Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG BIẾT ƠN

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG BIẾT ƠN

          Con người luôn sợ khổ đau và muốn có được hạnh phúc. Nghiệt ngã thay, chúng sanh lại có khuynh hướng tạo nghiệp bất thiện, do đó thay vì được hạnh phúc thì họ lại phải nhận quả khổ đau. Họ muốn được hạnh phúc, nhưng lại luôn xem mình là một nạn nhân của đau khổ. Đó là bệnh “ nghiện đau khổ” của chúng sanh. Các bà, các chị thường có thói quen đi xem bói. Hễ ông thầy bói nào mà phán rằng : “Cô đây thấy vậy thôi chứ  khổ tâm lắm”, là y như rằng các bà, các chị xuýt xoa khen thầy bói nói đúng, bói hay.

Khi đau khổ, chúng ta thường có tâm oán giận, trách móc người khác. Vì người này, vì người kia mà tôi đau khổ. Phải theo như ý tôi muốn, phải thoả mãn ý muốn của tôi, tôi mới được hạnh phúc. Ta oán trách họ, và ta ngỡ người kia phải bị trừng phạt, phải đau khổ như ta, ta mới hài lòng. Vô hình trung, ta bắt người khác phải làm ta hạnh phúc và họ phải đau khổ để ta thoả mãn ước muốn hạnh phúc của ta. Nhưng nếu ai cũng như ta thì cuối cùng ai mới phải là người chịu đau khổ? Ta không ngừng kêu than rằng khổ quá, nhưng ta không chịu dừng các nghiệp bất thiện.

          Cảm giác trách móc là một cảm giác rất khó chịu, rất nặng nề. Thế nhưng đa số chúng ta muốn đem lại cho người khác cảm giác đó như là cách để giải toả khổ đau cho bản thân mình. Vì anh làm tôi đau khổ nên anh cũng phải bị đau khổ tôi mới hài lòng. Hãy đặt mình vào vị trí một người đau khổ, bạn có muốn nhận thêm đau khổ không, hay bạn muốn nhận được tình thương và sự tha thứ. Cho nên Hoà Thượng Nhất Hạnh đã nói một câu đáng được suy nghĩ và quán chiếu : “ sở dĩ một người làm ta đau khổ là vì người đó cũng đang đau khổ. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần được giúp đỡ”. Đó cũng chính là những gì ta muốn nhận được khi ta đau khổ: một sự giúp đỡ, không phải một sự trừng phạt. Vậy tại sao ta cứ muốn trừng phạt người khác, trong phương thuốc chữa lành đau khổ cho ta chính là lòng từ bi? Trong mối quan hệ nhân duyên, người kia khổ đau mà mình hạnh phúc là điều không thể có được.

Tôi là một trong số những chúng sanh lầm lẫn đó. Tôi đã trách móc, mà trách móc ai? Trách cha tôi, mẹ tôi, người thân và bạn bè của tôi, những người đã tận tuỵ hy sinh cho tôi để tôi có những gì tốt đẹp nhất. Nếu không gặp được Phật pháp thì tôi đã trượt dài xuống hố sâu tội lỗi.

           Đạo Phật là một nền giáo dục tạo điều kiện tối đa cho tôi chuyển hoá tâm trách móc thành tâm niệm biết ơn. Và tâm biết ơn chính là phương thuốc hữu hiệu đặc trị chứng bịnh trách móc của chúng sanh, trong đó có tôi.

Nghiệp trách móc của tôi khá nặng, có lẽ tạo từ nhiều kiếp trước. Biểu hiện là từ nhỏ, mỗi lần mẹ tôi cho tôi một món đồ gì, thay vì tôi đón nhận và nói lời cảm ơn thì tôi lập tức chê bai, mặc dù sau đó tôi cũng nhận, cũng dùng. Mẹ tôi vốn là một phụ nữ nhiều cam chịu, lại không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái, vì vậy bà không bằng lòng với thái độ của tôi nhưng trước sự cang cường của tôi, bà cũng không thay đổi được gì.

          Hồi nhỏ tôi là một học sinh thường có nhiều thành tích trong học tập và hoạt động ngoại khoá. Vì vậy tôi luôn tưởng mình là nhất, dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Tôi chưa bao giờ khom mình xuống để nhận thức được rằng, cái vị trí số một của tôi lúc đó sở dĩ có được là nhờ vào nhiều yếu tố, nó không có gì là công sức của cá nhân tôi. Nhìn một góc độ khác, vì có người xếp hạng thấp hơn nên tôi mới trở thành người đứng đầu. Thử tưởng tượng một lớp học mà tất cả học sinh đều có điểm số như nhau thì ai là người số một? Năm đó,  tôi là người duy nhất vạch ra chương trình tổng kết cuối khoá cho ngôi trường cấp hai của mình. Buổi lễ thành công vang dội và thầy cô đều đánh giá cao năng lực tổ chức của tôi. Tất cả thành viên ban cán sự đều là những con rối do tôi giật dây. Nhưng sau khi buổi lễ kết thúc, tôi mới nhận ra mình đã phạm một sai lầm chết người, do cái tôi quá lớn và thói quen độc tài của mình. Đó là tôi không mời giáo viên chủ nhiệm phát biểu, mà chỉ mời ý kiến của thầy hiệu trưởng. Trong khi thầy chủ nhiệm đã chuẩn bị sẵn bài nói chuyện cho hai lớp, và sáng tác sẵn một bài thơ. Lên cấp ba, một lần nữa tôi lại làm lớp phó học tập và đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cho lớp. Khi có một thành viên nổi tiếng quậy phá đứng lên đăng ký hạnh kiểm trung bình, tôi đã phản ứng một cách gay gắt. Thái độ cao ngạo và chủ nghĩa cá nhân của tôi đã khiến tôi rớt chức lớp phó ngay trong đại hội lớp. Nhưng đó chưa phải là thất bại cuối cùng. Trở thành một người xuất gia, tôi được gởi vào trường Phật học và tôi đạt điểm thi đầu và cao nhất bên Ni. Kết quả là tôi lại được chỉ định làm lớp phó. Nhưng một tháng tự đắc khởi lên trong tôi và vị giáo thọ chủ nhiệm lớp đã tinh ý nhận ra, và tôi lại được cho từ chức một lần nữa. Sự thất bại của tôi hết lần này đến lần khác chính là do lòng tự đại và nguyên nhân sâu xa hơn là không thấy được tính duyên sanh trong những thành công của mình. Nếu có cái nhìn duyên sanh thì tôi sẽ không cao ngạo như thế.  Sẽ biết ơn mọi nhân duyên đã làm biểu hiện ra kết quả tốt đẹp mà tôi có được. Lòng biết ơn sẽ khiến cho người xuất gia như tôi thực tập được hạnh khiêm cung, một trong những đức hạnh cơ bản không thể thiếu của người tu.

          Có những lúc khổ đau trong đời sống tu hành, tôi nổi lên oán trách vị thầy gieo duyên cho tôi xuất gia, tôi oán trách cả Đức Phật. Nhưng nghĩ lại, chính đạo Phật đã giúp cho tôi chuyển hoá từ một con người vô dụng trở thành một con người hữu ích. Lúc ở nhà, tôi ngủ đến 10 giờ sáng mới dậy và chỉ quanh quẩn bên máy tính. Khi vào chùa, tôi dậy sớm được, sinh hoạt có giờ giấc, tụng kinh chấp tác và sống nếp sống hướng thượng, có lý tưởng. Nếu không xuất gia thì không biết tôi còn sống vật vờ lang bạt đến bao giờ. Chính là nhờ lời dạy của Thiền sư Nhất Hạnh “ Còn biết ơn là còn hạnh phúc” mà tôi từng ngày chuyển hoá tâm oán trách trở thành tâm biết ơn. Vì xét cho cùng, tôi là một chúng sanh muốn thoát khổ được vui như bao nhiêu chúng sanh khác. Khi đau quá thì tự khắc sẽ buông. Oán trách làm tôi đau khổ và tôi chỉ còn cách nương theo lời dạy của thầy Nhất Hạnh để tìm hạnh phúc cho mình. Đó là quán chiếu về những nhân duyên tốt đẹp trong đời tôi.

Tôi nhớ có một lần tôi đòi tự sát. Một vị hoà thượng đã nói với tôi một câu thật thấm thía: “Cuộc đời này có nhiều ơn nghĩa với mình lắm”. Lúc đó dù chưa ý thức được ơn nghĩa ấy là những gì, nhưng lời dạy dịu dàng ấy đã xoa dịu phiền não trong tôi.

Lúc tôi chưa đi tu, có lần tôi còn trách mẹ tôi đã sinh ra tôi. Ba tôi bảo : “ Ba mẹ cho con ăn học để con nói lời vô ơn như vậy sao? ”. Tôi thấy mình sao mà bất hạnh. Sự bất hạnh đến từ chỗ thiếu vắng lòng biết ơn. Sau này khi đã xuất gia, được học về bốn ơn nặng, tôi càng ăn năn lỗi lầm của mình, và có cơ hội quán chiếu về thâm ân của cha mẹ cũng như ơn nghĩa khác của cuộc đời. Hình hài này là do tinh cha huyết mẹ mà có.  Rồi ơn mang nặng đẻ đau, ơn nuôi dưỡng giáo dục, ơn tình thương của cha mẹ. Ơn cha mẹ chính là ơn mà tôi sẽ không bao giờ trả được nếu không tu tập đến nơi đến chốn. Cha mẹ đã cho tôi cả một kho tàng vô giá, đó là kho tàng của tình thương. Cho nên, cũng vị hoà thượng ấy đã dạy : “Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ có là Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa lòng xứng ý ”.

Trẻ con ít đau khổ hơn người lớn có lẽ chúng rất dễ phát khởi lòng biết ơn. Cậu bé “ thần đồng ” Đỗ Nhật Nam đã có những câu thơ thật dễ thương khi đến nói chuyện tại một đạo tràng Phật giáo :

                   Chốn huyền không giác ngộ

                   Biết quên điều hơn thua

                   Biết ơn nắng, ơn mưa

                   Ơn nhành cây ngọn cỏ.

          Bạn tôi ở đời lập gia đình và có một cô con gái 8 tuổi. Ngày Tết hai mẹ con lên chùa lễ Phật, thăm tôi. Sau khi biết đi tu là không lập gia đình, không có con, cô bé quay sang mẹ, nói : “ Con cảm ơn mẹ, vì mẹ đã không đi tu, nhờ mẹ không đi tu nên mới có con”. Trẻ con hồn nhiên và sâu sắc đến lạ kỳ. Tuy câu nói của cô bé thật ngô nghê nhưng biểu lộ một sự biết ơn chân thành làm tôi phải cảm động, và khiến chúng tôi cùng cười hạnh phúc. Đôi khi ta nghĩ hạnh phúc là một cái gì thật xa vời. Nhưng thật ra nó có thể đến từ một lời nói cảm ơn chân thành như vậy thôi. Ngày Tết tôi về nhà nấu cơm chay đãi gia đình. Tôi lấy cơm vào bát cho đứa cháu nhỏ bên cạnh.  Sau khi đón bát cơm từ tay tôi nó liền thưa: “ Cháu cảm ơn dì ”. Tôi thấy hài lòng và yên tâm rằng nó được dạy dỗ tử tế. Cảm ơn và xin lỗi là phép lịch sự tối thiểu mà mỗi người ai cũng phải biết. Biết nói lời cảm ơn là một con người lịch sự. Nhưng có lòng biết ơn là thì đã là một con người cao thượng. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy : “ Có hai hạng người khó gặp ở đời. Thế nào là hai? Thứ nhất là người có lòng tử tế, và thứ hai là người biết ơn người đã làm điều tử tế cho mình”. Như vậy, nuôi dưỡng lòng biết ơn không chỉ giúp ta trở nên hạnh phúc mà còn giúp ta trở thành một người cao thượng.

          Bản thân tôi khi có cơ hội đều thực tập các phép quán trước mỗi bữa ăn. Lý do là mỗi khi đọc đến bài quán niệm này, tôi phát khởi cái nhìn duyên sinh và lòng biết ơn sâu sắc, từ đó tôi thực tập chánh niệm trong khi ăn rất dễ. “ Thức ăn là là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này”. Chỉ cần làm theo quán niệm đầu tiên là tôi đã có hạnh phúc và bớt hổ thẹn trong khi ăn rồi.

Bản thân tôi là một người khá may mắn vì có một cuộc sống quá êm đềm, trước và sau khi xuất gia, ít khi gặp phải nghịch cảnh mà thường có thuận duyên. Chỉ cần thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ thì lập tức sẽ thấy mình nhận được bao nhiêu ơn nghĩa trong đời. Có thầy giáo thọ mách cho chúng tôi rằng : “ Sau khi ngủ dậy thì  nhớ cảm ơn cái mền, cảm ơn cái mùng, cảm ơn cái gối, cảm ơn cái giường…”. Quả là một kinh nghiệm khá thú vị để tăng trưởng lòng biết ơn. Nếu thiếu không khí, chúng ta sống được không? Cho nên tôi xin cảm ơn không khí đã giúp cho tôi duy trì sự sống. Cảm ơn ánh nắng mặt trời, cảm ơn từng giọt nước. Cảm ơn mọi nhân duyên. Lòng biết ơn luôn giúp chúng ta thấy được mối tương quan nhân duyên trong cuộc sống. Cái này có vì cái kia có, cài này không vì cái kia không. Tôi cũng từng thực tập chữa bệnh bằng bốn câu thần chú do ngài Tịnh Không chia sẻ “ Tôi yêu bạn. Tôi xin lỗi vì đã không chăm sóc tốt làm cho bạn bị đau, hãy tha thứ cho tôi. Cảm ơn bạn ”. Bản thân tôi bị chứng nhức đầu hành hạ. Năm bữa nữa tháng là cái đầu đau như có ai bóp vào não bộ của mình. Cơn đau có khi kéo dài vài ngày. Tôi thức tập với cơn đau đầu của tôi: “ Tôi yêu đầu. Tôi xin lỗi vì đã không chăm sóc tốt làm cho đầu bị đau, xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi cảm ơn đầu ”. Cứ như thế vài lần, thì cơn đau đầu sớm chấm dứt hơn và nay cũng ít tái phát. Hằng ngày tôi luôn cảm ơn cái đầu không bị đau của tôi đã trợ duyên cho tôi đủ khoẻ mà tu tập. Có được cái đầu không bị đau đã là một hạnh phúc, và gởi lời cảm ơn đến cái đầu, đến từng bộ phận thân thể không bị đau của mình cũng là cách để tăng trưởng hạnh phúc.

Trên đời cái gì cũng đều có nhân duyên. Tôi đã từng bị tổn thương sâu sắc trong một thời gian dài vì một lời nói của người khác. Tôi đau và tôi hận rất lâu. Cho đến một hôm, tôi đóng cửa niệm phật luôn hai ngày. Và câu Phật hiệu đã làm tôi nhớ ra, tôi đã từng làm tổn thương một người khác cũng bằng cách đê tiện, nặng nề và thấp hèn như thế. Mọi đau đớn, oán hờn trong tôi tiêu tan hết. Thay vào đó tôi cảm ơn sâu sắc người đã làm tổn thương tôi. Người đó đã giúp tôi trả nợ.

Tóm lại, lòng biết ơn giúp chúng ta trở nên một người cao thượng. Lòng biết ơn giúp ta sống hạnh phúc. Lòng biết ơn giúp ta nhìn thấy thực tướng duyên sanh của vạn pháp. Lòng biết ơn giúp ta trở nên khiêm cung và biết trân trọng từng nhân duyên chúng ta có trên đời. Từ lòng biết ơn, chúng ta đi đến hành động trả ơn bằng mọi thiện nghiệp chúng ta có trên đời.  Trịnh Công Sơn viết : “ Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn người, tạ ơn ai..”. Sống trong thế giới biết ơn, chúng ta sẽ giữ mãi nụ cười trên môi cho đến lúc chúng ta từ giã cuộc đời ./.

  Trích : Giá trị của lòng biết ơn : Thích Nữ Tuệ Anh-VHPG số 346- 15-6- 2020.

{]{

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG BIẾT ƠN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét