Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

TẬP ĐẾ TRONG TỨ ĐẾ

TẬP ĐẾ TRONG TỨ ĐẾ

           Tứ Đế hay gọi là Tứ Thánh đế. Tứ là bốn, Đế là sự thật, 4 sự thật ở đời. Sao gọi là Thánh đế, vì 4 sự thật này do bậc Thánh khám phá ra, phát hiện ra (Thánh đây chỉ cho bậc giác ngộ tức Đức Phật). Và những ai tu tập thực hành theo Tứ đế này đều chứng đạt đến bậc Thánh ra khỏi thân phận phàm phu, nên gọi là Thánh đế.

          Sau khi thành đạo, bài pháp đầu tiên Phật giảng dạy cho 5 anh em Kiều Trần Như là bài pháp Tứ diệu đế này. Tứ đế gồm có : Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Tức Khổ do Tập gây nên. Đạo có thành do Diệt. Tập là Nhân, Khổ là quả.  Diệt là nhân, Đạo là quả.  Ví như bác sĩ muốn trị con bệnh nếu không biết nguyên nhân gây ra bệnh, thì dù bác sĩ có giỏi mấy cũng không điều trị được bệnh. Cũng vậy, người bị phiền muộn lo âu, sợ hãi và đau khổ nhưng không biết lý do tại sao mình bị như vậy thì người ấy không thể nào dẹp bỏ chúng được. 

Trong kinh nói có 4 hạng người : 1/ Người có cấu uế nhưng không thật biết – 2/ Người có cấu uế  và như thật biết -3/ Người không có cấu uế, nhưng không thật biết- 4/ Người không có cấu uế và như thật biết.

Giữa bốn hạng người này, Tôn giả Xá Lợi Phất cho biết : hạng người thứ hai và hạng người thứ tư là thù thắng, vì nhờ biết mình có cấu uế hoặc không có cấu uế nên nỗ lực tu tập để đoạn trừ các cấu uế. (tham, sân, si), hoặc để gìn giữ sự không cấu uế. Hai hạng còn lại là hai hạng hạ liệt, vì không biết mình có cấu uế hay không có cấu uế, nên họ không thể tu tập đoạn trừ các cấu uế, hoặc để phát huy cái tốt đang có.

Tập đế là chân lý thứ hai trong bốn chân lý, trình bày về nguyên nhân làm cho chúng ta bị đau khổ, đã được Đức Phật khám phá và truyền dạy cho tứ chúng của Ngài nói riêng và chư thiên cùng nhân loại nói chung, biết để thực hành theo, nhằm mục đích đoạn trừ khổ đau do chấp thủ đối với năm uẩn bởi sự chi phối của phiền não tham, sân, si và đạt được giải thoát.

          Do vậy, việc trình bày khái quát về nguyên nhân sanh đau khổ (tập đế) để mọi người hiểu biết và tìm ra phương pháp giải quyết thích hợp nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình, người thân, bạn bè và rộng hơn nữa cho tất cả mọi người, là điều cần thiết.

1- Định nghĩa : Theo Kinh Trung Bộ : Theo Phân biệt Tâm kinh, tập đế hay khổ tập thánh đế được định nghĩa; “ Này chư hiền, thế nào là khổ tập Thánh đế?  Sự tham ái đưa đến tái sanh,  câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này chư hiền, như vậy gọi là khổ tập Thánh đế.”.

Định nghĩa này cho ta thấy rằng, ái hay tham ái là tập đế, trong đó có ba loại là dục ái, hữu ái và vô hữu ái.

Trong Bộ phân tích của tạng Abhidhama, có định nghĩa tiêu biểu về tập đế ; “  Ái, các phiền não còn lại, các pháp bất thiện còn lại. Đây gọi là khổ tập”. Như vậy, theo Abhidhama, không phải chỉ có ái là tập đế mà còn các phiền não còn lại, các pháp bất thiện còn lại, cũng được gọi là tập đế.

          Tuy nhiên trong một số các bài kinh khác của kinh Trung Bộ, ái được trình bày có nhiều loại khác nhau như :

          Kinh Chánh Tri Kiến :  trình bày có sáu loại ái :  “ Chư hiền, có sáu loại  ái này : sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái,  pháp ái ..”

Trình bày về sáu loại ái với sáu tên gọi là sáu ái thân, như có đoạn đề cập : “ Khi được nói đến : “Sáu ái thân cần phải được biết, do duyên gì được nói đến như vậy?  Do duyên mắt và do duyên các sắc khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái…”. Các trường hợp tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và các xúc, ý và các pháp cũng được đề cập tương tự.

Cách liệt kê ái ở nhiều hình thức khác nhau cho ta thấy Kinh Trung bộ nói riêng và tạng kinh nói chung phân tích tập đế bằng cách phân loại ái. Từ đó cho thấy được sự đa dạng và phức tạp của ái, và chúng ta không thể dễ dàng nhận ra nó ở mọi góc độ.

Để hiểu rõ về ái (tập đế), hành giả cần hiểu rõ về ba loại ái như sau :

-       Dục ái, là sự ham muốn vốn có nguồn gốc từ lòng tham trong việc thụ hưởng ngũ dục gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, là nguyên nhân làm cho chúng sanh đau khổ, sợ hãi và đưa đến sanh y, như trong kinh có bài kệ ngôn : “ Dục ái sanh sầu ưu, Dục ái sanh sợ hãi,  Ai thoát khỏi dục ái,  Không sầu, đâu sợ hãi?”.

-          Thí dụ : Khi người nam nhìn thấy người nữ có thân hình xinh đẹp liền sanh tâm luyến ái và muốn người nữ thuộc quyền sở hữu của mình. Bên cạnh đó, tâm sợ hãi cũng sanh lên vì lo lắng rằng :  “ không biết người nữ này đã thuộc quyền sở hữu của ai chưa? ”, hoặc sợ một người nam khác tranh giành người nữ ấy làm quyền sở hữu riêng, từ đó tìm cách triệt hạ đối phương.

-         Kinh Xà dụ  cho biết việc hưởng thụ ngũ dục mà người phàm phu cho là niềm vui, là hạnh phúc, thực chất chỉ có thoảng qua còn phần lớn là sự đau khổ, phiền muộn, lo âu và nguy hiểm qua nhiều thí dụ cụ thể, như có đoạn kinh đề cập : “  Thế Tôn đã thuyết các dục vọng như hài cốt… ví như một đống thịt….ví như bó đuốc khô…ví như hố than hừng….ví như cơn mộng….vui ít khổ nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn”.

-       Hữu ái là sự luyến ái đối với cảnh giới tái sanh trong tam giới, gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới, vốn cùng phát xuất từ lòng tham. Đặc biệt  là sự luyến ái đối với các cõi thiền của những người chứng đắc thiền định, rồi hy vọng được sinh về các cõi thiền tương xứng, có tuổi thọ rất dài và họ nghĩ rằng đây là cảnh giới thường hằng, vĩnh cửu. Chính vì có quan điểm thuộc về tà kiến này, nên các tu sĩ ngoại đạo thời đó khi gặp Đức Phật  thường chất vấn Ngài bằng những câu hỏi như : “ Thế giới là thường trú, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng? ”, “ Thế giới là vô thường, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng?”, “ Thế giới là hữu biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng?”, “ Thế giới là vô biên, chỉ như vậy là chơn, ngoài ra là hư vọng? ”.

Lại nữa, hữu ái là một trong bảy loại phiền não tuỳ miên và được gọi là hữu ái tuỳ miên. Hữu ái tuỳ miên này luôn luôn tồn tại ở chúng sanh phàm phu và khi có điều kiện thích hợp thì nó cùng với nhiều phiền não tuỳ miên khác- là dục ái tuỳ miên, sân tuỳ miên, kiến tuỳ miên, nghi tuỳ miên, mạn tuỳ miên,  vô minh tuỳ miên- sẽ sanh khởi, làm cho chúng sanh bị luân hồi không có điểm dừng, giống như bánh xe đang quay không thể xác định được chỗ nào là điểm khởi đầu hay chỗ nào là điểm kết thúc. Ngược lại, khi hữu ái tuỳ miên và cùng với những phiền não tuỳ miên này được đoạn trừ tận gốc thì lập tức sự luân hồi của chúng sanh sẽ dừng lại, như có đoạn kinh đề cập : “ Này các Tỳ kheo, do đoạn tận, cắt dứt bảy tuỳ miên này, phạm hạnh được sống. Này các Tỳ kheo, khi nào Tỳ kheo nào đoạn tận dục tham tuỳ miên…vô minh tuỳ miên, cắt dứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây sala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai …” . Chính vì thế nên mới nói rằng hữu ái là một trong những nguyên nhân sanh khổ.

-  Vô hữu ái, là sự khát vọng có liên quan đến đoạn kiến; và cho rằng chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung là hết, hoặc không có quả báo của thiện nghiệp hay ác nghiệp đưa đến tái sanh. Do bị tà kiến này chi phối, họ thường sống hưởng thụ ngũ dục một cách tham đắm, dễ duôi, dẫn đến việc tạo các ác nghiệp, sanh vào khổ cảnh và không có cơ hội thoát khỏi quyền lực của ác ma. Nên mới nói rằng, vô hữu ái cũng là một trong những nguyên nhân sanh khổ.

III- Ứng dụng tu tập đế theo kinh Trung bộ và Abhidhama.

  Vì tập đế chính là ái được phân loại rất đa dạng và phức tạp, nên kinh Trung bộ cũng đưa ra nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Điển hình như kinh Nhứt thiết lậu hoặc có đề cập bảy phương pháp tu tập để đoạn trừ ái và các phiền não gồm phương pháp tu tập bằng tri kiến, phương pháp tu tập bằng sự phòng hộ, phương pháp tu tập bằng sự thọ dụng, phương pháp tu tập bằng sự kham nhẫn, phương pháp tu tập bằng sự tránh né,  phương pháp tu tập bằng sự trừ diệt,  và phương pháp tu tập bằng sự hành trì bảy giác chi.

Do vậy, muốn đoạn trừ được ái, hành giả phải có trí tuệ để lựa chọn phương pháp tu tập thích hợp với căn cơ của mình.

Nếu ái sanh khởi do không thu thúc các căn, như mắt thấy cảnh sắc hài lòng, tai nghe âm thanh dễ chịu, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị thích hợp, thân xúc chạm êm ái… hành giả phải tu tập để đoạn trừ chúng bằng phương pháp thu thúc hay phòng hộ các căn như quán rằng : “ Đây chỉ là cảnh sắc, là âm thanh, là hương, là vị, là sự xúc chạm…”

-         Nếu ái sanh khởi do dục tư duy, như suy nghĩ về việc tìm kiếm ngũ dục, về sự hưởng thụ ngũ dục, nhớ lại cảnh mà mình đã hưởng thụ dục lạc… hành giả phải tu tập để đoạn trừ chúng bằng phương pháp trừ diệt. Nghĩa là hành giả đùng chánh tư duy để dẹp bỏ chúng, như trong kinh Song tầm có đề cập : “ Khi dục tầm khởi lên,  Ta tuệ tri: ‘ Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí huệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết bàn. Chư Tỳ kheo, khi Ta suy tư: ‘ Dục tầm này đưa đến tự hại’ dục tầm bị biến mất .”.

-    Nếu ái sanh khởi do sự chấp thủ năm uẩn, như cho rằng : “ Sắc này của ta, sắc này là ta, sắc này là tự ngã của ta”, hành giả dùng phương pháp tu tập chánh kiến để đoạn trừ chúng, bằng cách suy xét về sắc uẩn cũng như các uẩn còn lại rằng : “ Cái này không phải của ta, ta không phải là cái này. Cái này không phải tự ngã của ta ”, để thấy được năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã và do duyên sanh.

Trong phần ứng dụng tu tập: Theo kinh Trung bộ, vì ái sanh khởi rất đa dạng nên hành giả phải lựa chọn những phương pháp tu tập thích hợp để ngăn ngừa, dẹp bỏ hoặc đoạn trừ chúng. Tuy nhiên, phương pháp tu tập rốt ráo nhất để đoạn trừ tập đế hoàn toàn thì hành giả vãn phải có trí tuệ thấy được các pháp là vô thường, khổ, vô ngã và duyên sanh.

Theo Abhidhamma, hành giả nỗ lực phát triển tuệ quán để thấy được sự sanh diệt của các pháp do duyên sanh, chúng là vô thường, khổ và vô ngã, từ đó nỗ lực tu tập để đạt được giải thoát.

Bên cạnh những khác biệt đôi chút của tạng giáo lý, chúng ta cũng thấy được mối quan hệ  mật thiết với nhau giữa tạng kinh và tạng Abhidhamma, đó là sự hỗ trợ qua lại nhằm giúp các học giả, các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về lời Phật dạy.  Đặc biệt,  cả hai tạng đều có cùng chung mục đích là giúp người tu học nhận ra được tập đế là nguyên nhân sanh khổ và khuyên chúng ta nỗ lực tu tập để đoạn trừ tập đế và đạt được sự giải thoát./.

  Trích: Khái niệm Tập đế trong Kinh Trung bộ và Abhidhamma; Thích Tinh Tuệ - VHPG số : 330- 1-10 2019.

{]{


TẬP ĐẾ TRONG TỨ ĐẾ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét