Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

THÂN VÀ TÂM

 

THÂN VÀ TÂM

          Cơ thể con người có hai phần, phần thân và phần tâm, hay là phần vật chất và phần tinh thần. Phần thân tức phần thể xác thì dễ nhận thấy còn phần tâm thuộc về tinh thần khó thấy. Cơ thể con người giống như một dòng sông; dòng sông giống như con sông , còn dòng nước giống như tâm. Nước sông trong sạch thì dòng sông có giá trị; nước sông đục thì dòng sông không dùng được.

          Tâm ta rất khó thấy, nhưng nó rất lợi hại. Bởi tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác, nếu tâm ô nhiễm nói hay hành động thì khổ não sẽ theo như bánh xe theo chân con vật kéo.  Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác, nếu với tâm thanh tịnh nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình  (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song yếu).  Ví như hồ nước rất đẹp, nhưng nước trong hồ bẩn đục thì không thể dùng vào đâu được, cũng vậy thân ta có đẹp như nàng tiên hay như hoa hậu, nhưng tâm lý bị khuấy động ô nhiễm, thì cái đẹp của thân có nghĩa lý gì đâu ? Tâm trong sạch thì thân mới có giá trị.

          Đức Phật dạy cho ta một phương pháp huấn luyện tâm thù thắng và cụ thể rõ ràng. Ví như một cây sắt nhọn, đặt nằm ngang, chúng ta đặt bàn tay lên trên thì không sao. Nếu đặt cây sắt nhọn theo chiều đứng, đặt bàn tay lên sẽ đâm thủng bàn tay. Cũng như vậy, nếu ta có được gươm trí tuệ nhọn bén, nó sẽ đâm thủng màn vô minh, thấy được Niết bàn giải thoát. Dù là cư sĩ tại gia hay xuất gia nếu đặt tâm không đúng chỗ thì sẽ không đạt được chánh pháp tối thượng.

          Đức Phật ví dụ như một hồ nước đục, thì đứng trên bờ không thể thấy cá, cua, tôm , đá san hô .. ở dưới nước, cũng như người không rèn luyện tâm trong sáng, không trau dồi thân khẩu ý trong sạch, sẽ không có lợi ích cho mình và người khác, không thấy được chánh pháp, không chứng đắc an lạc.  Ngược lại như hồ nước trong, ta sẽ thấy mọi vật trong hồ nước. Cũng thế người tu tập gột rửa các cấu uế  trong thân tâm, trau dồi thân tâm thanh tịnh, trong sáng thì sẽ đạt được an lạc cho mình và người khác, chứng được đạo quả.

          Từ đó chúng ta thấy Phật dạy phải xem nhẹ phần thân, phải luôn chú trọng phần tâm của chúng ta. Bởi tâm sẽ làm cho con người hoàn thiện, đẹp đẽ và mọi người yêu mến. vì vạn pháp do tâm tạo.  Do đó chúng ta phải thường xuyên theo dõi tâm, không để tâm phóng túng, buông lung. Không để cho tâm ác ngăn chận tâm thiện phát khởi.

          Có năm điều làm cho tâm luôn cấu uế, mê muội, không nhận thức được, không phân biệt được đúng sai, thiện ác, như một màng lưới bao trùm không thể thoát được. Đó là năm triền cái kết thành màng lưới trói buộc thân tâm chúng ta.

          1/ Tham dục : Những mong cầu dục lạc qua năm giác quan, như sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục.

          2/  Sân hận : Tâm tức giận đối với mọi hoàn cảnh không vừa ý hay do người khác làm trái ý mình.

          3/ Hôn trầm – Thụy miên :  Sự mệt mỏi của thân và sự rã rời của tâm. Hay nói cách khác là sự nặng nề của cơ thể và mơ màng tâm thức.

          4/ Trạo cử - hối quá : Thân không yên ổn tâm lăng xăng.

          5/ Nghi ngờ”: Trạng thái do dự, không nhất quyết nhận ra điều nào đúng sai. Nghĩa là trong tâm còn thắc mắc về khả năng tu tập của mình hoặc nghi ngờ các pháp học pháp hành, không biết mình tu như thế có đúng không ?

          Vì thế, khi tâm thiện phát khởi lên thì thực hiện ngay, không để cho tâm ác ngăn cản, sinh ra tâm do dự. Thì phước đức sẽ rất lớn. Tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào tâm thanh tịnh hay không. Do đó người tu tập phải luôn quán sát tâm, gột rửa tâm, thấy đúng, nghỉ đúng, làm đúng, nói đúng, để dòng nước tâm thức thanh tịnh mãi mãi trong xanh, để tâm từ bi, trí tuệ ngày càng thêm lớn ./.

{]{

THÂN VÀ TÂM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét