Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC

ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là gì?  Có hàng trăm câu trả lời về hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc của người này không phải hạnh phúc của người kia. Đôi khi hạnh phúc của người này lại là sự đau khổ, sự tức giận của người kia. Hôm nay hạnh phúc ngày mai không còn hạnh phúc nữa mà là sự đau khổ. Hạnh phúc cùng sống chung nhau, hạnh phúc  được chia tay nhau, hạnh phúc được ăn ngon, hạnh phúc được mặc đẹp, hạnh phúc được mọi người khen tặng v.v... hạnh phúc ở bên cạnh những người thân yêu, hạnh phúc được khoẻ mạnh… những điều nói trên đều được xem là hạnh phúc, nhưng ở mức độ cạn cợt bên ngoài, chỉ là những niềm vui ngắn ngủi, thoáng qua,  những cảm giác thoả mãn nhất thời, không bền lâu. Hạnh phúc muốn nói là niềm hạnh phúc sâu thẳm bên trong, bắt nguồn từ nội tâm an bình, tĩnh lặng, tự tại, thong dong, không phải đến từ bên ngoài.

Trong kinh Phật có nêu ra những thể dạng hạnh phúc, hạnh phúc tại gia, hạnh phúc xuất gia, hạnh phúc thoả mãn các nhu cầu ham muốn và hạnh phúc buông bỏ tham muốn, hạnh phúc sanh y và hạnh phúc không sanh y.

Hạnh phúc thoả mãn các ham muốn và hạnh phúc sanh y là hạnh phúc có điều kiện, phải dựa vào cái khác mới có , hạnh phúc ấy là thể dạng đối đãi, có hạnh phúc thì sẽ có khổ đau phiền muộn, có niềm vui thoả mãn thì sẽ có nổi buồn và sự chán ngán. Trong vui sướng có bóng dáng của khổ đau, trong hạnh phúc đã có hình hài của phiền não. Cho nên Đức Phật dạy rằng: sầu muộn chỉ có thể khởi lên đối với ai vui sướng và vui sướng chỉ có thể khởi lên đối với ai sầu muộn.

Trái lại hạnh phúc buông bỏ tham muốn và hạnh phúc không sanh y, một hạnh phúc vượt lên trên mọi thứ hạnh phúc đối đãi, nhị nguyên giữa vui sướng và khổ đau. Một hạnh phúc sâu lắng an lạc buông xả nhiệm mầu, không cần có duyên cớ, chẳng đòi hỏi điều kiện, cũng không cần phụ thuộc vào việc xã hội công nhận mình là ai hay là gì trong mắt mọi người khác.  

Sống ở đời, chúng ta luôn tìm cho mình một chỗ đứng, một vị trí, một danh phận, để được xã hội thừa nhận mình là ai đó thì mình mới hạnh phúc. Ngay từ học phổ thông chúng ta đã được dạy : “ Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông ”, rồi lớn lên ta bị cuốn hút bởi hào quang của danh vọng, ta nỗ lực tìm kiếm cho mình cái hào quang ấy để đội trên đầu mà đi.  Một xã hội mà đặt nặng danh vọng, xem danh vọng là cứu cánh tối thượng thì con người ta không còn thấy được ánh sáng nào khác ngoài cái hào quang phù du của danh vọng ấy nữa. Chúng ta không cố ý nói nỗ lực tìm kiếm danh phận, địa vị ở đời là tiêu cực, là sai; điều muốn nói ở đây là ta không hiểu đúng về giá trị của danh vọng. Cái sai của ta là khi nghĩ rằng hạnh phúc thật sự là khi đạt đến danh vọng, được xã hội thừa nhận. Ta nghỉ rằng nếu không có chỗ đứng, địa vị, danh phận… ở đời, thì sẽ bị xã hội lãng quên, bị mọi người bỏ rơi,  không ai quan tâm tôn trọng mình. Ta có cảm giác rằng mình sống giữa xã hội mà như người vô hình, không ai biết mình là ai. Ta thấy mình sinh ra như bị thừa thãi, cuộc sống dường như mất hết ý nghĩa và không có giá trị, hạnh phúc cũng vì vậy mà bay xa.

          Bạn không cần phải là gì trong mắt người khác, không cần phải chứng tỏ mình là người giàu có, tài năng, giỏi giang hơn người để được mọi người công nhận. Cái đó chỉ làm thoả mãn cái tôi và nuôi lớn bản ngã mà thôi. Bản ngã luôn luôn núp dưới danh nghĩa thể hiện mình. Thể hiện mình là gì đó là sự thôi thúc âm thầm của bản ngã. Bạn không cần thể hiện mình là gì cả. Bạn chỉ đơn giản là người hạnh phúc vậy thôi, không cần phải là gì nữa cả. Bạn cũng sợ rằng buông bỏ bản ngã như thế là đánh mất cá tính của mình, mình không còn là mình nữa, đúng không?  Nhưng đó là cái sợ của bản ngã, không phải là con người thật của chính bạn. Khi thực sự buông bỏ bản ngã, bạn không còn là gì nữa, lúc này bạn mới thực sự là chính bạn, là con người thật của bạn. Bạn không còn là người quan trọng hay gì gì đó nữa. Bạn lột hết những nhãn mác gắn lên cuộc đời bạn, lúc này bạn mới chính là bạn, con người thật của bạn mà trong Thiền tông gọi là bản lại diện mục hay mặt mũi xưa nay của mình. Con người đó mới thật sự là con người của hạnh phúc, của an lạc.

          Bạn cũng luôn lo sợ rằng mình bị đánh giá thấp trong mắt người khác, sợ bị thấp kém, sợ bị thua thiệt, sợ người khác xem thường, những cái sợ đó làm cho bạn không còn chính là bạn nữa, không còn là con người hạnh phúc đích thực nữa. Con người thật sự của bạn là con người hạnh phúc, nhưng vì bạn cứ cố gắng để trở thành người này, người kia, cố gắng để được mọi người thừa nhận mình là ai, là gì đó khiến bạn đánh mất chính mình và đánh mất con người hạnh phúc vốn có uyên nguyên của mình. Có lẽ từ ý nghĩa này mà một vị thiền sư lỗi lạc nói rằng: “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác ”.

          Do đâu chúng ta trở nên tranh đấu, giành giật, chiếm đoạt, ganh ghét, đố kỵ, hơn thua với nhau? Là do chúng ta thiếu vắng bình an, hạnh phúc nên đấu tranh, giành giật, hơn thua với người để mong đem về chút hạnh phúc cho mình. Nhưng những điều đạt được từ việc đấu tranh, giành giật, hơn thua ấy không cho bạn bình an, hạnh phúc thật sự, mà trái lại khiến cho bạn trở nên căng thẳng bất an hơn. Cho nên, con đường tìm kiếm hạnh phúc, bình an thật sự không phải là con đường đấu tranh, giành giật, chiếm đoạt, hơn thua với người. Nếu có hạnh phúc thật sự trong lòng thì mình không có nhu cầu đấu tranh giành lợi lộc, quyền hành với ai, không cần phải hơn ai làm gì. Bởi vì khi chứng nghiệm được hạnh phúc tự nội rồi thì mình không cần phải là gì nữa cả, không cần phải thật giàu có, quyền hành lớn hay danh vọng cao ngất, không cần mình phải ở trên người này, trước người kia.

          Con người ta sở dĩ tàn hại lẫn nhau, cư xử thô bạo và hằn học với nhau, là do không có hạnh phúc trong lòng. Đức Phật thấy được mối nguy hại của những người không có hạnh phúc. Ngài nói rằng họ có thể nói và hành động gây tổn thương người khác, sẵn sàng gieo rắc niềm đau cho tha nhân. Đây là lời Phật: “Ta đã nhìn sâu vào trong tâm ý của những người không có hạnh phúc và ta đã thấy một mũi dao nhọn được che giấu dưới những niềm thống khổ của họ. Họ ôm mũi dao nhọn ấy đi và làm cho niềm đau trong họ tràn ngập thế giới ”.

          Quả thật, người không có hạnh phúc là người đang mang con dao nhọn trong tâm, sẵn sàng làm trái tim người khác rỉ máu. Người ta bất an và khổ đau rồi người đem cái bất an và khổ đau đối xử với người, với đời như là một cách để trả thù người, trả thù đời. Cuộc đời là vậy mà trở nên bất an chồng chất bất an, khổ đau nối tiếp khổ đau, trải dài vô tận. Con người ta nếu thật sự có hạnh phúc trong lòng thì tâm hồn chứa chan một khung trời yêu thương, mọi hành động và lời nói đều trở nên tử tế nhẹ nhàng, từ ái bao dung.

          Người không có hạnh phúc thường rất dễ bộc lộ những cáu gắt, giận dữ, sân si,  dễ bị kích động làm điều ác độc với mọi người. Cho nên sự ứng xử của bạn ra sao, có nhẹ nhàng  tử tế hay không; lối sống của bạn thế nào, có thong dong tự tại hay không, đều tuỳ thuộc vào niềm hạnh phúc trong chính nội tâm bạn. Nếu bạn có hạnh phúc, bạn san sẻ hạnh phúc đó với mọi người bằng những lời nói nhẹ nhàng, từ ái, bằng những hành động tử tế, yêu thương, vì hạnh phúc mà bạn có không phải là đạt được một cái gì đó, hay chiến thắng từ một cuộc tranh giành hơn thua, hạnh phúc của bạn là từ bản chất của bạn, bản chất yêu thương, lòng bi mẫn trong bạn. Cho nên mỗi khi có sự bực tức, giận dữ, phiền não, bất an, hãy tự nhủ thầm rằng ta vốn là người hạnh phúc, bản chất ta là hạnh phúc, tự tính ta là an lạc, thì tự nhiên trong tâm phát sinh một năng lượng an lành đủ sức xua tan mọi suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực ấy.

          Bạn khổ đau hay hạnh phúc, điều đó tuỳ thuộc vào mục đích mà bạn nhắm đến trong cuộc sống là gì. Là danh vọng, là địa vị, là quyền hành, là thành đạt, là nổi tiếng hay chỉ đơn giản là người hạnh phúc. Là danh vọng, quyền hành, địa vị, bạn phải chiến đấu, đấu tranh, giành giật, bạn không  chịu ở dưới quyền người khác, không chịu sự sai sử của người khác. Bạn lúc nào cũng nghĩ cách làm sao để có quyền uy hơn họ, địa vị trên họ, nổi tiếng hơn họ. Ai hơn bạn quyền hành, ai hơn bạn địa vị, bạn rất khó chịu và sẽ ganh ghét đối với họ. Và chính điều này là gốc rễ của bất an, khổ đau. Còn nếu cái đích mà bạn nhắm đến là hạnh phúc, bạn chọn cuộc sống tĩnh lặng, không màng đến quyền hành và địa vị, không có nhu cầu phải hơn người này hay điều khiển người kia. Bạn là một người hạnh phúc. Chính vì vậy mà trong một lần so sánh hạnh phúc với các bậc vua chúa, Đức Phật nói rằng Ngài là người hạnh phúc nhất, vì Ngài có một đời sống tĩnh lặng. Các bậc vua chúa tuy có nhiều quyền hành và tài sản, nhưng không có được một cuộc sống tĩnh lặng. Mà hạnh phúc từ sự tĩnh lặng là hạnh phúc cao tột nhất, không có hạnh phúc nào sánh bằng. Vì vậy sự tĩnh lặng. là sự hạnh phúc nhất.

   Trích :  Hãy là người hạnh phúc : Hoàng Nguyên- VHPG số 302- 1-8-2008.

{]{         

ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét