Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

HAI LỐI SỐNG

 

HAI LỐI SỐNG

          Trong kinh Phật nêu ra có hai lối sống : Lối sống thuận theo  vô minh, theo dòng thế tục,  và lối sống ngược dòng thế tục đưa đến giác ngộ giải thoát. Tức là lối sống của người tỉnh thức, người có duyên gặp Phật pháp biết chuyển hóa tâm lý, là nếp sống của những người chuyên tâm hành trì lời Phật dạy. Lối sống thứ hai là lối sống thuận theo dòng đời, xuôi theo ngũ dục lạc. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của lẽ sống sáng suốt thoát ly khổ đau ngay trong đời này và đời sau. Lối sống giác ngộ tỉnh thức , giải thoát và lối sống mê muội, khổ đau và trầm luân.

          Theo lời Phật dạy cho chúng ta biết rằng, con người sinh ra ở đời nếu không có duyên may được gặp Phật pháp thì hầu như chỉ có duy nhất một lối sống để theo đuổi, không có sự lựa chọn nào khác. Đó là lối sống theo tập quán thường tình của thế gian, tìm cầu các khoái cảm giác quan, yêu thích cái này, ghét bỏ cái kia, tìm kiếm lạc thọ, lẫn tránh khổ xúc, vùng vẫy trong thế giới có-không, hơn-thua, được-mất, vui-buồn của đời người cho đến hơi thở cuối cùng. Bản chất giới hạn và bất toàn của hiện hữu khiến con người luôn cảm thấy thiếu thốn và khao khát, cố tìm kiếm sự thỏa mãn trong mọi giới hạn của cuộc đời; nhưng càng nổ lực tìm kiếm thì cảm giác thiếu thốn và khao khát càng gia tăng, vì lòng tham của con người là không biên giới. Chữ Dục trong Hán tự gồm có bộ cốc và bộ khiếm, cốc nghĩa là cái hang, khiếm nghĩa là thiếu. Nghĩa là một cái hang đổ vào không bao giờ thấy đầy. Trong Kinh Pháp Cú nói rằng, người mê say tìm cầu các dục lạc thế gian, nhưng lòng tham muốn chưa thỏa mãn thì đã bị cái chết chinh phục rồi. Nói cách khác, sự đời không làm thỏa mãn lòng ham muốn của con người càng chạy theo tập quán tham dục thì bị ái dục trói buộc và sẽ chết với tâm thức khao khát dục, tiếp tục tìm kiếm sự thỏa mãn trong các cảnh giới sinh, bị dục ái và hữu ái giam cầm vĩnh viễn trong thế giới luân hồi sanh tử.

          Kinh Pháp Cú dạy rằng :

          Ai sống trong đời này,

          Bị ái dục buộc ràng;

          Sầu khổ sẽ tăng trưởng

          Như cỏ bị gặp mưa

          Người bị ái buộc ràng

          Vùng vẫy và hoảng sợ

          Như thỏ bị sa lưới

          Chúng sanh ái trói buộc

          Chịu khổ đau dài dài.

          Với mục đích khai thị cho nhân loại về sự thật khổ đau và con đường đi ra khỏi khổ đau. Đức Phật nêu ra hai lối sống để cho mọi người chiêm nghiệm và chọn lựa. Thứ nhất là lối sống thiếu hiểu biết, thiếu tu tập, tự mời gọi khổ đau và thứ hai là lẽ sống sáng suốt, có tu tập, đi ra khỏi khổ đau.

          Lối sống thứ nhất là lối sống thường tình giữa thế gian, kinh Phật gọi là phi Thánh cầu, tức là tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm, biểu lộ qua lối sống mê say tham cầu các lạc thú thế gian, tìm cầu danh lợi trần thế, không phòng hộ các căn môn, không chánh niệm tỉnh giác trong đời sống xúc chạm hằng ngày, tâm tư rơi vào thuận ứng ( ham thích ) và nghịch ứng ( ghét bỏ ), chạy theo các cảm thọ, dung dưỡng thói quen tham ái và chấp thủ, hướng đến sanh hữu, tiếp tục tạo ra sanh, già, bệnh,chết, sầu, bi khổ, ưu, não.

          Lối sống thứ hai là lẽ sống giác ngộ, gọi là Thánh cầu, nghĩa là tự mình bị sanh, sau khi chết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi chết rõ biết sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi chết biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình ô nhiễm, sau khi biết rõ suy nguy hại của bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, được thể hiện qua nếp sống có tu tập, thường xuyên nhiếp hộ các căn môn, chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hằng ngày, tâm tư không rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, không chạy theo các cảm thọ, không nuôi lớn tham ái và chấp thủ, không hướng đến sanh hữu, chấm dứt sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não trong tương lai.

          Lối sống thứ nhất tiêu biểu cho đời sống của những người chưa có cơ duyên học tập Phật pháp, không biết thế nào là sự nguy hại của các dục và sự lợi ích của sự xuất ly các dục, không biết cách diệt trừ ác pháp và thành tựu thiện pháp, không có Giới-Định-Tuệ, sống theo tập quán tham ái và chấp thủ, chạy theo các cảm thọ, thường xuyên rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, tâm tư ô nhiễm, bị thuận duyên giữa cuộc đời làm cho mê say và bị nghịch cảnh làm cho sầu muộn, gọi là thân không tu tập và tâm không tu tập.

          Lối sống thứ hai đại diện cho lẽ sống sáng suốt của những người chuyên tâm hành trì  theo lời Phật dạy, thấy rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly các dục, hiểu rõ sự nguy hại của ác pháp và lợi ích của thiện pháp, nổ lực tâm tu tập Giới-Định-Huệ, thực thi nếp sống phòng hộ các căn môn, nhiếp phục tâm tham ái và chấp thủ, giác tỉnh về các cảm thọ, không để cho mình rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, tâm tư không ô nhiễm, không còn bị các đối tượng hấp dẫn làm cho mê say hay các đối tượng không thích ý làm cho phiền muộn, thể hiện tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong cuộc đời, gọi là có thân tu tập và tâm tu tập.

          Nhìn chung, sự thiếu hiểu biết về hiện hữu và bản chất khổ đau của sự kiện hiện hữu khiến cho con người thành ra mê lầm, không thấy rõ khổ đau, rơi vào ái luyến khổ đau, mê chấp khổ đau, tự mời gọi khổ đau, tiếp tục tìm cầu khổ đau, không biết đến con đường đi ra khỏi khổ đau. Hiện hữu ( thế giới ngũ uẩn, cảnh giới tái sanh luân hồi), chịu sự sanh diệt ( sanh, già, bệnh, chết ), biến hoại, khổ đau, là thế giới bất an, bất toàn, bất toại nguyện, không phải là nơi chốn để cho con người tìm kiếm hạnh phúc. Thiếu hiểu biết mà rơi vào thích thú hiện hữu, tìm kiếm sự thỏa mãn trong hiện hữu, chấp nhận hiện hữu là hạnh phúc tức là tự mời gọi khổ đau, bởi bản chất của hiện hữu là giới hạn, biến hoại, khổ đau, không an toàn, không toại nguyện. Đó là thái độ hiểu biết của những người chưa có cơ duyên học nghe lời Phật dạy, chỉ thấy vị ngọt của hiện hữu, không thấy được sự nguy hiểm của hiện hữu, rơi vào mê say tham đắm hiện hữu, tiếp tục mời gọi khổ đau ở trong hiện hữu, gọi là tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.

          Trái lại, người có nhân duyên được nghe lời Phật dạy, hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly hiện hữu thì không còn mê đắm hiện hữu, không còn cố công tìm kiếm sự thỏa mãn ở trong hiện hữu, không hân hoan, không chấp trước hiện hữu, chỉ xem hiện hữu là cơ duyên cho sự nỗ lực giải thoát khổ đau. Người đó ý thức rõ sự kiện được làm người là cơ duyên may mắn nhưng còn may mắn hơn là nhân duyên được nghe Phật pháp, vì chỉ có pháp Phật mới giúp cho con người thoát khỏi mọi mê lầm khổ đau. Vị ấy quyết tâm sống theo lời phật dạy, không tìm cầu dục lạc, dầu là lạc chư Thiên, chỉ ưa thích ái diệt, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chấp trì Bát Thánh đạo, thực thi nếp sống Giới-Định-Huệ, nỗ lực nuôi dưỡng giới đức, làm trong sạch tâm thức và phát triển trí huệ hướng đến giác ngộ, thể hiện nếp sống giải thoát trong đời sống xúc chạm hàng ngày, gọi là thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

( Trích : Nếp sống trí tuệ của người con Phật – Nguyên Oanh- VHPG-15-4-2019- số 319.)

{]{

HAI LỐI SỐNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét