môi trường để tu hành và hóa độ chúng sanh. Chỗ giải thoát của hàng Đại Thừa Thiền là Vô trụ xứ Niết Bàn, lên đến Thập địa Bồ Tát thì phá được một phần Vô minh, chứng được một phần Pháp thân, cho đến khi viên mãn thành bực Diệu Giác tức Phật.

          Tối Thượng Thừa Thiền : Là pháp tu đặc biệt dành cho hàng thượng căn thượng trí, khỏi dùng phương tiện, giáo ngoại biệt truyền, không dùng văn tự dài dòng mà “ Trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật” ( chỉ thẳng nơi tâm người, thấy tánh thành Phật ).

          Người đại trí không cần giảng dạy nhiều, chỉ cần nói qua một câu, một bài kệ, hoặc một cử chỉ, một hành động làm khai thị được tánh giác của họ thì họ tỏ ngộ ngay, bao nhiêu nghiệp hoặc, phiền não, chấp trước lâu đời, nay chỉ trong một phút là tiêu tan hết, tâm quang sáng suốt, định tánh hiển bày, cũng như khi mây tan gió tạnh thì ánh mặt trời chiếu sáng giữa hư không.

          Pháp môn này còn có tên như : Thiền Đốn Ngộ, Thiền Như Lai, Thiền Tự Tánh, hay Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền.

          Ngoài năm loại Thiền là Phàm phu Thiền,  Tiểu Thừa, Đại Thừa và Tối Thượng Thừa Thiền, còn có loại Thiền Tham công án, Thiền Quán thoại đầu, do chư Tổ sau này sáng lập ra, để chỉ cho hàng môn đệ nhứt tâm chuyên chú vào một câu thoại đầu để tâm không tán loạn, cho đến khi nào trực ngộ được bản tâm là đắc pháp. Pháp tu này chỉ thích hợp với số người  có căn cơ như vậy mà thôi, nên nơi đây không đề cập đến nhiều.

          Mục đích của bài này là giới thiệu cùng quý vị pháp tu Thiền Tự Tánh, mà nói cho đủ là Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, là pháp tu thẳng tắt Nhứt thừa đốn giáo, là lối tu Thiền sống động trong tất cả các thời, không chia thời khóa, không phân biệt tăng tục, nam nữ, già trẻ …

( Thích Minh Chánh  )

{]{

ĐẠI CƯƠNG PHÁP TU THIỀN TỰ TÀNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét