Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

NGHIỆP NẶNG

NGHIỆP NẶNG

1- Trong đạo Phật thường dùng từ “Nghiệp” chỉ cho các hành động, lời nói và ý nghĩ của một con người, ba yếu tố tạo thành nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Một sự việc hình thành do sự phối hợp ba yếu tố thân, khẩu, ý này hình thành nên một sự việc được gọi là Nghiệp. Hành động tốt hoặc xấu đạo Phật đều gọi là Nghiệp cả, nhưng mỗi khi việc gì xấu xảy ra với một người tu hành hay không tu thì người ta cho là nghiệp nặng, ví như chết bị tai nạn, bị bịnh tật, bị oan ức v.v... mọi người đều nói “ tội nghiệp”. Nhưng những người trúng số, thi đậu, lên chức, lượm được của quý v.v .. thì không ai đổ thừa cho nghiệp cả. Đành rằng đạo Phật nói rõ có hai thứ nghiệp, nghiệp gồm có hắc nghiệp và bạch nghiệp, tức thiện nghiệp và ác nghiệp. Nhưng mỗi khi nhìn vào sự việc không tốt người ta nghĩ Nghiệp là thuộc về thành phần tiêu cực, là xấu, nghĩ như vậy không đúng hoàn toàn chữ Nghiệp đạo Phật muốn nói.

Mục đích của đạo Phật tu tập là để thoát nghiệp, chuyển nghiệp, nhưng những vị  Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, cho đến các vị cư sĩ rất nhiều vị tu tập chân chính, nghiêm túc đến cuối cuộc đời đều bị tai nạn, bịnh tật, bị oan ức như vậy có phải  “ nghiệp nặng” không?  không giải được nghiệp, không tránh được nghiệp chăng? Như vậy tu hành bao nhiêu năm trở thành tay trắng chăng?

    Để hiểu về  “ nghiệp nặng” chúng ta lần lược đi qua các giải thích nghiệp theo nhiều quan điểm của các hệ tư tưởng Phật giáo Nguyên thuỷ, Đại thừa và các tông phái Thiền tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Hoa tông, Pháp Tướng tông, Luật tông, Tam luận tông, Tịnh Độ tông, mỗi tông phái đều giải thích nghiệp khác nhau..

2- Phải chăng, có một thực thể gọi là “nghiệp nặng” hay là không?

“Nghiệp” là một danh từ triết học Ấn Độ  có trước khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện. Ý nghĩa cơ bản của nó là “ hành động” hoặc “thói quen”.

Nhưng khi được Đức Phật Thích Ca sử dụng để trình bày giáo lý do Ngài giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thì từ ngữ này đã mang nhiều ý nghĩa khác biệt, phong phú hơn và thâm áo hơn.

Thế nên mỗi khi nói đến nghiệp, theo thói thường, người ta chỉ hiểu “ nghiệp nặng”  nghĩa là nghiệp chướng nặng nề, hoặc là gặp quả báo tệ hại,  xấu xa, khốn khổ. Theo quan điểm thế gian (của những người chưa tin Phật, chưa hiểu Phật pháp, chưa học Phật) thì : kẻ nào nghèo nàn túng thiếu, bệnh hoạn tai ách, tai nạn cấp kỳ, gia đạo bất an, nghịch cảnh đau đớn,  đời sống khó khăn, tình cảm rối loạn, sinh hoạt đời thường không được ổn định v.v... thì bị thiên hạ gọi là “ kẻ có nghiệp chướng nặng nề” hoặc là “ kẻ bị nghiệp nặng”.

Phật giáo không hề nhìn nhận một cách thiển cận và thiếu sót như vậy.

3- Nhưng Phật giáo lại có rất nhiều loại nhận thức tuỳ thuộc vào nhiều nền giáo lý, tư tưởng khác biệt. Sau đây là sự khác biệt của các hệ tư tưởng, quan điểm của các hệ tư tưởng tông phái :

Theo quan điểm Phật giáo Nguyên thuỷ,  một chúng sanh được gọi là nghiệp nặng khi kẻ ấy không có điều kiện để thực hiện một nếp sống giải thoát. Mà mục tiêu của giải thoát là chứng thánh quả A la hán (đạt tâm vô ngã) chấm dứt sự thọ nghiệp.

Vậy ta có thể kết luận rằng : Ngoài A-la-hán ra, tất cả chúng sanh chưa giải thoát đều là nghiệp nặng cả, vì còn sinh tồn bởi nghiệp lực chứ không phải bằng tâm thái vô ngã. (Ngay cả những bậc  đã đắc Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A-na-hàm cũng vẫn còn sống bằng nghiệp lực nói chung, và chưa đạt vô ngã).

Trên đây là giáo lý dành cho bậc xuất gia, còn người tại gia (những người đã thọ Tam quy và trì Ngũ giới) thì ngoài việc bố thí cúng dường và đặt bát cho chư Tăng Ni, thì phải nỗ lực thọ trì Bát quan trai để được sanh Thiên (sanh lên cõi Trời). Vậy, ai không thường xuyên thọ trì Bát quan trai, sẽ không được “ sanh Thiên” như vậy có thể gọi là nghiệp nặng .

4-  Quan điểm của Đại thừa thì sao?

Đại thừa Phật giáo luôn luôn đặt trọng tâm nơi việc phát khởi Vô thượng Bồ đề tâm để giải thoát luân hồi sanh tử cho bản thân và để cứu độ tất cả chúng sanh khác, giúp mọi chúng sanh khác thành phật như mình.

Vậy kẻ nào không thể liên tục phát khởi Vô thượng Bồ đề tâm hoặc không tạo điều kiện để mình và mọi chúng sanh thành tựu trí giác Phật đà, thì kẻ ấy còn đa mang nhiều nghiệp chướng nặng nề.

Đó là ý nghĩa tạm thời của hai chữ “nghiệp nặng” được trình bày tổng quát qua giáo lý Đại thừa .

Ngoài ra, tuỳ theo pháp môn tu hành mà người ta có thể diễn giải từ ngữ Nghiệp nặng theo nhiều ý nghĩa khác nhau, có thể sử dụng trong những văn cảnh khác nhau.

5- Ví dụ, Thiền tông chủ trương: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là tiêu chí cho tất cả môn đồ, đệ tử, không loại trừ bất cứ ai. Vậy, kẻ nào chưa “thấy tánh”, nghĩa là chưa bắt gặp “cái mặt mày của mình trước khi cha mẹ sanh ra”, (ngôn ngữ nhà Thiền gọi là : chưa nhận chân được cái bản lai diện mục của mình), và chưa thành tựu khả năng thành Phật- thì là một kẻ nghiệp nặng. Dẫu là Hoà thượng, Đại đức, thiền sư, tổ sư, nếu người nào còn lẩn quẩn bên ngoài cửa Đốn Ngộ thì còn trầm luân sanh tử, nên gọi người ấy là kẻ có nghiệp chướng nặng nề, đáng thương, đáng trách.

Hoa Nghiêm tông lấy “Ly thế gian, nhập pháp giới” làm yếu chỉ tu hành. Người nào còn vướng mắc bởi dây trói ngũ dục, bị ràng buộc bởi phiền não chướng và sở tri chướng, còn dính líu đến lợi ích thế gian và ngay cả những hiệu quả xuất thế gian, mà chưa nhập vào thể tánh siêu việt bình đẳng bất khả tư nghì của pháp giới thì…Hoa Nghiêm tông gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề.

Thiên Thai giáo tức Pháp Hoa tông thì lấy “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” làm mục tiêu và cơ sở tu hành cho tất cả tín đồ. Vậy, kẻ nào chưa ngộ nhập Phật tri kiến mà còn đang sống với quan điểm thế gian, nhìn mọi sự vật bằng con mắt phàm tục, đầy ý thức phân biệt, tách bạch thiện ác tốt xấu chỉ vì thiếu thốn chất liệu từ bi, chưa phát huy năng lực trí tuệ của Phật, thì vẫn là kẻ nghiệp chướng nặng nề, chưa liễu ngộ được tông chỉ của Thiên Thai giáo nói riêng và chưa cảm nhận diệu nghĩa của nhà Phật nói chúng.

Pháp Tướng tông của Duy Thức tông thì lấy “Nhiếp vạn pháp quy về Chân Duy Thức Tánh” (Tất cả không ngoài thức) làm cốt lõi cho sự hành trì, đồng thời làm cứu cánh tối hậu cho cuộc sống. Người nào chưa có khả năng thực hiện Chân Duy Thức Tánh, thì gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề.

Luật tông lấy “Nhiếp thân ngữ ý vào Thi la tánh” làm tông chỉ. Nghĩa là đi đứng nằm ngồi, tất cả mọi sinh hoạt, cử động, lời nói, tư tưởng, đều an trú trong Giới Tánh. Nếu chưa biểu hiện được như thế, thì Luật Tông gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề.

Tam Luận tông lấy “Lìa Có và Không, thẳng vào Trung đạo” làm tông chỉ, rồi tiến tới “ Siêu Tứ Cú, tuyệt Bách Phi” làm cứu cánh tối hậu. Ai biểu hiện trái ngược lại, nghĩa là còn vướng víu cái Có của phàm phu, hoặc cái Không của thánh nhân, thì ta có thể gọi kẻ ấy còn nghiệp nặng nề.

6- Pháp môn Tịnh độ thì sao?

 Người theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc thì phải lấy “Tín, Hạnh, Nguyện” làm điều kiện chính yếu cho việc tu hành, và chấp nhận “Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển” làm mục tiêu cuối cùng cho việc niệm Phật. Dù là Tăng, tục, nam hay nữ đều không có biệt lệ. (Tín là, lòng tin chuyên nhất về sự cứu độ của chư Phật. Nguyện là, ý nguyện mong muốn được trở về sinh sống tại cõi Tịnh độ. Hạnh là, thường xuyên xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật liên tục, không gián đoạn). Ai không có khả năng thực hiện được Tín, Hạnh, Nguyện và khi lâm chung không được vãng sanh Cực lạc, thì tông phái này sẽ gọi kẻ ấy là nghiệp chướng nặng nề, vì  “ còn vướng luỵ”, phải ở lại thế gian, lăn lộn trong ba cõi sáu đường.

7.  Đặc biệt, ở Tịnh độ Nhật Bản,  chư vị Tổ sư như Ngài Nhất Biến,  Pháp Nhiên và Thân Loan đều cực lực tuyên dương 2 phần :

I- Danh hiệu Nam mô A-di-đà- Phật là phương tiện thù thắng, vừa là cứu cánh tối thượng vừa là chỗ quy túc cho mọi hành vi, tư tưởng, và lời nói của hành giả.

II- Bản Nguyện A-di- đà có khả năng vĩ đại là cứu vớt tất cả kẻ “nghiệp nặng, phước khinh, chướng sâu, huệ mỏng”, hết thảy chúng sanh tội khổ, mê đắm, xấu ác đều là đối tượng chân chính của Bản Nguyện, và Đức Phật  A-di-đà sẵn sàng cứu độ tất cả, không loại trừ một ai, không bỏ rơi chúng sanh nào.

Như vậy, mà Bản Nguyện được tồn tại vì nhu cầu của chúng sanh thì không bao giờ cùng tận, và danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật vẫn luôn luôn là thực phẩm tâm linh cần thiết cho mọi chúng sanh không phân biệt. Do đó, chúng ta chớ quên rằng, trong pháp môn Tịnh độ, các Tổ sư vô cùng hân hoan, thích thú khi che chở những kẻ thường bị thế gian miệt thị là nghiệp chướng nặng nề, là độn căn, hạ trí, là ươn hèn yếu đuối. Vì Đức Phật A-Di-đà luôn ưu ái những người tội lỗi, nghiệp nặng, và luôn luôn đối xử với họ bằng lòng bi mẫn đặc biệt.

 Nhưng, thật ra, ngoại trừ những bậc thánh vào ra sanh tử cốt thị hiện để cứu độ chúng sanh, thì… tất cả chúng sanh đều là kẻ nghiệp chướng nặng hết thảy.

8- Tóm lại : từ ngữ “ nghiệp nặng” không có chỗ đứng trong lòng những người phật tử (vì ai cũng là kẻ nghiệp nặng, dưới những hình thức khác nhau, trong những lốt vỏ khác nhau, trong những vị thế khác nhau- thì cần chi phải luận bàn vô ích đến một sự kiện rất ư là hiển nhiên vậy?) hoặc nói cách khác:

Đạo Phật không có sự phân biệt “nghiệp nặng”  hay “nghiệp nhẹ”. Vì trái lại, kẻ nào nghiệp càng nặng, càng được Phật cứu một cách khẩn trương, càng được ưu ái bởi Bản Nguyện A-Di-đà một cách triệt để, hoàn mãn .

Lại nữa, Đức Phật A-di-đà tựa như  Bà Mẹ tràn đầy yêu thương, thế nên đứa con nào gặp phải nguy nan, khốn cùng, tai hoạ thê thảm, mà lớn tiếng kêu cứu, thì Bà Mẹ ấy đương nhiên phải quan tâm ngay lập tức, phải bày tỏ lòng xót xa và cứu trợ cấp kỳ. Và điều này cũng không phải là khó hiểu! Cho nên chúng ta đừng ngại rằng mình nghiệp nặng, mà cũng đừng miệt thị kẻ khác là “nghiệp nặng”, vì nếu chủ trương như vậy, e rằng chúng ta dường như chưa hiểu và chưa tin vào Bản Nguyện Phật A-di-đà ! Ngài Thân Loan lại bảo :

May mắn thay cho những kẻ chất chứa nhiều ác nghiệp, bởi vì họ sẽ được Đức Phật cứu độ khẩn cấp!

Bởi vì tôi là một chúng sanh chất chồng nghiệp nặng, tôi còn biết ơn sâu xa hơn đối với Bản Nguyện, nó đích thực được thiết lập ra để cứu độ tôi.

Vâng, phải có một giáo lý như vậy, thì cuộc nhân sinh của chúng ta mới có nhiều thăng hoa, hứa hẹn, mới được gọi là đáng sống .

Phải có một danh hiệu thù thắng nhiệm mầu như vậy, mới thừa khả năng cải biến tâm linh chúng ta, chuyển hoá cái tâm nhơ bẩn xấu ác này trở thành Niết bàn vi diệu, bằng cách vận chuyển những kẻ u mê ám chướng tội lỗi nghiệp nặng sang định cư tại cõi Cực lạc chứ?

9- Chúng ta cần khẳng định rằng đạo Phật không những chỉ dành cho những người thông minh, đạo đức, (hạng này rất ít, không mấy người), mà là đặc biệt dành cho những con người yếu đuối trước cám dỗ của tội lỗi, cưu mang lắm nghiệp nặng, hành vi xấu ác, tâm lý mê đắm. Nhờ vậy, mới làm sáng tỏ đức từ bi vô hạn của chư Phật, chư Bồ tát.

Như Angulimala đã từng giết 99 người, còn âm mưu sát hại Đức Phật Thích Ca, thế mà còn được Phật khai ngộ và dạy dỗ cho đến chứng đạo. Như Yasa, một công tử giàu có đam mê dục lạc, vẫn được Phật thâu nhận làm đệ tử, rồi chẳng bao lâu chứng quả. Như Châu Lợi Bàn Đà–già là người u mê, si độn, vẫn được Đức Phật đưa vào giáo đoàn. Sau này trở thành người có tài biện luận sắc sảo, nổi tiếng là bậc Nhớ Nghĩa Hay đệ nhất.

Cho nên chúng ta nên lạc quan, không cần biết nghiệp mình nặng hay nhẹ, hãy hành trì chắc thật và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự cứu độ không giới hạn của chư Phật./.

  Trích : Nghiệp nặng và sự cứu độ của Phật : Nguyễn Xuân Chiến – VHPG số 111- 15-8-2010.

{]{


NGHIỆP NẶNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét