Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

TÁM NGỌN GIÓ THẾ GIAN

TÁM NGỌN GIÓ THẾ GIAN

Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng có   “tám ngọn gió thế gian” làm khuấy động lòng người, lay chuyển thế giới, khiến loài người quay cuồng chao đảo, rơi vào vòng xoáy tư duy nhị nguyên đi đôi với các phản ứng tâm lý- thuận ứng và nghịch ứng- liên tục nảy sinh không dứt. Đó là các ngọn gió lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, vui sướng và khổ đau. Tức là : Tốt- xấu;  lợi- suy; ca ngợi – chê bai; vui sướng – khổ đau.  Thuận ý sanh tham luyến, nghịch ý sanh tức giận, đều là sự biểu hiện của tâm được mất. Được cũng khổ, mất cũng khổ, đều là tâm lý phiền não.

Phật nói cho chúng ta biết mọi thứ trên thế gian này đều thay đổi, vô thường, cần phải khéo nhận diện, khéo suy tư tác ý thường xuyên để thoát khỏi cái hoạ khổ đau vì tâm tham ái dính mắc. Ngài dạy rằng hết thảy những gì mà con người nhận được trong cuộc đời, dù tốt hay xấu, thích ý hay không thích ý, đều thay đổi, biến hoại, không đáng cho ta lưu luyến nắm giữ ở trong tâm. Bởi vì, nếu cứ  tham luyến ôm ấp mọi thứ thì con người sẽ phải đau khổ triền miên do tâm cứ  thuận ứng (thích thú luyến ái với cái tốt, cái có lợi) và nghịch ứng  (chán ghét, bực bội đối với cái không tốt, cái không có lợi). Thái độ thuận ứng và nghịch ứng tức là biểu hiện của tâm dao động mê mờ, không tỉnh táo sáng suốt, bị ám ảnh và kích động bởi các ý tưởng phù phiếm của cuộc đời. Chúng là nguyên nhân của những việc làm không sáng suốt, thiếu cân nhắc gắn liền với các hậu quả đầy phiền toái khổ đau.

Sự đời có hay không, được hay mất, tốt hay xấu chỉ là hiện tượng tương đối, diễn ra hoàn toàn không như ý mình muốn, vì thế mà con người nên học cách “biết đủ” (đối với có được và cái không có được) để cho tâm hồn được thanh thản và cần nhận ra cái bản chất giới hạn, vô thường, bất toại của hiện hữu để bớt phần phản ứng quay cuồng. Còn phản ứng quay cuồng- thuận ứng và nghịch ứng- tức là còn nô lệ cho dục vọng khổ đau. Đức Phật gọi thái độ thuận ứng và nghịch ứng đối với thực tại sinh diệt biến đổi vô thường của dòng đời là vô minh, thất niệm, biểu hiện của cái tâm nhỏ mọn. Thuận ứng với cái tốt, cái có lợi thì tham có cơ hội dấy khởi, đi đến tăng trưởng. Trái lại, nghịch ứng đối với cái không tốt, không có lợi thì sân có lý do sinh khởi, đi đến tăng trưởng. Tham và sân là con đẻ của si hay vô minh, tức sự mê mờ, không thấy rõ bản chất vô thường bất toại của  hiện hữu nên tâm cứ phản ứng quay cuồng- thuận ứng và nghịch ứng- trước mọi sự kiện sinh diệt vô thường của cuộc đời. Như vậy, do si hay vô minh nên tâm cứ thuận ứng đối với cái tốt, cái có lợi khiến lòng tham dấy khởi đi đến tăng trưởng. Tương tự, do si hay vô minh nên tâm cứ nghịch ứng đối với cái không tốt, không có lợi khiến cho sân dấy khởi đi đến tăng trưởng. Tham sân, si là ba độc tố tàn hại sức khoẻ và tâm trí của con người, khiến con người trở thành mù loà, rơi vào điên đảo, quay cuồng trong vòng xoáy của dục vọng hão huyền, gây tạo nên mọi ác nghiệp dẫn đến hậu quả khổ đau- khổ cho mình, khổ cho người, khổ cho cuộc đời. Do đó, tham, sân, si mà dấy khởi và lớn mạnh trong con người thì cuộc đời rơi vào chao đảo bất an. Trái lại, vô tham, vô sân, vô si được nuôi dưỡng và phát triển thì đời sống trở nên hài hoà an lạc.

Để giúp cho mọi người nhận diện hậu quả phiền toái khổ đau do tâm cứ thuận ứng và nghịch ứng đối với muôn sự muôn việc ở đời, Phật nêu hình ảnh của một kẻ vô văn phàm phu chưa có nhân duyên học hiểu Phật pháp nên bị tám ngọn gió thế gian quấy rối phải chịu khổ đau liên tục và một vị đa văn thánh đệ tử nhờ hiểu rõ và thực hành lời phật dạy nên không còn bị tám ngọn gió thế gian làm cho điên đảo. Nói khác đi, Phật khuyên nhắc chúng ta rằng sự đời thực hư biến đổi khôn lường, như gió thoảng mây bay, nên mỗi người hãy giữ tâm bình thản hay tập buông xả đối với mọi thứ, thích ý cũng như không thích ý, để thoát khỏi cái tâm phản ứng vùng vẫy mệt mỏi mà sống thảnh thơi an lạc trên cuộc đời, vì sớm muộn gì tất cả đều ra đi, không bao giờ tồn tại mãi mãi./.

{]{

CHỌN CÁCH ĂN CHAY

          Ăn chay trong đạo Phật là tuân theo lời dạy của Phật bắt nguồn từ giới cấm sát sanh. Ăn chay là ăn những thức ăn thuần bằng rau, củ, quả. Ăn chay có nhiều lối như chay kỳ, trường chay, thuần chay, tạp chay.

          Trai nói cho đủ ý nghĩa là Trai giới, những ngày ăn chay là những ngày phát nguyện bỏ ác làm lành, ngày ăn chay dù có ai chửi mắng mình, mình cũng không chửi mắng lại, người ta có đánh mình, mình cũng không đánh lại, không hơn thua thị phi với họ v.v... như thế mới đúng ý nghĩa ăn chay theo lời Phật dạy. Ý nghĩa ăn chay các ngày trong mỗi tháng là vậy, giữ tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, ý thanh tịnh, như vậy ăn chay mới có lợi ích, mới có ý nghĩa thiết thực.

          Mục đích ăn chay của đạo Phật là để nuôi dưỡng lòng từ bi, hạn chế sát sanh hại vật ở đời nay, tránh quả báo ác trong đời này và các đời sau. Ăn chay còn là cách cải tạo môi trường trong sạch. Ăn chay là cách bảo vệ sức khoẻ ngăn ngừa bệnh tật v.v ...

          Ăn chay không chỉ dành riêng cho người theo Phật, mà phổ biến cả các tôn giáo khác và người đời. Các tôn giáo khác cũng đề xuất sự ăn chay, còn gọi là ăn kiêng. Tu sĩ ăn chay để hành đạo, vua chúa ăn chay để cầu quốc thái dân an, thái bình thịnh trị, đại gia ăn chay là đổi khẩu vị, dân giả ăn chay để cầu nguyện v.v. ..Như vậy, ăn chay có nhiều mục đích tuỳ theo sự suy tính của mỗi người, của mỗi tôn giáo.

      Tóm lại ăn chay dưới hình thức nào đi nữa nó cũng đem lại kết quả tốt cho con người trên hai phương diện tâm lý và vật lý trong đó có môi trường sống. Ăn chay là thể hiện việc bỏ ác làm lành, tránh điều tội lỗi do sát sanh,  tích đức cho mình và con cháu. Ăn chay tiếng Hán gọi là trai, tiếng Việt gọi là chay. Có các trường hợp ăn chay như: Nhị trai là ăn 2 ngày : Mùng 01 và ngày 15 hằng tháng . Tứ trai là 4 ngày : 30,01,14, 15 trong mỗi tháng. Lục trai là 6 ngày : 30,1, 8, 14,15 và 23.

Thập trai là 10 ngày : tức lục trai thêm 4 ngày là 1, 8, 14,15,18, 23, 24, 28, 29, 30. Mười ngày trai là quy định của Phật giáo, trong 10 ngày cử hành Trai giới. Mười ngày Trai còn gọi là Chuẩn Đề Thập Trai. Thập Trai là ứng với 10 vị Phật tình nguyện kết duyên lành với chúng sanh vào 10 ngày chay. Mùng 1 ứng với Nhiên Đăng Cổ Phật. Mùng 8 ứng Với ….…Nhất ngoạt trai là ăn chay trọn một tháng là tháng 7 hằng năm. Tam ngoạt trai là ăn ba tháng trong một năm là từ  ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7. Cuối cùng là ăn chay trường, tức ăn trọn đời.

Ngày nay có những trường hợp chay giả mặn, chất liệu làm bằng rau củ quả, nhưng hình thức mẫu mã thì hình con cá, con tơm, miếng thịt  v.v... Như vậy có đúng nghĩa ăn chay không? Ăn chay mà còn tư tưởng sát sanh hại vật thì chưa phải là “thuần chay” mà gọi là “tạp chay”. Ăn chay phải là “tâm thực, ý  thực” mới gọi là đúng nghĩa ăn chay, tức là ăn bằng tâm, ăn bằng ý, tức kết hợp thân, khẩu ý trên vấn đề ăn chay. Tức là ta nghĩ gì khi ta ăn, tức ta đang ăn cái ấy, mặc dù ăn thực phẩm chay mà ý là ăn mặn, ăn thịt chúng sanh, ăn xác chết chúng sanh, đồng nghĩa với không ăn chay vậy.

Ngoài ra những món giả chay đều có chất phụ gia, chất bảo quản nên ăn vào có hại cho sức khoẻ, vì thế những người ăn chay không nên chọn hình thức đẹp mắt mà quên đi sức khoẻ của mình. Quên đi tâm thanh tịnh của mình.

Ăn chay có lợi cho tinh thần, có lợi cho sức khoẻ, có lợi cho môi trường thì mọi người nên thực hành, còn ăn chay có tổn hại cho sức khoẻ và tinh thần thì nên tránh, và cũng cần khuyên mọi người nên chọn cách thuần chay mà tránh hình thức tạp chay. Ăn chay chân chánh thì không chạy theo hình thức chay giả mặn không có lợi cho bản thân mình mà còn làm trò hề cho thế gian nhìn vào cách ăn chay của đạo Phật họ chê bai huỷ báng “ ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối ”.. Từ một tư tưởng cao đẹp thanh khiết về việc ăn chay đưa đến sự nhận xét thấp kém của những người ăn chay giả mặn./.

{]{


TÁM NGỌN GIÓ THẾ GIAN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét