Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

           Miền nam Việt Nam là nơi phát sinh nhiều tôn giáo bản địa đều bắt nguồn từ đạo Phật, như, Đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo. (Tứ Ân  Hiếu Nghĩa) , Bửu Sơn Kỳ Hương,Đạo Khất Sĩ…trái lại miền Bắc phát sinh nhiều tín ngưỡng nhân gian. Như  đạo thờ  Mẫu . thờ Thần, thờ các vị anh hùng dựng nước giữ nước v.v..

Nam Bộ là vùng đất có diện mạo tôn giáo hết sức phong phú. Nơi đây không chỉ đón nhận nhiều tôn giáo trên thế giới du nhập vào, mà còn khai sinh ra nhiều tôn giáo dân tộc hoặc cải cách tôn giáo ban đầu để hình thành nên dòng phái riêng biệt. Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPHVN) ngày nay là một tổ chức tôn giáo đã được  Chính phủ Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân. Đặc điểm của giáo phái này là dù vẫn thờ Phật và theo giáo lý nhà Phật, nhưng chỉ có hàng cư sĩ tại gia chứ không có tu sĩ xuất gia, lấy Tịnh Độ tông theo phương pháp trì niệm danh hiệu Phật làm nền tảng tu hành.

1/ Quá trình hình thành và phát triển :  Người khai sáng TĐCSPHVN là Đức Tông sư Minh Trí (1886- 1958). Ông tên thật là Nguyễn văn Bồng, sanh 1886. quê ở xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ông là con thứ bảy trong nhà nên còn gọi là Bảy Bồng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho học, ông học hành rất thông minh. Song, tương truyền thời tuổi thơ, ông tỏ ra có nhiều tính cách khác bạn bè trang lứa, như thường trầm mặc suy tư, ít đùa giỡn với bạn trẻ.

          Sức khoẻ ông vốn không tốt, thường xuyên đau ốm, khó ăn, thân thể tiều tuỵ…nên đến 15 tuổi phải nghỉ học. Do cha mẹ không may mất sớm nên ông sống với anh chị ruột và được cho theo học nghề Đông y. Năm 19 tuổi, ông lập gia đình theo sự sắp xếp của anh chị. Đến khi ông 25 tuổi thì chính thức hành nghề y chữa bệnh giúp đời. Năm 1915, ông từ giã gia đình đi vân du, một mặt là lấy cớ buôn bán trên sông nước, nhưng mặt khác thực chất là muốn đi tầm đạo và tìm hiểu dân tình. Năm ấy ông 29 tuổi.

Trong những năm tháng nầy, ông đã thu phục được những đệ tử mà sau đó trở thành những trụ cột của giáo hội như ông Huấn sư Dương Văng Đình, Huấn sư Nhan Văn Đồng, Huấn sư Đinh Văn Ninh, Huấn sư Nguyễn Văn Kiên… Năm 1921, ông Minh Trí và bốn người đệ tử nêu trên cùng lên núi Cấm (An Giang), mỗi người được phân định một địa điểm để nhập thất. Qua bảy ngày thiền định, thầy trò cùng xuống núi, sau đó ông Minh Trí phân công cho mỗi đệ tử đi vân du truyền đạo ở từng tỉnh cụ thể  (Nguyễn Võ Nguyên Pháp 2015).

          Sau hơn mười năm hành đạo các nơi, có được một lượng tín đồ khá đông đảo, ông Minh Trí quyết định thành lập tổ chức tôn giáo. Ông cho soạn thảo điều lệ, cử ra Ban sáng lập để trình đơn xin lên chính quyền Pháp. Ngày 20/2/ 1934, Thống đốc Nam Kỳ Pierre Andre Michel Page phê chuẩn cho  thành lập tổ chức tôn giáo mang tên Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội ( chưa có hai chữ Việt Nam). Ngày 13/3/1934, Ban Sáng lập tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Hưng Long Tự để bầu Ban Trị sự đầu tiên.

          Đến ngày 25/7/ 1934, Ban Trị sự mới tổ chức phiên họp bất thường ở chùa Hưng Long để suy tôn ông Minh Trí làm Tông sư. Ông lấy lý do tuổi tác và sức khoẻ để thoái thác, tuy nhiên do Ban Trị sự tha thiết suy cử, ông hoan hỷ nhận lời. Cũng từ đó, Tông sư Minh Trí lại trở về lục tỉnh, bắt đầu phát phái quy y công khai cho tín đồ sau khi giáo hội đã được “ danh tánh ngôn thuận”.

          Cũng nên nói thêm. TĐCSPH ban đầu chưa có trụ sở, nên mượn tạm một ngôi chùa là chùa Hưng Long để đặt hội quán. Sau đó, một điền chủ cũng là đệ tử của TĐCSPH tên là Quách Thị Mười đã hiến một phần đất ở chợ Lớn để cất hội quán trung ương. Năm 1935, hội quán mới  được khởi công xây cất và đến năm sau thì hoàn thành mang tên là  Tân Hưng Long tự (nay đã đổi thành Hưng Minh tự).  Năm 1937, TĐCSPH xuất bản tạp chí Pháp âm Phật học làm cơ quan ngôn luận và phổ biến giáo lý.

          Ngày 22/12/1953, được sự công nhận của chính phủ Quốc gia Việt Nam, giáo hội chính thức mang tên đầy đủ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam như ngày nay. Năm 1957, Tôn sư Minh Trí đã ngoại thất tuần, có lẽ dự đoán được tình hình sức khoẻ của mình nên ông hành đạo miền Tây lần cuối. Khuya ngày 22 rạng sáng 23 tháng 8 âm lịch năm 1958, Tông sư Minh Trí viên tịch, thọ 73 tuổi. Hiện tại mộ ông còn ở Tổ đình Hưng Minh tự.

           Đến nay TĐCSPHVN có hơn 200 hội quán có mặt ở miền Trung và miền Nam với gần 1,5  triệu tín đồ, trong đó có gần 5.000 chức sắc, gần 1.000 lương y…Lãnh đạo Phật hội là Ban Trị sự Trung ương do Chánh Hội trưởng đứng đầu, mỗi tỉnh có Ban Trị sự Tỉnh hội đứng đầu là Hội trưởng. Cơ sở  thờ tự được gọi là hội quán, với chữ Hưng đứng đầu. Việc thờ tự trong hội quán chi thiết trí duy nhất một pho tượng Phật Di Đà. Đạo kỳ của TĐCSPHVN là lá cờ chữ nhựt nền vàng, giữa có chữ “ nhứt” viết theo dạng cổ tự, mang hàm nghĩa là quy về một lối.

2/ Phương pháp tu tập :  Tác giả Huỳnh Minh (1967-: 298) nhận định :  “ Tôn chỉ của Phật học hội là thực hiện chủ nghĩa từ bi và bác ái của nhà Phật, cứu thế , độ nhân, lập công bồi  đức giúp đời, âm thầm làm phật sự, hàn gắn sự đau khổ của người, với lòng vị tha. Hội chủ trương với mục đích cao cả ấy, khuyến khích mọi người mở rộng tình thương, tận dụng khả năng, đem tài sức của mình giúp người theo phương tiện, không danh không lợi ”.

          Buổi đầu, để phù hợp với bối cảnh xã hội và trình độ dân trí người Nam Kỳ lúc bấy giờ, Tông sư Minh Trí xét thấy khó có thể giảng giải những triết lý cao sâu của đạo Phật. Ông chọn Tịnh Độ tông là pháp môn niệm danh hiệu Phật A Di Đà để truyền bá với đối tượng hướng đến là hàng cư sĩ tại gia. Đồng thời, ông kết hợp với việc vân du các nơi chữa bệnh cho dân chúng hoạt động từ thiện xã hội, từ đó cảm hoá đức tin của họ và khuyên họ tu hành.

           Ông còn truyền dạy phương pháp lễ bái lục phương (đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ - mỗi hướng 4 lạy), phương pháp này được Đức Phật Thích Ca  hướng dẫn trong kinh Giáo thọ Thi ca la việt, thuộc Trường bộ trong hệ thống kinh tạng Nikaya (tương ưng với kinh Thiện Sanh trong kinh Trường A Hàm). Năm 1919, ông chính thức truyền bá tông phái gọi là Lục phương tông với nền tảng là pháp môn lễ bái lục phương.

          Năm 1950, Tông sư Minh Trí đơn giản hoá cách lễ bái lục phương mà chỉ còn lạy một hướng vào bàn thờ Phật 24 lạy, xá phía trong rồi xoay ra xá phía ngoài, trở lại xá vào trong một lần nữa. Ông cho rằng, Lục phương tông là phương tiện truyền giáo buổi đầu, khi giáo hội đã chính thức mang tên TĐCSPH thì thuộc về Tịnh Độ tông.

          Đồng thời, Tông sư triển khai phương pháp Phước Huệ song tu, nhằm nâng cao trình độ tu học của tín đồ. Tu phước là làm các việc thiện giúp ích cho xã hội, tu Huệ là nghiên cứu giáo lý của nhà Phật để nâng cao trí thức. Để thuận lợi trong thực hiện pháp môn này, ông cho thành lập hai ban chuyên trách  là Ban Y tế Phước thiện và Ban Đạo đức. Tác giả Trần Hồng Liên (2001 : 70) nhận định : “ Một điểm đặc biệt trong tông chỉ của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là quan niệm về vấn đề đạo đức. Người có đạo đức là người có tánh hạnh tốt lành, hay cứu nhơn độ thế, thực hành hai chữ nhơn nghĩa ”.

           Trong năm 1958, trong ngày Đại hội mùng 8 tháng 4 âm lịch- nghĩa là vài tháng trước khi viên tịch, Tông sư Minh Trí ban hành huấn từ cuối cùng cho toàn thể tín đồ với nội dung nguyên văn như sau :

          “ Nầy chư Thiện hữu Tri thức !  Thành lập Ban Y tế phước thiện, tôi chẳng có ý dành riêng cho y sĩ sanh tu Phước, mà để cho tất cả các chức sắc hội viên và toàn thể thiện nam tín nữ tu phước.  Cũng như thế,  tôi thành lập Ban Đạo đức, chẳng phải dành riêng cho các chức sắc tu Huệ, mà để cho toàn thể hội viên và thiện nam tín nữ tu Huệ. Tinh tấn thực hành Phước Huệ song tu là lên đường Giải thoát. Tinh tấn  thực hành Phước Huệ song tu là đường về Cực lạc.  Tôi tha thiết khuyên nhủ tất cả lớn nhỏ, nam nữ ghi lấy, nhớ lấy ”.

          Ngày nay về phương diện tu Huệ, việc phổ truyền giáo lý được thể hiện qua một số tác phẩm tiêu biểu do Tông sư hoặc các vị Huấn sư soạn như : Lễ bái lục phương, Phu thê ngôn luận,  Giới luật, Đạo Đức, Phật học vấn đáp, phương pháp kiến tánh… Song song đó, về phương diện tu phước, tại mỗi hội quán đều có phòng thuốc Nam phước thiện, thể hiện đường lối hành đạo nhập thế tích cực. Trong hành trì hằng ngày, tín đồ có tứ thời công phu, khi lễ Phật thì lạy 24 lạy, lễ Quan Âm Bồ tát thì lạy 12 lạy, lễ đức Tông sư Minh Trí 6 lạy. “ Cư sĩ là người tu tại gia, không bắt buộc từ bỏ gia đình, xuống tóc. Tuy nhiên trong Hội vẫn có tu sĩ xuất gia, như trường hợp ở Hưng Đức tự (tỉnh Bình Dương)”.

   (Trần Hồng Liên  2016).

3- Nhận định chung :  Nhìn chung, hoà trong dòng chảy văn hoá Nam Bộ giai đoạn cận và hiện đại với sự biến đổi sâu sắc trên cả hai bình diện vật chất lẫn tinh thần, TĐCSPHVN – một trong những hiện tượng văn hoá đặc thù và góp phần cấu thành diện mạo văn hoá Nam Bộ- đã thể hiện một số đặc trưng cơ bản như : tính hệ thống, tính dân tộc, tính phục hưng, tính linh hoạt.

           Sự ra đời và phát triển của TĐCSPHVN nằm trong hệ thống văn hoá tinh thần của người Nam Kỳ trong giai đoạn giao thời. Tông sư Minh Trí đã giản dị hoá các lý thuyết tôn giáo , thổi vào đó sắc thái vùng miền để dễ đi vào lòng người. Những nỗ lức đó phần nào thể hiện ý chí phục hưng Phật giáo và văn hoá dận tộc. Và để thể hiện nguyện vọng đó, người đứng đầu của giáo phái đã hết sức linh hoạt trong phương pháp truyền bá, theo nguyên tắc tuỳhoá độ.

          Do những hoàn cảnh nhất định về lịch sử và văn hoá, nên miền Nam đã là nơi ra đời nhiều tôn giáo và dòng phái bản địa như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,  Cao Đài, Đạo Phật Khất sĩ… trong đó có TĐCSPHVN là một trong những đường nét chủ đạo tạo nên bức tranh đa màu sắc về tôn giáo  trên vùng châu thổ. Dù theo đuổi triết lý nào, các tôn giáo nầy cũng là sản phẩm văn hoá độc đáo được hình thành trong lòng không gian văn hoá Nam Bộ và đã phát huy những giá trị cụ thể, những ý nghĩa to lớn đối với đời sống đồng bào Nam Bộ xưa và nay.

 (Trích : Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam : Vĩnh Thông- VHPG –số 344- 15-5-2020)

      {]{


TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét