Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

HỎI – ĐÁP VỀ ĐẠO PHẬT

HỎI – ĐÁP VỀ ĐẠO PHẬT

       Hỏi :  Tôi là một phật tử. Tôi cảm thấy buồn khi Phật giáo, một tôn giáo hiền hoà có giáo lý thâm sâu và trong sáng, lại không có tín đồ đông đảo như số tín đồ của một vài tôn giáo khác. Xin cho biết ý kiến.

          Đáp : Nỗi buồn của bạn không có cơ sở vững. Một tôn giáo có số tín đồ đông không hẳn là tôn giáo đó nổi trội so với các tôn giáo khác về nhiều phương diện. Huống chi, con số thống kê chưa hẳn là đúng và chỉ trong giai đoạn hiện tại; trong sự thăng trầm của một tôn giáo diễn biến, thay đổi theo từng giai đoạn, thời đại …Niềm tin vào một tôn giáo không nên dựa vào số tín đồ đông hay ít của tôn giáo ấy.

Theo thống kê hiện nay, số tín đồ của các tôn giáo chính  như sau: Thiên Chúa giáo 2,1 tỷ người; Hồi giáo 1,5 tỷ người; Ấn giáo 900 triệu; Tôn giáo dân gian Trung Quốc:  394 triệu ;  Phật giáo: 365 triệu và từ 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ không chính thức. Các tôn giáo còn lại ngoài các tôn giáo kể trên có số tín đồ ít hơn nhiều. Như vậy, Phật giáo đang được xem là một trong những tôn giáo có số tín đồ lớn nhất trên thế giới. Các thống kê khác cũng cho biết số tín đồ cũng như các hoạt động của Phật giáo đang gia tăng  khá nhiều ở khắp các nước. Ví dụ ở Úc, trong vòng 5 năm kể từ 1986 đến 1991, tín đồ Phật giáo từ 80.387 người đã tăng lên đến 200.000 người. Uỷ ban Tôn giáo Liên Hiệp Quốc cho biết vào năm 2005, số Phật tử tại Hoa Kỳ là 1.527.000 người. Các trung tâm, tự viện Phật giáo càng ngày càng nhiều. Tại Ý, trong vòng 15 năm qua, số phật tử tăng 4,5 lần; sinh hoạt tại 5 trung tâm Phật giáo, 4 ngôi chùa, 2 tu viện, 35 thiền viện, 18 trung tâm văn hoá Phật giáo và 3 tờ báo Phật giáo. Một ấn tượng của Phật giáo Việt Nam là Hệ phái Khất sĩ Việt Nam hiện nay có 298 tịnh xá tại Hoa Kỳ, 76 tại châu Âu, 45 tại Canada, 42 tại Úc và 16 tại châu Á.

Có nhiều lý do khiến Phật giáo chưa được phát triển và phổ biến  tương xứng với tầm quan trọng của tôn giáo này. Sau đây là một số lý do cơ bản.

          1- Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ và du nhập gần khắp châu Á. Nhưng một số triều đại phong kiến ở một số nước châu Á từng ngăn chặn sự phát triển của Phật giáo. Đáng kể nhất là ở Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 6,  vua Hung nô là Mihirakula ủng hộ Bà la môn giáo, đã ngăn chặn sự phát triển của Phật giáo, san bằng 1.600 tự viện. Vào thế kỷ thứ 7, vua Suddhanvan xứ Ujjain ủng hộ bà la môn giáo đã ra lệnh giết tất cả tín đồ phật giáo, ai không theo sẽ bị xử tử. Đến thế kỷ thứ 12. Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, quân đội của Muhamad Churi đã giết cả chục ngàn Tăng sĩ Phật giáo. Thế là Phật giáo gần như mất hẳn tại xứ sở của đức Phật.

2-  Giáo lý của Phật giáo thâm áo, không dễ gì lĩnh hội đầy đủ vì chính Đức Phật sau khi Đại Chứng ngộ đã từng e ngại người đời khó hiểu được Phật pháp. Quả thực, Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ và những người có trí tuệ để thông hiểu Phật pháp thì không nhiều.

3- Bản chất của Phật giáo là hiền thiện, nhu hoà, từ bi. Phật giáo không dụ dỗ hay đe doạ, xâm hại, ép buộc những người không phải Phật giáo phải theo đạo Phật. Phật tử không như một số tín đồ của một vài tôn giáo khác theo chân thực dân triệt phá, giết hại những người không theo tôn giáo của mình. Đây là tình trạng của các quốc gia bị xâm chiếm trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc được người phương Tây phát triển trong các thế kỷ 16 đến 19; tại các thuộc địa, tín ngưỡng, văn hoá, kiến trúc, và tôn giáo truyền thống đều bị triệt hạ và tôn giáo mới của thực dân cứ thế mà phát triển khắp các xứ bị xâm lược.

4- Phật giáo chỉ được người phương Tây biết đến cách đây vài ba thế kỷ qua các nhà truyền giáo của họ và qua các quan chức trong hệ thống cai trị của thực dân. Các nhà nghiên cứu giới thiệu các tác phẩm, các bản dịch kinh điển  Phật giáo chỉ cách đây một thế kỷ; trong khi Thiên Chúa giáo phát triển tại châu Âu hơn 10 thế kỷ và ở các nước châu Mỹ, châu Phi cũng khoản 5 thế kỷ nay.

5- Về mặt tổ chức và hoạt động, Phật giáo chưa có một hệ thống chặt chẽ,  không có giáo quyền,  không có trung tâm lãnh đạo quốc tế; việc giảng pháp, thực hiện hoạt động xã hội chỉ là tuỳ tiện. Số giảng sư cũng tuỳ tiện, không được cơ quan, tổ chức nào giao nhiệm vụ. Trong khi đó, Thiên Chúa giáo La Mã có Toà thánh Vatican tấn phong và điều khiển 415,348 linh mục, 693.575 nữ tu  (theo tinvui.net  ngày 24-11-2015).

Mặc dầu với những trở ngại nêu trên, Phật giáo vẫn có số tín đồ đông đảo, được xem là một tôn giáo có truyền thống cổ xưa, là một trong vài tôn giáo quan trọng nhất hiện nay. Phật giáo lại đang trên đà phát triển và có thể không lâu nữa tín đồ sẽ tăng lên nhiều. Nhưng vấn đề không phải là số tín đồ nhiều hay ít như đã nói ở trên. Người Phật tử không có bổn phận để khiến người không tôn giáo hay có tôn giáo khác trở thành tín đồ phật giáo. Người phật tử có bổn phận tự tu và làm sao để giúp mọi người sống hiền thiện, vơi đi khổ đau, giảm thiểu tham sân si…sống phù hợp với giáo lý của Đức Phật./.

                              Trích : Hỏi Đáp : Bàng Ẩn  VHPG số 2381-12- 2015 .

]


HỎI – ĐÁP VỀ ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét