Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ TỪ TIỂU THỪA ĐẾN ĐẠI THỪA

 PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ TỪ TIỂU THỪA ĐẾN ĐẠI THỪA

1. Sự phân phái của Phật giáo:

Trước khi đức Phật nhập diệt,, Phật pháp thống nhất một mối, giáo lý Tứ thánh đế hoặc Tam học Giới, Định, Huệ đều được phát triển một cách bình đẳng. Đến sau khi đức Phật nhập diệt do cá tính của các đệ tử cùng hoàn cảnh cư trú và bối cảnh thời đại họ sống khác nhau, nên đã xuất hiện tượng “ bên trọng bên khinh”.

   Tổng cộng đã có 4 lần đại hội kiết tập kinh điển sau khi đức Phật nhập Niết bàn. Kết tập nghĩa là kiểm tra và hiệu đính lại Phật pháp đang lưu hành trong nhân gian bằng hình thức hội nghị, thường gọi là “kết tập Tam tạng”. Việc kết tập Tam tạng, trên thực tế, chính là nguyên nhân và kết quả của sự phân phái trong Phật giáo. Lần kiết tập đầu tiên là do tôn giả Maha Kasyapa- đệ tử chân truyền của đức Phật triệu tập.. Maha Kasyapa là bậc đầu đà khổ hạnh bậc nhất trong Tăng đoàn của đức Phật nên thành phần tham dự đại hội kết tập do ông tổ chức có thể chỉ là 500 vị Tỳ kheo phái khổ hạnh hoặc gần giống phái khổ hạnh, vẫn còn rất nhiều đệ tử chính thức của Phật có khí chất khác với Maha Kasyapa không được mời tham dự. Vì vậy, sau đại hội lần thứ nhất đã đọng lại vấn đề mâu thuẫn giữa phái tự do và phái bảo thủ. Kasyapa trọng về khổ hạnh và thiền định, câu nệ vào các điều giới luật, cho rằng điều gì Phật không chế thì không được chế thêm, điều gì Phật đã chế thì không được bỏ đi. Nhưng phái tự do thì không nghĩ như vậy. Và cuối cùng đã dẫn đến lần kết tập thứ hai.

  Nội dung đại hội kết tập lần thứ hai là về một số vấn đề chi tiết trong các điều khoản của giới luật. Phái tự do chủ trương thuận theo cuộc sống thực tế, những tiểu tiết như ăn uống, y phục, chỗ ở, tiền bạc…không cần phải tuân thủ các điều khoản giới luật một cách cứng nhắc. Phái bảo thủ lại kiên quyết phản đối chủ trương này của phái tự do. Vì thế, hai bên đã huy động đông đảo nhân sự, triệu tập 700 vị Tỳ kheo, mở đại hội lần thứ hai. Nội dung của lần kết tập này chỉ là thẩm tra 10 vấn đề giới luật chi tiết, kết quả là phái bảo thủ giành thắng lợi, và họ gọi 10 điều trái với giới luật kia là “10 việc phi pháp”. Nhưng dù vậy, trào lưu tư tưởng của phái tự do lại càng ngày càng thịnh hành, thế là vô hình trung Tăng đoàn đã phân chia thành hai bộ: phái bảo thủ trọng về thiền định và giới luật, lấy các  vị Thượng toạ cao tuổi làm nòng cốt nên gọi là Thượng toạ bộ; phái tự do trọng về trí tuệ, lấy đại chúng tuổi trẻ làm nòng cốt nên gọi là Đại chúng bộ.

Lần kiết tập thứ ba diễn ra vào thời vua Asoka (A Dục), ông là một vị vua Phật giáo nổi tiếng, cũng là người duy nhất trong lịch sử Ấn Độ đã thống nhất được toàn bán đảo Ấn Độ và thực hành chính sách trị vì nhân từ. Nguyên nhân lần kết tập này là do bên Đại chúng bộ có một nhà tư tưởng tên là Mahadeva (Đại Thiên)  đề xuất ra 5 kiến giải tiến bộ và gặp phải sự công kích kịch liệt của các học giả Thượng toạ bộ. Trong chùa Kukkutarama (Kê Viên) do vua A Dục xây cất, học giả của hai bộ phái đối đầu nhau như nước với lửa. Vì thế, đức vua đã mời một vị học giả thuộc phái chiết trung tên là Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Đề Tu) triệu tập đại hội để thẩm tra sự việc. Từ những tư liệu lịch sử chúng ta thấy lần đại hội kết tập này tuy đã có thể tạm thời điều đình giữa hai bộ nhưng vẫn không thể đạt đến nguyện vọng thống nhất Tăng đoàn, ngược lại sau đó đã hình thành nên 3 hệ lớn từ 2 dòng lớn: Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ là 2 dòng lớn sẵn có. Trong Thượng toạ bộ có một phái chiết trung mang khuynh hướng tư tưởng nghiêng về phía Đại chúng bộ, họ tự thành lập nên hệ Phân biệt thuyết. Hiện nay, Phật giáo Nam truyền ở các nơi như Sri Lanka, Myanma, Thái Lan…thuộc về nhánh của hệ Phân biệt thuyết này. Thượng toạ bộ trước đây đã phát triển thành Thuyết nhất thiết hữu bộ ở miền Tây và Bắc Ấn. Đại chúng bộ thì dần dần phát triển nên hệ Bát nhã Đại thừa ở miền Nam Ấn, rồi trên nền tảng của Thuyết nhất thiết hữu bộ và chịu ảnh hưởng của hệ Bát nhã Đại thừa, lại phát triển thêm ra hệ Duy thức Đại thừa.

Ngoài ba lần kiết tập nói trên, còn có một lần kết tập thứ tư được tổ chức sau khi đức Phật nhập diệt 400 năm tại nước Kasmira (Ca Thấp Di La) ở Bắc Ấn do vua Kanishka (Ca Nị Sắc Ca) trị vì. Khi đó, Phật giáo có rất nhiều học phái, nghe nói có tổng cộng tới 20 học phái. Từ Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ chia ra thành nhiều phái nhỏ, do các phái này ảnh hưởng qua lại, nên tiếp tục phân thành các chi phái nhỏ hơn nữa. Cùng thuộc về Thuyết nhất thiết hữu bộ đã có đến vài học phái khác nhau. Mục đích của lần kết tập thứ 4 này chính là muốn dung hoà tư tưởng của các học phái với nhau. Thành quả của việc kết tập chính là bộ Đại Tỳ bà sa Luận 200 quyển.

2 -Phật giáo Tiểu thừa:

Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo Bộ phái (hay Học phái) chia tách ra từ Phật giáo Nguyên thuỷ sau khi đức Phật nhập diệt. “Tiểu thừa” là cách gọi khinh miệt của học giả Đại thừa đối với học giả Bộ phái sau khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi, ý nói họ là những kẻ ích kỷ chỉ biết tư lợi mà không biết làm việc lợi người. “Thừa” nghĩa là sử dụng phương tiện giao thông để đi lại, cũng có thể giải thích là chính bản thân phương tiện giao thông. Học giả Đại thừa cho rằng ai tự lợi lợi người, rộng độ chúng sanh chính là đang tu hạnh Bồ tát. Hạnh Bồ tát vừa tự cầu giải thoát, vừa độ cho người khác giải thoát, nên bản thân nó chính là một chiếc thuyền lớn chở người vượt thoát đại dương sanh tử, bởi thế cho nên gọi là “Đại thừa”. Học giả Đại thừa cho rằng tư tưởng của các học giả Bộ phái thiên về tự độ mà xem nhẹ việc rộng độ chúng sanh, nên gọi là “Tiểu thừa”. Bản thân Phật giáo Bộ phái, dĩ nhiên không thích nhận lấy danh hiệu “Tiểu thừa”. Trên thực tế, phạm vi tư tưởng của họ tuy không rộng lớn bằng Phật giáo Đại thừa, nhưng Phật giáo Bộ phái cũng không hẳn là chỉ biết tự lợi. nếu không thì sự nghiệp truyền giáo của họ ắt sẽ bị đình đốn và đi đến tiêu vong. Do vậy, trong Phật học, nên lấy tên gọi “Phật giáo bộ phái” để gọi Phật giáo Tiểu thừa thì có phần thích hợp hơn.

Bộ phái chính là những học phái xuất hiện do quan điểm khác nhau về Phật pháp của các học giả. Những học phái chủ yếu gồm hai dòng lớn và 3 hệ lớn đã nói ở trên. Ba hệ lớn bắt nguồn từ hai dòng lớn là Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ. Sự chia rẽ tư tưởng giữa Đại chúng bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ tách ra từ Thượng toạ bộ là rõ ràng nhất. Tìm hiểu nguồn gốc của sự chia rẽ này chúng ta thấy: Luận về tu hành, Thượng toạ bộ xem trọng thiền định và giới luật. Đại chúng bộ lại xem trọng trí tuệ và thực dụng, như vậy việc xem trọng hay coi nhẹ một mặt nào đó của Tam vô lậu học đã sinh ra hai dòng Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ. Luận về nhận thức, Đại chúng bộ căn cứ vào thuyết duyên khởi để lập luận, nhờ quán duyên khởi mà biết được tất cả hiện tượng đều là không, từ đó xem trọng sự giác ngộ của trí tuệ và sự thực dụng trong đời sống. Thuyết nhất thiết hữu bộ lại căn cứ vào thuyết vô thường, vô ngã để lập luận, cho rằng muốn trường tồn bất biến trong cảnh giới vô thường, vô ngã phải dựa vào sự thành tựu công phu tu hành, vì vậy trì giới, tu định đến chỗ ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, là các bước buộc phải thực hiện. Thuyết duyên khởi chính là quán nguyên nhân hình thành của tất cả hiện tượng; còn thuyết vô thường, vô ngã là kết quả có được từ việc quán sát hết thảy hiện tượng đều không ra ngoài nguyên lý tụ tán của nhân duyên. Đại chúng bộ và Thượng toạ bộ mỗi bộ chấp vào một cực đoan nên mới phân chia thành hai dòng, còn vào thời đại Phật giáo Nguyên thuỷ thì hai dòng này là một thể hoàn toàn thống nhất.

3-Từ Tiểu thừa đến Đại thừa:

Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa đều ra đời từ Phật giáo Nguyên thuỷ. Quan niệm rằng từ “thành người” đến “giải thoát” là yêu cầu cơ bản của Phật giáo, từ giải thoát cá nhân cầu giải thoát  cho tất cả chúng sanh là tâm nguyện hoá độ thế gian của đức Phật. Tu ngũ giới, Thập thiện để trở thành một người có nhân cách tốt đẹp, tu Tứ đế, Bát chánh đạo để giải thoát sanh tử, tu Lục độ, Tứ nhiếp để rộng độ chúng sanh. Đây chính là những nấc thang để thành Phật.

  Tôn chỉ của đức Phật là hy vọng tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Công phu tu hành thành Phật phải cần một khoảng thời gian rất dài, chúng sinh học Phật, tự mỗi người đều có thể tu theo tiến trình từ Ngũ giới, Thập thiện, rồi dần đến Lục độ, Tứ nhiếp. Bởi thế, Đại Sư Thái Hư thời cận đại đem Phật pháp chia thành 3 loại thuộc 5 thừa. Năm thừa là: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ tát thừa. Ba loại ngũ thừa cộng pháp, Tam thừa cộng pháp và Đại thừa bất cộng pháp. Chính là nói: Ngũ giới, Thập thiện là nguyên tắc làm người, là vốn liếng để sinh về cõi trời, và khoá trình phải tu trì để cầu giải thoát, cầu thành Phật; Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, là khoá trình mà Thanh văn, Độc giác và Bồ tát phải cùng tu trì; còn lại Lục độ, Tứ nhiếp là khoá trình dành riêng cho Bồ tát. Đem 5 thừa của Phật giáo quy làm 3 loại, nên gọi là ngũ thừa cộng hành, Tam thừa cộng hành(trừ Nhân thừa và Thiên thừa) và Đại thừa bất cộng (tức Bồ tát thừa, trừ 4 thừa còn lại).

 (Ngũ thừa cộng pháp là giáo pháp dung thông cả 5 thừa, Tam thừa cộng pháp là giáo pháp chỉ dung thông 3 thừa, trừ Nhân thừa và Thiên thừa,còn Đại thừa bất cộng pháp là giáo pháp đặc biệt dành riêng cho Bồ tát thừa)

  Dạy con người trở thành một người tốt là yêu cầu chung của luân lý phổ thông, dạy con người cầu sinh về cõi trời là giáo lý chung của hầu hết các tôn giáo, chúng cũng được Phật giáo xem trọng và xếp vào loại tu dưỡng cơ bản, nên gọi là Ngũ thừa cộng pháp. Còn dạy con người vượt qua cõi trời người, chứng nhập vào Niết bàn là điểm đặc sắc riêng của Phật giáo. Có ba loại người tu chứng được cảnh giới Niết bàn: một là người nghe được âm thanh thuyết pháp của Phật mà tu chứng, gọi là Thanh văn, hai là người sinh nhằm lúc, nhằm nơi không có Phật pháp để nghe, dựa vào căn cơ từ đời trước của bản thân mà tự một mình quan sát và triệt ngộ các hiện tượng vũ trụ, gọi là Độc giác, ba là người phát thệ nguyện lớn, đời đời kiếp kiếp, tự độ độ người, gọi là Bồ tát. Hai thừa Nhân, Thiên không thể giải thoát sanh tử, hai thừa Thanh văn, Độc giác tuy đã giải thoát nhưng vẫn chưa thành Phật; Bồ tát là người tuy có thể giải thoát sanh tử nhưng không chịu rời bỏ chúng sanh vẫn còn đang chịu khổ trong sanh tử, chỉ có các vị Bồ tát đã giải thoát sanh tử nhưng vẫn tự do qua lại trong sanh tử để cứu độ chúng sanh mới có thể rốt ráo thành Phật.

 Do đó, pháp môn Nhân thừa và Thiên thừa tuy được Phật giáo xem trọng nhưng không phải là trọng điểm của Phật giáo; sự giải thoát sanh tử của Thanh văn và Độc giác tuy là trọng điểm của Phật giáo nhưng vẫn không phải là mục đích của Phật giáo, chỉ có pháp môn thành Phật vừa độ mình vừa độ người, và đặc biệt xem trọng việc lợi tha của Bồ tát mới là mục đích của Phật giáo. Cho nên, những người Tiểu thừa mà các tín đồ Đại thừa hay nói đến, chính là những người tu theo Thanh văn thừa và Độc giác thừa, thường gọi chung là “người nhị thừa”. Vì khác với Tiểu thừa của Thanh văn và Độc giác, nên Bồ tát được gọi là Đại thừa. Từ đó đủ biết, tinh thần Bồ tát vĩ đại, tích cực là biểu trưng của những người nhập thế và chỉ có pháp Đại thừa với hạnh Bồ tát mới chính là tâm nguyện độ thế của đức Phật. Cũng có thể thấy một cách rõ ràng rằng, việc dân gian Trung Quốc gọi tất cả tượng quỷ, tượng thần bằng danh xưng Bồ tát là sự hiểu lầm lớn nhất đối với từ “Bồ tát” này.

  Có điều, tuy tâm nguyện của đức Phật là hạnh Đại thừa của Bồ tát, nhưng trong các kinh A Hàm chúng ta thấy, vào thời đại của đức Phật không hề có nhiều Bồ tát được nói tới. Tinh thần Bồ tát biểu lộ ra trong lời nói, việc làm của đức Phật và rất nhiều đại đệ tử của Ngài, nhưng người được gọi là Bồ tát lại chỉ có hai vị: một chính là đức Phật Thích Ca Thế Tôn khi Ngài chưa thành đạo, gọi là Bồ tát Thích Ca, hai là một vị Tỳ kheo đệ tử của đức Phật được Ngài thọ ký sau này sẽ đến thành Phật tại thế gian, đó là Bồ tát Di Lặc. Còn các vị Bồ tát trong kinh điển Đại thừa như  Văn Thù, Thiện Tài, Bảo Tích, Duy Ma Cật, Hiền Hộ…tuy không thấy ghi trong kinh điển A Hàm Nguyên thuỷ nhưng thực sự cũng có tồn tại. Chỉ vì nhân vật trung tâm trong nhiều lần kết tập Phật pháp đều là chúng Thanh văn của Tăng đoàn Tỳ kheo, thiên về tinh thần của đạo giải thoát, chưa đưa vào kết tập giáo pháp Đại thừa thích hợp với các đệ tử tại gia, nên trong khoảng thời gian 500 năm sau khi đức Phật diệt độ, Phật giáo phát triển tư tưởng Tiểu thừa là chính. Còn trào lưu tư tưởng Đại thừa thì lưu truyền một cách âm thầm, trong đó có một số tư tưởng lưu truyền đơn độc một mình, nhưng những tư tưởng chủ yếu vẫn phát triển dựa vào Tăng đoàn Thanh văn, dần dần lớn mạnh từ bên trong các bộ phái Tiểu thừa và trở thành những “người tiên phong” dẫn đường cho Phật giáo Đại thừa sau này.

- Sự diễn tiến của tư tưởng:

Trong khoá trình diễn tiến tư tưởng từ Tiểu thừa sang Đại thừa, quan hệ giữa các tư tưởng với nhau vô cùng mật thiết. Ví dụ, Phật giáo Nguyên thuỷ nói chủ thể của sinh mạng là ý thức (thức thứ 6), đến thời đại Tiểu thừa Bộ phái, từ chức năng của thức thứ 6, tách ra thêm một thức nữa: Đại chúng bộ gọi nói là: “Căn bản thức”, Độc tử bộ thuộc Thượng toạ bộ gọi nó là: “Phi tức phi ly ấm ngã”, Chánh lượng bộ tách ra từ Độc tử bộ gọi nó là: “Quả báo thức”, Hoá địa bộ thuộc hệ Phân biệt thuyết gọi nó là “ Cùng sinh tử ấm”, Kinh lượng bộ thuộc Thuyết nhất thiết hữu bộ gọi nó là: “Tế ý thức” hoặc “Nhất vị ấm ”. Dựa trên công dụng của thức mới tách ra này, đến Phật giáo Đại thừa, nó được chia đôi thành Mạt-na thức (thức thứ 7) và A-lại-da thức (thức thứ 8).

 Tứ thánh đế của Phật giáo nguyên thuỷ, đến thời đại Tiểu thừa Bộ phái, phân ra hai nội dung chính là pháp hữu vi và pháp vô vi. (Pháp hữu vi chỉ tất cả các sự vật, hiện tượng vật lý và tâm lý hình thành do nhân duyên, đặc điểm chính của các pháp này là sinh khởi, biến dịch và hoại diệt, nên chúng đều trống rỗng, vô thường và không có tự tính.  Pháp vô vi là các pháp không phải hình thành từ nhân duyên, là chân thực tại thường hằng, tuyệt đối, mang tính siêu thời gian, vượt khỏi sanh thành, hoại diệt, tách khỏi mối quan hệ nhân quả, nên chúng không có hình tướng, số lượng, chẳng thể suy lường hay dùng lời nói diễn tả được.)

 Ba đế Khổ, Tập và  Đạo thuộc về pháp hữu vi của thế giới hiện tượng, còn Diệt đế là pháp vô vi của thế giới bản thể. Về hiện tượng, Đại chúng bộ chủ trương rằng: “Tất cả  pháp hữu vi thật có ở đời hiện tại, không có ở đời quá khứ và tương lai” (Hiện tại hữu thể, quá vị vô thể). Nghĩa là, những thành quả thu được từ quá khứ đã tập hợp vào một điểm ở hiện tại và sự phát triển trong tương lai cũng từ một điểm ở hiện tại này mà mở rộng ra, cho nên, chỉ tồn tại giá trị ở hiện tại, vì quá khứ đã qua đi, còn tương lai vẫn chưa đến. Thuyết nhất thiết hữu bộ lại chủ trương rằng: “Tất cả pháp hữu vi ba đời đều thật có, thể tính của các pháp là thường hằng”. (Tam thế thực hữu, pháp thể thường hằng). Nghĩa là, thời gian của quá khứ tuy không tồn tại nữa, nhưng giá trị của quá khứ vẫn còn tồn tại, thời gian của tương lai tuy chưa đến, nhưng trong giá trị của hiện tại đã hàm chứa những nhân tố sẽ phát triển thành giá trị của tương lai, vì vậy, giá trị của tất cả hiện tượng, nhìn trên quá trình phát triển là thật có, còn nhìn trên hình ảnh mà chúng có thể phát sinh ra là thường hằng. Về bản thể, Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương pháp vô vi chỉ có 3 pháp, chúng tĩnh lặng và bất động, là tận cùng nhưng lại không phải là ngọn nguồn của các pháp hữu vi. Thế giới hiện tượng của các pháp hữu vi là do tâm tính vốn nhiễm ô sinh khởi ra. Niết bàn chứng nhập nhờ tu hành là cảnh giới của pháp vô vi. Pháp vô vi của Đại chúng bộ có 9 pháp, chúng tự do và linh hoạt, là tận cùng và cũng có thể là ngọn nguồn của các pháp hữu vi. Vì Đại chúng bộ chủ trương tâm tính vốn thanh tịnh, nên tâm tính chính là pháp vô vi, do phiền não khách quan tạp nhiễm mới làm cho tâm tính vốn thanh tịnh biến thành bất tịnh.

 Do vậy, nếu căn cứ vào thuyết tâm tính vốn bất tịnh, thì chú trọng vào việc phân tích hiện tượng, khảo sát tỉ mỉ hiện tượng để tìm cách đối trị, như thế mới có thể từ bất tịnh trở thành thanh tịnh, từ pháp hữu vi nhập vào pháp vô vi. Sự phân tích và khảo sát này, sau đó, đã phát triển thành giáo lý Đại thừa về Pháp tướng Duy thức. Nếu căn cứ vào thuyết tâm tính vốn thanh tịnh, thì chú trọng vào sự phát huy của bản thể, đi sâu khảo sát bản thể, hiện tượng là do bản thể lưu xuất ra. Sự diễn dịch này, sau đó, đã phát triển thành giáo lý Đại thừa về Chân như duyên khởi. Như Lai tạng duyên khởi và Pháp giới duyên khởi. Những tư tưởng như “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, “trong Như Lai tạng chứa Như Lai” và “Tâm, Phật, chúng sanh đều không sai biệt” đều từ quan niệm tâm tính vốn thanh tịnh này mà ra.

   - Những dòng chính của Phật giáo Đại thừa:

Xét về thể tính, quan hệ giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa giống như quan hệ giữa học sinh và thầy giáo. Nếu không có Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa tuy có thể tiếp nhận bản hoài của đức Phật từ những nguồn khác, nhưng sẽ không cách gì có được nền tảng vững vàng. Tư tưởng của Đại thừa cố nhiên phải nhờ vào sự vun bồi của tư tưởng Tiểu thừa, sự hoằng dương của Đại thừa cũng phải cần có sự nổ lực của Tăng đoàn Tiểu thừa. Mặc dù, những kinh điển của Đại thừa như kinh Duy Ma-Cật, Kinh Thắng Man cỏ xuý cho sự lớn lao, vĩ đại của các Bồ tát tại gia, nhưng những người thật sự xây dựng nên Phật giáo Đại thừa lại đều xuất thân từ Bồ tát xuất gia trong Tăng đoàn Thanh văn. Ví dụ như: Asvaghosha (Mã Minh), Nagarjuna (Long Thọ), Deva (Đề bà) Maitreya (Di-Lặc), Asanga (Vô-Trước) Vasubandhu (Thế Thân)…không vị nào không phải Đại đức Tỳ kheo mang hình thái Thanh văn.

  Giáo lý của Phật giáo Đại thừa rộng lớn, cao siêu, thực sự không thể giới thiệu trong một vài trang ngắn ngủi. Nếu nói một cách khái quát có thể chia nó thành ba dòng chính.

   a-Hệ Trung quán Bát nhã

Hệ này bắt nguồn từ Duyên khởi quán của Phật giáo Nguyên thuỷ, trải qua thời kỳ thai nghén trong Đại chúng bộ, đến Bồ tát Nagarjuna thì chào đời với đầy đủ hình hài. Trong kinh A Hàm nói: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”. Đây chính là giảng về đạo lý duyên sinh duyên diệt. Pháp duyên sinh không pháp nào không phải là giả tướng, vì thế trong Trung Quán Luận của Nagarjuna nói rằng: “Các pháp do duyên sanh, nên ta nói là Không”. Kinh Bát nhã là kinh điển Đại thừa xiển dương nghĩa Không, Không nói ở đây không phải là cái không của hư vô đối lập với cái có, mà là xả bỏ cái có nhưng không xa lìa cái có, chính là quán trung đạo không phải Không cũng không phải Có. Cho nên, hệ này gọi là hệ Trung Quán Bát nhã học, lấy Nagarjuna và Deva làm những nhân vật đại biểu. Nagarjuna là người sống vào khoảng năm 150 đến 250, Deva là người sống vào khoảng năm 170 đến 270. Trước hai vị này, các kinh điển Đại thừa thời kỳ đầu như Bát nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, ba kinh Tịnh độ… đã ra đời. Các đại sư kế thừa Nagarjuna và Deva phát triển hệ thống Trung Quán Bát nhã này có Buddhapalita (Phật Hộ) và Bhavaviveka (Thanh Biện). Về sau, những học giả Trung quán đã hoà lẫn vào trong Mật giáo và dần dần biến mất ở Ấn Độ.

b- Hệ Du già Duy thức

Du già là công phu thiền định, có nguồn gốc từ Phật giáo Nguyên thuỷ, trải qua sự diễn dịch của Phật giáo Tiểu thừa Thượng toạ bộ, trở nên cực thịnh ở miền tây bắc Ấn Độ. Kinh nghiệm tôn giáo đạt được bằng thực hành Du già gọi là pháp môn của các đạo sư Du già. Bộ Du già Sư Địa Luận mà hệ này rất xem trọng là thành quả của sự chứng ngộ bên trong tự thân mà hành giả Du-già đạt được từ việc tu trì tôn giáo, các đạo sư Du già mượn cớ nói nó là do chính Asanga nghe được Bồ tát Di Lặc giảng rồi truyền lại cho nhân thế. Thực ra thì vị Di lặc này không phải Di Lặc thời đức Phật, cũng không phải Bồ tát Di Lặc từ trên trời xuống, mà là một nhân vật lịch sử sống vào khoảng 300, trước Asanga một chút.

  Còn Duy thức thì truy tìm căn nguyên của thế giới hiện tượng. Duy thức học cho rằng không thứ gì không biến hiện ra từ tâm tính ô nhiễm- thức thứ 8 của con người. Tư tưởng “tâm tính vốn dĩ bất định” đã xuất hiện ở Thuyết nhất thiết hữu bộ, tư tưởng “thức thứ 8 là căn nguyên của mọi hiện tượng” thì đã thấy có trong các bộ phái Tiểu thừa. Qua nghiên cứu, học phái Duy thức phân tích thế giới hiện tượng thành Sắc pháp, Tâm pháp, Tâm sở hữu pháp và Bất tương ưng hành pháp. Nguồn gốc Duy thức là từ Quán năm ấm vô thường của Phật giáo Nguyên thuỷ, qua sự diễn dịch của Phật giáo Tiểu thừa, đến Asanga va Vasubandhu thì được hoàn thiện. Asanga sống vào khoảng năm 310 đến 390, Vasubandhu sống vào khoảng năm 320 đến 400. Sau  Nagarjuna trước Asanga, những kinh điển Đại thừa ở thời kỳ giữa như Niết bàn, Thắng Man, Giải Thâm Mật, Nhập Lăng Già… cũng đã ra đời. Các vị đại sư kế tục Asanga và Vasubandhu có Dignaga (Trần Na), Dharmapala (Hộ Pháp) và Sthiramati (An Huệ). Đến sau thế kỷ thứ VII, hệ Trung quán và hệ Du già đều bị Mật giáo thịnh hành mà nhập chung vào dòng Mật giáo.

c-Hệ Tịnh tâm Duyên khởi

Hệ này hình thành căn cứ trên tư tưởng “tâm tính vốn thanh tịnh” của Đại chúng bộ, có sắc thái của thuyết phiếm thần. Tư tưởng “ tâm tính vốn thanh tịnh” có thể tìm thấy đầu mối trong kinh điển Nguyên thuỷ vào thời đại đức Phật. Nhưng, vì tôn chỉ của đức Phật nhằm mục đich duy nhất là làm cho con người đạt được giải thoát, nên đối với các vấn đề triết học như bản thể luận, hiện tượng luận… Ngài hoàn toàn không hề xem trọng. Tuy nhiên, từ Phật giáo Tiểu thừa đến Phật giáo Đại thừa đã phát  sinh ra quan điểm giải thích các vấn đề bằng phương pháp triết học, tuy những lời giải thích này không hẳn là lời Phật nói, nhưng chỉ cần chúng hợp với nguyên tắc Tam pháp ấn, thì dù là thứ tiếp thu từ ngoại đạo, cũng vẫn là Phật pháp.

Nội dung của Tịnh tâm Duyên khởi bao gồm các thuyết Chân như duyên khởi, Như Lai tạng duyên khởi và Pháp giới duyên khởi. Đại Thừa Khởi Tín Luận là bộ luận chủ yếu của hệ thống này.Mật giáo của Đại thừa là đại biểu cao nhất cho sự phát triển của dòng Tịnh tâm Duyên khởi. Do tâm tính vốn thanh tịnh nên chúng sanh vốn có Phật tánh, nhưng trong Đại thừa Hiển giáo vẫn phải tu trì đạo Bồ tát một thời gian dài mới có thể thành Phật, đến Đại thừa Mật giáo thì đề xướng thuyết thành Phật ngay ở thân này, chủ trương quán tưởng mình và Phật hợp nhất, quán tưởng thành công thì liền sẽ thành Phật.

Trong giới Phật giáo Trung Quốc cận đại có nhiều tranh luận về việc phân chia giáo lý Đại thừa thành 3 dòng chính giống ở trên. Đại sư Thái Hư gọi 3 dòng đó là:  Tông pháp  tính Không tuệ, Tông pháp tướng Duy thức và Tông Pháp giới Viên giác. Pháp sư Ấn Thuận lại có cách nhìn khác, ông gọi là: Luận tính không Duy danh, Luân Hư vọng Duy thức và Luận Chân thường Duuy tâm. Tôi căn cứ vào nguồn gốc và sự phát triển của tư tưởng Đại thừa, tham khảo kiến giải của hai thầy Thái Hư và Ấn Thuận, mà phân loại giới thiệu như trên.

  (Trích từ :  tập Tôn giáo học so sánh  : HT Thánh Nghiêm biên soạn – Thích Chân Tính dịch ra Việ ngữ)


 


PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ TỪ TIỂU THỪA ĐẾN ĐẠI THỪA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét