Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

NGHĨ GÌ VỀ ÁN TỬ HÌNH

          NGHĨ  GÌ VỀ ÁN TỬ HÌNH

          Người con Phật nghĩ gì về án tử hình?  Đứng về phương diện cá nhân, rất minh bạch rằng không Phật tử nào ủng hộ án tử hình. Đứng về phương diện quốc gia, thực tế là rất nhiều quốc gia- trong đó có nhiều nơi Phật giáo gần như quốc giáo, chẳng hạn, Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka…vẫn duy trì và thực hiện án tử hình.

Tại Thái Lan, án tử hình dùng để trừng phạt cho 35 tội hình sự, trong đó có tội sát nhân và buôn ma tuý. Miến Điện cũng thế. Điểm hay là ở chỗ, hai quốc gia này tuyên án tử hình, nhưng rất ít khi thi hành án tử.

Các quốc gia có đông dân số phật tử- như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.. vẫn áp dụng án tử hình, và thường xuyên thi hành án tử.

Về phía kinh điển, lời Phật dạy rất minh bạch. Kinh Pháp cú :

                   Mọi người sợ hình phạt

                   Mọi người sợ tử vong

                   Lấy mình làm ví dụ

                   Không giết, không bảo giết  (129)

                  

                   Mọi người sợ hình phạt

                   Mọi người thương sống còn

                   Lấy mình làm ví dụ

                   Không giết, không bảo giết  (130)

           Trong Kinh Trung Bộ 21- Kinh Ví dụ cái cưa : Đức Phật nói cụ thể rằng cho dù có bị một bọn cướp cưa tay, rồi cưa chân thì mình cũng đừng bao giờ khởi tâm căm giận, phải luôn luôn mở tâm từ bi hướng về tên cướp đó. Trong kinh Phật dạy như vậy, nhưng  khó và rất khó vậy.  Đó là phương diện tu học. Về phương diện trị nước, là khác. Vì khi quốc biến, người Phật tử phải ra trận, bất đắc dĩ phải phạm nghiệp sát, đó là lúc cần khởi bồ đề tâm để không lạc tâm vào bất kỳ những niệm dữ nào.

Nhưng câu hỏi là, án tử hình có hiệu lực trị an, có thể giúp xoá các tội về ma tuý, sát nhân, cướp bóc hay không?  Đây là cuộc tranh cãi lớn của nhiều thập niên vừa qua. Tất cả các quốc gia đang duy trì án tử hình để xem đó là giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất.

Mạng Wikipedia ghi nhận rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua, trong các năm 2007, 2008, 2010, 2012 và năm 2014, các nghị quyết không ràng buộc kêu gọi đình chỉ án tử hình toàn cầu, nhằm cuối cùng bãi bỏ. Tại các quốc gia thành viên Liên Âu, theo Hiệp ước Lisbon , Điều 2 của Hiến chương các Quyền Căn bản của Liên minh châu Âu cấm hình phạt tử hình. Ngoài ra,  Hội đồng châu Âu, gồm có 47 quốc gia thành viên, cấm các quốc gia thành viên áp dụng luật tử hình. Ngược lại, nhiều quốc gia như Trung Quốc. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore… vẫn duy trì án tử hình với mục đích tạo hình phạt đủ sức răn đe với các loại tội phạm nghiêm trọng, nhằm đảm bảo an ninh chung cho xã hội. Hơn 65 %  dân số thế giới sống tại các quốc gia nơi có án tử hình, và bốn quốc gia đông dân nhất thế giới (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Indonesia) vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình và dường như sẽ không xoá bỏ nó trong một tương lai gần.

Tính đến cuối năm 2015, trên thế giới có 65 quốc gia vẫn còn luật tử hình, 103 quốc gia hoàn toàn bãi bỏ luật này, 6 nước bãi bỏ cho những tội thông thường (chỉ tuyên tử hình với những tội đặc biệt  như tội ác chiến tranh), và 30 bãi bỏ trên thực tế.

Có nhiều quốc gia giữ kín các thống kê án tử hình.  Trong một thống kê về năm 2017, cho thấy Trung Quốc là nơi ra nhiều án tử hình nhất, và thực thì nhiều án này nhất trên thế giới. Rồi tới các quốc gia Hồi giáo.

Nếu nói rằng quốc gia đông dân nhất, tất có nhiều án tử hình, điều này chỉ đúng với Trung Quốc, Pakistan… Riêng Ấn Độ (dân số 1.32 tỷ dân trong năm 2016) rất ít dùng án tử hình; kể từ năm 1995  tới giờ, Ấn Độ chỉ thực thi 5 án tử hình.

Bhutan và Nepal là các quốc gia từ bi, đã chính thức  huỷ án tử hình từ lâu.

Khi nhìn về khối  ASEAN, chỉ duy nhất Cam-bốt là quốc gia duy nhất chính thức xoá bỏ án tử hình trong bộ Hình luật. Nước Lào chưa chính thức xoá bỏ án tử, nhưng dường như không thi hành án tử nào.

Trong khi đó, Trung Quốc kêu án tử hình hơn 1.000 trường hợp và cũng thực thi hơn 1.000 án tử trong năm 2017.

Nếu tính các án tử hình thực thi trong năm 2017, nhóm 10 quốc gia thi hành án tử nhiều nhất là  (dấu + là ‘ nhiều hơn ’) :

1- Trung Quốc (1.000 , hiểu là hơn cả 1.000 trường hợp thi hành án tử);  - 2/  Iran (507 +);   3/ Saudi Arabia (146 +); 4/ Iraq (125 +); 5/ Pakistan (60 +); 6/ Egypt (35 +)  7/ Somalia (24);  8/ Hoa Kỳ (23).

Nếu chỉ tính bản án tử hình nhiều nhất do toà đưa ra, không đếm việc thi hành án, trong năm 2017, sẽ thấy nhiều nhất là nhóm 6 quốc gia này.

1/ Trung Quốc (1.000 +) ;  2/ Nigeria (641);  3/ Egypt (492 +); 4/ Bangladesh (273+);  5/ Sri Lanka (218); 6/ Pakistan (200+).

Điều ngạc nhiên nhìn thấy, nơi Phật giáo gần như quốc giáo là Sri Lanka, nơi dân số chỉ 22,1 triệu người, lại kêu án tử hình nhiều thứ 5 thế giới, nhiều hơn Pakistan, nơi có 193,2 triệu dân. Nhưng con số án tử hình cho công dân Sri Lanka  thực ra rất phức tạp.

Theo một phân tích, trung bình mỗi năm có ít nhất 150 công dân Sri Lanka, hầu hết là phụ nữ, bị xử tử hình. Họ là các phụ nữ được xuất khẩu lao động sang Trung Đông (đa số là các nước Hồi giáo) làm tớ gái, bị các toà kết án vì nhiều lý do, và rồi nằm trong quan tài hồi hương.

Thêm nữa, quốc gia Sri Lanka, sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 2009, trở thành một trung tâm ma tuý thế giới. Điều này giải thích cho thấy vì sao Sri Lanka, nơi có nhiều thánh địa Phật giáo, cũng có nhiều án tử hình. Có răn đe được hay không cũng là chuyện để tranh cãi.

Điển để suy nghĩ : nhiều án tử hình được minh oan. Nghĩa là, đã có nhiều người chết oan.

Như tại Hoa Kỳ, một thống kê cho thấy kể từ năm 1973  tới nay, đã có 153 tử tội được minh oan để xoá án; may mắn, còn có hệ thống tư pháp xét đi, xét lại kỹ như thế. Một phần nữa, vì án tử hình tại Hoa Kỳ để nhiều năm sau mới thi hành án, và các luật sư biết cách kéo dài thủ tục kháng án để đi tìm thêm chứng cớ mới, nhằm cho thấy hoặc lời khai nhân chứng khó tin, hoặc chứng cớ ngoại phạm khả tín, hoặc cảnh sát làm sai thủ tục tố tụng…

Riêng trường hợp Việt Nam, một số hồ sơ rất xúc động đang được chú ý: anh Đặng Văn Hiến bị kêu án tử hình và gia đình gởi đơn xin cứu xét, xin giảm án…

Báo Người Lao Động  ngày 17-7-2018 viết :

“ Vừa đọc xong bản tin trên Báo Người Lao Động về việc Chủ tịch nước chỉ đạo kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án của người chồng, bà Mai Thị Khuyên (vợ tử tù Đặng Văn Hiến)  bật khóc và nói lời cảm ơn Chủ tịch nước.

Bà Khuyên cho biết mấy ngày qua bà đã tới nhiều cơ quan Trung ương gởi đơn xin cứu xét giảm án tử hình cho chồng .. ”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ ân xá cho anh Đặng Văn Hiến hay không, trong khi nhiều ngàn tri thức và các nhà vận động nhân quyền đã kêu gọi ân xá cho anh? Chúng ta không đoán được diễn tiến  tương lai. Cũng không thể đoán được quyết định của vị Chủ tịch nước.

Bài viết này chỉ xin góp thêm một lời để xin tha mạng anh Đặng Văn Hiến, vì anh là một nạn nhân trong một guồng máy xã hội vận hành bất toàn như thế.

   Trích : Nghĩ về án tử hình : Nguyên Giác : VHPG số: 302- 1-8- 2018

{]{


NGHĨ GÌ VỀ ÁN TỬ HÌNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét